Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

SUY NIỆM HẰNG NGÀY NGÀY 29-1-2020

Filled under:

LỜI CHÚA: Mc 4,1-20

Suy Niệm 1

Phải chăng lỗi tại Chúa?
“Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường. Chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết hô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả: Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” (Mc. 4. 3-8)
Dụ ngôn Người gieo giống theo thánh Maccô này mang dấu vết của một bài biên soạn chịu ảnh hưởng đời sống Giáo hội buổi ban đầu, trước hết là vấn đề giải thích sự thất bại trong việc rao giảng Tin mừng, sau là ý nghĩa của từ “Lời Chúa.

Thất bại trong việc rao giảng
Maccô quả quyết điều này: với những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn… để họ không hiểu, kẻo họ trở lại…
Thoạt nghe ta thấy khó hiểu. Phải chăng Chúa Giêsu muốn kết án người đời? Tại sao Chúa lại không cho mọi người một cơ hội đồng đều? Chính điểm này làm ta khó chịu, và cũng đúng thôi. Nếu khi đọc ta chỉ đặt bản văn này vào trong bối cảnh của thời Chúa Giêsu.
Nhưng khi đặt nó vào khung cảnh đời sống Giáo hội buổi ban đầu, những khó khăn kia không còn nữa. Bởi vì ta thấy rõ thánh Maccô chủ tâm giải thích cho biết hoàn cảnh lúc ấy đã coi thường Tin mừng của Đức Kitô. Bằng lối hành văn khéo léo, thánh Maccô giải thích sự việc ở hiện tại, tức là sự thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng cho người Do thái, ngụ ý là điều đó Chúa Giêsu đã nhìn thấy và biết trước cả rồi.
Cuối cùng, Maccô nói thêm rằng để chương trình cứu độ nhiệm mầu của Chúa được thành công, người ta cần phải đọc và nhận được những dấu chỉ. Mạc khải không phải là một sứ điệp được che dấu và đem cất đi. Nhưng để đọc và hiểu sứ điệp, người ta cần phải có một tâm hồn sẵn sàng và cởi mở để hiểu điều Thiên Chúa muốn nói với ta qua lời của Người. Mà thường là tâm hồn người ta đã không được sửa sang và vun xới đủ.

Hiểu lời này của Chúa hôm nay
Trong Phúc âm có những cách viết, cách diễn tả khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta đọc sứ điệp và có được một lựa chọn sống phù hợp với lời này của Chúa. Chúng ta đón nhận như thế nào lời nói và gương sáng cuộc đời của Đức Kitô? Chúng ta có để cho lòng mình ngổn ngang trăm mối, sống quá hời hợt, giống như những người trố mắt nhìn mà không thấy chăng?

Khi sáng suốt nhìn vào mình, căn cứ vào kinh nghiệm và lịch sử đời mình, ta có thể giải thích đưọc tại sao ta phải thất bại? Tại sao ta không luôn luôn hiểu dược Phúc âm? Có thật phải lỗi tại Chúa chăng?



Suy niệm 2
 
Mỗi lần chúng ta nghe dụ ngôn người gieo giống của Chúa Giê-su, điều đọng lại đầu tiên cho chúng ta, đó là chúng ta tự hỏi chúng ta là ai, là loại môi trường nào để hạt giống của Chúa được gieo vào? Vệ đường, sỏi đá, bụi gai hay thửa đất tốt? Trong bốn loại môi trường mà hạt giống được gieo vào, duy chỉ có thửa đất tốt làm cho hạt giống phát triển tốt. Người gieo giống chấp nhận rủi ro, có thể nhiều người cho là người gieo giống hoang phí hạt giống, vì trong 4 môi trường, chỉ có ¼ trong đó đạt kết quả. Nhưng người gieo giống vẫn phải gieo, dù biết rằng gieo trên vệ đường, trên sỏi đá hay bụi gai đều không cho kết quả khả quan nào. Biết vậy nhưng vẫn phải gieo.

Kết thúc dụ ngôn này, Chúa Giê-su nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Phải chăng Chúa biết trước sự rủi ro đó? Người biết có những người nghe mà không hiểu, xem mà không thấy và thậm chí hiểu rồi cũng chẳng thèm thực thi?

Hằng ngày chúng ta nghe Lời Chúa trong mỗi thánh lễ. Việc công bố Lời Chúa và giải thích Lời Chúa sẽ giúp cho chúng ta hiểu mà sống Tin Mừng. Nhưng thử hỏi chúng ta đã nghe với thái độ nào? Nghe chăm chú để hiểu, nghe để suy niệm trong lòng, nghe để đem ra thực hành hay chúng ta chỉ nghe rồi để đó, gió thoảng qua tai và Lời Chúa chẳng thể sinh ích lợi thiêng liêng cho đời sống chúng ta?

Chuẩn bị tâm hồn để đón nhận lời Chúa bằng sự khiêm tốn, trong sạch là cách chuẩn bị để cho Lời Chúa có khả năng làm chủ con người chúng ta. Từ đó Lời hằng sống của Chúa đủ sức thúc bách chúng ta sống theo lời Người.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn mình để đón nhận Lời Chúa cách chân thành nhất. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường