Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26-8-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 25, 1-13) 
 
1 "Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! "7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! "9 Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "12 Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

SUY NIỆM 1

Hết dầu là hết tình yêu, hết sự sống, đèn tắt. vì chết không phải là ngừng sống, hay trái tim ngừng đập, mà chính là ngừng yêu. Trong Tin mừng gọi là những người khờ dại. Trong mười cô trinh nữ có tới năm người đã hết dầu, đã ngừng yêu thương và hy sinh. Tỷ lệ năm mươi, năm mươi. Tỷ lệ này trong những trường hợp khác thì tạm chấp nhận được, nhưng trong đời sống yêu thương, trong đời sống niềm tin, tỷ lệ này quá cao. Dường như trong cuộc sống hôm nay tỷ lệ này càng gia tăng. Khi những tấm lòng cứ cạn dần tình yêu thương. Khi những lương tâm, cung điện của Thiên Chúa đang vẩn đục hơn. Con người hôm nay trở nên vô cảm hơn trước người khác, nhiều tính toán gia dối hơn. Con người trở vô cảm trước Thiên Chúa, thiếu tử tế với nhau và tàn phá thiên nhiên. Gần đầy, cá biển miềm trung chết hàng loạt, đẩy ngư dân vào cảnh túng cực, hoang mang, nguyên nhân không phải của thiên nhiên, nhưng từ con người. không phải biển độc giết chết cá, mà vì lòng người độc ác hơn. Khi con người hết dầu yêu thương thì tất nhiên phải đong đầy những điều khác vào tâm hồn. như thế, không phải chỉ cá chết, mà lòng người sẽ làm nhiều điều quý giá hơn nữa cũng phải chết theo. Không còn đủ để thắp ngọn lửa niềm tin giữa cuộc sống hôm nay. Người ta bắt đàu bước đi trong bóng tối. Nhất là những giá trị của Tin Mừng như hoàn toàn ngược lại với khuynh hướng và chọn lựa của xã hội.

Để thắp sáng ngọn đèn đức tin của mình, luôn cần đời sống cầu nguyện, để tỉnh thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa, trước tiếng gọi mời của lương tâm, và của tha nhân

Lạy Chúa, xin biến đổi trái tim chúng con nên giống trái tim của Chúa. Biết yêu thương và bước đi trong ánh sáng Tin Mừng của Chúa.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
1. Dụ ngôn về Nước Trời
Đức Giêsu nói: “Nước Trời sẽ giống như mười cô trinh nữ mang đèn ra đi gặp gỡ chàng rể”. Đó là dụ ngôn về mười cô trinh nữ. Để giúp chúng ta hiểu, nhận ra và sống mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn: người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men trong bột, kho báu, ngọc quí… và trong Thánh Lễ ngày mai theo Mùa Thường Niên, chúng ta sẽ còn nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn “các yến bạc” (Mt 25, 14-30) để mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm Nước Trời.
Nước Trời là một mầu nhiệm, vì thế, cần được trình bày bằng nhiều dụ ngôn, và mỗi dụ ngôn diễn tả một đường nét của Nước Trời. Vì thế, chúng ta tránh hiểu Nước Trời chỉ bằng một dụ ngôn. Dĩ nhiên chúng ta có thể thích đặc biệt một số dụ ngôn. Điều này có nghĩa là, có những dụ ngôn khó thích, và dụ ngôn về mười cô trinh nữ có lẽ là một trong những dụ ngôn khó thích nhất.
Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, dùng các dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.
Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Chính vì thế, Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn và hay kết thúc bằng lời mời gọi: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!” Bởi vì, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.
2. Dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ”
Dụ ngôn mà Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng, nói về phong tục lễ cưới của vùng Palestin. Ban ngày, người ta nhảy múa và vui chơi ở nhà cô dâu; tối đến người ta cố ý loan báo chàng rể đến, nhưng người ta cứ loan báo đi loan báo lại mà chẳng thấy chàng rể đâu. Cuối cùng, mãi tới tận nửa đêm, chàng rể mới đến rước cô dâu. Chàng rể được tháp tùng bởi những người bạn; họ cầm đèn đuốc soi đường cho chàng rể. Chàng rể và đoàn tùy tùng được những người của đàng gái ra đón từ xa. Sau đó, cả đoàn rước tiến về nhà cha của chàng rể, ở đó người ta tiến hành nghi thức hôn nhân; và sau đó, là các cuộc vui chơi.
Các cô trinh nữ có nhiệm vụ đặc biệt: với đuốc trong tay (chứ không phải đèn), các cô ra đón chàng rể và sau đó, nhảy múa trong suốt hành trình rước dâu. Một lần châm dầu (ôliu), đuốc của các cô chỉ cháy khoảng 15 phút. Vì thế, các cô phải đem theo mình một lượng dầu khá lớn.
Trong dụ ngôn, mọi sự diễn ra bình thường. Mười cô đều như nhau: đều là trinh nữ, đều cầm đèn đi góp vui, đều canh thức, đều ngủ, vì ngủ là chuyện bình thường, đều thức dậy đúng lúc. Chỉ có một điều khác là có năm cô không đem theo dầu. Xét cho cùng cũng không phải là lỗi quá lớn, và nhất là thiếu sót này có thể giải quyết được: “ra hàng mà mua”. Và đúng như vậy, năm cô kia có mua được dầu và trở lại đoàn rước.
3. “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”
Nhưng điều lạ lùng, là người ta lại đóng cửa lại, các cô gõ cửa xin vào: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!”; nhưng bị từ chối: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Đây chính là chi tiết lạ lùng và khó chấp nhận của dụ ngôn; bởi lẽ, trong thực tế khó có thể hoặc không thể diễn ra như vậy. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu kết cục này ở bình diện Nước Trời, nhất là người mà các cô trinh nữ kêu xin và người này từ chối các cô, không còn là chàng rể của đám cưới nữa, nhưng là Đức Chúa.
Vậy đâu là thiếu sót có tầm quan trọng quyết định của năm cô trinh nữ? Người ta thường chú ý đến hình ảnh “chiếc đèn cháy sáng”, và hiểu đó là đức tin, lòng mến, sự trung tín, lòng ước ao Chúa…. Đó là những nhân đức thật đẹp và cần có. Nhưng có lẽ đó không phải là điểm chính của dụ ngôn; bởi lẽ, rốt cuộc năm cô trinh nữ cũng có “đèn cháy sáng” trong tay. Vấn để của các cô là “không đúng lúc”!
Chính vì thế, Đức Giê-su kết luận: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào”. Một trong những khía cạnh của Nước Trời là như thế, sẽ có một thời điểm quyết định, và chúng ta không được bỏ lỡ. Chính vì thế, qua dụ ngôn này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta phải “khôn ngoan”, và khôn ngoan là một cách sống lúc nào cũng sẵng sàng đón Chúa đến.
*  *  *
Thật ra, Chúa đã đến rồi và lúc nào cũng đợi chúng ta ở cửa. Chúng ta chỉ cần mở cửa để đón Chúa vào và ở lại với chúng ta hôm nay và luôn mãi:
Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy,
sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta
(Kh 3, 20)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc