Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Kitô hữu là người có trái tim rộng mở để đón nhận tất cả mọi người

Filled under:

Kitô hữu là người có trái tim rộng mở để đón nhận tất cả mọi người.
Vatican (Vat. 18-01-2016) - "Kitô hữu là người có trái tim rộng mở, vì anh là con của một người Cha có tâm hồn cao thượng và lúc nào cũng dang rộng vòng tay để đón nhận mọi người với lòng bao dung, quảng đại ." Ðây là nội dung bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ năm, 28 tháng 01 năm 2016, tại nguyện đường thánh Marta, nhân ngày Giáo hội mừng kính thánh Tôma Aquinô. Hiện diện trong thánh lễ hôm nay có các linh mục kỷ niệm 50 năm ngày được truyền chức của mình.
Kitô hữu là một chứng tá về ánh sáng của Thiên Chúa
Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nói về ánh sáng. Ðèn được đốt lên không phải để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường, nhưng là đặt trên đế để chiếu tỏa ánh sáng. Ðược gợi hứng từ những điều ấy, Ðức Thánh Cha đã chia sẻ rằng: "Mầu nhiệm của Thiên Chúa là ánh sáng. Một trong những đặc tính của Kitô hữu khi được rửa tội là lãnh nhận ánh sáng của Thiên Chúa và phải truyền trao ánh sáng ấy cho người khác. Nói khác đi, Kitô hữu là một chứng nhân. Ðây là đặc nét của Kitô hữu. Kitô hữu mang lấy ánh sáng và phải bày tỏ ánh sáng ấy ra cho mọi người thấy, vì anh là một chứng nhân. Khi một Kitô hữu không muốn thấy ánh sáng của Thiên Chúa nhưng lại ưa thích bóng tối, thì chính bóng tối sẽ đi vào tâm hồn của anh, vì anh ta đã sợ ánh sáng mà lại yêu thích các ngẫu tượng là đêm tối. Như vậy, anh không còn là một Kitô hữu đúng nghĩa nữa. Kitô hữu phải là một chứng nhân, phải làm chứng về Ðức Giêsu Kitô là ánh sáng của Thiên Chúa. Kitô hữu phải đặt ánh sáng Ðức Kitô lên đế cao để soi sáng cho cuộc đời ."
Kitô hữu là người sẵn sàng chịu thiệt thòi để được lợi là Ðức Kitô
"Trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu nói: 'Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.' Một đặc nét khác của Kitô hữu là tấm lòng cao thượng và quảng đại, vì anh là con của một người Cha hào hiệp.
Con tim của người Kitô phải rộng rãi, thênh thang, chứ không phải là một con tim lúc nào cũng đóng kín với cái tôi chủ nghĩa. Khi anh chị em đi vào ánh sáng của Ðức Giêsu, đi vào tình bằng hữu với Ngài, khi anh chị em để cho Thánh Thần hướng dẫn; con tim của anh chị em sẽ trở nên rộng mở và bao dung. Kitô hữu không đi tìm sự thua kém, thiệt thòi; nhưng lại sẵn sàng chịu thiệt để đạt được một điều khác, đó chính là Ðức Giêsu. Kitô hữu sẵn sàng chịu thiệt trước mặt người đời để được trở nên chứng nhân của Ðức Giêsu ."
Linh mục là người trao truyền ánh sáng
Cuối cùng, Ðức Thánh Cha ngỏ lời với các linh mục, vì đang hiện trong thánh lễ hôm nay, có những vị kỷ niệm 50 năm linh mục của mình.
"Tôi rất vui vì được cử hành thánh lễ giữa anh em, nhân kỷ niệm 50 năm linh mục của anh em. 50 năm linh mục chính là 50 năm bước đi trên con đường của ánh sáng và của chứng nhân. 50 năm cố gắng để trở nên tốt hơn, 50 năm nỗ lực mang ánh sáng để đặt trên đế. Có những khi vấp té, nhưng chúng ta hãy tiếp tục đứng dậy và lại sẵn sàng ra đi truyền trao ánh sáng của Ðức Kitô cho người khác với sự quảng đại và một con tim rộng mở. Chỉ có Thiên Chúa và trí nhớ của anh em mới biết là đã có bao nhiêu người được lãnh nhận ánh sáng ấy; đã có bao nhiêu người mang trong mình bóng tối nhưng được anh em chiếu dãi ánh sáng của Ðức Kitô. Cám ơn anh em! Cám ơn vì tất cả những gì anh em đã làm trong Giáo hội, cho Giáo hội và cho Ðức Giêsu.
Xin Thiên Chúa ban cho anh em niềm vui, niềm vui hoan hỷ của việc gieo trồng những hạt mầm thánh thiện, của việc truyền trao ánh sáng và của việc có một vòng tay rộng mở để đón nhận tất cả mọi người với tấm lòng quảng đại, bao dung ."

Vũ Ðức Anh Phương, SJ\

Xem thêm:
ĐGH Phanxicô có thể thăm trại hủy diệt Auschwitz

http://baoconggiao.com/uploads/news/2016_01/dgh-phanxico-co-the-tham-trai-huy-diet-auschwitz.jpg
Phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican, ngày 27 tháng Một, Cha Federico Lombardi cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể thăm trại hủy diệt khét tiếng Auschwitz trong chuyến tông du Ba Lan vào tháng Bảy, khi ngài đề cập đến Holocaust Remembrance Day.
 Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Benedicto XIV cả hai đều đã thăm Auschwitz trong những chuyến thăm mục vụ của mình. “Tôi nghĩ rằng chuyến đi của Đức Giáo hoàng đương kim cũng có thể trở thành hiện thực,” Cha Lombardi nói.
 Jos. Tú Nạc, NMS

Tôi sẽ kể cho bạn nghe 20 năm tôi làm việc ở Văn phòng Báo chí Vatican



Trả lời phỏng vấn của Radio Vatican, linh mục Benedettini kể quá trình phục vụ ba triều giáo hoàng của mình. “Thông tin ư? Phải xem đây là việc phục vụ cho sự thật, tôn trọng con người và phải khiêm tốn và cẩn trọng .”

 
Ngày 31 tháng 1, linh mục sẽ rời ghế phó giám đốc Văn phòng báo chí Vatican, nhường lại ghế này cho ký giả người Mỹ Greg Burke.

Trong một phỏng vấn với Radio Vatican, linh mục cho biết: “Tôi rời công việc với một cảm nhận vừa vui vừa buồn, nhưng nhiều nhất là vui. Vui vì tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ hội phục vụ Giáo hội, làm việc với ba giáo hoàng, ở những giai đoạn khác nhau! Một trong số họ đã là thánh và không phải ai cũng được làm việc gần một vị thánh, không những được nhìn thấy ngài mà còn nói chuyện, còn ăn chung, còn phục vụ nhiều năm, đó là Thánh Gioan-Phaolô II!  Và cũng có một chút buồn vì đã làm việc với rất nhiều người ở đây, đa số là những người đã làm 20 năm ở đây. Vì chúng tôi đã kết một sợi dây tình thương, ngoài ra còn có rất nhiều ký giả mà tôi có được một mối dây liên hệ tốt .”

Sau đó linh mục Ciro kể đến các thay đổi trong ngành báo chí, cách làm việc, cách thông tin. Linh mục nhắc lại: “Khi tôi mới đến làm việc thì tất cả mọi thông tin đều in ra giấy. Tôi còn nhớ như in, sau một năm tôi đến làm việc, vào dịp lễ Giáng sinh năm 1995, cùng với bác sĩ Navarro-Valls, chúng tôi lắp ráp hệ thống Internet: Tôi nghĩ đây là một vinh dự vì tôi ở trong nhóm thiết lập hệ thống  thông tin quan trọng và mới mẻ này cho Tòa Thánh. Sau đó kỹ thuật số và vi tính hóa đã gần như thay thế cho báo giấy”.

Một mới mẻ khác là sự “bùng nổ thông tin”. “Cách đây 20 năm, công việc báo chí rất đơn giản: có khoảng mười mấy tờ báo và tạp chí, thế thôi. Bây giờ, trang blog, trang mạng xã hội nở rộ, vì thế thông tin trở nên khó kiểm soát. Dù không chính thức như các hãng tin, nhưng chắc chắn các trang mạng xã hội rất quan trọng và rất lớn. Bạn không thể nào phớt lờ họ được. Vấn đề là khi tôi đến đây, các ký giả của Vatican “buộc” phải đến văn phòng báo chí, bây giờ với Internet, chúng tôi theo dõi họ, chúng tôi gởi thông tin đến bất cứ đâu họ ở! Và dĩ nhiên thông tin được đưa ra nhanh nhất; tuy nhiên không được nhìn mặt ký giả thì cũng là một mất mát lớn: rất nhiều ký giả chúng tôi chỉ còn gặp trong những dịp đặc biệt …”

Được hỏi cha có lời khuyên nào cho những người làm việc trong ngành truyền thông Giáo hội, câu trả lời của linh mục Benedettini là: “Tất cả thông tin đều nhắm đến mục đích phục vụ Giáo hội, phục vụ người khác, phục vụ sự thật. Chúng ta phải ý thức, khi đưa ra thông tin, chúng ta đưa ra các phương tiện diễn giải khác của thế giới chung quanh chúng ta. Và chúng ta phải có lòng khiêm tốn, cẩn trọng và với sự tôn trọng lớn nhất để đưa ra thông tin này. Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn là phải nhanh, nên nhiều khi trở thành hời hợt .”

Còn về các kỷ niệm thì đặc biệt tôi có các kỷ niệm với Đức Gioan-Phaolô II. “Tôi nhớ một chuyện xảy ra một năm trước khi tôi đến làm việc ở phòng báo chí, tôi đến đây vì có Thượng Hội Đồng và vì Đức Thánh Cha, cùng làm việc với các thư ký về ngôn ngữ của ngài, ngài mời chúng tôi ăn tối. Đức Giáo hoàng ở trước mặt tôi, đôi mắt ngài như hỏi tôi: “Tôi làm gì? Và tôi không làm gì?”. Tôi thấy ngài có một tinh thần muốn tìm tòi hiểu biết, tôi nghĩ người ta thường nói những người ở cấp cao thường khép kín trong tháp ngà, không nắm rõ thực tế … Chúng tôi có 6 người, ai cũng nói về những gì ngài đã làm, những gì ngài chưa làm, ngài nghĩ gì về Thượng Hội Đồng, đủ mọi vấn đề! Thật sự là đầy tin tức .”

Lời cuối cùng linh mục nhắc đến là về cái chết của Đức Giáo hoàng Wojtyla: “Tôi có thể nói, chúng tôi như “được bọc” với dân chúng, những người âm thầm cầu nguyện và đến khi chúng tôi loan báo tin ngài chết, các ký giả đến chia buồn, những người ở ngoài ngành báo chí cũng đến chia buồn, chúng tôi an ủi lẫn nhau vì tất cả chúng tôi đều nghĩ mình đã mất đi một người rất thân yêu. Tôi gọi đó là “lòng thân ái” vì có một cái gì thẩm thấu giữa chúng tôi và đám đông: đám đông là tình cảm của chúng tôi, tình cảm của chúng tôi ở trong đám đông. Dĩ nhiên, chúng tôi đau buồn vì đã mất Giáo hoàng thân yêu nhưng trong cảm nhận chung, đây cũng là sự chiến thắng của sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng và cũng là một chiến thắng của đức tin, đức tin ở đời sống vĩnh cửu”.

Luca Nguyễn Trung Tín chuyển dịch