Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 16/8/2016

Filled under:

PHẦN THƯỞNG CHO MÔN ĐỆ
Chúa Giê-su đáp: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19,29)
Suy niệm: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Vấn nạn mà thánh Phê-rô đặt ra cho Chúa Giê-su: “Theo Chúa được gì, mất gì?” cũng là mối quan tâm tự nhiên của người theo Chúa. Câu trả lời của Chúa Giê-su là “gấp bội”. Điều này được chứng tỏ cách đặc biệt nơi Đức Ma-ri-a, người tận hiến hoàn toàn cho sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su, Con Mẹ, qua “những điều kỳ diệu” Thiên Chúa đã và đang thực hiện nơi Mẹ. Chúa đã làm cho Mẹ nên Đấng Đầy Ơn Phước; sau cuộc sống trần thế Mẹ được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác. Mẹ đã đồng lao cộng khổ với Con Mẹ trên dương thế nên cũng được đặt làm Nữ Vương Thiên Đàng để đồng hiển trị với Ngài trên chốn vinh quang.
Mời Bạn: Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn vào cuộc sống mỗi người, chúng ta cũng sẽ có câu trả lời của riêng mình cho vấn nạn: Tôi được gì mất gì khi theo Chúa. Những mất mát thua thiệt khi ta quyết chọn làm môn đệ Chúa Ki-tô có đáng là gì so với mối lợi tuyệt vời là vô vàn ân huệ tình thương Chúa xuống cho ta trong từng phút sống? (x. Pl 3,7-9). Do đó, tuy còn phải trải qua nhiều gian khổ nơi dương thế, chúng ta vẫn giữ vững niềm tin và cậy trông mãnh liệt vào Thiên Chúa, Đấng luôn quảng đại và trung tín.
Xét mình: Tôi có lắng nghe, cảm thông với những anh chị em đang gặp thử thách vì đức tin không? Tôi có an ủi và cầu nguyện cho họ để họ vững lòng trông cậy không?
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.

Thánh Stêphanô ở Hung Gia Lợi
(975-1038)
Giáo Hội thì phổ quát, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương--dù tốt hay xấu. Không có Kitô Hữu nào được coi là "nguyên bản" cả; có người là Công Giáo Mễ Tây Cơ, hay Công Giáo Ba Lan, hay Công Giáo Việt Nam. Dữ kiện này được nhận thấy hiển nhiên trong cuộc đời Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi.

Sinh trong một gia đình ngoại giáo, ngài được rửa tội khi lên 10 cùng với cha của mình là thủ lãnh nhóm Magyar, là những người khai phá đã đến Danube trong thế kỷ thứ chín. Khi 20 tuổi, ngài kết hôn với Gisela, người em của hoàng đế tương lai là Thánh Henry. Khi kế vị cha mình, Stêphanô theo chính sách của một quốc gia Kitô Giáo vì các lý do chính trị cũng như tôn giáo. Ngài triệt hạ được các cuộc nổi loạn của giới quý tộc ngoại giáo và thống nhất người Magyar thành một tổ chức lớn mạnh trong nước. Ngài đến Rôma để xin Giáo Hội phê chuẩn và cũng để xin đức giáo hoàng phong ban tước vua cho mình. Vào lễ Giáng Sinh 1001, ngài được đội vương miện.

Stêphanô đã thiết lập một hệ thống thuế thập phân để hỗ trợ các nhà thờ và cha xứ, cũng như giúp đỡ người nghèo. Cứ 10 thành phố thì một thành phố phải xây một nhà thờ và cấp dưỡng cho một linh mục. Ngài bãi bỏ các tục lệ ngoại giáo với ít nhiều sự ép buộc, và ra lệnh tất cả mọi người phải kết hôn, ngoại trừ giáo sĩ và tu sĩ. Ai ai cũng có thể đến với ngài, nhất là những người nghèo.

Vào năm 1031, con trai trưởng của ngài là thái tử Emeric từ trần và quãng thời gian kế đó đầy dẫy những tranh chấp quyền kế vị. Ngay cả người cháu cũng mưu toan ám sát ngài. Stêphanô từ trần năm 1038 và được phong thánh năm 1083.

Lời Bàn
Được trở nên thánh thiện là có được lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân giống như Đức Kitộ Đức ái nhiều khi phải mang bộ mặt lạnh lùng nghiêm khắc vì lợi ích của sự thiện. Đức Kitô đã lên án sự giả hình của người Pharisêu, nhưng khi từ trần, Người đã tha thứ cho họ. Thánh Phaolô ra vạ tuyệt thông người loạn luân ở Côrintô "để có thể cứu rỗi linh hồn" ông ta. Một số Kitô Hữu đã chiến đấu trong các cuộc Thập Tự Chinh với một tinh thần cao thượng, bất kể các động lực bất chính của người khác. Ngày nay, sau các cuộc chiến tranh vô nghĩa, và với những hiểu biết sâu xa hơn về sự phức tạp của các động lực con người, chúng ta chùn bước trước bất cứ bạo lực nào, về hành động hay "im lặng" đồng lõa. Sự phát triển tốt đẹp này vẫn còn được tiếp tục khi người ta tranh luận rằng có thể nào một Kitô Hữu trở nên người yêu hoà bình tuyệt đối hay đôi khi sự dữ phải bị tiêu diệt bằng vũ lực.

Lời Trích
"Dù Giáo Hội đã góp phần rất nhiều trong việc phát triển văn hóa, kinh nghiệm cho thấy, vì hoàn cảnh, đôi khi thật khó để hài hòa văn hóa với giáo huấn của Giáo Hội.

"Những khó khăn này không nhất thiết gây thiệt hại cho đời sống đức tin. Thật vậy, chúng có thể khích lệ tâm trí để thấu hiểu đức tin cách chính xác hơn. Vì các cuộc nghiên cứu và khám phá mới đây của khoa học, lịch sử và triết học đã nêu lên các vấn đề mới có ảnh hưởng đến đời sống và đòi hỏi phải có các cuộc nghiên cứu mới về thần học" (Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 62)

Anh Ấy Chưa Bao Giờ Trưởng Thành

Ngày 16/8 kỷ niệm ngày qua đời của Elvis Presley, ca sĩ được xem như là thần tượng của nhạc Rock tại Hoa Kỳ trong thập niên 70.
Xuất thân từ một gia đình nghèo, lại mang tính nhút nhát, Elvis thường trở thành trò cười cho bạn bè trong lớp. Nhưng luôn ôm ấp trong mình giấc mơ trở thành ca sĩ, Elvis đã thắng được tính nhút nhát của mình để trở thành một ngôi sao sáng chói trong nền âm nhạc Mỹ quốc...
Danh vọng và tiền bạc đến quá nhanh khiến Elvis không kịp chuẩn bị cho mình một triết lý sống vững chắc. Anh mua cho người mẹ một ngôi biệt thự lộng lẫy xa hoa.
Sự ái mộ của dân chúng dường như không đủ để lấp đầy khoảng trống vắng quá lớn trong tâm hồn anh. Ma túy và các thứ thuốc an thần cũng không đủ hiệu lực để xoa dịu bao nỗi khắc khoải trong anh...
Buổi sáng ngày 16/8/1977, sau một đêm thức trắng để đọc sách, Elvis đã được tìm thấy trong phòng tắm của anh, mặt úp xuống sàn nhà, sau một cơn chống trả mãnh liệt với tử thần... Anh đã tắt thở ngay sau khi được trở vào bệnh viện.
Priscilla, người vợ đầu tiên của Elvis đã thốt lên như sau: "Cái chết của Elvis khiến tôi nghĩ nhiều về chính cái chết của tôi. Tôi chợt nhận ra rằng tôi cần phải chia sẻ với người khác nhiều hơn. Khi trở thành một ngôi sao trong nền âm nhạc, Elvis còn quá trẻ để có thể biết cách sử dụng tiền tài, danh vọng đang đến với anh. Anh chỉ là một nạn nhân. Anh bị hủy diệt bởi chính những người ái mộ anh. Anh cũng là nạn nhân của chính hình ảnh mà anh đã tự tạo ra.
Bảo rằng tiền bạc, danh vọng không làm cho con người hạnh phúc có lẽ cũng bằng thừa.
Phải, chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy nỗi khao khát hạnh phúc trong lòng ngườõ. Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để tìm kiếm Chúa trong những cái chóng qua ở đời này. Giá trị cao cả nhất để chúng ta đeo đuổi không phải là tiền của, danh vọng, nhưng chính là Chúa và những giá trị của Nước Trời.