Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Đức Phanxicô thăm Hội đường Do Thái Roma: ‘Quá khứ phải là bài học hiện tại và tương lai ’

Filled under:



‘Quá khứ phải là bài học cho hiện tại và tương lai. Thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã dạy chúng ta biết cần phải cảnh giác tối đa để can thiệp đúng lúc nhằm bảo vệ phẩm giá con người và hòa bình.’

Ngài đến sớm trước 10 phút, bằng chiếc Ford Focus quen thuộc. Không có đoàn rước, không có đoàn tùy tùng. Chào đón ngài là bà Ruth Dureghello, chủ tịch cộng đồng Do Thái ở Roma, ông Renzo Gattegna, chủ tịch Liên hiệp Cộng đồng Do Thái ở Ý, và ông Mario Venezia, chủ tịch Tổ chức Bảo tàng Holocaust. Đức Phanxicô đặt lẵng hoa trắng dưới bước tường tưởng niệm cuộc trục xuất người Do Thái hồi năm 1943. Rồi ngài đi xuống đường Via Catalana, đặt một lẵng hoa nữa nơi bức tường tưởng niệm Stefano Gaj Taché, cậu bé bị giết trong vụ khủng bố 1982. Đức Giáo hoàng cũng thăm hỏi thân quyến của cậu.
Vài phút sau, Đức Phanxicô ôm chào Giáo sỹ trưởng thành Roma, Riccardo Di Segni, và đi vào Hội đường. Trong gần nữa giờ, Đức Phanxicô đi quanh hội đường, bắt tay và ôm chào những người hiện diện, thể hiện rõ chiều kích cốt yếu của chuyến viếng thăm này, là thân ái và bằng hữu.

TNX-11942-jews
Bà Dureghello, chủ tịch cộng đồng Do Thái, xúc động hiện rõ trên mặt: ‘Hôm nay, chúng ta một lần nữa viết lại lịch sử.’ Bà nhắc lại những lời của Đức Phanxicô chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, và chống những ai bác bỏ quyền tồn tại của dân Israel. Bà cảnh báo rằng, ‘hòa bình không đạt được bằng khủng bố, bằng dao súng, hay gây đổ máu trên các ngả đường Jerusalem, Tel Aviv, Ytamar, Beth Shemesh và Sderot .. Tất cả chúng ta cần phải chặn đứng chủ nghĩa khủng bố. Không chỉ khủng bố ở Madrid, Luân Đôn, Brussels và Paris, mà còn là chủ nghĩa khủng bố đang tác hại lên Israel mỗi ngày. Chủ nghĩa khủng bố không bao giờ là chính đáng.’
Giáo sỹ trưởng thành Roma, Di Segni, giải thích rằng, ‘Theo truyền thống pháp chế Rabbi, một hành động lặp lại 3 lần, trở thành một chazaqà, một tục lệ quen thân. Điều này chắc chắn là dấu chỉ cụ thể cho một kỷ nguyên mới.’ Tác động của sự kiện này rất cao xa và đem lại thông điệp sinh ích lợi cho toàn thế giới. Rồi ông nhắc về Năm Toàn xá trong truyền thống Do Thái: ‘Khi mở Cánh Cửa, thì đọc câu này ‘Mở cửa công chính.’ Bất kỳ người Do Thái nào nghe điều này hẳn sẽ thấy quen thuộc. Đây là câu trong Thánh vịnh mà chúng tôi trích lại trong nghi thức ngày lễ. Điều này cho thấy những con đường khác biệt và tách rời của hai tôn giáo, cũng có cùng một di sản chung, đều được xem là thiêng liêng. Tất cả chúng ta đều chờ đợi thời điểm này, chúng ta không biết còn bao lâu nữa thì sự phân rẽ này sẽ biến mất. Chúng tôi chào đón Đức Giáo hoàng khi ngài nói rằng, để vẫn được tôn trọng và bền vững, các tôn giáo khác biệt, không được biện minh cho hận thù và bạo lực. Thay vào đó, phải đong đầy tình bạn và cộng tác. Các cảm nghiệm, giá trị, truyền thống, và tư tưởng cao đẹp xác định căn tính của chúng ta phải được dùng để phục vụ cộng đồng.’

Rồi Đức Phanxicô mở lời, “Todà rabbà” bằng tiếng Do Thái, cảm ơn sự chào đón nồng hậu. Ngài nhắc lại rằng, ‘Tờ thời ở Buenos Aires, tôi đã thường đến các hội đường và gặp các cộng đoàn quy tụ ở đó, được dự các nghi lễ và tưởng nhớ của Do Thái mắt thấy tai nghe. Một mối dây thiêng liêng đã mở đường cho sự phát triển tình thân thật sự và cũng khơi dậy một nỗ lực chung.’ Đức Phanxicô nói về ‘mối liên kết độc nhất vô nhị giữa người Do Thái và Kitô hữu, từ đó cho cả hai cảm nhận nhau như anh chị em, được hiệp nhất bởi một Thiên Chúa duy nhất và bởi di sản thiêng liêng phong phú chung.’
Đức Phanxicô dùng một lời mà thánh Gioan Phaolô II đã nói về người Do Thái: ‘Các anh cả.’ Thật vậy, ‘các bạn là anh chị cả trong đức tin. Tất cả chúng ta ở trong một gia đình, là gia đình của Thiên Chúa. Ngài đồng hành với chúng ta và bảo vệ chúng ta, bởi chúng ta là Dân của Ngài. Là người Do Thái và Công giáo, chúng ta được kêu gọi thực thi trách nhiệm của mình đối với thành phố này, đóng góp và khích lệ giải pháp cho nhiều vấn đề dai dẳng.’
Trích văn kiện Nostra Aetate, Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng, ‘Giáo hội bác bỏ mọi dạng bài Do Thái và lên án mọi dạng xúc phạm, kỳ thị và bách hại bài Do Thái.’ Ngài cũng nhắc lại tầm quan trọng của một nghiên cứu thần học sâu xa hơn: ‘Kitô hữu không thể hiểu mình mà không hướng về gốc rễ Do Thái. Và Giáo hội, tuyên xưng ơn cứu đột qua đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, vẫn nhìn nhận sự chắc chắn của tình yêu không chút dao động và luôn thành tín mà Thiên Chúa dành cho Israel.

‘Từ kẻ thù và người lạ, chúng ta trở nên bạn bè và anh em.’

Chúng ta không được làm ngơ trước những thách thức mà thế giới đang phải đối diện hiện thời. Cần phải có một sinh thái chung phần, và các Kitô hữu cũng như người Do Thái chúng ta có thể và phải truyền cho toàn thể nhân loại biết thông điệp chăm sóc tạo vật trong Kinh thánh. Chiến tranh, xung đột, bạo lực và bất công, đang làm tổn thương nhân loại sâu sắc. Và chúng ta cần phải hiệp lực vì hòa bình và công lý.
Bạo lực chống lại con người, là đi ngược với bất kỳ giá trị tôn giáo đích thực nào, và đặc biệt là 3 tôn giáo hữu thần lớn … Mọi con người, tạo vật của Thiên Chúa, là anh chị em với chúng ta, cho dù gốc gác hay cảm tình tôn giáo của họ có thế nào đi nữa. Mỗi một người phải được trân trọng, như Thiên Chúa đã trân trọng, Ngài đưa bàn tay thương xót của Ngài ra cho tất cả mọi người, bất kể đức tin hay thuộc nhóm nào, và Ngài chăm lo cho những ai cần Ngài nhất, là người nghèo, người bệnh, người ngoài rìa xã hội, người vô lực. Khi sự sống đang gặp nguy hiểm, chúng ta càng phải bảo vệ hơn nữa. Bạo lực hay cái chết sẽ phải tan biến trước Thiên Chúa, là Chúa của yêu thương và sự sống. Chúng ta phải cầu nguyện kiên vững, để giúp mình đưa ra thực hành lý luận hòa bình, hòa giải, tha thứ và sự sống.’
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng nhớ lại nạn diệt chủng người Do Thái. ‘Sáu triệu người, chỉ vì là người Do Thái, mà trở thành nạn nhân của sự dã man bất nhân nhất do tay một hệ tư tưởng muốn thế chỗ Thiên Chúa. Ngày 16-10-1943, hơn ngàn người, đàn ông đàn bà trẻ em Do Thái ở Roma bị đẩy đến Auschwitz. Hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ họ cách đặc biệt. Những đau khổ, sợ hãi, và nước mắt của họ, thế giới sẽ không bao giờ quên. Và Quá khứ phải là bài học cho hiện tại và tương lai. Thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã dạy chúng ta rằng cần phải cảnh giác tối đa để nhanh chóng hành động bảo vệ cho phẩm giá con người và hòa bình. Tôi muốn bày tỏ sự chung lòng của mình với mọi chứng nhân nạn Holocaust hiện đang còn sống. Và tôi xin chào đặc biệt những ai hiện diện hôm nay.
Shalom Alechem! Bình an ở cùng anh chị em!’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch