Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 35-37)
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavid? Vì chính Đavid được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt kẻ thù con làm bệ dưới chân con". Chính Đavid gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là con Đavid được?". Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.
SUY NIỆM 1
Tục hoá Thiên Chúa là trào lưu đang được nhiều người yêu chuộng. Người thời đại thích nói về Thiên Chúa, nhưng không là một vị Thiên Chúa được chính Ngài mặc khải, mà là do con người tô vẽ lên. Đức Thánh cha Phanxicô đã nhắc nhở: Đức tin Công Giáo của nhiều người ngày nay đang bị thách thức bởi sự nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa. Một mặt, đây là một phản ứng của con người trước một xã hội duy vật, tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa, nhưng mặt khác, đây cũng là một sự khai thác sự yếu đuối của những người sống trong nghèo khổ và bên lề xã hội… (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng số 63). Không những thế nhiều thế lực nhân danh Thiên Chúa để gây ra bao nhiêu là hận thù, bạo lực và oán ghét.
Tục hoá Thiên Chúa không mang lại điều gì ngoài việc làm cho sự đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức của cá nhân và tập thể về tội lỗi suy yếu dần, và chủ nghĩa tương đối ngày càng gia tăng. Từ đó cuộc sống của con người ngày càng bất an, xã hội đánh mất các mối tương giao nhân vị tốt đẹp và gia đình không còn là mái ấm, nơi đó nhân cách của các thành viên được phát triển, nhưng gia đình đã trở thành nhà trọ, các giá trị nền tảng gia đình đang chết dần.
Vâng con người luôn mãi là thụ tạo, nơi con người không có sự toàn hảo và vì thế, những gì xuất phát từ con người luôn bị chi phối bởi sự hạn hẹp và mỏng dòn. Những điều tốt đẹp chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Bởi thế, khi đối diện với Đức Kitô, chứng kiến những việc người làm, và nhất là nhìn thấy cái chết của Người trên thập giá, viên sĩ quan đã phải thốt lên: “quả thật ông này là Con Thiên Chúa”. Vâng, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể tỏ bày những điều cao đẹp như thế. Do đó, để có thể kiến tạo một xã hội lành mạnh, một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống an vui không gì hơn là khẳng định lại và tuân giữ những giá trị cao đẹp mà Chúa Kitô đã tỏ bày và được Giáo Hội tiếp tục giảng dạy. Bởi Người là Thiên Chúa và những gì Người dạy bảo đều hướng tới một mục đích duy nhất, đó là cứu rỗi nhân loại và làm cho con người đạt tới hạnh phúc.
Là người Kitô hữu, chúng ta khẳng định lại niềm tin của mình, đừng tôn thờ tiền bạc, danh vọng như tôn thờ Chúa Giêsu, bởi của cải vật chất, danh vọng không là Thiên Chúa, không thật sự mang lại an vui và hạnh phúc, nhưng trái lại chúng có thể gây ra sự bất an, phiền não, hận thù, bạo lực… Chúng ta tôn thờ Đức Giêsu là Chúa, bởi Người đến từ Thiên Chúa, Người là dung mạo của Thiên Chúa Cha đầy lòng thương xót.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên vững niềm tin và đừng để đức tin của chúng con bị chi phối bởi tình cảm mang tính cá nhân chủ nghĩa, nhưng phải phản ánh một sự xác tin vào tình yêu của Chúa để chung tay xây dựng hoà bình, kiến tạo sự bình an và giúp đỡ những người cùng khốn. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?
Trong các bài Tin Mừng của những ngày vừa qua, thánh sử Mác-cô kể lại những nhóm người khác nhau (Pha-ri-sêu, Hê-rô-đê, Xa-đốc và kinh sư) thay phiên nhau đến chất vấn Đức Giê-su về những vấn đề thuộc bình diện xã hội (đóng thuế), niềm tin (sự sống lại) và về các điều răn (điều răn đứng đầu). Họ đặt câu hỏi không phải để đi tìm ánh sáng Chân Lý, nhưng là để « Người phải lỡ lời mà mắc bẫy ! » (c. 13).
Nhưng Đức Giê-su dùng chính ý muốn làm hại Người, như trong cuộc Thương Khó, để bày tỏ sự khôn ngoan thần linh của người, đến độ « họ hết sức ngặc nhiên về Người » (c. 17), một trong các kinh sư « thấy Đức Giê-su đối đáp hay » (c. 28), và sau cùng « không ai dám chất vấn Người nữa ! » (c. 34).
Và trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay, ngang qua đám đông (x. Mc 12, 37), những người Pha-ri-sêu (x. Mt 22, 41), các kinh sư (x. Lc 20, 39-41), đến lượt Đức Giê-su, chính Người chất vấn những người đã đến chất vấn Người, về chính căn tính của Đấng Ki-tô, nghĩa là của chính Người, khởi đi từ niềm tin của người Do thái và lời Kinh Thánh :
Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?
(c. 35)
Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?
(c. 37)
Xin cho chúng ta biết đi tìm lời giải đáp cho mọi vấn đề của loài người và của từng người chúng ta nơi Đức Giê-su Na-da-rét, là « Đấng Ki-tô » và là Con Thiên Chúa hằng sống.
