Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM A

Filled under:


LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

Suy Niệm 1

Hạt giống, hạt cải
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.

Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.

Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.

Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2

Qua đoạn Tin Mừng, Mar-cô diễn tả Chúa Giê-su trong vai trò người Thầy, đang dạy những thính giả về triều đại của Thiên Chúa, Người dùng dụ ngôn để truyền bá sứ điệp. Những hình ảnh gợi lên đầu tiên là hình ảnh người gieo giống, dụ ngôn nhấn mạnh đến sứ mạng của Chúa Giê-su, khi tới thời giờ đã định Thiên Chúa sẽ mang lại kết quả không cần sự can thiệp của loài người. Nước Thiên Chúa đến bất ngờ. Dụ ngôn thứ hai về hạt cải phát triển chủ đề về Nước Thiên Chúa đã trình bày trước đó. Ở đây, Chúa Giê-su đặt câu hỏi gợi ý trước để dẫn tới bài học của Người. Lần nữa, dụ ngôn làm nổi bật công việc của bàn tay nhân loại gieo hạt giống, nhưng nhấn mạnh đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ làm cho hạt giống sinh hoa trái. Trong dụ ngôn này, Đức Giê-su dùng lối nói cường điệu. Thực tế, hạt cải không phải là hạt nhỏ nhất trong các hạt, cũng không phải là cây rau lớn nhất trong các cây vì chỉ cao chừng 8 tới 10 bộ thôi. Tuy nhiên điểm chính đã được làm rõ, đó là Nước Thiên Chúa bắt đầu và tiếp tục phát triển cho tới khi đạt tới mức trưởng thành. Sự phát triển đó không gì có thể cản trở nổi. Đây chính là tin vui và là niềm hy vọng cho những thính giả của Mar-cô và cả chúng ta hôm nay nữa.

Trong lịch sử Do Thái, chúng ta biết chuyện ngoại tình của Đa-vit với vợ của quan tể tướng U-ri-a, rồi sau đó lại tìm kế mượn tay quân địch để giết vị quan trung thành này. Đó chắc chắn không phải là công việc của Thiên Chúa, mà ngược lại là một tội ác kinh khủng. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta có đường lối riêng của Ngài, Ngài có thể rút được điều tốt ra từ những tai họa. Sau đó, được Chúa nhắc nhở qua tiên tri Na-than, Đa-vit đã hối hận những lỗi lầm của ông, và Thiên Chúa đã không rút lại lời hứa ban cho ông một triều đại trường tồn. Đa-vit trở nên một ông vua vĩ đại nhất của Is-ra-el. Người con sinh bởi cuộc ngoại tình với bà Bet-sai-đa thì chết, nhưng hai người đã có đứa con khác là Sa-lo-mon, một vị vua nổi tiếng khôn ngoan. Và một bé trai khác nữa phát xuất từ dòng dõi Đa-vit đã sinh ra cách kỳ diệu. Chương trình của Thiên Chúa vẫn không bị cản trở.

Ngày nay, trải qua dòng lịch sử nhân loại, Giáo Hội vẫn bị bách hại nhiều cách, nhưng hạt giống Thiên Chúa đã gieo vào thế giới là vương quốc của Ngài vẫn tiếp tục phát triển vì nó có sẵn một sức sống thiêng liêng từ Thiên Chúa.

Xin cho chúng ta tin vững vàng vào sức mạnh của Nước Chúa và hạnh phúc đóng góp cho sự phát triển của Nước Ngài.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường