Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 05/06/2017

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 1-12)

Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa. Đến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người  này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa; nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết. Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, ông nghĩ rằng: "Chúng sẽ kiêng nể con trai ta".Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: "Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Đoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Đó là việc Chúa làm. Thật lạ lùng trước mặt chúng ta". Họ tìm bắt Đức Giêsu, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.
 
SUY NIỆM 1

Bằng dụ ngôn những tá điền sát nhân, Chúa Giêsu báo trước cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Người. Nhưng quan trọng hơn, bằng cách trích dẫn Thánh vịnh 118 của Cựu ước: “Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường” (Mc 12,10), Chúa còn cho thấy sự chiến thắng của mình sau khi bị giết chết.

Chúa không chết mãi, nhưng Người phục sinh. Chiến thắng trong phục sinh chính là hình ảnh viên đá bị loại, nhưng giờ đây đã thành đá tảng, đá gốc.

Trong vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu trở thành nguồn cứu độ vĩnh viễn cho cả trần gian qua mọi thế hệ. Người là “viên đá” vững bền xây nên tòa nhà Nước Thiên Chúa.

Với ơn phục sinh của chính mình, Chúa Giêsu như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.

Ngày xưa, vì lòng ganh ghét, các con của tổ phụ Giacob coi người em ruột của mình là Giuse như kẻ thù. Họ đã tìm cách sát hại em. Sau cùng, họ đã bán đứng em của họ. Đến thời Chúa Giêsu, cũng vì ganh ghét, các Thượng tế và kỳ lão Do Thái đã giết chết Đấng Messia mà toàn dân mong đợi bấy lâu nay.

Nhưng thật kỳ diệu, Giuse đã không bao giờ thù ghét anh em ông. Ông sẵn sàng tha thứ cho họ. Ông đã lấy ơn trả oán. Ông cứu sống họ trong lúc họ lâm cơn đói kém.

Ông Giuse ngày xưa là hình ảnh báo trước ơn tha thứ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không những tha thứ cho mọi người, nhưng Chúa còn lấy cái chết của Người để cứu chuộc cả những người hành hạ mình. Người đã trở thành “viên đá góc”. Người là “viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”.

Không có cách báo thù nào tuyệt vời bằng sự báo thù bằng lòng tha thứ. Chúa Giêsu đã dạy ta cách “báo thù” tuyệt vời ấy nhờ chính tấm gương tha thứ của Người.

Vì thế, nếu trong cuộc sống, ta có gặp phải những mất mát, thua thiệt, những thất bại, khổ đau, hãy xem đó là những đóng góp của ta như những viên đá góp phần xây nhà Hội Thánh Chúa. Ta cũng hãy tha thứ cho những kẻ gây nên những mất mát, thua thiệt mà ta phải gánh chịu.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết yêu thương tất cả mọi người, yêu thương cả kẻ thù như Chúa đã làm gương cho chúng con. Chính nhờ lòng yêu thương tha thứ, chúng con sẽ bình an hơn, lòng chúng con nhẹ nhõm hơn. Xin tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho kẻ có nợ chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Câu chuyện của ông Giuse (x. St 37, 12-27; 50, 19-20) loan báo cách Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được loan báo bởi dụ ngôn vườn nho, do chính Đức Ki-tô công bố. Nhưng câu chuyện của ông Giuse lại là hậu quả của nọc độc “quên ơn, nghi ngờ, ghen tị và ham muốn”, do ma quỉ gieo vào lòng con người ngay khởi đầu của sự sống (x. St 3). Hậu quả này, như chính chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, tiếp tục lan rộng và lan sâu trong lòng con người, trong thế giới của con người cho đến mầu nhiệm Nhập Thể và sau mầu nhiệm Nhập Thể.
Tuy nhiên, dụ ngôn “Những Tá Điền Vườn Nho” của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, và dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử nhân loại và lịch sử đời mình, không phải để nhận ra “công trình của Sự Dữ”, nhưng để nhận ra “CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA”.

  1. Ơn huệ vườn nho (c. 1)
Trước hết chúng ta hãy nhìn ngắm “công trình” của người chủ; và nếu thích, chúng ta có thể diễn tả bằng một hình vẽ.
  • Ông trồng một vườn nho; chúng ta hãy hình dung ra tất cả những gì phải làm để gầy dựng được một vườn nho (x. Is 5, 1-2); chắc chắn điều này đòi nhiều công phu và thời gian. Thế mà theo dụ ngôn, dường như ông thực hiện một mình! Thực tế không thể như thế, nhưng trong cách kể chuyện, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh điểm này, vì đó chính là một trong những chi tiết nói cho chúng ta về Thiên Chúa và công trình sáng tạo của Người. Chúng ta đừng quên đi vào tâm tình của ông.
  • Sau đó, ông rào giậu chung quanh; đâu là mục đích hay ý nghĩa của việc rào giậu? Như chúng ta đều có kinh nghiệm, điều này có thể có những ý nghĩa rất khác nhau, chẳng hạn để bảo vệ. Nhưng một cách căn bản, đó là cách thức để phân biệt, và phân biệt chính là xác định căn tính (chẳng hạn, việc xác định biên giới giữa hai nước). Rào giậu mang ý nghĩa đặt tên.
  • Trong vườn ông đào bồn đạp nho; ông đã nghĩ đến hoa trái và xa hơn nữa là rượu ngon đến từ những chùm nho chín. Ông có cả một kế hoạch mà điểm tới là có được rượu nho, biểu tượng của niềm vui xum họp. Đức Giê-su nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ thầy” (Ga 15, 8).
  • Ông xây một tháp canh; nhưng canh điều gì? Canh những nguy cơ đến từ bên ngoài; và đó có thể là những nguy cơ nào? Tuy nhiên, dụ ngôn của Đức Giêsu diễn biến theo một chiều hướng khác: những nguy cơn không đến từ bên ngoài, nhưng ngay ở trong khuôn viên vườn nho (x. St 2, 15). Nhưng những nguy cơ nghiêm trọng này có thể làm thất bại kế hoạch làm “rượu nho” của người chủ không?
  • Cuối cùng ông trao vườn nho cho các tá điền với sứ mạng “canh tác”. Các tá điền bây giờ mới được nhắc đến, nhưng là để đón nhận: đón nhận vườn nho đã được chuẩn bị thật công phu, và cũng đón nhận một sứ mạng.
Rồi ông trẩy đi xa. Chúng ta cần nhận ra lòng tin tưởng vô điều kiện ông đặt để nơi các tá điền. Chúng ta có thể nhớ lại ơn huệ sáng tạo trong sách Sáng Thế (x. St 1-3) và ơn hệ sự sống của chúng ta. Loài người được tạo dựng, mỗi người chúng ta được sinh ra, từng người chúng ta khi được tháp nhập vào Hội Dòng hay Tu Hội, tất cả mọi sự đã có sẵn, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: bản thân chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống và sự sống được tái sinh bởi ơn tha thứ mỗi ngày, Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta nhưng không mỗi ngày.
Hơn nữa, tương quan đích thật và trưởng thành không phải là tương quan hiện diện thể lí, nhưng là tương quan vắng mặt ngang qua các dấu chỉ. Khi chủ ở nhà, thì mình đương nhiên là tớ; nhưng khi chủ đi vắng, mình vẫn sống, vẫn ứng xử như là tớ, hay tự biến mình thành chủ? Và khi tự biến mình thành chủ, thì tất yếu sẽ là tai họa; điều này đúng trong mọi cấp độ: cuộc đời của mỗi người, gia đình, cộng đoàn…
  1. Quên ơn huệ (c. 2-9)
Chúng ta hãy để mình bị kinh ngạc bởi thái độ của các tá điền, nhất là khi dụ ngôn không cho chúng ta biết tại sao, tại sao họ lại hành động kì dị như thế?
  • Với người đầy tớ thứ nhất: họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. “Bắt, đánh đập và loại trừ”, đó là những hành động đặc trưng của sự dữ, mà những người công chính của Thiên Chúa phải chịu.
  • Với người đầy tớ thứ hai: họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Mức độ bạo lực gia tăng, vì đó là năng động tất yếu của bạo lực: đánh vào đầu là nguy hiểm đến tính mạng và bạo lực luôn đi đôi với chế diễu trên ngôi vị. Và nhạo báng cũng là một hình thức bạo lực gây đau khổ không kém bạo lực thể lí.
  • Rồi ông sai một người khác và nhiều người khác nữa. Trong những lần này, bạo lực của các tá điền đã đạt tới mực cực điểm là giết chết.
  • Cuối cùng, từ nhiều người sang một người, nhưng đó lại là tột đỉnh của mọi sự: “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu…”; đó là chi tiết nói về Đức Ki-tô trong tương quan Cha-Con với Thiên Chúa cách trực tiếp và rõ ràng nhất; trước khi hành động, mỗi bên đều có lời tự nhủ: “Chúng sẽ nể con ta”; còn các tá điền thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta”. Cả hai hành động đều là điên rồ (x. 1Cr 1, 17-25).
Chúng ta cần chú ý đến năng động tất yếu của bạo lực, giống như đá tảng rơi từ ngọn núi xuống, càng lúc càng nhanh và mạnh, từ nhân tính chuyển sang thú tính. Nhưng tại sao ông chủ không ngăn cản mà lại để cho nó đi đến cùng như thế? Đó cũng là vấn đề của cuộc Thương Khó. Và tại sao, họ lại có những hành động bạo lực đến kì lạ như vậy? Bởi vì họ muốn tự biến mình thành chủ, muốn chiếm đoạt điều không thuộc về mình; nhưng tại sao họ lại đâm ra như vậy? Bởi vì họ quên đi vườn nho là một ơn huệ, thậm chí sứ mạng canh tác và gìn giữ (x. St 2) cũng là một ơn huệ; ơn huệ vườn nho và sứ mạng canh giữ vườn nho nhắc nhớ sự hiện diện của “Đấng ban ơn”. Quên điều này tất yếu sẽ dẫn đến hành vi chiếm đoạt bằng lòng ham muốn, tất yếu dẫn đến bạo lực. Như thế, dụ ngôn cũng mặc khải sâu xa về con người trong tương quan với Thiên Chúa, không kém mặc khải đã được bày tỏ trong trình thuật Vườn Ê-đen (St 2-3).
Trong khi đó ơn gọi của các tá điền và cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, là nhận ra sự sống của mình, thế giới của mình, vũ trụ mình chiêm ngắm là một ơn huệ; và vì là một ơn huệ, con người được mời gọi sống và xây dựng cuộc sống như một lời đáp trả, một lời biết ơn: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, giờ đây con xin dâng lại Chúa tất cả”. Một trong những ý nghĩa của đời dâng hiến mà chúng ta đang được mời gọi sống đến cùng cách quảng đại, là để làm rõ ơn gọi này của con người. Chúng ta cũng hãy để mình kinh ngạc trước cách phản ứng của ông chủ, vì hành động của ông cũng kì lạ không kém, nhưng theo một năng động hoàn toàn ngược lại: thay vì bạo lực đối lại bạo lực; thì sự hiền lành đối lại bạo lực: sự hiền lành của ông được diễn tả ra cách cụ thể nơi hai nhóm đầy tớ được sai đi và nhất là của người Con Trai yêu dấu. Sự hiền lành này sẽ được Thiên Chúa thực hiện cách trọn hảo trong cuộc Thương Khó của Đức Kitô.
Dụ ngôn diễn tả cho chúng ta nhiều tột đỉnh, nhưng là để dẫn chúng ta đến một tột đỉnh khác ở bên ngoài dụ ngôn: Thiên Chúa lại chấp nhận đến cùng tội của con người và chuyển nó thành ơn cứu độ: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118, 22). Đó chính là “Tin Mừng”, bởi vì diễn tả mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá của Đức Ki-tô; và “Tin Mừng” này gợi nhớ nhiều biến cố trong lịch sử cứu độ, nhất là chuyện ông Giuse (St 50, 18-20), người công chính bị bách hại trong Tv 22, và Người Tôi Tớ Đau Khổ (x. Is 52, 13-53, 12). Đó chính là:
Công trình của Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta
.

