Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

SUY NIỆM TIN MỪNG NGÀY 10-01-2020

Filled under:

LỜI CHÚA: Lc 5, 12-16
Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: "Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch". Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: "Ta muốn, hãy nên trơn sạch". Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch". Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

Suy Niệm 1

 Chữa một người phung hủi
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy cử chỉ ưu ái mà Chúa Giêsu dành cho những người cùng khổ, những kẻ bị xã hội ruồng rẫy.
Với sự nhạy cảm của một lương y, thánh sử Luca ghi lại một chi tiết đáng chú ý, đó là sự kiện Chúa Giêsu giơ tay chạm đến người phung hủi, biểu lộ một tình yêu xoá bỏ mọi ngăn cách, một tình yêu đi đến và dừng lại nơi những đau khổ của con người. Đối với Chúa Giêsu, con người cùi hủi ấy không còn là một phế nhân, môt kẻ bị loại bỏ, mà là một con người đáng cảm thông và thương yêu. Người phung hủi được chữa lành, nhưng nhất là được phục hồi nhân phẩm, được sống như một con người giữa mọi người.
Chung quanh chúng ta có biết bao người bị đẩy ra bên lề xã hội. Họ đang chờ đợi một cánh tay nâng đỡ, một lời an ủi, một nụ cười cảm thông. Bao nhiêu nghĩa cử là bấy nhiêu phép lạ.
Ước gì chúng ta biết sống thế nào để Chúa Giêsu có thể thực hiện phép lạ tình yêu của Ngài đối với tất cả mọi người.

Suy niệm 2
Trong  cuộc sống, cái gây nên đau khổ nhất cho con người chính là: bệnh tật và sự cô đơn. Bệnh tật làm cho con người thất vọng và nghĩ mình vô dụng, bệnh tật còn làm cho con người đau đớn thể xác, v.v. Còn sự cô đơn thì làm cho con người cảm thấy mình trở nên dư thừa, bị cô lập không được tiếp xúc với ai và cũng không ai thèm tiếp xúc với họ. Đau khổ nhất chính là bị đẩy ra một nơi xa cộng đồng, không được ở với cha mẹ, anh chị em và bà con xóm làng.

Tất cả những tâm trạng đó, nơi người bị bệnh phong, họ phải hứng chịu tất cả.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cử chỉ ưu ái mà Chúa Giê-su dành cho những người cùng khổ, những kẻ bị xã hội ruồng rẫy. Với sự nhạy cảm của một lương y, thánh sử Lu-ca ghi lại một chi tiết đáng chú ý, đó là sự kiện Chúa Giê-su giơ tay chạm đến người bệnh phomg, biểu lộ một tình yêu xoá bỏ mọi ngăn cách, một tình yêu đi đến và dừng lại nơi những đau khổ của con người. Đối với Chúa Giê-su, người bị bệnh phong ấy không là một phế nhân, môt kẻ bị loại bỏ, mà là một con người đáng cảm thông và thương yêu. Người bệnh phong được chữa lành, nhưng nhất là được phục hồi nhân phẩm, được sống như một con người giữa mọi người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta biết “đi ra” hướng về những người đang bị đẩy ra bên lề xã hội. Họ đang chờ đợi một cánh tay nâng đỡ, một lời an ủi, một nụ cười cảm thông. Bao nhiêu nghĩa cử là bấy nhiêu phép lạ.

Không chỉ dừng lại ở đó, người môn đệ Chúa Giê-su còn được mời gọi hãy biết yêu thương ngay cả người không đáng yêu, hãy tha thứ kẻ không đáng tha thứ. Đức Giê-su đã làm thế và chúng ta cũng phải làm như vậy, nếu chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.

Mong sao mỗi người chúng ta sẵn sàng chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau. Thập giá mà mỗi người chúng ta phải vác, sẽ nhẹ đi biết bao khi chúng ta biết bắt chước Đức Giê-su, giơ tay ra chạm đến người bệnh phong.

Xin Chúa Giê-su ban cho chúng ta được trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen. 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường