Đứa con ra khỏi phòng thi, bà mẹ nhào tới hỏi han: Con làm bài được không? Đứa con xị mặt xuống: Cô giáo coi thi khó lắm! Bà mẹ buột miệng: Cái con… nó không để cho con của bà làm bài.
Người ta cũng nhớ cảnh thi tốt nghiệp của học sinh các cấp. Chẳng cần phải nói tên cụ thể ở đâu và khi nào, người ta cũng dễ hình dung cảnh phao được ném tới tấp, cảnh chép bài được thực hiện lia lịa, cảnh các giám thị nửa thật nửa giả khi coi thi, cảnh các phụ huynh tiếp cận tứ phía để cứu trợ cho con cái mình… Cứ thế, người ta cũng thấy khá vui. Khi có kết quả, người ta đọ nhau hơn kém. Dù biết kết quả là giả, người ta vẫn hào hứng thích thú. Những cái giả như thế có lẽ luôn có sức hấp dẫn. Có những thầy cô giữ lương tâm nghề giáo, thì lại bị coi là khó khăn, lại bị xịt lốp xe.
Người ta cứ nghĩ có tiền là mua được kiến thức. Người ta cứ nghĩ có cái bằng giả là có được năng lực làm việc. Người ta cứ nghĩ có được một chỗ đứng do mua bán đổi chác, là có thể giúp được cuộc đời. Có lẽ người ta nhầm. Có lẽ người ta không nhầm mà lại vui vẻ và thích thú với những cái giả ấy. Hình như ngu ngu thì có vẻ vui thích.
…
Lại nhớ đến chuyện môi trường, đến thực phẩm rau cỏ thịt cá. Bao nhiêu loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà phần đa là đến từ Trung Quốc, đã tuồn vào đời sống của người dân, đã đi vào thân thể của người dân, đã nằm trong xương thịt của con người, và chỉ cần chờ ngày là phát bệnh. Cái đau xót nhất là chính mình hại mình. Ví như khi người ta trồng rau. Người ta dành một khoảng vườn riêng để trồng rau ăn cho gia đình, còn khu vườn rộng lớn kia để bán. Người ta phân biệt giữa để ăn và để bán. Để ăn có nghĩa là mình ăn, để bán có nghĩa là người khác ăn. Phân biệt như thế, vì người ta dùng đủ loại thuốc hóa chất chỉ vì lợi nhuận mà không đoái hoài đến an toàn. Không chỉ người trồng rau, đến người nuôi heo nuôi gà, người làm ruốc, người nấu rượu… cũng làm như thế, cũng phân biệt giữa để ăn và để bán.
Cuối cùng, làm như thế là chính mình đang giết hại mình, vì mình đang ăn đồ được bán. Gậy ông đập lưng ông là thế. Lời Chúa vẫn văng vẳng: nếu anh muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy. Ai cũng nghĩ vì lợi nhuận, mà mình thu được một ít tiền, mà không nghĩ rằng, số tiền ấy không đủ một phần nhỏ để chữa những căn bệnh phát sinh do thực phẩm đểu gây ra. Đó là chưa nói đến chuyện, số tiền ấy chẳng bao giờ mua lại được sức khỏe. Nguy hiểm hơn nữa, được một ít tiền, mà người ta bán đi lòng tin tưởng nơi nhau.
Sự kiện đáng chú ý về môi trường biển của miền Trung vẫn tiếp tục được người dân hết sức quan tâm. Vì người dân chưa nhận được giải đáp thỏa đáng. Rằng trong một thời đại mà cả thế giới báo động về sự xâm hại trầm trọng đối với môi trường thiên nhiên, mà tại đất nước mình lại xảy ra một vụ nghiêm trọng như thế, ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống của biết bao người dân, và ảnh hưởng lâu dài đến cả tương lai của các thế hệ tiếp nối.
…
Có lẽ “ý nghĩa” và “thú vị” là hai điều rất quan trọng trong cuộc sống. Lạy Chúa, thật đáng tiếc nếu con sống vô nghĩa và vô vị! Vì “Cuộc sống” khác với “sinh tồn”.
Nếu đời con ý nghĩa mà thiếu thú vị, thì con bận bịu trăm công nghìn việc, nhưng lại buồn chán. Nếu đời con thú vị mà thiếu ý nghĩa, thì con đang sống kiểu “giải trí”, trống rỗng!
Sống thú vị là sống ý nghĩa, là sống biết thưởng thức. Biết sống không phải chỉ là kiến thức. Hiểu biết là hòa hợp. Kiến thức của con có thể rộng lớn về đủ loại phạm vi, nhưng con lại chưa biết thưởng thức chúng. Có thể con ngày càng am tường một lĩnh vực chuyên sâu, để rồi tự biến mình trở thành một “tên ngốc tài năng”.
Nhịp sống ngày nay cũng có thể làm cho cuộc sống trở nên vô vị. Có thể do con quá ham thích đồ vật và quá ham thích quen biết nhiều người. Ham thích đồ vật, bị cuốn vào vòng xoáy tiêu thụ, mà thực ra con đang sống kiểu văn hóa “vứt đồ”, vì con không còn thì giờ để yêu thích. Đồ của con cần luôn là mới nhất, hợp thời nhất, đắt tiền nhất…
Con như người lính chuyên đi chiếm đóng lãnh thổ, mà quên đi vai trò chăm sóc ruộng đồng của người nông dân. Thay vì làm chủ thế giới, con tự trở thành kẻ làm thuê chỉ biết làm theo những mệnh lệnh vô hình vô hồn. Nhà của con có thể nhiều đồ đạc quá đến nỗi con không còn đủ chỗ để ở. Con quen biết bao nhiêu là người, mà không biết thực sự bạn thân có nổi một người hay không. Khi ấy, con dễ bị cuốn vào vòng xoáy của “văn hóa thời thượng” là “vứt đồ” và “vứt người”.
…
Thách đố rất lớn là làm thế nào để hòa hợp, hòa hợp giữa hiểu biết và tình cảm, giữa cái đầu và con tim. Trong đầu con có danh mục dài về giá tiền của các loại hàng hóa, nhưng lại thiếu danh mục về giá trị thật mà từng loại hàng hóa ấy mang lại. Trong tâm con có danh mục hàng loạt bạn bè được phân chia phức tạp đủ loại lãnh vực, nhưng lại thiếu đi danh mục thực sự tình bạn con có với từng người bạn là gì.
Những suy nghĩ giản đơn này có thể giúp đời bớt vô nghĩa, bớt vô vị. Bởi lẽ, nếu không nghĩ một chút, con rất dễ bị khủng hoảng bị sụp đổ, khi một ngày chợt nhận ra: con bị mất hết tài sản, con bị bạn bè quên lãng; chứ thực ra, từ lâu con đã không có gì, từ lâu con đã không có bạn.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin cho con sớm “phủi bụi” những giấc mộng chơi vơi, để đầu có thể đội ánh bình minh, để chân thật sự đi trên đất, để tay nắm chặt những bàn tay bằng xương bằng thịt của bạn bè, để từng nhịp con thở trong bầu không khí chung của mọi người, để con xác định được chỗ đứng tuy tí hon nhưng vững chắc trong vũ trụ bao la. Thú vị thay khi cười vui với bạn. Ý nghĩa thay khi nhìn nhau vui cười!
*****************************************************************
Và như thế, con sẽ là tất cả
Thời bách hại đạo, người ta tìm đủ mọi cách để xóa bỏ sự hiện diện của Giáo Hội, người ta tìm đủ mọi cách để giết hại các Kitô hữu. Nhưng truyện kể rằng, có một em bé đã dám khảng khái nói với những tên lính: chỉ cần còn một Kitô hữu, thì Giáo Hội vẫn còn.
Có người sẽ cười đùa vì lối suy nghĩ đơn sơ có vẻ ngây ngô của em. Nhưng hãy thử hình dung một chút về những con người vô cùng bé nhỏ trong Giáo Hội, nào là một Teresa Hài Đồng Giêsu, nào là một Teresa Calcutta. Nào là một Phaolô tông đồ dường như phải một mình chống đỡ tư bề.
Nhiều người nhìn Giáo Hội như một tổ chức xã hội, hoặc một tổ chức tôn giáo. Xét theo phương diện tổ chức, thì sẽ có hưng thịnh, sẽ có suy vong, sẽ có những cuộc cải tổ, những khủng hoảng v.v. Vì Giáo Hội bao gồm những con người, mà xã hội tính là tính tự nhiên của con người, nên coi Giáo Hội như một tổ chức, thì cũng chẳng lạ gì. Nhưng sẽ có nhiều nguy cơ lầm lẫn khi chỉ đồng hóa Giáo Hội với một tổ chức thuần túy.
Ví như có người tìm mọi cách để lấy được thế đứng và danh dự trong Giáo Hội. Người ta ấy có thể là giáo dân, người ta ấy cũng có thể là các giáo sĩ. Và khi ấy, người ta chỉ còn thấy chỉ còn tìm, đâu là quyền lợi, đâu là bổng lộc, đâu là phe nhóm, đâu là những tranh chấp giành giật cho uy thế của bản thân hoặc của các lợi ích nhóm. Và đó là cái vòng xoáy tham sân si vô tận mà các tổ chức, bất kể chính trị, xã hội, hoặc tôn giáo có thể dễ dàng rơi vào.
Ví như thánh Philipphe Neri có kinh nghiệm thấm thía rằng: bằng phương diện tổ chức, chẳng thể hoán cải Giáo Hội, mà chỉ có đời sống thánh thiện mới có hy vọng cải tổ Giáo Hội. Mà chỉ có một Đấng Thánh là Thiên Chúa mà thôi, còn con người thì cần hoán cải không ngừng để có thể từng bước nên thánh giống như Cha trên Trời. Thế mà, con đường nên thánh, nhiều người cho là cao vời, là xa xôi, thì đối với các vị thánh, các ngài thấy nó thực tế, bởi lẽ đó là từng bước một, đó là từng chút cố gắng trong ngày sống, trong cuộc đời, trong đời cống hiến và phục vụ tha nhân.
Ngay cả đối với các thánh, cám dỗ vẫn có đó, và ngày càng tinh vi hơn. Ví dụ, thánh Inhaxio Loyola thời trai trẻ, vừa say mê sắc đẹp của nàng tiểu thư, vừa ham hố danh tiếng lập những chiến công lẫy lừng. Vì ngựa non háu đá, mà anh chàng Inhaxio đã nhất định chiến đấu và cho rằng sẽ thắng, cho dù mọi người đều thấy là chắc chắn thua. Kết là thua thảm hại, may mà không chết, chỉ bị thương nặng ở chân. Chàng trai Inhaxio cũng yêu thích vẻ đẹp trai của mình đến độ, đòi mổ phẫu thuật lại chân cho dù phải chịu mọi đau đớn. Khi bắt đầu nghĩ lại cuộc đời, khi bắt đầu hành trình hoán cải, khi bắt đầu có ước mơ tốt lành là sống cuộc đời giống như các vị thánh, cám dỗ danh tiếng vẫn đến với anh ta trong cách thức tinh vi hơn, đó là anh ta ham hố phải nên thánh nổi tiếng hơn cả thánh Phanxico và thánh Đaminh. Qua cái thời bồng bột trẻ trâu, sau này khi đã làm Bề trên Tổng Quyền, ngài vẫn thừa nhận rằng, mình phải chiến đấu vất vả với các cơn cám dỗ, và phải thường xuyên cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ ban ơn.
Giữa những người ở thế gian, có sẵn nhiều tranh chấp chức quyền đã đành. Giữa những người trong lòng Giáo Hội, cũng chẳng dễ tránh được những cơn cám dỗ ba chìm bảy nổi ấy. Người ta nghe đâu đây vẫn thấy những ước mong như: nhóm mình, họ đạo mình, xứ đạo mình, hội dòng mình phải nhất cái này nhất cái kia, nếu không nhất thì ít ra cũng nhì… Khi đọc kinh cầu nguyện, ai cũng dễ nói là mình chẳng xứng đáng, nhưng đứng trước các chức tước bổng lộc hoặc chỗ danh dự gì đó, ai cũng dễ bị cám dỗ rằng, hình như không ai xứng đáng bằng mình. Và rồi, những cuộc tranh chấp đáng tiếc cũng ít nhiều xảy ra.
Ví như có người sống đời gia đình, không lo làm ăn và quan tâm xây dựng đời sống vợ chồng con cái gia đình, nhưng suốt ngày chỉ lo những chuyện không đâu trong cái hào nhoáng ồn ào và giả tạo mà người ta dựng nên. Ví như có người sống đời tu trì, không lo tìm con đường phục vụ Chúa trong ơn gọi và phục vụ tha nhân như Chúa mời gọi, nhưng suốt ngày chỉ lo những chuyện tiếng tăm, học thức, an toàn, tài sản… Người ta thay vì đi tìm Thiên Chúa và anh chị em, thì lại đánh mất chính mình trong những cái tốt đấy nhưng chỉ là thứ mau qua như những cơn gió thoảng.
Hôm nay, tôi mời gọi bạn, và thực sự tôi cũng tự hỏi chính lòng mình rằng: có cuộc đời vị thánh nào mà tôi thực sự ấn tượng và muốn tìm hiểu, để có thể tập luyện được đôi chút đời sống tốt lành và xin Chúa thương trợ giúp trong cuộc tập luyện ấy. Có nhiều lối tiếp cận để hiểu để cảm nhận để thuộc về Giáo Hội, và tôi thích cách tiếp cận của các vị thánh hơn là của các chuyên gia.
Tứ Quyết SJ