MỪNG BỔN MẠNG TRUYỀN THÔNG TẠI TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON NGÀY 27/5/2017
SỨ MẠNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19)
Suy niệm: Trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên một ngọn núi tại Ga-li-lê, Người đã trao cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Sau khi nhận Thần Khí của Chúa Phục Sinh, các môn đệ đã ra đi tới các miền Sa-ma-ri, An-ti-ô-khi-a, A-thê-na, và đến Rô-ma. Các ông đã làm chứng cho Đức Giê-su bằng việc sẵn sàng chịu chết vì danh Chúa: Phao-lô bị chém đầu, Phê-rô bị đóng đinh ngược trên thập giá. Các Tông đồ khác trừ Gio-an, đều được phúc tử vì đạo.
Mời Bạn: Ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đón nhận sứ mạng rao giảng và làm chứng Tin Mừng Phục Sinh mọi nơi mình hiện diện. Nhờ các việc bác ái cụ thể được thực hiện trong sự khiêm tốn yêu thương vô vị lợi, mà Tin Mừng Phục Sinh sẽ tỏa sáng, giúp cho nhiều anh em lương dân nhận biết chúng ta thực là môn đệ Đức Giê-su và tôn vinh Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời.
Sống Lời Chúa: Bạn cùng với một người trong nhóm của bạn cầu nguyện và đồng thời, đi thăm một người bạn hoặc một gia đình lương dân sống trong khu xóm hoặc cùng làm việc với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn các môn đệ xưa kia và chúng con hôm nay tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa, bằng việc loan báo và làm chứng Tin Mừng Phục Sinh với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng ấy trong cuộc sống đời thường của chúng con.
Thánh Germain
(496 - 576)
Thánh Germain là một đan viện trưởng với đặc tính thương người nghèo và chia sẻ của cải cho họ đến độ các đan sĩ phải phản đối, nếu không đan viện sẽ không còn gì để sống.
Ngài sinh ở Autun nước Pháp, theo học tại Avalon và Luzy dưới sự dẫn dắt của người chú là một linh mục. Sau khi làm đan viện trưởng của Ðan Viện Thánh Symphorien gần Autun, năm 555 ngài được Vua Childebert chọn làm giám mục Balê, sau khi Ðức Giám Mục Eusebius từ trần.
Trong thời gian làm giám mục, ngài vẫn giữ lối sống kham khổ của đan viện và luyện tập các nhân đức. Ngài tham dự các Công Ðồng Balê III và IV (557, 573) cũng như Công Ðồng Tour II (566). Ngài thúc giục nhà vua từ bỏ các thói quen ngoại giáo và cấm tiêu xài phung phí trong các buổi lễ Kitô Giáo.
Sau khi vua Childebert từ trần, nước Pháp tan hoang vì sự tranh giành và bị chia làm bốn cho bốn thái tử. Ðức Germain đã phải can thiệp, dùng thẩm quyền của Giáo Hội để ra vạ tuyệt thông một thái tử vì sự đồi trụy, và ngài cố gắng ngăn cản cuộc chiến giữa các thái tử khác.
Trước khi sự thái bình được vãn hồi, Ðức Germain đã từ trần ở Balê ngày 28-5-576. Thi hài của ngài được chôn trong nhà nguyện Thánh Symphorien nhưng sau đó, năm 754, đã được cung kính chôn cất trong thánh đường chính, trước sự hiện diện của Vua Pepin và thái tử Charlemagne. Từ đó trở đi, Thánh Germain thường được gọi là Thánh Germain-des-Prés.
Ngoài lá thư của Vua Childebert cảm tạ Thánh Germain vì đã cứu ông thoát chết một cách lạ lùng, ngày nay người ta còn giữ một luận án về bản phụng vụ cổ của Pháp mà họ cho rằng Thánh Germain đã sáng tác.
Người Tín Hữu Cuối Cùng
Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:
Ðây là một chuyện giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:
- Anh có biết ai đấy không?
- Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lờị
- Ðức Giáo Hoàng đấy! Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng. Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì saỏ
Xuyên qua đời sống tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v...? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề "Truyền giáo trong xã hội tân tiến", Chúa Giêsu đã khẳng định: "Các con là muối đất", "Các con là ánh sáng thế gian". Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.