Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 02/05/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6: 30-35)

Khi ấy, đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy và tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật các ngươi, không phải Môisê đã ban bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực, vì bánh của Thiên Chúa phải là vật từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

SUY NIỆM 1

Dân chúng đi theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy. Họ mệt lã và đói nên Chúa làm phép lạ hoá bánh cho họ ăn. Bánh được hoá ra nhiều, ăn no nê, họ lại đòi ăn nữa. Có bánh ăn do phép lạ của Chúa làm, đi theo mãi cũng được, vì khỏi phải làm gì, nhưng vẫn có cái ăn. Thế là thoả mãn.

Dân chúng cần nhiều hơn những phép lạ như phép lạ hoá bánh ra nhiều, để thoả mãn nhu cầu của họ. Cái gì cần là hoá phép có ngay, không cần làm lụng, chỉ cần thế là đủ.

Dừng lại ở đây để chúng ta nhận ra nguy cơ trong đời sống chúng ta. Đó là chúng ta thường đòi hỏi quá nhiều mà chúng ta không biết mình cần nó để làm gì, có thực sự ích lợi cho mình không? Niềm tin không phải là nhà sản xuất và Chúa không phải là nhà cung ứng cho chúng ta những nhu cầu con người, dù rằng Người vẫn ban cho ta những gì thiết yếu. Qua cuộc đối thoại này, chúng ta nhận ra ý Chúa muốn dân phải nghĩ xa hơn, cái gì đó phải vượt thoát ra khỏi cái ăn cái mặc thường ngày, đó mới là tin Chúa thật. Chúa muốn mình hướng đến cái gì chân thiện mỹ hơn, còn “tôi” thì chỉ muốn dừng lại đây, thuần tuý là ăn uống và hưởng thụ trong tính toán lợi lộc và ích kỷ.

Ngày nay, nhất là trong đời sống người trẻ, chúng ta nhận diện được xu hướng lớn về sự muốn hưởng thụ cho bản thân và làm thế nào giàu có sung sướng, an nhàn, kiểu lấy chồng đại gia cho sướng thân xác mà không cần phải làm lụng hay cống hiến gì? Học được một chút, thì họ cho rằng như thế là quá đủ, họ cho họ quyền được kiêu căng và tự mãn, không cần học gì thêm. Có công ăn việc làm rồi thì miệt mài kiếm tiền để mua sắm chi tiêu cho thoả thích, mà ít ai để ý rằng mình phải chia sẻ hay giúp đỡ những người đau bệnh, nghèo nàn. Thích thì xách ba lô lên và đi, tung tăng khắp nơi, hưởng thụ nhưng không hề trăn trở. Ngồi lại thì toàn thấy bàn chuyện ăn nhậu và chơi bời, ít ai ngẫm nghĩ hay chia sẻ cho nhau những bài học, những triết lý, một cuốn sách hay hoặc điều gì đó có ích cho cộng đồng.

Đời sống dân sự cũng thế, nếu chúng ta không thoát ra khỏi cái vỏ bọc ích kỷ của cá nhân, chúng ta chẳng thể giúp ích gì cho xã hội. Giá trị của tư duy và sáng tạo phải khởi đi từ con người chúng ta, phải thấy ích lợi cho cộng đồng cho người khác thay vì chỉ nhìn thấy mình. Đời sống tôn giáo cần nhiều hơn thế nữa. Thánh Thể là bánh hằng sống mang ý nghĩa ban tặng. Chúa ban tặng Người cho chúng ta và tới lượt ta phải ban tặng ta cho người khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con mỗi lần rước Chúa là mỗi lần chúng con luôn ý thức rằng chúng con phải trở nên tấm bánh tinh tuyền cho người khác bằng hy sinh và cống hiến của mình. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



SUY NIỆM 2
Trong bốn ngày liên tiếp, từ hôm nay đến thứ sáu, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại toàn bộ lời của Đức Giê-su về “Bánh Trường Sinh” (Ga 6, 30-58). Bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan về “Bánh Trường Sinh” này có thể được chia làm 3 phần: phần 1 (c. 30-40): bài Tin Mừng của ngày thứ ba và thứ tư; phần 2 (c. 41-51): bài Tin mừng của ngày thứ năm; và phần 3 (c. 52-58): bài Tin Mừng của ngày thứ sáu; và có cấu trúc song song luân phiên như sau:
  1. Những vấn nạn
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, mỗi đoạn đều được bắt đầu bằng một vấn nạn của người Do Thái
  • Khi Đức Giê-su nói: “Công trình của Thiên Chúa, là các ông tin vào Đấng Người sai đến” (c. 29). Họ chất vấn Đức Giê-su: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?” (c. 30)
  • Khi Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”; họ nêu vấn nạn: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giuse đó sao?” (c. 42)
  • Và khi Đức Giê-su nói: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Họ liền tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c. 52)
Các vấn nạn đều đòi hỏi những bằng chứng hiển nhiên (khách quan, bên ngoài), thể lý và hữu hình, nghĩa là thuộc bình diện của “nhu cầu”: nhìn dấu lạ, biết nguồn gốc và ăn đồ ăn. Những vấn nạn có thể được coi như những lời lẩm bẩm, giống như Dân Chúa trong sa mạc đã lẩm bẩm, vì Đức Giê-su nói với họ: “các ông đừng có xầm xì với nhau” (c. 43). Chúng ta đừng quên, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi sau khi nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” Trong mức độ nào đó, lời “lẩm bẩm” này còn nghiêm trọng hơn những vấn nạn của người Do Thái, vì phản ứng như thế là từ chối đối thoại. Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự.
Có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta. Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm thiết thân, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô. Chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.
  1. Nhu cầu và ước ao
Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an khá dài về Bánh Hằng Sống mở đầu và kết thúc với hình ảnh Manna: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (c. 31); “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (c. 58) Xin cho chúng ta cảm nhận được sự sống mới, khi “ăn” bánh từ trời xuống, là chính Đức Giê-su. Để hiểu lời của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống, chúng ta cần phân biệt nhu cầu và ước ao có nơi mỗi người chúng ta.
Thực vậy, con người không thể ăn bánh ăn mà lại, ngang qua nhu cầu rất căn bản này, không ước ao sự hiện diện, không hướng tới sự hiện diện. Chúng ta vẫn nói: “rượu ngon, phải có bạn hiền”. Ngang qua việc đón nhận lương thực hàng ngày, con người chúng ta còn ước ao sự hiện diện nhân linh (nhân linh nghĩa là điều thuộc riêng con người, điều thuộc về nhân tính); và không chỉ sự hiện diện nhân linh, mà còn sự hiện diện thần linh nữa (ước ao trọn vẹn thay vì dở giang, tuyệt đối/tương đối, mãi mãi/mau qua).
Ước mơ có được “thần lương” nói lên ước ao này, đó là bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên không thể không ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa gieo vào nơi sâu thẳm của con người lòng ước ao. Ngài làm thế, chính là để làm thỏa mãn; Thiên Chúa làm thỏa mãn ước ao của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta thử tưởng tượng: một quà tặng cho một người hoàn toàn không có ước ao gì hay khao khát nào, thì chẳng có ý nghĩa gì, và không thể tạo ra niềm vui. Lòng ước ao nơi con người là một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được thôi.
Chính Đức Giêsu là bánh đích thực, là lương thực đích thật đem lại sự sống. Bánh sự sống không phải là bánh ăn mãi không hết, cũng không phải là thứ bánh cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử, không phải thứ bánh ăn vào là no luôn, nhưng là căn tính của Đức Giêsu, là ngôi vị của Đức Giêsu, mà người ta được mời gọi đích thân “cảm nếm”. Đây chính là điều mới mẻ hoàn toàn so với Xuất Hành, với toàn bộ lịch sử cứu độ, lịch sử loài người.
Vì thế, lời của Đức Giêsu không thể dựa trên bất cứ một bằng chứng nào, cho dù đến từ trời; Lời của Ngài vượt quá mắt phàm, vì người ta chỉ thấy Ngài là con ông Giuse; và Lời của Ngài cũng quá chướng tai, vì Ngài tuyên bố mình là lương thực đem lại sự sống đích thực cho con người. Đó là vì Lời của Ngài chỉ có một “đối tác” duy nhất, có một chỗ vang vọng duy nhất: đó là lòng ước ao (khác với nhu cầu). Ước ao là một chuyển động hướng đến một Đấng Khác mà tôi không thể tạo ra được, và ước ao cũng là một chuyển động hướng tới một ơn huệ mà tôi không thể tự ban cho mình. Thế mà, Bánh Thánh Thể, là mình và máu Đức Kitô, nhằm làm no thỏa lòng ước ao của loài người chúng ta, nhưng không bỏ qua cấp độ “nhu cầu”:
  • Đó là bánh ngon và rượu ngon.
  • Đó là sự hiện diện nhân linh và vừa thần linh, vì đó là Đức Giê-su Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa.
Khởi đi từ bánh rượu (nhu cầu), giống như phép lạ bánh hóa nhiều, nhưng cũng chính nơi bánh rượu, chúng ta được mời gọi tin tưởng, hiểu biết, yêu mến, ở lại với một Ngôi Vị, là Đức Ki-tô, là Bánh Hằng Sống, để sống sự sống đời đời mà Ngài thông truyền cho chúng ta ngay hôm nay.
Với mỗi vấn nạn, Đức Giêsu trả lời khá dài. Nhưng Ngài không trả lời bằng cách đưa ra những bằng chứng, hay bằng những lí luận khúc triết để bắt người ta phải cúi đầu khuất phục. Đó không phải là con đường hay lí lẽ của lòng tin, bởi vì đối tượng của lòng tin, thì không thể thấy được. Đức Giêsu chỉ nói điều mình là thôi. Bởi lẽ chân lí không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình; chẳng hạn như hương vị thơm ngon của trái soài không thể chứng minh được, nhưng chỉ được thưởng thức trực tiếp mà thôi).
  1. “Chính tôi là Bánh Trường Sinh”
Thay vì đòi ăn mãi, Đức Giêsu mời gọi dấn thân: làm việc vì lương thực khác, đó là tin vào Ngài. Như xưa kia, Dân Chúa được mời gọi đi từ Manna sang lựa chọn đặt niềm tin vào hành động của Thiên Chúa, tin vào sự dẫn dắt của Môsê (x. Xh 14, 31). Tuy nhiên, đã chứng kiến một dấu lạ, họ còn đòi một dấu khác lớn hơn (c. 30). Tin với điều kiện có một dấu lạ lớn hơn, đó là thử thách Thiên Chúa, đó là ngụy biện, vì người ham muốn dấu lạ, là người không có khả năng tin (c. 64). Sau này, họ cố ý đóng đinh Đức Giêsu và yêu cầu Ngài xuống khỏi Thập Giá để họ thấy và họ tin. Đòi thấy hết rồi mới tin, sẽ tự chuốc lấy sự hổ thẹn.
Được ăn bánh no nê, nhưng xét cho cùng bánh này không đến trực tiếp từ trời, nhưng từ giỏ xách của một em bé (x. Ga 6, 8); vì thế, họ đòi dấu lạ từ trời giống như Manna xưa kia (c. 30). Chúng ta được mời gọi nhận ra và cảm nếm ơn sáng tạo, nhất là ơn lương thực, khi lắng nghe Lời Chúa trong trình thật Sáng Tạo Bảy Ngày (x. St 1; và nên đọc Tv 104): những gì đến từ đất, từ thế giới sáng tạo cũng là đến từ trời cao, từ Thiên Chúa. Ai không nhận ra điều này, sẽ không có khả năng tin và nhận ơn huệ đến trực tiếp từ Thiên Chúa, mà ơn huệ tuyệt đỉnh là Mình và Máu Đức Kitô:
Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc