Theo tin A.P. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau khi ăn trưa với các giám mục Bồ Đào Nha, đã lên đường trở lại Rôma vào xế chiều ngày 13 tháng Bẩy, sau non 24 tiếng đồng hồ ở Fatima. Vào buổi sáng, ngài tiếp kiến riêng Thủ Tướng Bồ Đào Nha, Antonio Costa, trong khi dân chúng đọc kinh Mân Côi chờ ngài đến cử hành Thánh Lễ phong hiển thánh cho hai chân phúc anh em ruột là Francisco và Jacinta Marto. Lúc qua đời vì dịch cúm khoảng năm 1919, Francisco 9 tuổi, còn Jacinta mới 7 tuổi.
Dù tiên đóan là có mưa, nhưng bầu trời hôm nay nắng ráo. Nhiều người qua đêm ngay tại quảng trường đền thờ, quấn mình bằng giấy trang kim hay chăn, chống cái lạnh về đêm.
Khoảng gần 10 giờ sáng, Đức Phanxicô đến kính viếng mộ hai chân phúc anh em ruột Francisco và Jacinta Marto trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi, hai vị mà ngài sắp sửa ghi danh vào sổ các hiển thánh của Giáo Hội.
Trong khi ấy, một đám đông vĩ đại đã tụ tập bên ngoài quảng trường, nơi thánh tượng Trinh Nữ Maria đã được long trọng cung nghinh, dưới ánh sáng mặt trời reo vui và những cánh hoa do con cái ngài tung lên. Các viên chức ước lượng số người tham dự có thể là 1 triệu.
Hơn 10 giờ sáng, Đức Phanxicô từ trong Vương Thánh Đường buớc xuống các bực thềm dẫn tới khán đài cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, ngài đã phong hiển thánh cho hai chân phúc Francisco và Jacinta, những vị đã được thị kiến Trinh Nữ Maria và đã thực tâm và hết lòng thực hành các điều ngài yêu cầu. Các tín hữu hoan hô vang dội sau khi Đức Giáo Hoàng tuyên thánh cho hai vị.
Tin tức sau buổi trưa cho thấy: Vatican cho biết khoảng nửa triệu người đã tham dự Thánh Lễ ngoài trời phong hiển thánh cho Francisco và Jacinta Marto. Trong số này có bé trai người Ba Tây tên Lucas Baptista; năm 2013, bị chấn thương ở đầu, nặng đến nỗi không ai mong sống thoát, nhưng nhờ lời chuyển cầu của hai chân phúc Francisco và Jacinta Marto, em đã khỏi bệnh cách lạ lùng. Trong Thánh Lễ, Đức Phanxicô và em đã ôm nhau thắm thiết.
Hơn 4 giờ chiều, ngài đã rời thị trấn Fatima bằng giáo hoàng xa. Ra khỏi thị trấn, ngài đã đổi qua một xe thường để tới phi trường quân sự, nơi ngài được Tổng Thống Bồ Đào Nha, Marcelo Rebelo de Sousa, đưa tiễn. Ngài lên đường trở lại Rôma, trễ hơn dự định một tiếng.
Họp báo trên không
Rồi cũng như thường lệ, trên chuyến máy bay từ Bồ Đào Nha trở lại Rôma, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề thời sự. Theo Elise Harris của CNA, khi được hỏi về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, ngài nói rằng những cuộc hiện ra lúc ban đầu cách nay hơn 3 thập niên thì đáng được nghiên cứu thêm, nhưng những thị kiến sau đó thì rất đáng hồ nghi. Theo ngài, căn cứ vào bản tường trình của ủy ban điều tra do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, được đệ nạp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì ta cần phân biết hai loại hiện ra.
Chỉ là ý kiến riêng về Medjugorje
“Đối với các cuộc hiện ra thứ nhất, với các trẻ em, bản tường trình ít nhiều cho rằng loại này cần được tiếp tục nghiên cứu” nhưng còn đối với “những cuộc hiện ra giả dụ vẫn đang tiếp diễn, thì bản tường trình tỏ ý hồ nghi”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: “bản thân tôi còn hồ nghi hơn thế, tôi thích coi Đức Mẹ là Mẹ, Mẹ của chúng ta, hơn là một phụ nữ đứng đầu một văn phòng ngày nào cũng gửi đi một tin nhắn vào một giờ nhất định. Đó không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Những cuộc được giả dụ là hiện ra như thế vô giá trị”.
Ngài minh xác rằng đây chỉ là “ý kiến riêng” của ngài, nhưng nói thêm rằng Đức Bà không hề hành động bằng cách nói rằng “ngày mai vào giờ này, con hãy đến và ta sẽ trao tin nhắn cho những người ấy”.
Dị biệt hoá giữa các thứ hiện ra ấy với các cuộc hiện ra thứ nhất là điều chủ yếu, ngài nói vậy.
Giám mục mặc áo trắng và sứ điệp hòa bình
Một ký giả hỏi ngài về sứ điệp hòa bình, ngài cho hay: Fatima chắc chắn có một sứ điệp hòa bình và ngài hân hoan được đến đây để phong thánh cho Francisco và Jacinta, một việc chỉ mới được lên kế hoạch gần đây thôi khi “bỗng nhiên” có cơ hội. Hân hoan vì thế giới vốn đang mong ước hòa bình và hòa bình là điều ngài sẽ luôn nói với bất cứ ai. Ngài có ý ám chỉ Ông Trump, người mà ngài sẽ gặp vào ngày 24 tháng này và được chính ký giả này hỏi nhưng ngài không trả lời trực tiếp.
Nhân dịp này, ngài nhắc lại một sự kiện mới xẩy ra tại Castel Gandolfo, nơi ngài tiếp kiến các khoa học gia thế giới tụ tập nhau tại Đài Thiên Văn Vatican: một nhà khoa học vô thần xin ngài nói với các Kitô hữu rằng “họ nên yêu mến sứ điệp hòa bình của họ hơn nữa”.
Trả lời một ký giả khác hỏi về việc ngài tự mô tả mình như “giám mục mặc áo trắng”, ngài cho rằng trắng nói lên khát vọng hòa bình. Ngài bảo: “tôi không viết câu ấy… đền thánh viết nó ra… Quả có một nối kết ở đây với mầu trắng. Giám mục áo trắng, Đức Mẹ áo trắng, mầu trắng sáng ngời của tuổi thơ trong trắng sau khi chịu Phép Rửa… có sự nối kết với mầu trắng trong lời cầu nguyện ấy. Tôi tin, vì tôi không viết ra nó, nhưng tôi tin rằng với mầu trắng họ thực sự muốn nói lên khát vọng trong trắng, khát vọng hòa bình… không làm tổn thương người khác… không tạo ra tranh chấp…”. Chứ ngài không muốn ví mình như vị giám mục áo trắng của bí mật Fatima thứ ba.
Ông Trump và cánh cửa hé mở
Vì câu ngài khuyên tín hữu đạp đổ các bức tường, ngược với chủ trương của Tổng Thống Trump, người mà ngài sắp sửa gặp mặt, một ký giả hỏi ngài mong gì ở cuộc gặp gỡ sắp tới, ngài cho biết: “tôi không bao giờ phán đoán ai mà không lắng nghe họ. Tôi tin tôi không nên làm như vậy. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, sự việc sẽ diễn ra, tôi sẽ nói điều tôi nghĩ, ông ấy sẽ nói điều ông ấy nghĩ, nhưng tôi không bao giờ, không bao giờ muốn phán đoán ai mà chưa nghe họ nói”.
Còn về câu hỏi ngài mong gì từ một quốc trưởng luôn nghĩ trái ngược với ngài, Đức Phanxicô cho rằng: “Luôn có những cánh cửa không đóng. Hãy tìm cho ra các cánh cửa chỉ hé mở một chút, hãy bước vào và nói về những điều chung rồi ra đi.Từng bước một. Hoà bình là thuật thủ công. Nó được làm hàng ngày. Cũng thế, tình thân hữu giữa con người, việc biết nhau, qúy mến nhau, cũng là thuật thủ công. Nó được làm hàng ngày. Hãy tôn trọng người khác, hãy nói điều mình nghĩ, nhưng với lòng tôn trọng, tuy nhiên, hãy cùng bước với nhau… người ta nghĩ cách này hay cách khác, nhưng hãy nói điều đó… Hãy thành thật với điều mình nghĩ, đúng không?”.
Có hy vọng gì làm dịu các quyết định của Trump? Ngài trả lời: “Đây là một bài toán chính trị mà ngài không tự cho phép mình làm”.
Hai mươi lăm năm giám mục
Được hỏi về sự trùng hợp giữa ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima, 13 tháng 5 năm 1917 và ngày 13 tháng 5 cách nay 25 năm, lúc ngài được sứ thần Tòa Thánh thông báo sẽ nhận chức vụ giám mục phụ tá của Buenos Aires, Đức Phanxicô cho hay: ngài chỉ nghĩ đến sự trùng hợp này khi đứng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ tại Fatima. Ngài có thưa chuyện này với Đức Mẹ và xin Đức Mẹ tha thứ mọi lỗi lầm.
Huynh Đệ Thánh Piô X
Đối với câu hỏi về Hội Huynh Đệ Thánh Piô X, Đức Phanxicô cho biết: Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đang nghiên cứu các tài liệu về vấn đề này. Trong khi ấy, liên hệ đôi bên hiện rất huynh đệ. Năm ngoái, ngài cho phép các linh mục của Hội được quyền giải tội. Hội cũng đệ lên Tòa Thánh giải quyết nhiều vụ: một số vụ về hôn nhân, các vụ lạm dụng tình dục, việc hoàn tục các linh mục. Đức Cha Fellay duy trì mối liên hệ tốt, được ngài nói chuyện nhiều lần…Nhưng ngài không vội vàng, cứ từ từ mà bước. Đây không phải là việc người thắng kẻ thua, mà là việc anh em cần bước đi với nhau, tìm ra một công thức nhằm thúc đẩy sự việc tiến triển.
Phong Trào Cải Cách
Đối với Phong Trào Cải Cách, “đã có những bước tiến vĩ đại… chúng ta nghĩ tới tuyên bố đầu tiên về công chính hóa, từ đó, cuộc hành trình chưa bị đình trệ… cuộc tông du Thụy Điển rất có ý nghĩa… cả lễ kỷ niệm ở Thụy Điền nữa… lại còn ý nghĩa của đại kết đồng hành… nghĩa là đi với nhau, trong cầu nguyện, trong tử đạo, trong các công trình bác ái, các công trình thương xót. Và ở phương diện này, Cơ Quan Caritas của Giáo Hội Luthêrô và cơ quan Caritas của Giáo Hội Công Giáo đã thỏa thuận làm việc chung với nhau. Đây là một bước vĩ đại. Nhưng bước đi luôn cần được chờ đợi. Chúng ta biết: Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của bất ngờ. Nhưng ta không bao giờ được dừng lại. Phải luôn tiếp tục tiến bước. Cầu nguyện với nhau, làm chứng với nhau và làm các việc thương người với nhau, những việc này công bố tình thương của Chúa Giêsu Kitô, công bố rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Đấng Cứu Độ độc nhất, và ơn thánh chỉ từ Người mới có. Và trên đường đi này, các nhà thần học sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhưng đường đi thì lúc nào cũng phải đi tới. Còn lòng ta thì mở ra chào đón các ngạc nhiên”.
Đức Phanxicô còn trả lời hai câu hỏi nữa về các lời tố cáo của Bà Marie Collins khi bà này từ chức khỏi ủy ban giáo hoàng về lạm dụng tình dục trẻ em, và về sự băng hoại trong xã hội Bồ Đào Nha. Về câu hỏi đầu, ngài cho Bà Collins có lý một phần. Chung quy là do hồ sơ ứ đọng, ít nhân viên. Tòa Thánh đang cố gắng tăng thêm nhân viên cho lãnh vực này. Về câu hỏi sau, ngài bảo có hai khía cạnh: chính trị và đào tạo lương tâm. Điều sau thuộc trách nhiệm của Giáo Hội.
Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha trước tượng Đức Mẹ Fatima
Tư Tưởng Thần Học Và Đức Tin Của Tân Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron
Tiếp đó, Emmanuel Macron theo học tại Học viện Chính trị Paris (Institut d’études politiques de Paris). Ông được bổ nhiệm làm Thanh tra Tài chánh. Từ 2002 đến 2004, ông học Trường Quốc gia Hành chánh (ENA).
Học trình đại học và chuyên môn mang dấu ấn Công Giáo đã để lại dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của tân tổng thống Macron. Trong bài phỏng vấn do tạp chí Công Giáo La Vie thực hiện, ông Macron thổ lộ : ‘‘Tôi chịu phép rửa vào năm 12 tuổi. Đây là lựa chọn của riêng tôi. Tôi chịu phép thánh tẩy khi học ở Trường Providence (Chúa Quan Phòng) của các cha Dòng Tên tại Amiens.
Tên gọi Emmanuel cho thấy sự gắn bó giữa Macron và truyền thống Dòng Tên. Emmanuel gốc cổ ngữ Hébreu : Imanou El (עִמָּנוּ אֵל) được nói tới trong sách Isaïa : ‘‘Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel’’ (Is, 7,14). Tin Mừng theo Thánh Matthêu nhắc lại danh hiệu này, qua cổ ngữ Hy lạp : Ἐμμανουήλ : ‘‘Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.’’ (Mt 1,20-21).
Tân tổng thống Emmanuel Macron nói tiếp : ‘‘Nhờ ơn Chúa, tôi có quyết tâm hội nhập với thế giới. Ngày nay, tôi thường suy nghĩ về bản chất đức tin của tôi. Tương quan của tôi với các vấn đề thiêng liêng tiếp tục nuôi dưỡng các suy nghĩ của tôi.’’
Tổng thống Emmanuel tỏ lòng tôn kính Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông nói : ‘‘Theo tôi, Đức Thánh Cha Phanxicô có nhiều quyết định can đảm, tôi có cùng tâm nguyện với Ngài, nhất là vấn đề người nhập cư. Ngài nhắc nhở nhiệm vụ của Châu Âu, nhằm phân biệt quan điểm địa lý chính trị, đạo đức và triết học giữa người nhập cư và người tỵ nạn.’’
Theo nguồn tin thân cận tổng giáo phận Paris, trong thời gian sắp tới, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm nước Pháp, quốc gia được mệnh danh là trưởng nữ của Hội thánh.
Giáo xứ Paris, ngày 15/10/2017
Lê Đình Thông