Thiên Chúa biết tên từng người và Chúa không bỏ rơi một ai trong những tình cảnh đau khổ.
Vatican (Vat. 17-05-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu: Thiên Chúa biết tên từng người và Chúa không bỏ rơi một ai trong những tình cảnh đau khổ.
Ngài đưa ra nhận định trên đây trong buổi tiếp kiến chung hơn 30 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 17 tháng 5 năm 2017, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong số này cũng có một số tín hữu Công Giáo Việt Nam từ nước ngoài cũng như từ quốc nội.
Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Gioan đoạn 20, câu 15 đến 18 kể lại cuộc viếng thăm của thánh nữ Maria Madalena tại Mộ Chúa.
Huấn dụ của Ðức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói về đề tài thánh nữ Maria Madalena, Tông Ðồ Hy vọng. Ðây là bài thứ 22 trong loạt bài giáo lý về đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:
"Trong những tuần lễ này, có thể nói suy tư của chúng ta diễn ra trong quĩ đạo mầu nhiệm Phục Sinh. Hôm nay chúng ta gặp vị mà, theo các sách Tin Mừng, chính là người đầu tiên đã thấy Chúa Giêsu sống lại, đó là Maria Madalena. Lúc ấy việc nghỉ hưu ngày sabbat vừa kết thúc. Trong ngày khổ nạn của Chúa ngừơi ta không có giờ để hoàn tất các lễ nghi an táng; vì thế, trong buổi sáng sớm đầy u buồn ấy, các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu mang theo dầu thơm để xức. Người đầu tiên đến nơi chính là Maria làng Magdala, là một trong các nữ môn đệ đã đồng hành với Chúa Giêsu ngay từ miền Galilea, phục vụ Giáo Hội đang khai sinh. Trong hành trình của bà đến mộ Chúa có phản ánh lòng trung thành của bao nhiêu phụ nữ đạo đức, đi qua những con đường nhỏ ở các nghĩa trang, để nhớ đến người nào đó không còn nữa. Mối liên hệ chân thực nhất không bị cắt đứt, dù là cái chết; có người tiếp tục yêu thương, cho dù người họ yêu thương đã vĩnh viễn ra đi.
Sách Tin Mừng (Xc Ga 20,1-2.11-18) khi mô tả Maria Madalena, đã làm nổi bật ngay sự kiện bà là một phụ nữ dễ xúc động. Thực vậy, sau cuộc viếng thăm đầu tiên tại mộ, bà thất vọng trở về nơi mà các môn đệ ẩn náu; bà kể lại rằng tảng đá chắn lối vào mộ đã bị đẩy sang một bên và giả thuyết đầu tiên của bà là giả thuyết đơn giản nhất mà người ta có thể đề ra, đó là có người nào đó đã lấy trộm xác Chúa Giêsu. Vì thế, lời loan báo đầu tiên mà Maria Madalena mang đến không phải là tin Chúa sống lại, nhưng là một vụ ăn trộm mà những kẻ lạ mặt đã gây ra, trong khi toàn thành Jerusalem còn ngủ.
Rồi các sách Tin Mừng kể lại chuyến viếng thăm thứ hai của Maria Madalena tiến về mộ Chúa Giêsu. Lần này bước chân của bà chậm chạp, nặng chĩu. Bà đau khổ gấp đôi: trước tiên vì cái chết của Chúa Giêsu, tiếp đến là vì sự biến mất xác Chúa không giải thích được.
Và chính trong khi bà cúi mình gần mộ, với đôi mắt đẫm lệ, Chúa làm cho bà ngạc nghiên bất ngờ. Thánh sử Gioan nhấn mạnh sự mù quáng của bà kéo dài: bà không nhận ra sự hiện diện của hai thiên thần đang hỏi bà, và cũng chẳng nghi ngờ gì khi thấy một người đứng sau lưng bà, mà bà nghĩ là người làm vườn. Và bà không khám phá được biến cố đảo lộn lịch sử nhân loại cho đến khi bà được gọi đích danh "Maria!" (v. 16)
Ðức Thánh Cha nói tiếp:
"Thật là đẹp dường nào khi nghĩ rằng cuộc hiện ra đầu tiên của Ðấng Phục Sinh xảy ra trong tương quan bản thân như thế! Có người nào được nhận ra, thấy đau khổ và thất vọngcủa chúng ta, cảm động vì chúng ta, và gọi đích danh chúng ta. Ðó là một luật chứng ta thấy được ghi tạc trong nhiều trang của Tin Mừng. Quanh Chúa Giêsu có bao nhiêu người đang tìm Chúa; nhưng thực tại lạ lùng nhất đó là từ lâu trước đó, Chúa quan tâm đến cuộc sống của chung ta, Ngài muốn nâng cuộc sống ấy trỗi dây và để làm như thế, ngài gọi đích danh chúng ta, nhân ra khuôn mặt bản thân của mỗi người. Mỗi ngừơi là một chuyện tình mà Thiên Chúa viết lên trên trái đất này.
"Maria!": cuộc cách mạng cuộc sống, cuộc cách mạng nhắm biến đổi cuộc sống của mỗi người nam nữ bắt đầu bằng một tên vọng lên trong vườn mộ trống. Các sách Tin Mừng mô tả cho chúng ta hạnh phúc của Maria Madalena: sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là một niềm vui được ban nhỏ giọt, nhưng là một dòng thác bao trùm cả cuộc sống. Ðời sống Kitô không được dệt bằng những hạnh phúc mong manh, nhưng bằng những làn sóng đảo lộn tất cả. Anh chị em cũng hãy thứ suy nghĩ trong lúc này, với những thất vọng và thất bại mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, rằng có một Thiên Chúa gần gũi chúng ta, gọi đích danh chúng ta và nói: "Con hãy trỗi dậy, đừng khóc nữa, vì Cha đến để giải thoát con!"
Chúa Giêsu không phải là người thích ứng với trần thế, chấp nhận để cho sự chết, sầu muốn, oán ghét, tàn phá tinh thần con người kéo dài trong trần thế ... Thiên Chúa chúng ta không bất động, nhưng mơ ước sự biến đổi thế giới, và Ngài đã thực hiện điều ấy trong mầu nhiệm Phục Sinh.
Maria Madalena muốn ôm chào Chúa, nhưng từ nay Ngài đã hướng về Chúa Cha trên trời, trong khi bà được sai đi để loan báo cho các anh em. Và thế là người phụ nữ ấy, trước khi gặp Chúa, vốn đã bị ác thần nắm giữ (Xc Lc 8,2), nay bà trở thành tông đồ loan báo niềm hy vọng mới mẻ và cao cả nhất. Ước gì sự chuyển cầu của thanh nữ cũng giúp chúng ta sống kinh nghiệm này: trong giờ đau khổ và bị bỏ rơi, lắng nghe Chua Giêsu Phục Sinh Ðấng gọi đích danh chúng ta, và với tâm hồn đầy vui mừng ra đi loan báo: "Tôi đã thấy Chúa! (v.18)
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các Linh Mục thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của Ðức Thánh Cha.
Với các tín hữu nói tiếng Pháp, Ðức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến Học viện Quốc phòng của khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương, một nhóm sinh viên thuộc Ðại học Công Giáo Louvain bên Bỉ..
Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh Cha chào các tín hữu đến từ Anh quốc, Ai Len, Swaziland bên Phi châu, Hong Kong, Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước Á châu khác. Ngài nói: Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi cầu xin Chúa đổ tràn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha trên tất cả anh chị em và gia đình.
Với các tín hữu nói tiếng Ba Lan, Ðức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 2 của nước này, đến Italia nhân dịp kỷ niệm cuộc chiến tại Montecassino hồi cuối thế chiến thứ hai. Ngài nói: "Tôi chào thăm tất cả các chiến binh hiện diện nơi đây, trong thời thế chiến thứ 2, anh em đã chiến đấu cho tự do của đất nước Ba Lan và các nước khác. Ước gì nỗ lực, sự dấn thân và sự hy sinh mạng sống của các bạn đồng đội, sinh hoa kết trái với hòa bình tại Âu Châu và toàn thế giới. Tôi chân thành ban phép lành cho tất cả anh chị em hiện diện ở đây và gia đình anh em.
Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, Ðức Thánh Cha chào thăm các thừa sai dòng thánh Montfort nhân dịp tổng tu nghị, các nữ tu dòng Thờ Lạy Mình Thánh Chúa liên tục, và nhắm nhủ họ hãy canh tân lòng gắn bó với đoàn sủng sáng lập của mình để thông truyền tình thương và lòng thương xót của Chúa trong bối cảnh xã hội ngày nay.
Ðức Thánh Cha chào thăm các Linh Mục giáo sư các đại chủng viện các các trường cao đẳng được tháp nhập vào Ðại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo..
Khi chào các bạn trẻ, Ðức Thánh Cha nhắc đến lễ kính thánh Pasquale Bylon, Bổn mạng các Hội Thánh Thể. Ngài nói: "Ước gì lòng kính mến của Thánh Nhân đối với Thánh Thể chỉ cho các con tầm quan trọng của Ðức Tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể". Ðức Thánh Cha cũng cầu xin Mình Thánh Chúa nâng đỡ các anh chị em bệnh nhân, trong việc đương đầu với những thử thách trong thanh thản, và đồng thời cũng là lương thực cho các đôi tân hôn hiện diện tại buổi tiếp kiến, trong sự tăng trưởng về mặt nhân bản và tinh thần của đời sống gia đình mới.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)
Tân tổng thống Hàn quốc
mời linh mục làm phép dinh tổng thống
Tân tổng thống Hàn quốc mời linh mục làm phép dinh tổng thống.
Seoul (Agenzia Fides 17-05-2017) - Như một tín hữu Công giáo tốt lành, trước khi đến định cư ở một ngôi nhà mới, tân tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã nghĩ đến việc làm phép nơi ở mới, đó là "Nhà Xanh" - nơi cư ngụ chính thức của tổng thống Hàn quốc, nơi đặt các văn phòng tổng thống và cũng là nơi đón tiếp các quốc trưởng đến thăm Hàn quốc.
Tân tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã mời cha xứ của mình - linh mục đang coi sóc giáo xứ Công giáo Chúa Ba Ngôi ở vùng phụ cận Hongje-dong, Seoul, nơi ông ở từ tháng một năm nay - đến làm phép "Nhà xanh".
Cha Phaolô Ryu Jong-Man đã nhận lời mời của tổng thống và hôm 13 tháng 05 năm 2017, cha đã đến Nhà Xanh để ban phép lành cho những người ở đó, làm phép cho ngôi nhà và các đồ vật.
Cha xứ Phaolô đã đặt tay trên tổng thống và vợ của ông và cầu nguyện cho ông, cầu cho ông được "khôn ngoan như Vua Solomon". Cha cũng nói với tổng thống: "Trước khi quyết định về vấn đề của đất nước, anh chị em hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ đến với anh chị em và ban cho anh chị em ánh sáng và sức mạnh của Người ."
Cha Phaolô nói về tân tổng thống, người cha biết rõ, là một người khiêm nhường, cởi mở và nhân hậu. Cha cho biết ông luôn đeo một nhẫn chuỗi Mân Côi ở ngón tay thứ tư của bàn tay trái: dấu hiệu của lòng sùng kính Mẹ Maria.
Tổng thống Moon Jae-in đã chọn bắt đầu vào ở trong Nhà Xanh vào ngày lễ Ðức Mẹ Fatima (13 tháng 5 năm 2017) và do đó, việc phục vụ quốc gia của ông bắt đầu dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria.
Cha Phaolô đã tặng cho vợ chồng tổng thống một bức tranh có ý nghĩa hòa bình. (Agenzia Fides 17/5/2017)
Hồng Thủy