Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

5 Phút Lời Chúa Ngày 5/5/2017

Filled under:

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,54)
Suy niệm: Chàng Rô-bin-sơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Nhưng đối với chàng thổ dân này thì “ăn gì bổ nấy”: ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm. Chả trách gì mà người Do Thái bị “xốc” khi Chúa Giê-su tuyên bố thịt máu Chúa là của ăn nuôi sống con người. Đúng là có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình. Nhưng để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa” dù là dưới dấu hiệu Bánh và Rượu của bí tích, thì phải được ơn ban đức tin. Vì thế, cần có lòng tin mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và hơn nữa cần có lòng mến để có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn.
Mời Bạn: Mỗi lần rước Mình Thánh Chúa, bạn có nhận ra Ngài đang ở trong linh hồn bạn hay không? Bạn có tin rằng bạn được Ngài yêu mến, bạn được ở trong Ngài hay không? Một sự thật không thể chối cãi, đó là nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, mà Ngài ở trong bạn như người bạn rất thân tình và đầy yêu mến.
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn trong sạch để có đủ điều kiện rước lễ mỗi khi đi tham dự Thánh lễ. Cầu nguyện với Chúa Giê-su cách thân tình, mỗi khi tiếp rước Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương lấy Mình Máu Chúa làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho mọi người chúng con khi tiếp nhận sự sống thần linh của Chúa cũng biết hiệp nhất yêu thương để hy sinh và phục vụ lẫn nhau.


Chân Phước Ceferino Jiménez Malla
(1861 -- 1936)
Chân Phước Ceferino Jimenez Malla, thường được gọi là "El Pele" sinh trong một gia đình thuộc dân du mục Gípsi (*) ở Tây Ban Nha năm 1861. Ông lập gia đình nhưng không có con nên đã nhận một đứa cháu vợ làm con nuôi. Mặc dù ít học, nhưng bản tính thông minh đã giúp ông thành công trong việc mua bán ngựa và có được một địa vị đáng kể trong xã hội để giúp đỡ người nghèo. Trái với thói quen của dân Gípsi, ông sống rất thành thật và siêng năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ cũng như lần chuỗi Mai Khôi. Dân làng thường hay tìm đến ông để nhờ giải quyết các tranh chấp thường bùng nổ trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếng tăm về lòng bác ái và đạo đức của ông ngày càng lan rộng, và dù ít học, dân chúng thuộc đủ mọi thành phần đều kính trọng ông vì sự khôn ngoan và thành thật của ông.

Lúc khởi đầu cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, vào tháng Bảy 1936, ông bị bắt về tội bảo vệ một linh mục đang bị kéo lê trên đường phố ở Barbastro, và vì ông đeo chuỗi Mai Khôi trên cổ. Ông được hứa trả tự do nếu ngừng lần chuỗi. Nhưng ông sẵn sàng chịu cảnh tù đầy và tử đạo. Vào tảng sáng ngày 8 tháng Tám 1936, ông bị hành quyết ở nghĩa trang Barbastro. Trước khi chết, tay ông cầm chuỗi Mai Khôi giơ cao và miệng hô to: "Vạn tuế Vua Kitô!"

Ông được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 4 tháng Năm 1997.

Lời Bàn
Chân Phước Ceferino cho chúng ta thấy tình yêu của Ðức Kitô không bị giới hạn bởi dòng giống hay văn hóa. Việc sống đạo hàng ngày của Chân Phước Ceferino đã giúp ngài chuẩn bị cho sự hy sinh sau cùng. Bất kể hậu quả như thế nào, những quyết định mà chúng ta thể hiện hôm nay sẽ giúp chuẩn bị cho các quyết định tương lai.

Lời Trích
Trong buổi lễ tuyên phong chân phước cho ông Ceferino, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Cuộc đời của ông cho thấy Ðức Kitô luôn hiện diện trong các dân tộc và các dòng giống khác nhau, và mọi người đều được mời gọi đến sự thánh thiện qua việc trung thành tuân giữ các giới răn của Người và luôn ở trong tình yêu của Người" (Trích báo L'Observatore Romano 1997, Tập 1, Số 6).

* Gypsy: là một giống dân du mục, nguyên thủy xuất phát từ Ấn Ðộ, sau đó lan tràn đến Âu Châu vào thế kỷ 14 hoặc 15. Hiện thời họ có mặt ở khắp các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Anh Quốc, v.v., và sống bằng những nghề không được lành mạnh như ăn trộm, coi bói, nài ngựa, thợ hàn thiếc, v.v.

Nhà Thờ Cho Người Da Màu

Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màụ
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữạ
Câu chuyện trên đây của Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Không ai là một hòn đảo. Chân lý này đúng cho những tương quan giữa người với người mà còn có giá trị hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người Kitô hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với nhau đến độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi của người này có thể làm tổn thương đến người khác... Trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau....
Không ai là một hòn đảo. Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.