Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 10-8-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 12: 24-26)
 
4 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."

SUY NIỆM

Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình, Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì. Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên, một điều chẳng làm ai bỡ ngỡ kinh ngạc. “Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24). Đức Giêsu ví mình như hạt lúa gieo vào lòng đất. Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết. Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi. Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy, được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn, vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình, chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt. Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi. Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12,32), và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.

Giáo Hội Công Giáo có một hạt lúa mang tên Giêsu. Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát, để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt. Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu. “Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó; còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này. Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế. Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất, không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa. Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này, chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi. Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc, lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.

Hôm nay lễ kính thánh Laurenso, từ thế kỷ thứ ba (258) dưới thời bắt đạo của hoàng đế Valerian. Ngài đang quản lý tài sản của Giáo Hội thì bị bắt, nhà vua truyền lệnh cho Ngài phải nộp hết gia tài của Giáo Hội cho đức vua. Thánh nhân xin phép được trở về ít ngày để lo công việc ấy. Ngài trở về qui tụ tất cả những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, tàn tật đau ốm, đem họ đến trước đền thờ thánh Phêrô rồi người mời các quân lính đến và trình diện. Ngài nói: “Đây là tất cả tài sản của Giáo Hội”. Các quan nổi giận, bắt trói Ngài rồi nướng trên giàn sắt nung đỏ. Như không một chút đau đớn nào, Ngài còn khôi hài: “Bên này đã chín rồi, xin hãy lật sang bên kia”. Cái chết tử đạo anh hùng đã kết thúc cuộc đời phục vụ Giáo Hội của Ngài giữa đống tài sản của Giáo Hội là những kẻ rốt hèn, nghèo khó, cô nhi quả phụ, tàn tật đau ốm…

Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c.26) bằng cuộc sống và cái chết tử đạo. Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng, đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn lên gương mẫu của Chúa Giêsu và các thánh nhân đã theo Ngài trên con đường Thập Giá, từ bỏ chính mình để phục vụ tha nhân. Các Ngài nhìn thấy kho tàng của Giáo Hội trong người nghèo. Nhìn thấy Thiên Đàng ngay ở trần gian đau khổ. Nhìn thấy nụ cười trong giọt nước mắt. Nhìn thấy tạo vật bằng con mắt yêu thương. Xin cho chúng con dám can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá, để được cùng Ngài phục sinh vinh hiển trong Nước Trời.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

« Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy »
(
Ga 12, 24-26)

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

* * *
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Ngài, các môn đệ vào thời của Ngài và các môn đệ thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay : « Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ».
Khi nói đến phục vụ, chúng thường nghĩ ngay đến hiệu quả và thành tích ; và để có hiệu quả và thành tích, thì cần phải có khả năng và tài năng, cần phải được huấn luyện tốt và lâu dài, cần phải có chuyên môn; và để có tất cả những điều vừa kể, chúng ta không thể không nói đến nguồn tài chính và những phương tiện khổng lồ. Những điều này là cần thiết, nhất là khi chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới và xã hội, càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên môn và chất lượng công việc.
Hiệu quả của việc phục vụ là điều quan trọng và cần thiết, nhưng nếu chúng ta quan niệm việc phục vụ, và rộng hơn sứ mạng của chúng ta, chỉ trên bình diện hiệu quả, thì thật là mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng nữa, khi chúng ta gặp trở ngại, thiếu nhân sự, ngăn cấm, thất bại, hoặc đến một lúc nào đó và lúc ấy không thể tránh được, chạm đến giới hạn tất yếu của bản thân, hoặc khi chúng ta không còn sức lực.
Hiệu quả của việc phục vụ là điều quan trọng ; nhưng với Đức Giê-su, đó không phải là điều tiên quyết, điều tiên quyết là đi theo Ngài, là chỉ đi theo Ngài mà thôi, như truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội luôn nhấn mạnh và gọi là Sequela Christi, « Đi theo Đức Ki-tô » (tiếng La-tinh). Đi theo Đức Giê-su chính là nền tảng của việc phục vụ, của sứ mạng, của đời sống dâng hiến. Đi theo Đức Giê-su, chính là lí do hiện hữu của việc phục vụ, và làm cho việc phục vụ của chúng ta trở nên khác với những việc do người khác thực hiện, làm cho việc phục vụ của chúng ta mang chiều kích « tông đồ », nghĩa là trở thành lời chứng cho Đức Ki-tô và cho Tin Mừng của Ngài.
Đi theo Đức Ki-tô, chính là « việc phục vụ » mà Đức Ki-tô mong muốn, và cũng chính là việc phục vụ mà thế giới và xã hội hôm nay cần đến ở chiều sâu. Đi theo Đức Ki-tô là một việc phục vụ, thay vì làm cho chúng ta mệt mỏi và tuyệt vọng, sẽ luôn mang lại cho chúng ta bình an và niềm vui, bởi vì chúng ta lúc nào, trong hoàn cảnh nào và ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng có thể đi theo Đức Ki-tô. Và chính lúc chúng ta cảm thấy mong manh, rơi vào hoàn cảnh bất lực và giới hạn, chúng trở nên giống Đức Ki-tô nhất, bởi vì con đường Ngài đi là con đường của « hạt lúa mì », con đường phục vụ cho sự sống, bằng cách « coi thường sự sống mình ».
* * *
Để phục vụ cho sự sống, để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi phải “coi thường sự sống mình”, nghĩa là phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.
  • Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác ;
  • Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng theo nghĩa đen nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
  • Đó là sự hy sinh cuộc đời của các tu sĩ nam nữ, các linh mục để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì:
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
(Ga 12, 24)
* * *
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra với sự kinh ngạc và tâm tình cảm tạ: Người Gieo Giống thần linh, là Đức Ki-tô, không chỉ gieo Lời của Người (x. Mc 4, 1-9), nhưng còn gieo luôn chính mình. Chân lí này phải mang lại cho chúng ta niềm hi vọng vững chắc và niềm vui khôn tả: Hạt Giống Giê-su tất yếu sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, vì Người mạnh hơn sự dữ và sự chết. Đó chính là mầu nhiệm Vượt Qua. Và Ngài vẫn “gieo” Lời và “gieo” luôn chính Mình, để phục vụ cho sự sống của chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.
Đi theo Đức Ki-tô trên con đường của hạ lúa mì, là cách làm phát sinh hoa trái hiệu quả nhất ; và hoa trái không phải đến từ tài năng của chúng ta, nhưng của sự sống thần linh, của sự sống mới, của Đức Ki-tô phục sinh. Đó chính là cách phục vụ Đức Ki-tô mà thánh phó tế Laurensô đã sống và sống đến cùng.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc