TÔI TIN THIÊN CHÚA BA NGÔI
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã phú ban cho con người một khả năng để hướng về Thiên Chúa và nhận biết Ngài. Hơn nữa, qua tiến trình mặc khải, Thiên Chúa cho con người nhận biết được các phẩm tính của Thiên Chúa cũng như chương trình và ý định của Ngài; mà đỉnh cao của công trình mặc khải là chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa. Ngài đã đến để mặc khải cho chúng ta biết được trọn vẹn về Ngài: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và Ngài có Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tin nhận và tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là do bởi Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta: Ngài là Cha yêu thương và hằng muốn cứu vớt tất cả mọi người. Xác tín được điều này, chúng ta an tâm vững bước trên hành trình đức tin với lòng thờ phượng tôn kính và quyết tâm sống cho phải đạo làm con với Thiên Chúa là cha của mình.
Mời Bạn: Người con thảo hiếu, ngoan hiền là người con biết vâng nghe và thực hiện lời răn dạy của cha mẹ. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được nhận là con cái của Thiên Chúa, chúng ta sống tốt bổn phận thảo hiếu đối với Ngài: tin kính, mến yêu, thờ phượng, vâng nghe và thực hành Lời Chúa.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy an tâm vững dạ vì mình được gọi là Con của Thiên Chúa không? Bạn đã làm gì để sống là người con thảo với Chúa?
Sống Lời Chúa: Muốn biết ý muốn của Chúa để thi hành, bạn dành ít phút mỗi ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Làm dấu thánh giá và đọc kinh Lạy Cha.
Thánh Barnabas
(thế kỷ thứ nhất) |
Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.
Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Ðồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu."
Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà "Thánh Thần phán bảo, 'Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy." Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi." Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm thì các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.
Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Ðồng Giêrusalem.
Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.
Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.
Lời Bàn
Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người "đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa." Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ "tràn ngập niềm vui và Thánh Thần."
Lời Bàn
Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người "đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa." Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ "tràn ngập niềm vui và Thánh Thần."
Kẻ Tháo Ðinh
Một trong những chi tiết trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa sĩ: đó là việc hạ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại việc ông Nicôđêmô và một người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse Arimahtia đã đến xin phép Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Trong hầu hết các bức tranh mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều tụy, không còn hình tượng của Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập giá. Một người tháo đinh ra khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi chân Ngàị
Một họa sĩ nọ, thay vì vẽ lại chân dung của hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những khuôn mặt của thời đại ông. Và người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu không ai khác hơn là chính ông. Khi được hỏi lý do tai sao ông lại đồng hóa mình với một trong hai người môn đệ, nhà họa sĩ đã giải thích như sau: "Những người như tôi rất thường đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để đóng đinh Chúa chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ chiếc đinh của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài".
Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi". Ðiều đó có nghĩa là do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào việc đóng đinh Ngài vào thập giá.
Thập giá vẫn luôn mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một biểu tượng, mà là một hiện thực. Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một, nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và nếu tội lỗi là một chối bỏ, thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa. Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người, nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn cùng, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi một lần chúng ta khước từ hay xúc phạm đến người anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá. Qua mỗi người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chịu đóng đinh.