- Lời nguyện Thánh Vịnh
Sách Thánh Vịnh là tập sách gồm 150 Thánh Vịnh, được biên soạn bằng tiếng Do thái và làm thành một trong các sách quan trọng của phần Cựu Ước (x. Lc 24, 44). Ai là tác giả của các Thánh Vịnh? Xưa kia người ta có thể trả lời : « đó là vua Đavít », bởi vì dân tộc Israel, kể cả những người của Tân Ước đã gán các Thánh Vịnh cho Đavít. Tuy nhiên, khoa chú giải Kinh Thánh hiện đại cho chúng ta biết rằng việc gán tên này chỉ có gía trị biểu tượng: danh xưng « Đavít » là dấu chỉ mà ở đó cả Israel đã nhận ra mình, nó tập hợp tất các thi nhân vô danh đã viết các Thánh Vịnh[1]. Trên bình diện lịch sử biên soạn, các nhà chuyên môn nhìn nhận có một “hạt nhân” cổ xưa từ thời vua Đavít (từ năm 1000), sau đó các Thánh Vịnh khác được biên soạn từ từ dọc theo suốt dòng lịch sử Israel cho đến tận thế kỷ II trước công nguyên[2].
Điều này làm cho hình ảnh của sách Thánh Vịnh thêm đẹp hơn, vì giống với các thánh đường cổ xưa, vốn mang dấu vết của nhiều giai đoạn lịch sử, đến độ có thể thâu tóm cả chiều dài lịch sử. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh, vốn cũng là Lời Chúa, có tầm mức lịch sử cứu độ hướng đến Đức Ki-tô và được Đức Ki-tô hoàn tất ; tương tự như hình ảnh « Vua Đa-vít », vua Đa-vít hướng tới Đức Ki-tô, Đấng vừa là con vua Đa-vít và vừa là Con Thiên Chúa (x. Lc 1, 30-33).
* * *
Trong sách Thánh Vịnh có nhiều lời nguyện diễn tả niềm hi vọng về Đấng Ki-tô sẽ đến (Tv 2 ; 21 ; 45 ; 72 ; 89 ; 101), đặc biệt là Tv 110 (109), vốn là Thánh Vịnh mà Giáo Hội cho chúng ta đọc vào giờ Kinh Chiều II của tất cả Chúa Nhật :
Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi:
bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.
bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.
(Tv 110, 1)
Người Do thái mong chờ một Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và họ hi vọng « con vua Đa-vít » sẽ tái lập vương triều vua Đa-vít thuộc bình diện xã hội và chính trị. Để giúp người nghe, người Do thái xưa kia và mọi người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, hiểu đúng về tước hiệu và sứ mạng của « Đấng Ki-tô Con vua Đa-vít », Đức Giê-su dựa vào chính niềm tin lời nguyện Thánh Vịnh là lời nguyện của vua vua Đa-vít, và đặt câu hỏi : « Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? » (c. 37).
Theo Đức Giê-su, Đấng Ki-tô không chỉ là con vua Đa-vít, nhưng một cách nghịch lý còn là « Chúa Thượng » của vua Đa-vít, nghĩa là còn là Con Thiên Chúa, và vì thế Vương Triều của Người không thuộc về thế gian này (x. Ga 18, 36)
- Đức Giê-su Nazarét : Con vua Đa-vít và là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa
Câu hỏi của Đức Giê-su chỉ có thể tìm được câu trả lời nơi chính ngôi vị của Người và kinh nghiệm đích thân gặp gỡ và đi theo Người, như Người hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? (Mc 8, 29).
Nhưng để hiểu Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta nên bắt đầu từ đâu và giai đoạn nào ? Cũng tương tự như tìm hiểu một người, chúng ta phải trở về « nguồn gốc » của Ngài. Nói về nguồn gốc, chúng ta nghĩ ngay đến hành trình từ trời xuống thế, nghĩa là nguồn gốc theo chiều dọc, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : « Người đã từ trời xuống thế ». Nhưng các Tin Mừng trình bày cho chúng ta một nguồn gốc khác, theo chiều ngang, đó là bản gia phả, hay nguồn gốc của Đức Ki-tô, vì Ngài cũng là Con của Con Người, như sau này Ngài thích tự xưng như thế, và nhất là Ngài có sứ mạng « mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền » của loài người và của từng người chúng ta.
Đức Giê-su Ki-tô vừa có nguồn gốc trực tiếp từ Thiên Chúa, vừa có nguồn gốc từ một dân tộc như chúng ta, và vừa có cùng nguồn gốc với chúng ta. Giống như mỗi người chúng ta : vừa thuộc về một dân tộc, vừa thuộc về loài người, được Thiên Chúa tạo dựng. Tại sao Đức Ki-tô có hai nguồn gốc ? Đó là để mang lấy « mọi bệnh hoạn tật nguyền của ta », cho ý nghĩa và dẫn tới hoàn tất, với tư cách – và chỉ có thể với tư cách này – là Ngôi Lời Thiên Chúa, được sinh ra từ thủa đời đời.
Xin cho lòng chúng ta được bừng cháy, như hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 32), khi được ơn hiểu biết căn tính thần linh của Đức Giê-su Ki-tô, và khi nhận ra trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, Người mang lấy và làm cho hoàn tất mọi sự liên quan đến thân phận và lịch sử loài người, trong đó có từng người chúng ta hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Dĩ nhiên người ra cũng có thể nhận dạng được tác giả Thánh Vịnh căn cứ vào điều vị này nói, nhưng rất khó và hiếm.
[2] M. Mannati, Pour prier avec les Psaumes, « Cahier Evangile », n. 13, Paris, Cerf, 1975, tr