  1. Đó là CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA (c. 10-12)
Câu chuyện ông Giuse và dụ ngôn của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử loài người và lịch sử của từng người chúng ta, dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô ; đọc lại như thế, không phải để nhận ra « công trình » của Tội và Sự Dữ, vốn làm cho chúng ta sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng là nhận ra « CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA ». Và công trình của Thiên Chúa thì khác hẳn với công trình của con người, với lối suy nghĩ của con người. Thật vậy :
  1. Tội và sự dữ không làm thất bại thất bại kế hoạch sáng tạo và cứu độ, vì Thiên Chúa chiến thắng sự chết, vốn là hành động sau cùng của Tội và Sự Dữ : “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
  2. Hơn nữa Thiên Chúa dùng chính sự dữ, để cho đi tới cùng, để bày tỏ sự hiền lành tuyệt đối, và đó chính là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa (sự hiền lành của ông chủ vườn nho).
  3. Vẫn chưa hết, đó là cách Thiên Chúa vừa tha thứ cho chúng ta, và vừa giải thoát chúng ta khỏi tội và sự dữ:
  • Bằng cách bảy tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt thật của sự dữ (chữa bệnh phải thấy được nguyên nhân), khi để cho sự dữ đi tới cùng ; và nhận ra sự dữ có mặt ở khắp nơi trong chúng ta và giữa chúng ta. Thấy Sự Dữ, chúng ta được chữa lành rồi, vì Sự Dữ không “tương hợp” với chúng ta, vốn được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện. Vì thế, ngay cả kẻ dữ, khi làm điều dữ, cũng phải che đậy, phủ lên một lớp vỏ tốt đẹp. Và điều này được thể hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thương Khó.
  • Nhưng không phải để « ác giả ác báo », nhưng để nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa vô biên vô tận ; và chính tình yêu và lòng thương xót vô biên vô tận, chứ không phải nỗ lực « đền tội và canh tân » của chúng ta, biến đổi con tim chúng ta và khơi dậy tâm tình biết ơn và lòng cảm mến ; chính sức mạnh tình yêu Thiên Chúa cuốn hút và lòng ước ao ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, ước ao để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu và lôi cuốn, sẽ lôi chúng ta ra khỏi sức hút của sự dữ.

Đó chính là công trình kỳ diệu, là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, khác hẳn với sức mạnh và khôn ngoan của con người, luôn rạng ngời trong trong lịch sử cứu độ và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, từ ơn huệ sáng tạo đầy thách đố đến ơn huệ sáng tạo đầy ánh sáng, niềm vui và sự sống, trong Chúa và cùng nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc