TIN THẦY LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU
“Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.” (Mt 5,48)
Suy niệm: “Điều đó”, điều mà Chúa Giê-su nói với các môn đệ trong bữa tiệc chia tay vào buổi chiều thứ Năm hôm ấy, là những điều thật khủng khiếp: nào là những môn đệ mà Thầy rất mực yêu thương, nay lại phản Thầy, chối Thầy, nào là viễn cảnh hãi hùng của con đường thập giá mà Ngài sắp bước vào. Dù những “điều đó” làm Chúa Giê-su “cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13,21), nhưng Chúa Giê-su không vì thế mà chùn bước tháo lui. Ngài nói cho các môn đệ biết “trước khi sự việc xảy ra” để cho các ông biết đó là sứ mạng Ngài nhận lãnh từ Chúa Cha, Ngài vâng ý Cha mà thực hiện và nhờ đó các ông tin Ngài cũng chính là “Đấng Hằng Hữu”.
Mời Bạn: Là môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta được thông phần tâm tình và sứ mạng của Ngài. Từ đó, mỗi người chúng ta cùng học lấy nơi Chúa Giê-su sự trung thành và tận tụy với bổn phận hàng ngày của mình. Cho dầu khó khăn, thử thách và nhiều khi nguy khón nữa, chúng ta cũng vẫn luôn cố gắng hoàn thành bổn phận mỗi ngày của mình.
Chia sẻ: Bạn có bị cám dỗ tháo lui, bỏ bê bổn phận khi gặp điều trái ý, thử thách trong cuộc sống không? Bạn đã làm gì để khắc phục điều đó?
Sống Lời Chúa: Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi nên giống Chúa Ki-tô để sống như Ngài đã sống. Ngài đã trung thành với sứ mạng cho dù phải đối diện với nhiều khó khăn. Noi gương Ngài, chúng ta cũng phải biết trung thành với bổn phận hàng ngày của mình mỗi ngày: bổn phận trần thế và bổn phận của một người con Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.
(1701 - 1781) |
Thánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Ngài là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở Sardinia và tên thật là Francis Ignatius Vincent Peis. Ngay từ nhỏ Vincent đã biết cái nghèo là gì, nhưng trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người cha siêng năng làm việc và người mẹ đạo đức, luôn dạy con cái trở nên xứng đáng là con Chúa.
Ngay từ nhỏ, Vincent đã thường đau yếu luôn, và khi 18 tuổi anh bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Chạy đến với Ðức Trinh Nữ Maria, anh hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Ðức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai, khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện Thánh Biển Ðức ở Cagliari, và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.
Sau khi tuyên khấn, thầy được sai đến tu viện ở Buoncammino làm đầu bếp trong vòng hai năm. Và mười năm tiếp đó thầy đi khất thực cho tu viện ở Iglesias và sau lại trở về Buoncammino làm nghề dệt. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, thầy lại trở về công việc khất thực cho nhà dòng. Có thể nói, "công việc" của thầy bao gồm việc lang thang trên đường phố Cagliari để xin thức ăn cho nhà dòng. Không bao lâu, thầy là khuôn mặt quen thuộc của dân chúng và họ gọi thầy là "Padre Santo" (Cha Thánh).
Thầy được sự yêu quý của người già cũng như sự tin tưởng của người trẻ. Trẻ con ở Cagliari lại càng quý mến "Padre Santo" là chừng nào khi thầy luôn kể cho chúng nghe các câu truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Lòng thương yêu tha nhân đã trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của thầy, và từ đó xuất phát sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành có sức thu hút người khác.
Trong hai năm cuối của cuộc đời, thầy bị mù, và từ trần ngày 11 tháng Năm 1781. Thầy được phong thánh năm 1951.
Lời Bàn
Tại sao người dân ở Cagliari lại giúp đỡ các tu sĩ? Các môn đệ của Thánh Phanxicô là những người siêng năng làm việc nhưng đó là những công việc không đủ sống. Trong những điều kiện ấy, Thánh Phanxicô cho phép họ đi xin ăn. Cuộc đời Thánh Y-Nhã cho chúng ta thấy, những gì Thiên Chúa coi là giá trị thì không liên hệ đến đồng lương cao hay thấp.
Lời Trích
"Tôi thường làm việc với đôi bàn tay, và tôi vẫn muốn làm việc; tôi thực sự mong muốn tất cả các anh em đều tận tình làm việc. Những ai không biết cách làm việc hãy học làm việc, không phải vì muốn được trả lương nhưng vì sống gương mẫu và để tránh sự lười biếng. Và khi chúng ta không được trả lương, hãy trông nhờ vào bàn ăn của Thiên Chúa, mà đi ăn xin từng nhà" (Thánh Phanxicô, Bản Di Chúc).
Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh
Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại....
Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài ngườị
Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính...
Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.
Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: "Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi". Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.
Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúạ
Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh...
Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.
Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúạ
Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người....