Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận thuật trong chứng từ: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một người cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng và tha thiết. Một ngày ngài vào Nhà Nguyện cầu nguyện đến bảy lần và nhất là cầu nguyện ban đêm. Vì Đức Giáo Hoàng là bạn của tôi. Nên hồi còn làm Linh Mục, Giám Mục, rồi Hồng Y, mỗi khi đến Roma thì ngài đến trọ ở nhà tôi. Nhưng có nhiều lần tôi gặp ngài ban đêm và thấy ngài cứ nằm sấp, hai tay giang ra như hình Thánh Giá như vậy, nằm trên sàn đá ở Nhà Nguyện. Tôi sợ ngài đau, hoặc bị cảm, sưng phổi, nên tôi phải làm cái nền Nhà Nguyện bằng gỗ cho ngài nằm!” Đức Hồng Y Thuận nhận xét: “Đức Giáo Hoàng cầu nguyện luôn như vậy, cầu nguyện nhiều lắm, hoàn toàn tín thác, tin tưởng nơi Đức Mẹ. Vì thế, ngài không tiếc gì và không sợ gì, dám làm những chuyện mà người khác không dám làm .”
Đức Hồng Y Fx. Thuận kể thêm: “Có lần tôi đi qua bên Mêhicô năm 1999. Đức Thánh Cha tới trước. Ngài đến để công bố Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” (Ecclesia in America) và ngày cuối cùng, 26.1.1999, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ giới trẻ ở sân vận động. Gặp xong, khi về nhà, Đức Thánh Cha nói với Đức Sứ Thần Tòa Thánh: “Mệt quá hè! Thôi đi ngủ!” Chính Đức Sứ Thần Tòa Thánh về sau thuật lại với tôi: “Lúc ấy tôi mệt quá sức, nên khi nghe Đức Thánh Cha nói: “Thôi đi ngủ!” Tôi mừng quá, vì tôi mệt rã người ra rồi ... Tôi thì sợ không biết Đức Thánh Cha có thức dậy nổi không, nhưng ngài lại dặn dò tôi: “Sáng mai, nếu Đức Cha muốn đồng tế với tôi thì vào Nhà Nguyện, chúng ta đồng tế với nhau .”
Đức Sứ Thần kể tiếp với tôi: Tôi về phòng, ngủ một giấc, ngủ say, sáng hôm sau, thức rồi mà chưa muốn dậy nữa! Nhưng tôi phải lo, trước 8 giờ, tôi chạy tới phòng Đức Thánh Cha, thấy anh sĩ quan vệ binh Thụy Sĩ gác ở đó, tôi hỏi: Anh có thấy Đức Thánh Cha chưa? – Dạ có! – Anh thấy lúc nào? – Thưa con thấy Đức Giáo Hoàng lúc 12 giờ đêm ... Tôi ngạc nhiên quá hỏi tiếp: Vậy ngài đi đâu? – Thưa đi Nhà Thờ? Tôi kinh ngạc hỏi lại: Ngài đi Nhà Thờ lúc 12 giờ đêm? – Dạ đúng, ngài đi lúc 12 giờ đêm. – Vậy ngài có về phòng không? – Dạ không! Ngài có dặn con rằng: Sáng mai, nếu Đức Sứ Thần Tòa Thánh đến tìm cha, thì nói ngài vô Nhà Thờ, cha đợi ngài đồng tế! Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói với Đức Hồng Y Thuận: Mình mệt như vậy, mà Đức Giáo Hoàng thì thức cả đêm! Lại vào Nhà Thờ ở với Chúa cả đêm. Và Đức Hồng Y Thuận kết luận: Đối với Đức Thánh Cha, cầu nguyện như thế là chuyện bình thường … (Chứng từ của Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận).
Tin Mừng theo Thánh Luca, “Đức Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng .” Cần kiên nhẫn cầu nguyện, tận tình như bà goá nọ, cứ mãi nài van ông thẩm phán thiếu lòng thương xót, minh oan cho bà. Tuy Thiên Chúa luôn tràn đầy Lòng Thương Xót, nhưng tín hữu cầu nguyện cần đúng đắn nhận thức thân phận thụ tạo, tự hạ, luôn bền chí, chuyên tâm, kiên cường, trong Tin Cậy Mến.
Thành tín cầu nguyện
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường sấp mình cầu nguyện là tấm gương hạ mình sáng chói cho tất cả Kitô hữu noi theo. Tự hạ với lòng tin chân thành, nồng nhiệt, lời cầu nguyện mới xứng đáng dâng lên Thiên Chúa, chứ không phải chỉ khuya môi múa mép, hay tuân thủ nghi thức bên ngoài. Nếu không, thì thật đáng buồn, khiến Đức Giêsu lại phải trách: “Ngôn Sứ Isaia thật đã nói rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6 ).
Thành tín là chìa khoá mở vào phòng cầu nguyện, là điều kiện tiên quyết để dâng lên Chúa tất cả tâm tình biết ơn, cảm tạ, chúc tụng, ngợi khen biết bao hồng ân Chúa, ban tặng cho tất cả mọi loài thụ tạo trong từng giây phút cuộc đời. “Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21, 22).
Thánh Giacôbê Tông Đồ luôn khuyên nhủ tín hữu xác tín mà cầu nguyện: “Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1, 6).
Kính mến cầu nguyện
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 6 và 16), nên cầu nguyện còn là cuộc gặp gỡ nóng bỏng lòng mến của người con với Cha nhân từ. Ngài không bao giờ từ chối điều gì có lợi ích cho phần rỗi con cái. "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người ." (Lc 11, 11-13).
Kính mến Chúa qua việc lắng nghe, vâng phục tuân giữ Lời Chúa thực thi Thánh Ý. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23). Lời Đức Giêsu hằng mời gọi luôn tỉnh thức và cầu nguyên, hầu được cứu rỗi. “Hãy tỉnh thức luôn, cầu nguyện xin cho sức tránh thoát mọi điều sắp xảy đến, và được đứng vững trước mặt Con người". (Lc 21, 36).
Trông cậy cầu nguyện
Cứ bền tâm vững chí, hoàn toàn phó thác, cậy trông vào quyền năng vô biên của Chúa, người Kitô hữu sẽ không phải chịu thất vọng, không bao giờ về tay trắng. Cứ kiên trì vững cậy."Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (Lc 11, 9-10).
Đức Giêsu đã công khai hứa ban cho những ai nhân danh Người mà kêu xin, thì Người sẽ ban cho để Danh Chúa được cả sáng: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó .” (Ga 14, 13-14).
Dẫu chịu khốn khó, thử thách liên tục, vẫn cứ mãi kiên trì cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, như thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Roma hãy trung kiên: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12, 12).
“Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự, sẽ nghe lời con ." Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử” (Đường Hy Vọng, số 127).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lửa mến nồng nhiệt, niềm tin chân thành, lòng cậy vững bền, để chứng con luôn khao khát tìm đến với Chúa tâm sự, qua cầu nguyện liên lỉ suốt đời. Khấn xin Mẹ dạy chúng con siêng năng cầu nguyện, để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, quyết tâm thực hành Thánh Ý, cũng như dâng lên Chúa tất cả niềm vui, nỗi buồn, thành công, lẫn thất bại, để được Chúa yêu thương an ủi, che chở và cứu độ. Amen!
AM. TRẦN BÌNH AN
***************************************************************
Từ thế giới này đến thế giới vĩnh cửu!
Một trong những cuốn sách nổi tiếng và bán chạy nhất là cuốn "On Death và Dying" (Hấp Hối và Chết). Tác giả cuốn sách này diễn tả sự chết qua 5 giai đoạn sau đây: 1) Giai đoạn từ chối và không chấp nhận cái chết (denial), 2) Giai đoạn tức giận (anger): "Tại sao tôi lại chết ?" 3) Giai đoạn mặc cả (bargaining) để tìm một lúc khác thuận lợi hơn, 4) Giai đoạn chán nản ngã lòng (depress), 5) Giai đoạn cuối cùng là chấp nhận (acceptance).
Tất cả mọi người chúng ta cho dù ở giai đoạn cuối của những cơn bệnh nạn hiểm nghèo hay ở bất cứ lúc nào, tùy theo mỗi người, thì ai cũng phải đối diện với sự chết. Từ lúc chúng ta lọt lòng mẹ là chúng ta bắt đầu cuộc hành trình tiến đến sự chết.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta thêm một giai đoạn thứ 6 mà tác giả ở trên đã không nhắc tới. Giai đoạn này là câu hỏi mà nhiều người phải đương đầu đó là "Chúng ta sẽ đi đâu sau khi chết ?"
Đã có rất nhiều thuyết về sự sống đời sau mà con người đã vẽ lên bằng trí tưởng tượng trong phạm vi của loài người. Mỗi một dân tộc đều có những nét đặc điểm của họ. Đối với người Hy Lạp ngày xưa, họ cho rằng cuộc sống đời sau như là một nơi cực lạc chan chứa niềm hạnh phúc và không có bất cứ một thay đổi gì về vấn đề thời tiết. Đối với người Ái Nhĩ Lan, sự sống đời sau giống như một hòn đảo của những người được chúc phúc (Island of the Blest). Trên hòn đảo này đầy những cây ngon vật lạ, mọi người đều vui mừng không ngớt, không có đêm hay ngày gì cả, và cũng không có tiếng khóc hay than van.
Tân Ước thì không cho chúng ta hình ảnh về thế giới đời sau theo tính cách của loài người. Tân Ước cũng không nói cho chúng ta biết kỹ lưỡng về những thiết kế của Nước Trời. Tân Ước cho chúng ta một vài hình ảnh như: Thành thánh Giêrusalem mới, kho tàng châu báu, căn nhà với nhiều chỗ ở, quốc gia mà Chúa Kitô làm Vua.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng đó là linh hồn bất tử và sự sống đời sau. Ngài trao ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6:51 ).
Chúa Giêsu chính là Bánh ban sự Sống. Ngài chính là sự hoàn thiện của chúng ta. Ngài chính là đích điểm mà chúng ta phải đi tới. Ngài đã trả lời cho câu hỏi mà nhiều người vẫn còn thắc mắc, "Sự sống đời đời là cái gì ?" Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Con quyền trên mọi phàm nhân là để Con ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Con. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô" (Ga 17:1-3).
Sự sống đời đời là nhận biết Cha, Đấng đã sai Con Một Ngài xuống thế gian để ban cho chúng ta Bánh Hằng Sống. Sự sống đời đời là đón nhận Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống từ trời xuống.