Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 31/1/2016

Filled under:


ĐÓN NHẬN LỜI HẰNG SỐNG
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,22)
Suy niệm: Nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 là A. Einstein thú nhận: “Khi còn bé, tôi đã học cả Kinh Thánh và sách Talmud. Là người Do Thái, nhưng tôi đã bị khuôn mặt sáng ngời của Đức Giê-su Na-da-rét mê hoặc... Chưa ai đọc các sách Tin Mừng mà không cảm thấy sự hiện diện thật sự của Đức Giê-su. Tính cách của Ngài rung lên trong mỗi từ ngữ. Một đời sống như vậy không huyền thoại nào chứa hết được.” Trước Einstein 20 thế kỷ, dân làng Na-da-rét cũng bị mê hoặc bởi những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người như vậy. Đó không chỉ là lời khôn ngoan của bậc vĩ nhân, mà còn là Lời hằng sống, là Ngôi Lời Thiên Chúa, là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Mời Bạn: “Đức Giê-su là một bậc thầy nghệ thuật không ai bì kịp về khả năng phơi bày cái cốt lõi thâm sâu của chân lý tinh thần” (G. Vermes). Ngài không chỉ nói những lời hay ý đẹp, nhưng còn có thể giúp bạn nhận thức chân lý mang tính sinh tử cho đời mình. Bạn hãy đọc và nghiền ngẫm lời Ngài trong sách Tin Mừng để hiểu được chân lý ấy. 
Sống Lời Chúa: Trong năm mới cũng là Năm Thánh này, tôi sẽ dành thời gian mỗi ngày đọc một đoạn Tin Mừng nhằm giúp mình hiểu biết và yêu mến Chúa Ki-tô hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thán phục lời hay ý đẹp từ miệng Chúa như bao người khác. Thế nhưng, nhiều khi nại cớ bận rộn công việc mỗi ngày, con ngại ngùng khi phải dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa. Kế hoạch sống của con trong năm nay là có thời giờ tiếp cận Lời Chúa hằng ngày. Amen.

THÁNH GIOAN BOSCO HIỂN TU
(1815-1888)
Ngày lễ Đức Mẹ lên trời năm 1815 cũng là ngày thánh Gioan Bosco ra đời. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khó, lại mồ côi cha từ lúc lên hai, Bosco không được may mắn hưởng những ngày thơ ấu êm đềm như các trẻ cùng tuổi. Mẹ cậu là bà Margarita phải làm lụng vất vả mới kiếm đủ tiền nuôi con. Bà rất tiết kiệm, yêu việc lao động và ham thích cầu nguyện. Cậu Bosco có nhiều đức tính cao quý, một trí tuệ thông minh sắc sảo, một trí nhớ như nhựa. Cậu rất ham thích học hỏi, nhưng không có đủ tiền học, cậu đến nhà cha sở để học. Nhưng rủi thay ít lâu sau cha sở lại qua đời.
Đã đến lúc phải chọn hướng đi cho cuộc đời, Bosco tỏ ý muốn làm linh mục. Từ trước Bosco vẫn có ý định muốn vào tu
dòng thánh Phanxicô, nhưng đến sau, theo lời chỉ dẫn của cha linh hướng, Bosco đã bỏ ý định trên.
Thiên Chúa quan phòng muốn tuyển trạch chàng để sau này sáng lập dòng mới theo ý hướng của Chúa.
Ngày 30-10-1835 Gioan Bosco vào đại chủng viện Turinô. Thầy Bosco học hành rất chăm chỉ và rất giỏi. Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày mong ước đã tới: ngày 5-6-1841, Gioan Bosco được chịu chức linh mục. Trong ngày Gioan Bosco thụ phong linh mục, mẹ ngài đã nói một câu mà ngài ghi nhớ và suy niệm suốt đời: "Con ơi, ngày nào con bắt đầu uống Máu Thánh, là ngày con bắt đầu đau khổ". Làm linh mục rồi, ngoài việc coi xứ, ngày ngày linh mục Bosco đi thăm viếng các người nghèo khó và các bệnh nhân trong bệnh viện và cả các tù nhân trong các đề cao ở Turinô.
Từ ngày 08-12-1841, linh mục Bosco dồn hết tâm lực vào việc lựa nhân viên để thiết lập dòng Salêdiêng tương lai. Ngài nhận một em bé vô thừa nhận bị người coi nhà thờ đánh đập thậm tệ và xua đuổi đi rất tàn nhẫn: cậu bé đó tên là Carelli. Vì chưa xây được nhà, thánh nhân đành cho cậu trú ngụ trong nhà mặc áo nhà thờ thánh Phanxicô. Ngài cho cậu học chữ và giáo lý để chuẩn bị rước lễ lần đầu. Dần dà không những ngoài Carelli trong nhà ngài còn rất nhiều trẻ em khác.
Ngày 2-2-1842, trong nhà mặc áo thánh đường Phanxicô, người ta thấy có đến hai mươi em bé mồ côi. Rồi dần dà con
số đó tăng lên tới 100 em. Năm 1844, cha Gioan Bosco được cử làm Giám đốc viện dưỡng lão Phônêma, đồng thời ngài
kiêm thêm việc quản trị một cô nhi viện do bà hầu tước Barôlô sáng lập.
Không bao lâu, cô nhi viện không còn chỗ dung nạp thêm. Số các em đã tăng lên với con số 300.
Được sự chấp thuận của Đức cha Franxoni, Tổng Giám mục thành Turinô, cha Bosco sử dụng ngôi nhà thờ thánh Martinô
cũ kỹ với năm chữ vàng khắc trên cửa nhà thờ: "Tu viện thánh Phanxicô Salê" Nhưng vì các em nô đùa nghịch ngợm làm
huyên náo cả một khu phố, thánh nhân buộc lòng phải di cư cô nhi viện đến nhà thờ thánh Phêro do bà bá tước Cavua (Cavour) nhường lại, nhưng rồi sau cùng lại phải di cư đi chỗ khác. Lần này không kiếm đâu ra nhà nữa, thánh nhân đành phải dẫn dắt đoàn con côi cút đến sống ngay giữa cánh đồng cỏ. Gặp thời mưa sa, gió rét, lại phải chạy vào trú ẩn ở những lẫm lúa miền Vanđôccô, ngài dốc toàn lực lượng để xây cất một ngôi nhà cho con cái ngài có chỗ nương thân. Lo cho có chỗ ở, ngài còn phải tần tảo để kiếm cơm ăn, áo mặc và có chỗ học tập cho bầy con côi cút.
Vì quá lao lực, tháng 7 năm 1846, thánh nhân bị bệnh sưng màng phổi. Các bác sĩ đều thất vọng. Nhưng có lẽ Chúa chưa muốn để bầy trẻ phải vất vưởng không người săn sóc. Mùa đông năm đó thánh nhân được bình phục, lại trở về Turinô tiếp tục công việc ngài đã vất vả xây dựng. Vì hiếm người, thánh nhân mời mẹ tới lo việc bếp nước và may vá cho đoàn trẻ. Thánh nhân thuê được hai gian nhà ở gần lẫm Vanđôccôâ: gian trước dùng làm nhà bếp và nhà ở cho mẹ ngài; gian sau dùng làm bàn giấy và phòng ngủ của ngài. Lẫm Vanđôccôâ được dùng làm nhà nguyện. Thánh nhân cũng cấp tốc mở các lớp học tối.
Ngài nhận thấy muốn cho công việc giáo dục có kết quả, cần áp dụng chính sách "có mặt", nghĩa là ngài phải để mắt coi sóc các con cái ngài suốt ngày đêm. Thánh nhân dự định mở một ký túc xá. Để đạt ý định đó, lần hồi ngài đã thuê được cả toà nhà thuộc khu trại Vanđôccôâ. Tuy nhiên, ngài vẫn cảm thấy chật chội. Chủ trại bán cho ngài cả toà nhà ông đang ở với giá 30.000 quan. Nhờ lòng hào hiệp của các vị ân nhân, ngày 19-2-1851, ngài đã kiếm được đủ số tiền để trả. Sau đó ngài lại kiếm thêm được tiền để xây cất một ngôi nhà thờ đồ sộ. Ít lâu sau lại sừng sững mọc lên một toà nhà lộng lẫy, đội tên là nhà thờ của thánh Phanxicô Salê.
Bí quyết của thánh Bosco trong công cuộc giáo dục trẻ em đơn sơ nhưng rất kỳ diệu. Với một tình yêu người mẹ hiền và với lòng nhân hậu của người cha, thánh nhân đã gây trong lòng những người con yêu dấu của ngài một lòng tín nhiệm sâu xa và một lòng kính yêu chân thành, và chỉ có thế đã đủ để công cuộc giáo dục của thánh nhân được kết quả mỹ mãn.
Thánh nhân không chỉ nguyên lo việc phát triển thể xác của con cái ngài, nhưng ngài còn lo lắng mở mang trí tuệ và nhất là lo huấn luyện tâm hồn các em. Thánh nhân khích lệ con cái ngài năng xưng tội, rước lễ và nhất là lo tập cho các em thói quen xem lễ hằng ngày.
Trẻ em được thánh nhân huấn luyện đều rất ngoan ngoãn và chăm chỉ. Mọi hành động của các em đều quy về mục đích là
mến Chúa và làm đẹp lòng Người.
Mẹ thánh nhân từ trần vào mùa đông năm 1856. Chính thánh nhân đã làm các phép bí tích sau cùng cho mẹ. Cùng với cái tang đau đớn đó, thánh nhân còn phải đương đầu với những trở ngại, những khó dễ do chính phủ Ý gây nên.
Đứng trước tình thế nguy ngập trên, thánh Bosco phải đi tìm thêm một số linh mục khác cộng tác với ngài để thực hiện xong những ý định của ngài. Một số linh mục ở Turinô nhận hợp tác với ngài.
Qua năm 1857, thánh nhân chiêu mộ được một con số chừng 15 linh mục và một số giáo lý viên để thành lập một dòng tu với mục đích lo giáo dục các trẻ mồ côi nghèo khổ. Dòng mới này được mệnh danh là dòng Salêdiêng. (Đức Thánh Cha Piô IX châu phê luật dòng của thánh nhân năm 1874).
Qua năm 1872, hai hội dòng khác được thánh nhân sáng lập để củng cố và phát triển công cuộc của ngài: hội Đức Mẹ phù hộ giáo hữu. Hội này được thành lập với mục đích phát triển và nâng đỡ ơn thánh triệu linh mục.
Nhờ hội trên, thánh Bosco đã cống hiến cho Giáo hội hơn mười ngàn linh mục; thánh nhân lập thêm một dòng nữ mệnh danh là dòng Các Bà Phước Đức Mẹ Phù hộ, tức dòng nữ Salêdiêng. Dòng nữ này được thành lập với mục đích cứu trợ và giáo dục các em cô nhi.
Công cuộc vĩ đại của thánh Bosco đã mang đến cho thời đại ngài nhiều lợi ích và tiến bộ đáng kể. Thánh nhân đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn lao và nan giải của thời đại ngài trong lúc hàng vạn con trẻ Ý lang thang vất vưởng trên các nẻo phố; thánh nhân đã huấn luyện cho nhiều thanh thiếu niên có nghề nghiệp sinh sống. Ngài hành động để xoa dịu một phần nào những đau thương của xã hội. Nhưng công việc đáng kể là thánh nhân đã tuyển mộ cho Giáo hội được một số linh mục đạo đức. Ngay từ thời thánh nhân còn sống, dòng của ngài đã mọc lên như nấm khắp nước Ý.
Năm 1863, thánh Gioan Bosco mở một trường trung học vĩ đại ở Marabel và một trường khác ở Lanso. Người ta đã tặng
cho ngài danh hiệu "thánh Vinhsơn Phaolô" của nước Ý.
Thánh nhân làm nhiều phép lạ trong khi ngài thực hiện công việc bác ái. Người ta thuật lại rằng một lần kia Đức Thánh Cha Piô IX đã nói với một bệnh nhân đến xin Đức Thánh Cha chữa bệnh cho ông như sau: "Nếu con muốn khỏi bệnh, con hãy đến với cha Gioan Bosco, cha sở Turinô, ngài sẽ chữa con khỏi bệnh".
Thực ra, thánh Bosco là một vị thánh đã thực hiện đức bác ái một cách hoàn hảo. Hơn ai hết, thánh nhân đáng tự hào về những lời đáng kính của Thầy Chí Thánh: "Trước hết các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người ".
Công cuộc vĩ đại của thánh nhân, ngay từ khi còn sống đã lan rộng tới các hang cùng ngõ hẻm trong khắp nước Ý, sang Pháp và cả Châu Mỹ. Nhiều lần ngài đi công cán bên Pháp, đi đến đâu dân chúng cũng kéo đến vây quanh ngài với một lòng thành kính đặc biệt. Mọi người đều cảm phục trước vẻ oai nghiêm, vui vẻ đơn sơ và nhân hậu của thánh nhân. Là người nổi danh ở Turinô thánh nhân giảng thuyết với những lời lẽ đơn sơ dễ hiểu và êm dịu. Ngài giảng thuyết rất nhiều về trẻ em và hình như ngài chỉ nói vấn đề đó, một vấn đề ngài đã đem hết tâm lực để phụng sự.
Vì quá lao lực, năm 1884, cha ngã bệnh nạêng, lúc đó ngài đã ngoài 60 tuổi. Nhưng nhờ lời cầu nguyện của đại gia đình Salêdiêng, ngài lại được bình phục.
Mặc dầu tuổi đã cao, thánh nhân vẫn còn hoạt động cách sáng suốt và hiệu lực. Thể theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Lêô XIII, thánh nhân khởi công xây cất một ngôi thánh đường đồ sộ trên đồi Esquilinộ Để thực hiện công cuộc vĩ đại đó, thánh Bosco rảo khắp nước Ý, Pháp và Tây Ban Nha để quyên tiền và vật liệu…
Nhưng vì tuổi cao sức yếu, và vì lao lực quá, ngài lại ngã bệnh. Ngày 08-12-1887, thánh nhân còn thảo một bức thư gửi đại gia đình Salêdiêng. Bao lâu còn gượng được thánh nhân vẫn cố gắng giải tội lâu giờ. Ngày 01- 01-1888 tình trạng sức khoẻ của thánh nhân có vẻ khả quan hơn. Đức Giám mục Lie (Liège) xin thánh nhân thiết lập tu viện Salêdiêng ở giáo phận ngài. Thánh nhân đồng ý và đây là ngôi nhà dòng Salêdiêng cuối cùng do thánh nhân thiết lập.
Ít lâu sau, bệnh cũ lại trở lại, và nguy kịch hơn, Đức Hồng Y Hisơn (Hicherd) đích thân đến thăm viếng thánh Bosco và thánh nhân đã khẩn khoản xin Đức Hồng Y ban phép lành. Sau khi đã ban phép lành cho thánh Bosco, Đức Hồng Y cũng quỳ gối xin thánh nhân ban phép lành cho mình.
Thứ ba ngày 30 tháng giêng, bệnh tình thánh nhân càng ngày càng trầm trọng. Vào khoảng hai giờ sáng, Đức Thánh Cha từ đền thánh Phêrô ban phép lành Toà Thánh cho thánh nhân, khoảng bốn giờ ba khắc, sau khi đã chịu các phép bí tích, thánh nhân thở hơi cuối cùng giữa đoàn con yêu quý đứng vây quanh giường ngài, mắt rướm lệ.
Cả thành phố Turinô đau đớn chịu tang vị đại ân nhân. Họ buồn vì mất một người cha, nhưng lại vui mừng vì được một vị thánh như lời Đức Thánh Cha Lêô đã nói khi hay tin thánh nhân từ trần: "Don Bosco là một vị Thánh!".
Tuy chết đi nhưng hình ảnh của người cha hiền đó sẽ còn sống mãi trong lòng nhân thế. Lòng nhiệt thành và từ tâm của ngài đối với bầy trẻ côi cút phải là bài học sáng ngời soi dẫn tâm hồn con người trong muôn thế hệ.