Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Filled under:

Lời Chúa: Mt 3, 13-17
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người.
Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.
Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".


Sống trọn ơn gọi làm người – R. Veritas
(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’)

Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu Châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội Công giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào cac bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghĩa chối bỏ mọi cam kết khi chịu Phép Rửa Tội.

Nói chung, thế giới phương tây vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế, trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người Tây Phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành Hôn Phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.

Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây Phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đám đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.

Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Giordan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.

Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵn sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người tín hữu Kitô được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.

Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên người, chúng ta làm dấu Thánh Giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo Thánh Giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo Thánh Giá trên người, và ước gì Thánh Giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì Thánh Giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.
Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua Thánh Giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chứng tá, đó là giá trị của Tin Mừng.

Suy niệm 2

Cha mẹ thường tự hào về con cái khi chúng thành đạt, ngoan hiền, giỏi giang. Một đứa trẻ đi học về khoe với mẹ con được điểm tốt, ắt hẳn người mẹ hạnh phúc biết bao. Rất có thể bà quên đi những mệt nhọc, lam lũ, thức khuya dậy sớm tần tảo lo con cái. Nhưng ngược lại, cha mẹ sẽ buồn rầu, bàng hoàng khi thấy con mình hư hỏng. Một trong những hư hỏng mà bọn trẻ ngày nay dễ sa vào cạm bẫy đó là nạn “đập đá”, nghiện hút. Nỗi buồn và cơn đau ấy dai dẳng, gây muộn phiền cho các bậc cha mẹ khôn nguôi. Có khi gia đình phải tán gia bại sản vì con cái. Sự đời trước mắt lắm người thấy đó mà có tránh được đâu. Con ngoan thì gọi là con yêu dấu, con xấu thì gọi bằng gì đây?

Là con yêu dấu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su sống đẹp lòng Chúa Cha. Hình ảnh Chúa Thánh Thần trong hình chim bồ câu đậu xuống trên đầu Chúa Giê-su như một ám chỉ về việc suốt đời Người đều làm theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Nước trong phép rửa tượng trưng cho sự sống, đồng thời cũng ám chỉ đến sự trong sạch, tinh khiết. Nước rửa sạch và làm cho muôn vật có sức sống. Sức sống và sự tinh khiết này không đến từ bàn tay của con người nhưng từ Thiên Chúa.

Nhìn vào thảm cảnh nhiều gia đình ngày nay chúng ta không khỏi chạnh lòng. Nhiều người hay đổ thừa nguyên nhân tại nọ tại kia, vì xã hội, vì bạn bè, vì giáo dục, v.v. nhưng ít khi tìm hiểu nguyên nhân ấy trong cái nhìn đức tin. Thực sự, ngày nay, nhiều người quá coi thường việc giáo dục đức tin cho con cái; coi việc học giáo lý, đào sâu đức tin và hiểu biết những mầu nhiệm về con người là chuyện mất thì giờ. Không ít người đầu tư cho con cái học thêm học bớt, học ngày học đêm để thủ đắc kiến thức hầu thành đạt nhưng lại quên mất điều quan trọng là phải có đời sống tâm linh để cân bằng. Hậu quả của nó là họ có một con người nhưng thiếu ân sủng, có được lý trí nhưng thiếu ý chí, có được kiến thức nhưng thiếu nội tâm.

Thân xác mà yếu đề kháng thì bị bệnh quật ngã, con người thiếu ân sủng thì chỉ làm mồi cho các cám dỗ của ma quỷ và đó là nguyên nhân của những sa ngã hư hỏng ngày nay.

Lạy Chúa, Chúa là Con yêu dấu của Chúa Cha, vì Chúa đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết sống và thi hành ý Chúa. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường