Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 19/8/2016

Filled under:

ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT
Rồi một người trong nhóm thông luật hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy trong sách luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,35-36)
Suy niệm: Tin Mừng ghi rõ ông thầy thông luật hỏi Chúa Giê-su không phải để tìm hiểu mà là muốn đánh đố Ngài. Có thể ông ta muốn tranh luận với Chúa Giê-su; nhưng cũng có thể chính ông ta bị bối rối giữa rừng luật nên đem câu hỏi hóc búa đó ra để bắt bí Ngài. Dẫu sao câu hỏi của ông cũng giúp chúng ta ý thức một điều dễ bị lãng quên: Bị cuốn hút bởi những nhu cầu thường nhật, bởi những công việc quen thuộc, nhiều khi người ta chỉ hành động theo thói quen, không hề thắc mắc về điều mình đang làm hoặc biết chọn “điều quan trọng nhất” để thi hành. Thói quen đó nguy hiểm ở chỗ chúng ta vẫn nghĩ mình đang làm điều tốt trong khi quá chú trọng đến tiểu tiết và hình thức và coi chúng như điều quan trọng nhất. Đó chính là lối giả hình kiểu biệt phái mà Chúa lên án.
Mời Bạn: Biết đặt câu hỏi về giới răn quan trọng nhất là điều cần thiết, nhưng biết sống giới răn đó lại càng quan trọng hơn. Qua Tin Mừng chúng mình đã biết đâu là điều răn quan trọng nhất, nhưng đừng dừng lại đó, hãy đem ra thực hành trong cuộc sống.
Chia sẻ: Áp dụng giới răn của Chúa vào nghề nghiệp của bạn, công việc quan trọng nhất của bạn là gì?
Sống Lời Chúa: Đọc lại đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.

Thánh Gioan Eudes
(1601-1680)
Thánh Gioan Eudes sinh ở Normandy, nước Pháp năm 1601. Ngài là con trai trưởng của một gia đình sống về nghề nông. Ngay khi còn nhỏ, ngài đã noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với gia đình, bạn hữu và láng giềng. Khi lên chín, Gioan bị một đứa hàng xóm tát vào mặt. Thật tức giận, cậu định trả đũa, nhưng Gioan nhớ lời Chúa trong Phúc Âm: "hãy đưa má bên kia," và cậu đã làm như vậy.

Cha mẹ của Gioan muốn ngài kết hôn lập gia đình. Nhưng Gioan từ tốn và cương quyết thuyết phục cha mẹ rằng ngài có ơn gọi đi tu. Ngài gia nhập cộng đoàn Oratory và học làm linh mục. Sau khi là linh mục, một trận dịch hạch lớn càn quét Normandy khiến nhiều người chết và đau khổ. Cha Gioan tình nguyện giúp đỡ người đau yếu, chăm sóc thể xác cũng như linh hồn của họ. Sau này, ngài trở thành nhà thuyết giảng nổi tiếng trong các tuần đại phúc giáo xứ. Thật vậy, suốt cuộc đời, tổng cộng ngài đã thực hiện 110 cuộc giảng phòng. Cha Gioan cũng góp phần quan trọng trong việc thành lập các dòng tu: các nữ tu của Đức Bà Bác Ái và nữ tu Chúa Chiên Lành. Cha Gioan cũng thành lập Tu Hội của Đức Giêsu và Đức Maria dành cho nam giới. Tu hội này chuyên huấn luyện các linh mục tương lai cho giáo xứ.

Khi thi hành công việc giảng tuần đại phúc, Cha Gioan thấy lúng túng về điều kiện đáng buồn của những cô gái điếm đang tìm cách hoàn lương. Các trung tâm tạm trú được thành lập nhưng việc điều hành không được êm xuôi. Bà Madeleine Lamy, người chăm sóc các phụ nữ, có lần nói với Cha Gioan: "Bây giờ cha đi đâu? Con đoán là cha đến nhà thờ để chiêm ngắm các tượng ảnh và nghĩ rằng mình đạo đức. Tất cả những gì cần nơi cha là một căn nhà tươm tất cho những tạo vật đáng thương này." Lời nói này, và tiếng cười của những người hiện diện, đã đánh động Cha Gioan một cách sâu đậm. Kết quả là một tu hội mới được thành lập, mang tên các Nữ Tu Bác Ái của Nơi Ẩn Náu.

Cha Gioan Eudes rất yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Tâm Đức Maria. Ngài viết sách về sự sùng kính này. Trong một cuộc giảng phòng ngoài trời lạnh, Cha Gioan bị lâm bệnh nặng mà không bao giờ bình phục. Ngài từ trần năm 1680. Đến năm 1908, ngài được Thánh Giáo Hoàng Piô X phong chân phước, và đến năm 1925, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh.

Lời Bàn
Thánh thiện là mở lòng cho tình yêu của Thiên Chúa. Nó được tỏ lộ dưới nhiều phương cách, nhưng tất cả đều có một đặc tính chung: lưu tâm đến nhu cầu của người khác. Trong trường hợp của Thánh Gioan, những người có nhu cầu là các bệnh nhân dịch hạch, các giáo dân, những chủng sinh, các cô gái điếm và mọi Kitô Hữu được mời gọi để noi gương bác ái của Chúa Giêsu và mẹ Người.

Lời Trích
"Lòng mong ước của chúng ta, mục đích của chúng ta, sự lưu tâm chính yếu của chúng ta phải là trở nên giống Chúa Giêsu, để thần khí của Người, sự tận tụy của Người, lòng yêu mến của Người, sự khao khát của Người và ý định của Người sống và ngự trị ở đó. Mọi luyện tập nhân đức phải hướng về cùng đích này. Đó là công việc mà Thiên Chúa trao cho chúng ta để thi hành một cách không ngừng" (Thánh Gioan Eudes, Đời Sống và sự Ngự Trị của Chúa Giêsu trong Linh Hồn Người Tín Hữu)

Hãy Nhìn Lên Cao

Dạo cuối tháng 4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.
Do nhu cầu tìm hiểu vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa, khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.
Ý tưởng về kính thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm 1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.
Sự ra đời của kính thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.
Càng lên cao, con người mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao.
Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài.
Lắm lúc chúng ta cũng khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái nhìn trần tục của chúng ta.
Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: "Hãy yêu thích những sự trên trời". Hãy mặc lấy cái nhìn từ trên cao.