Bài Ðọc I: Xh 34, 4b-6. 8-9
"Thiên Chúa là Ðấng thống trị, từ bi và nhân hậu".
Trích sách Xuất Hành.
Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.
Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. - Ðáp.
2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Cr 13, 11-13
"Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen. Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 3, 16-18
"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Ðức Giêsu mạc khải. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ:
Chúa Cha ban sáng kiến - Chúa Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.
Ðón nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu. Lòng tin và yêu mến ấy phải thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Ðức Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm, chúng con càng cảm nghiệm hơn về tình yêu Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu phụng thờ Chúa. Xin cho gia đình, giáo xứ chúng con cũng biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chính lúc chúng con sống yêu thương là chúng con sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Amen.
BÀI GIẢNG LỄ CHÚA BA NGÔI LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY
Người Đông phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ, của con người và nhất là của Thượng Đế. Thực vậy, người Trung Hoa rất ít nói về Trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là những thực tại vô hình.
Người Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc lá giữa rừng cây bao la.
Trong khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, khác với những người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều. Chúng ta không thể giải nghiã một cách rành mạch mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, chúng ta có một số hình ảnh khai mở một chút về mầu nhiệm cao cả này.
1. Ánh sáng mặt trời
Ánh sáng xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Chúng ta hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng, thì một phần nào tương tự như thế, chúng ta cũng hiểu đôi chút về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.
2. Con sông
Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào
3. Cây cổ thụ
Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất. Chúa Con là thân cây và tất cả chúng ta là cành. Chúa Thánh Thần chính là nhựa cây lấy từ rễ cây để nuôi sống thân cây, cành cây và lá cây. Quả thật đây là một hình ảnh sinh động nói lên mầu nhiệm Giáo Hội và nhất là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính hôm nay. Lá cây phải làm việc đêm ngày, ấy thế mà lá không bao giờ ganh tị với hoa khi được con người đến chiêm ngưỡng. Lá cũng không bao giờ ghen tương với những trái cây khi con người nâng niu những trái chín mọng. Quả thật con người chỉ quan tâm đến những nụ hoa và những trái cây trên cành mà hầu như chẳng bao giờ để ý đến lá cây gì cả, ấy thế mà lá vẫn cứ âm thầm làm việc. Quả thật đây là một hình ảnh rất ấn tượng để giới thiệu cho con người tình yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta. Cũng như cây cổ thụ nói lên sinh hoạt của Chúa Ba Ngôi.
Trên đây là một số hình ảnh để giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng mầu nhiệm vẫn là một mầu nhiệm, nghĩa là không bao giờ hiểu thấu được. Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này: Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đã tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau :
Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa, tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy múc nước biển đổ vào.
Nhưng dã tràng xe cát Biển Đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự :
- Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.
Thánh nhân lắc đầu bảo nó :
- Cháu không thể làm chuyện đó được đâu.
Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :
- Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Thánh Augustinô chợt hiểu ra một chân lý: Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được. Amen.
Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa, tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy múc nước biển đổ vào.
Nhưng dã tràng xe cát Biển Đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự :
- Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.
Thánh nhân lắc đầu bảo nó :
- Cháu không thể làm chuyện đó được đâu.
Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :
- Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Thánh Augustinô chợt hiểu ra một chân lý: Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được. Amen.