Chỉ hai tháng trước, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội đã cử hành tưởng niệm Mình và Máu của Đức Ki-tô. Có vẻ hơi thừa khi sớm tưởng nhớ lại một ân ban này, nhưng việc cử hành của ngày hôm nay có một đặc tính khác. Thứ Sáu Tuần Thánh là một dịp trọng đại và hướng sự chú tâm của chúng ta vào cái chết của Đức Giê-su. Dịp lễ trọng hôm nay là niềm vui và tập trung vào sứ vụ đã được khởi sự từ ngày Lễ Ngũ Tuần: làm như Đức Ki-tô đã làm và chia sẻ tình yêu của Người cho thế giới.
“Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56)
Tin mừng hôm nay là một trong nhiều đoạn mà nơi đó thánh Gioan so sánh Đức Giê-su với Mô-sê. Qua Mô-sê, Thiên Chúa đã trao ban chiên Vượt Qua, nước trong sa mạc, bánh từ trời và Lời của chính Thiên Chúa chứa đựng trong bộ luật. Những món quà ấy đã đưa tới một sự sống nhưng mang tính nhất thời để nuôi dưỡng đời sống của dân Ít-ra-en. Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa cũng trao ban một con chiên, một nguồn nước sự sống, bánh bởi trời và một giới răn mới. Những món quà này đem lại sự sống vĩnh cửu.
Giao Ước của Mô-sê đã phát xuất từ sự thiết thân với Thiên Chúa. “Đức Chúa đã từng đàm đạo với ông Mô-sê mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Thánh Gioan tin rằng Người Con nhận biết một sự thiết thân sâu xa, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1,14). Khuôn mặt của Mô-sê rạng ngời với một vinh quang được phản chiếu; Người Con thì mặc lấy vinh quang của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã đến để mang tới sự kiện toàn cho công trình mà Mô-sê đã khởi sự từ núi Si-nai.
Với giáo huấn về việc ăn thịt và uống máu Người, Đức Giêsu gần như phá vỡ thần học có tính thanh nhã này. Giáo huấn này hẳn được hiểu rằng, Người đang nói về các biểu tượng, nhưng những biểu tượng này đang gợi lên sự phẫn nộ. Kinh Thánh Do Thái cấm ăn thịt người và một trong những điều cấm ngặt nhất trong luật Lê-vi là uống máu từ bất kỳ loài nào, dù sống hay chết. Thật không thể tin rằng loại ngôn từ như vậy có thể hoàn thành bất kỳ phần nào trong kế hoạch của Thiên Chúa ngang qua Mô-sê.
Đức Giê-su đã chọn những từ ngữ mạnh như vậy để thực hiện một điểm thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa. Như thịt của chiên vượt qua đã nuôi dưỡng một dân tộc trong cuộc chạy chốn và máu của chiên đã bảo vệ dân Ít-ra-en khỏi phải chết, thì Mình và Máu Đức Giê-su cũng nuôi dưỡng và bảo vệ một dân tộc mà Người đã chọn.
Bản trình thuật của thánh Gioan về Bữa Tiệc Ly thiếu đi việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta tìm thấy trong các Tin Mừng khác và thư của thánh Phao-lô. Thay vào đó, trong bài đọc hôm nay từ Tin Mừng của ngài, bgài so sánh Mình và Máu của Đức Giê-su với lương thực trần thế. Đoạn văn này được đặt không lâu sau việc hóa bánh ra nhiều và ngay trước cuộc tuyên xưng đức tin của Thánh Phê-rô. Đoạn văn này nối kết Đức Giê-su – Mô-sê mới với Đức Giê-su Ki-tô, một nguồn sống cho những ai tin vào Người.
Mình Thánh Đức Giê-su là một vị trí của hành động. Trong thân xác Người, Đức Giê-su đã chữa lành, đã nuôi ăn, đã tha thứ, kêu gọi và giảng dạy. Qua thân xác Đức Giê-su, nhân tính đã cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan dạy chúng ta hôm nay cách thức chúng ta cũng có thể làm là dâng lên Thiên Chúa một thân xác để hành động và một con tim để yêu thương, giống như Đức Giê-su.
Những nữ tu thành Liège thời trung cổ, những người đã thiết lập nên lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, đã ghép lòng sùng kính Thánh Thể với sự dấn thân mạnh mẽ cho những công việc bác ái. Tình yêu của họ đối với Đức Ki-tô đã hình thành nên thân thể của riêng họ, một nơi mà từ đó Thiên Chúa có thể hành động trong tình yêu. Vậy, chúng ta cũng phải tiếp nối sứ mạng của Đức Ki-tô.
Gợi ý cầu nguyện
Sự hiện diện của Mình Máu Đức Ki-tô đã tác động như thế nào trong đời sống của bạn?
Bạn để Đức Ki-tô hành động và yêu mến như thế nào qua bạn?
Dịch từ “Becoming the Body of Christ”
TUYÊN NGÔN TÂM LINH
Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con! Xin đoái đến lời tôi tớ Chúa cầu xin khẩn nguyện, mà lắng nghe tiếng kêu cầu của tôi tớ Ngài dâng trước tôn nhan hôm nay (1 V 8:28).
George Washington (1732–1799) luôn cầm sách cầu nguyện. Dưới đây là lời cầu nguyện của một vị tổng thống...
Lạy Thiên Chúa vĩnh hằng, con mạo muội đến trước Thánh Nhan uy nghiêm của Ngài sáng nay, cầu xin Ngài chấp nhận lời lời tạ ơn chân thành và khiêm nhường của con, cảm tạ lòng nhân lành của Ngài giữ gìn con một đêm qua khỏi mọi thứ làm nguy hiểm đến tính mạng, và ban cho con giấc ngủ an bình, nhờ đó con thấy thân xác con tươi mới và thoải mái để thi hành nhiệm vụ của ngày hôm nay, con xin Ngài che chở con khỏi mọi đau khổ phần xác và phần hồn.
Xin gia tăng đức tin của con theo lời hứa của Phúc Âm, xin ban cho con lòng sám hối vì những công việc ngớ ngẩn, xin tha thứ những lúc con lơ đãng, xin hướng dẫn tư tưởng của con theo tư tưởng của Ngài, lạy Thiên Chúa cứu độ. Xin dạy con cách sống trong niềm kính sợ Ngài, làm việc theo các phục vụ của Ngài, và bước đi trong huấn lệnh của Ngài, xin giúp con luôn canh phòng tâm hồn của con, không sợ lương tâm, không sợ nhiệm vụ thánh, không ưa thích tội lỗi, không miễn cưỡng từ giã cõi đời này, xin đưa con vào giấc ngủ tâm linh, hằng ngày làm cho con càng nên giống Con Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Xin giúp con sống trong niềm kính sợ Ngài và chết trong ân nghĩa của Ngài, xin cho con có thể ở trong thời gian ấn định của Ngài để được sống lại trong sự sống đời đời, xin chúc lành cho gia đình của con, bạn bè của con và thân nhân họ hàng của con.
Sự khiêm nhường, sự biết ơn, sự ăn năn, sự lệ thuộc và sự phục tùng là các phẩm chất tốt lành được trình bày ở đây. Hãy dành thời gian để suy tư về lời cầu nguyện của TT Washington, và hãy có những lời cầu nguyện của riêng mình.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin biến đổi con theo Thánh Ý Ngài, xin giúp con trở nên khí cụ bình an của Ngài, để mọi người có thể nhận ra Ngài nơi con, và xin cho con cũng nhận thấy Ngài nơi những người khác.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)