Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Suy Niệm Phúc Âm CN XX TN C

Filled under:

CN XX  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 12,49-53)

1. Bài Đọc
            “Khi ấy Chúa Giêsu phán rằng (1): ‘Thầy đã đến đem lửa vào thế gian, và Thầy những ước mong cho lửa ấy bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!’.
            “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho thế gian ư? Thầy bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: Cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

2. Chú Thích
            (1) Chúa Giêsu phán rằng: Thêm vào, sau khi Chúa Giêsu phán cùng ác môn đệ và dân chúng về việc phải biết chuẩn bị sẵn sàng trong cuộc sống.

3. Suy Niệm
            (1) Nhiều nhà chuyên môn Thánh Kinh đã giải thích, lửa là hình bóng những kỳ bách hại, và phép rửa là hình bóng Chúa Cứu Thế thụ nạn. Toàn là những ý tưởng đau khổ và buồn sầu. Có thể hiểu lửa làm cho thêm nóng sốt, hăng hái, nhiệt thành, và phép rửa làm cho thanh sạch. Lửa có mục đích thiêu đốt và đổi thứ này thành thứ khác; nước có mục đích làm cho hết các thứ dơ bẩn. Thiên Chúa đến để cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Trừ phi những người ấu trĩ hay là không có khả năng; ngoài ra ai muốn được cứu chuộc và thánh hóa, cũng cần phải có nhiệt thành với chân lý đạo đức, và rửa sạch những thứ nguội lạnh sai lầm. Có lẽ vì nhiều người thờ ơ hay là không để ý đến hai điều kiện này, như ngày nay, vẫn có người tưởng có một vài nghi thức lễ phép là đủ, không lo gì đến chân lý và đạo đức, nên Chúa Giêsu đã dùng hai hình bóng mà nhắc đến. Phép rửa Chúa Giêsu nhận cho người ta, về phần Thiên Chúa không cần thay đổi gì. Nhưng tại sao về một vấn đề quan trọng như thế, ít người để ý, Chúa Giêsu lại không dạy rõ ràng mà dùng hình bóng, khiến cho có nhiều người vẫn phân vân? Thiết tưởng vì hai việc quan hệ đến chính đời sống người ta, cần phải có lưu ý suy nghĩ, mới hiểu thấu đáo và thi hành cẩn thận. Chúa Giêsu chỉ gợi ý, không dạy bảo hay là bắt buộc rõ ràng, để người ta làm như máy móc thì chẳng có hiệu quả ích lợi gì.

            (2) Có lẽ cũng vì thế, Chúa Giêsu lại dùng một hình bóng mạnh hơn nữa, có tính cách mâu thuẫn, để cho người nghe phải nghĩ ngợi. Vì thương yêu người ta, Thiên Chúa muốn cho người ta được bình an và hòa bình. Vì theo luật Thiên Chúa, đó là điều kiện thiết yếu cho cuộc sinh hoạt phát triển của con người và cả động vật. Theo tính tự nhiên, ai cũng muốn và cũng lo cho được bình an và hòa bình. Không có hai điều kiện này, khó giữ được sáng suốt để suy nghĩ, bình tĩnh mà lý luận chỉnh đốn được tâm tình, thì khó mong muốn và thi hành theo chân lý, bác ái và công bình. Dễ gây nên bao nhiêu ác hại cho cơ thể và tâm hồn, vật chất và tinh thần, của chính mình và nhiều người khác. Sống cho đúng nghĩa con người, ai lại không ghét và không sợ rối loạn, chiến tranh. Vì biết như thế, chính những người tàn bạo độc ác vẫn nói đến tranh thủ hay là bảo vệ hòa bình, trong lúc họ vẫn chuẩn bị chiến tranh xâm lược, bắt người ta làm nô lệ cho mình hay là bóc lột người ta, dưới hình thức này hay là hình thức khác. Ai cũng tưởng Thiên Chúa đem bình an và hòa bình cho nhân loại. Ai ngờ Chúa Giêsu lại phán rõ ràng trái nghịch. Tất là phải hiểu Thiên Chúa không đem xuống thứ bình an và hòa bình giả tạo theo kiểu người ta, hoặc bằng những thứ ngôn ngữ văn tự hòa ước liên minh, hoặc bằng những thứ ru ngủ, khuyên bảo nhẫn nại để cho kẻ khác lợi dụng và lạm dụng, người thất thế, kẻ bề dưới cúi đầu cam chịu, để tha hồ cho người có thế áp bức bóc lột. Nhưng Thiên Chúa khuyên người ta phải hiểu biết để cho có bình an và hòa bình chân thực vững vàng.

            (3) Thiên Chúa không thiết lập thứ hòa bình giả dối, bất công, Nhưng Thiên Chúa đem thứ hòa bình chân thực xây dựng trên chân lý, bác ái và công bình. Người ta đương sống theo sai lầm, thù ghét, áp bức, lợi dụng nhau, muốn đi đến hòa bình đó, phải qua giai đoạn chia rẽ. Chính đây là thứ chia rẽ Thiên Chúa đưa đến, dường như muốn thay đổi, thì phải có cách mạng. Vì Thiên Chúa dạy chân lý, bác ái và công bình, khác hẳn trước kia. Như Chúa Giêsu vẫn dạy: Xưa anh em vẫn nghe nói rằng ... Bây giờ tôi nói rằng ... Ai muốn theo Thầy thì phải thay đổi, bỏ những điều sai lầm, thù hiềm, ích kỷ, kiêu căng, ham theo tiền bạc vật chất, mà giữ chân lý, yêu thương tha thứ kẻ nghịch thù, khiêm nhường, vị tha, diệt bỏ cá nhân chủ nghĩa, giữ đức thanh bần ... Thực là một cuộc cách mạng để giải phóng và đem lại hòa bình, tự do, độc lập chân thực. Nhưng dù trong đoàn thể thân yêu, như trong một gia đình, cũng có người nghe và người không nghe, có người muốn thay đổi và người không chịu thay đổi, không tránh khỏi sự hiểu lầm nhau. Vì thế, nên có chia rẽ, chứ không phải trái với tâm tình và thái độ thương yêu, lễ phép, trên quý dưới nhường. Hình như Thiên Chúa muốn dạy, Người đến để khuyên bảo người ta đừng xem nhau như những bánh xe hay đinh ốc trong một bộ máy, đừng ai độc đoán độc tài, nhưng phải tôn trọng nhau, tìm hiểu nhau, giữ gìn cho khỏi có sự hiểu lầm nhau, đừng hành hạ lợi dụng nhau, nhưng phải thương yêu tôn kính nhau, ngay cả những người trên dưới trong một tập thể, gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy