Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

ĐGH Phanxicô: Tôi sẽ phó thác vận mệnh của nhân loại cho Đức Trinh Nữ Fatima

Filled under:

Trước chuyến đi Fatima vài ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức buổi triều yết chung Thứ Tư hàng tuần tại Công trường Thánh Phêrô. Ngài đã ấp ủ những cử chỉ trìu mến từ những khách hành hương trẻ tuổi nhất.

Đức Thánh Cha tiếp tục chu trình bài giáo lý cùng chủ đề về hy vọng. Lần này, nhân vật chính là Đức Trinh Nữ Maria, trong đó ngài nói rằng Mẹ là tấm gương ngời sáng về lòng dũng cảm và hy vọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Để trả lời ‘xin vâng’ trước truyền tin của Thiên sứ quả không dễ dàng;’ Và Mẹ, một thiếu nữ còn trong độ xuân thì, mạnh dạn trả lời mặc dù không biết số phận phía trước. Mẹ Maria ở đó, trung thành hiện diện, mọi lúc. Bạn nào cần giữ một ngọn nến thắp sáng trong một nơi đầy sương mù.”

Ngài cũng đề cập đến tất cả các bà mẹ trên thế giới, và khả năng từ bỏ nỗi sợ hãi để chiến đấu cho con cái của mình, ngay cả trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Điều này cũng giống như Đức Maria, khi Mẹ phải chứng kiến con mình chết trên thập giá.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Các bà mẹ không giả dối, và trong giây phút ấy, dưới chân thập giá, không ai trong chúng ta có thể nói được gì là nỗi khổ hình tàn nhẫn nhất của một người vô tội đã chết trên thập giá hay sự đau đớn của một người mẹ bên cạnh con trai mình trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.”

Ngài giải thích rằng Đức Trinh Nữ Maria là mẫu mực cho người Kitô giáo, vì Mẹ đã dạy cho người ta kiên nhẫn ngay cả khi cảm thấy không còn gì là ý nghĩa. Đức Thánh Cha kết luận bằng cách xin cầu nguyện cho chuyến đi sắp tới của ngài đến Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Tôi sẽ hành hương Fatima, phó thác cho Đức Trinh Nữ số phận tạm thời và vĩnh cửu của nhân loại.”

Ngày 13 tháng Năm kỷ niệm 100 năm ngày Đức Trinh Nữ Maria hiện ra, và Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phong thánh cho hai trong số những người đã chứng kiến sự kiện này.

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn



CẢNH GIÁC VỚI TỘI CHỐNG LẠI THẦN KHÍ
Hãy coi chừng tội chống lại Thần Khí, và luôn biết mở lòng với những sự kinh ngạc của Thiên Chúa. Đây là lời thúc giục của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 08-5, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

“Thần Khí làm những phép lạ là tạo nên những sự mới mẻ, nhưng rõ ràng có những người sợ sự mới mẻ này của Giáo hội.

Thần Khí là ơn Chúa ban, ơn của Chúa Cha luôn luôn khiến chúng ta kinh ngạc. Thiên Chúa của những kinh ngạc… Tại sao lại thế? Bởi Ngài là Thiên Chúa hằng sống, ngự trong chúng ta, một Thiên Chúa đánh động lòng ta, một Thiên Chúa ở trong Giáo hội và đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành này. Ngài cho chúng ta kinh ngạc. Ngài là sự sáng tạo để tạo thành thế giới, sự sáng tạo dựng nên những điều mới mẻ mỗi ngày. Ngài là Thiên Chúa khiến chúng ta kinh ngạc.

Và điều này có thể gây nên “những khó khăn” như chuyện mà thánh Phêrô gặp phải, khi các môn đệ khác thách thức ông về chuyện “ngay cả dân ngoại cũng chào đón Lời Chúa.” Với họ, Phêrô đã đi quá xa, và họ khiển trách ông vì theo họ, ông là một gương xấu, đến nỗi họ nói, “Phêrô, tảng đá của Giáo hội! Ông dẫn chúng tôi đi đâu thế này?”

Phêrô đã kể lại thị kiến, một dấu chỉ của Chúa, để giúp ông ra một quyết định can đảm. Phêrô có thể chào đón sự kinh ngạc của Thiên Chúa. Như thế, trước những điều kinh ngạc của Thiên Chúa, các tông đồ hội lại với nhau, bàn bạc và đi đến một thống nhất để dấn một bước đi mà Chúa mong muốn.

Từ thời các ngôn sứ cho đến nay, đã luôn có tội chống lại Thần Khí. Đây là tội mà thánh Stephanô đã lên án những thượng tế. “Các ngươi và cha ông các ngươi đã luôn chống lại Thần Khí.” Họ là những người theo kiểu, “Không, lâu nay làm thế này, và phải làm thế này.”  Họ bảo thánh Phêrô không được làm điều mới mẻ, phải bình tĩnh lại…phải tê dại đi…để tiếng của Thiên Chúa bị tắt ngấm.

Trong Thánh vịnh, Thiên Chúa đã bảo dân rằng: “Đừng chai đá lòng mình như cha ông các ngươi.” Chúa muốn chúng ta đừng biến lòng mình ra chai đá. Chúa đã nói rằng, có những con chiên khác, những đàn chiên khác không theo Ngài, nhưng rồi sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử.  Vậy mà họ lại lên án những người dân ngoại, kể cả khi đã theo đức tin, họ vẫn bị xem là tín hữu hạng hai.

Cái câu “Lâu nay luôn thế này” đã đóng kín và chống lại Thần Khí, và nó giết chết tự do, niềm vui, sự trung thành với Thần Khí, Đấng luôn hành động để thăng tiến Giáo hội. Nhưng làm sao tôi biết điều này từ Thần Khí hay từ thế gian? Điều này cần chúng ta xin ơn nhận định. Làm sao để nhận định trong những tình huống như vậy? Câu trả lời chính là cách mà các tông đồ đã làm, hội lại với nhau, nói chuyện và nhìn ra con đường của Thần Khí. Nếu không, những người không cầu nguyện vẫn sẽ cứ mãi đóng kín và ù lỳ.

Trong nhiều sự cách tân, các Kitô hữu phải học cách nhận định, biết những gì đến từ Thiên Chúa và những gì từ thế gian cùng ma quỷ.  Đức tin không bao giờ thay đổi. Đức tin luôn là một. Nhưng đức tin ở rộng và vận động. Thánh Vincent thành Lerins đã nói rằng, “Những sự thật của Giáo hội tiến tới, được tăng cường qua năm tháng, phát triển theo thời gian, trở nên thâm sâu, và bởi chúng phát triển mạnh mẽ hơn và mở rộng hơn qua năm tháng, nên ngày càng thâm sâu hơn theo tuổi đời của Giáo hội.”

Cha mong anh chị em hãy xin ơn nhận định để đừng nhầm lẫn mà rơi vào bất động, cứng ngắc và khép kín tâm hồn.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng