Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Suy niệm Chua Nhat 02 TN NAm C

Filled under:

Thân gửi QUÝ VỊ và QUÝ BẠN,
- Suy Niệm Phúc Âm CN II TN C
         * Người bảo gì, cứ việc làm theo.
        Hưởng ứng ý nguyện của Giáo Hoàng Phanxicô, muốn dâng trọn năm Phụng Vụ này(từ Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.Dec.2015 đến Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ 20.Nov.2016), là Năm Thánh tôn vinh ‘Lòng Thiên Chúa Thương Xót’, bằng cách: Người tín hữu, Sống cảm nghiệm, biết đón nhận và mau mắn đáp trả lại Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa dành cho toàn nhân loại, cũng như cho mỗi người chúng ta./-
        Kính chúc Quý Vị, Quý Bạn cùng Quý Quyến, mạnh khỏe, bình an, đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, khi vui cũng như lúc buồn; cùng nhau đọc, tìm hiểu, học hỏi và suy niệm Phúc Âm để thêm vững tin:
        Bài Phúc Âm Thánh Gioan tường thuật chi tiết, Chúa Giêsu tham dự tiệc cưới tại Cana, và Người đã ban phép lạ đầu tiên trong hành trình giảng đạo, để tỏ lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
        Có thể hiểu, Chúa Giêsu muốn dạy, đạo đức là phải biết hòa mình, chung vui với người vui, chia buồn với kẻ buồn. Như tiệc cưới là một dịp vui mừng đặc biệt trong gia đình nói chung, và cho hai người bạn trăm năm nói riêng, có lẽ độc nhất trong đời người. Đạo của Chúa Cứu Thế là đạo tình thương, chỉ có mến yêu vui vẻ, chứ không nghiêm khắc buồn sầu.
        Phúc cho gia đình tân hôn đã có lời mời Đức Mẹ cùng đến dự tiệc cưới. Đức Mẹ đã tỏ lòng thương yêu tế nhị. Ngồi lại bàn, đưa mắt nhìn xem thử có thiếu người nào hay thiếu thứ gì chăng, hỏi thăm đến người này, người kia. Nhờ có để ý, Đức Mẹ thấy hết rượu. Biết Chúa Giêsu có quyền năng làm phép lạ và muốn cứu giúp người ta, Đức Mẹ kín đáo nói riêng với Chúa Giêsu. Đức Mẹ chỉ trình bày hoàn cảnh. Nghe lời Chúa Giêsu, Đức Mẹ hiểu ý mới kín đáo bảo mấy người giúp việc. Thiên Chúa dạy thế nào thì làm thế ấy. Đó là điều kiện cần thiết để nhận được ơn Thiên Chúa.
        Thiên Chúa đầy lòng thương xót cũng ban phép lạ, như đổi nước thành rượu ngon. Thật là một bài học cho những ai muốn được hạnh phúc đầy đủ, vui vẻ. Làm thế nào để cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện diện trong tâm hồn và trong đời sống của mình, và chính mình sẵn sàng vâng lời./-
        Thân mến, vh.
       Sunday, 17.Jan.2016

CN II  THƯỜNG NIÊN C  (Ga 2,1-12)

1. Bài Đọc
        “Ngày thứ ba (1), có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Chúa Giêsu. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy hết rượu, thân mẫu Chúa Giêsu nói với Người: ‘Họ hết rượu rồi’. Chúa Giêsu đáp: ‘Thưa Mẹ, chuyện đó can gì đến Mẹ và con? Giờ của con chưa đến’. Thân mẫu Người nói với gia nhân: ‘Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo’. Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.
        “Chúa Giêsu bảo họ: ‘Các anh đổ đầy nước vào chum đi!’. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: ‘Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc’. Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: ‘Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ’.
        “Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên tại Cana miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Còn môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Chúa Giêsu cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphacnaum và ở lại đó ít ngày”.

2. Chú Thích
        (1) Ngày thứ ba: Ngày thứ nhất, Chúa Giêsu chịu phép Rửa của Gioan Tẩy Giả; ngày thứ hai, Chúa Giêsu khởi đầu công cuộc giảng dạy, Người tuyển chọn các môn đệ; hôm sau, ngày thứ ba Người xuống miền Galilê tham dự tiệc cưới tại Cana.

3. Suy Niệm
        (1) Có nhiều người tưởng đạo đức là phải giữ nghiêm khắc, xa lánh các cuộc hội họp ăn uống, vui chơi đình đám, nhất là các tiệc cưới. Chúa Giêsu tỏ ra không đồng ý như thế. Có thể hiểu, Chúa Giêsu muốn dạy, đạo đức là phải biết hòa mình, chung vui với người vui, chia buồn với kẻ buồn, chỉ cần phải giữ cho khỏi có gương mù gương xấu, đừng để cho người khác hiểu lầm mình ham việc ăn uống rượu chè, vui chơi giải trí một cách vô bổ lại có hại, hoặc mình chỉ muốn đến những nơi giàu có sang trọng. Cũng phải giữ cho khỏi mất lòng người ta, đừng có điều gì làm cho ai phải buồn phiền. Vì đó, khi biết có người thực lòng muốn có sự hiện diện của mình ở đâu, trừ phi có lý do ngăn trở rõ ràng, ngoài ra không nên từ khước. Nhất là khi biết chắc mình có thể giúp người ta thêm vui và bớt buồn, có thể ngăn ngừa những ngôn ngữ cử chỉ không xứng đáng, biết chen vào một vài câu về chân lý và đạo đức, thì không nên ngần ngại. Nhưng cần phải cẩn thận, chứ đừng thừa dịp tỏ ra mình là thầy dạy khoa học hay văn chương, triết lý hoặc đạo đức, có thể mất lòng người ta. Như tiệc cưới là một dịp vui mừng đặc biệt trong gia đình nói chung, và cho hai người nói riêng, có lẽ độc nhất trong đời người. Người đạo đức không nên từ khước, trừ khi luật đoàn thể của mình ngăn trở. Đạo của Chúa Cứu Thế là đạo tình thương, chỉ có mến yêu vui vẻ, chứ không nghiêm khắc buồn sầu.

        (2) Vì đó, Chúa Giêsu và Đức Mẹ là hai gương mẫu sáng chói đạo đức đã đến dự tiệc cưới. Riêng Đức Mẹ đã tỏ lòng thương yêu tế nhị. Ngồi lại bàn, đưa mắt nhìn chung quanh, xem thử có thiếu người nào hay thiếu thứ gì chăng. Hỏi thăm đến người này, người kia. Nhờ có để ý, Đức Mẹ thấy hết rượu. Một phần muốn giữ kín cho nhà cưới khỏi xấu hổ. Có khi cũng sợ cho người tin tưởng dị đoan phải buồn phiền, vì ngờ là điều không hay. Một phần lại muốn giúp đỡ cho ai nấy được vui vẻ. Biết Chúa Giêsu có quyền năng làm phép lạ và muốn cứu giúp người ta, Đức Mẹ kín đáo nói riêng với Chúa Giêsu. Đức Mẹ chỉ trình bày hoàn cảnh, chứ không thêm thắt đòi hỏi kêu xin gì. Đó là gương mẫu cầu nguyện tế nhị mà thân mật. Nghe lời Chúa Giêsu, Đức Mẹ hiểu ý Chúa Giêsu. Hình như Chúa Giêsu muốn nói: Mẹ để ý cẩn thận, thương yêu lo lắng cho người ta đến thế, thì tuy chưa đến lúc con tỏ cho người ta biết con là ai, nhưng con cũng làm theo ý của Mẹ. Đức Mẹ biết thế mới kín đáo bảo mấy người giúp việc. Cũng là một lời Đức Mẹ dạy cho muôn người và cho muôn đời. Ai thiếu gì, ai cần gì, Đức Mẹ vẫn biết, và can thiệp xin Thiên Chúa ban ơn giúp đỡ. Nhưng chính họ phải vâng theo ý Thiên Chúa cách đầy đủ hoàn toàn, Thiên Chúa dạy thế nào thì làm thế ấy. Đó là điều kiện cần thiết để nhận được ơn Thiên Chúa.

        (3) Giữ đúng như thế, thì dù chưa đến lúc, Thiên Chúa đầy lòng thương xót cũng ban phép lạ, như đổi nước thành rượu ngon. Tiệc cưới này thật là một bài học cho những ai muốn tránh hoạn nạn, thiếu thốn, sỉ nhục, đau khổ; muốn được hạnh phúc đầy đủ, vui vẻ. Điều kiện là phải mời Chúa Giêsu và Đức Mẹ đến cùng mình và gia đình mình. Làm thế nào để cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện diện trong tâm hồn và trong đời sống của mình. Nhìn vào tiệc cưới Cana, có thể thấy một vài chi tiết. Đó là một gia đình thân yêu của Đức Mẹ, ai cũng muốn có Chúa Giêsu và Đức Mẹ chung vui với mình, và chính mình sẵn sàng vâng lời. Ai cũng có lòng thương yêu, mong muốn hạnh phúc cho người khác. Như đôi tân hôn đương chan chứa tình yêu và muốn gây hạnh phúc cho nhau. Mỗi người đương sẵn sàng hy sinh chiều chuộng để mưu hạnh phúc cho bạn trăm năm, quyết giữ lòng thủy chung, như những tiếng cầu chúc của bà con bạn hữu. Ai cũng đương ở trong mối vui vẻ hiện tại và niềm hy vọng tương lai. Tiệc cưới như thế là hình bóng đời người muốn được ơn Thiên Chúa, muốn có hạnh phúc chân thật. Cần phải lo cho có đủ các điều kiện chính đáng. Giữ lòng tin chắc Đức Mẹ vẫn để ý đến mình, can thiệp cho mình, Thiên Chúa vẫn sẵn sàng nghe lời Đức Mẹ và cứu giúp mình./-
                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy