Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16: 5-11)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ, Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi: vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính: vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt: vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.
SUY NIỆM 1
Với sứ mệnh tiên tri được Chúa uỷ thác, Giáo Hội không ngừng lên tiếng tố cáo chiến tranh tội ác và muôn hình thức bất công. Cùng với Giáo Hội, qua cuộc sống của mình, các Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành tiếng nói sống động tố cáo tội ác và bất công. Đây là sứ mệnh Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong diễn văn từ biệt Chúa Giêsu hứa sẽ sai Thánh Thần đến, nhờ đó các môn đệ cảm nghiệm được sự hiện diện mới của Ngài. Sự hiện diện mới của Chúa Giêsu giữa các môn đệ sẽ là một bản án cho thế gian. Thật thế, khi Chúa Giêsu bị đem ra xét xử và bị treo trên thập giá, thế gian tưởng đã kết án Ngài. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, bản án thế gian dành cho Chúa Giêsu đã trở thành lời tố cáo đối với thế gian. Từ nay, thập giá Chúa Giêsu sẽ mãi mãi là lời tố cáo về tội ác của thế gian.
Mỗi ngày, sau lời truyền phép, khi tuyên xưng: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, người Kitô hữu lặp lại quyết tâm không khoan nhượng trước tội ác và bất công. Giáo Hội và mỗi Kitô hữu sẽ không chu toàn sứ mệnh tiên tri của mình và không làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô, nếu vì một chút lợi lộc hay đặc ân trước mắt, mà tìm cách thỏa hiệp hay im lặng đồng lõa với sức mạnh của tối tăm. Dĩ nhiên, lời tố cáo tội ác mà Giáo Hội tuyên bố không chỉ là một phản kháng trên môi miệng hay văn bản, mà thiết yếu phải được thể hiện trong chính cuộc sống của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. Người Kitô hữu tố cáo tội ác thế gian khi họ nói “không” với những gì đi ngược giá trị Tin Mừng, khi họ sẵn sàng mất tất cả hơn là bóp nghẹt tiếng nói lương tâm và đánh mất phẩm giá của mình hay chà đạp phẩm giá của người khác.
Ước gì lời tuyên xưng: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết được thể hiện bằng những cố gắng hằng ngày, để chống lại tội ác và muôn hình thức bất công trong chính bản thân và môi trường sống của chúng ta.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Lòng anh em tràn ngập ưu phiền (c. 5-6)
Sự ra đi của Đức Giê-su làm cho lòng của các môn đệ tràn ngập ưu phiền, nghĩa là thiếu vắng niềm vui và bình an, như chúng ta đã nghe trong các bài Tin Mừng của những ngày vừa qua. Chắc chắc, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm ưu phiền này, khi chứng kiến sự ra đi của người thân yêu. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta được mời gọi vượt qua tương quan bằng sự hiện diện thể lý, để đi vào tương quan ngay trong sự vắng mặt. Bởi lẽ, sự vắng mặt là điều không thể tránh, và tương quan trong sự vắng mặt mới là tương quan đích thực ; vì, người kia không còn ở bên ngoài, nhưng hiện diện ngay trong lòng và trong cuộc sống của mình. Hơn nữa, trong viễn tượng Nước Trời, chúng ta được mời gọi hướng về niềm hi vọng được xum họp mãi mãi bên nhau trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn sự sống và tình yêu.
Trong trình thuật Hai Môn Đệ Emmau, Thánh Sử Luca kể rằng : « Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24, 31). Ngài biến mất về phương diện thể lý, nhưng Thánh Thần của Người sẽ làm cho các môn đệ sống sự hiện diện vô hình, nhưng rất sống động của Người trong mọi sự.
- Đấng Bảo Trợ (c. 7)
Chính vì thế, trước sự ra đi của Đức Giê-su, các môn đệ được mời gọi hãy vui lên, như ĐGS đã nói trong bài Tin Mừng của ngày thứ ba tuần trước : « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy (Ga 14, 28). Chúa Cha là Cội Nguồn của sự sống và tình yêu, của chính Đức Giê-su, của loài người và của mỗi người chúng ta; vì thế, trở về với Thiên Chúa Cha phải là niềm vui.
Ngoài ra, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn đưa ra một lí do khác nữa, để mời gọi của môn đệ hãy vui lên:
Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.
Như thế, sự ra đi của Đức Giê-su chứa đựng một điều bí ẩn; và điều bí ẩn này là một sự hiện diện, một sự hiện diện viên mãn. Bởi lẽ, Thánh Thần, được Chúa Con gởi tới từ cung lòng của Chúa Cha, sẽ đến cư ngụ trong lòng của từng người môn đệ để thông truyền phẩm giá Người Con duy nhất của Thiên Chúa. Vậy, các môn đệ cần phải làm gì, nếu không phải là dành chỗ cho Thánh Thần đến cư ngụ trong lòng của mình, với niềm vui?
- Tội lỗi, công chính và xét xử (c. 8-11)
Ngoài ra, Thánh Thần còn được gọi là “Đấng Bảo Trợ” (Paraclet), bảo trợ các môn đệ chống lại sự tấn công của Sự Dữ, của Satan, của “Thủ Lãnh Thế Gian”. Một trong những cách tấn công rất nguy hiểm của Satan là làm cho chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, để giam hãm chúng ta trong tù ngục mặc cảm, sợ hãi, kêu trách, ham muốn, ghen tị. Vì thế, Thánh Thần sẽ bảo trợ các môn đệ bằng cách chứng minh Satan sai lầm, đối với Đức Giê-su, và ngang qua Người, đối với tất cả những ai thuộc về Người:
- Sai lầm về tội lỗi: tội trong yếu tính, không phải là lỗi luật, nhưng là không tin nơi Đức Giê-su, Đấng là Ánh Sáng. Không tin nơi Ánh Sáng, đồng nghĩa với lựa chọn bóng tối và sự chết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9; có thể đọc thêm Ga 3, 19-21.36; 8, 21-24; 9, 41; 12, 46; 15, 21-25)
- Sai lầm về công chính: trong cuộc Thương Khó, Satan đã lên án, ngang qua những con người cụ thể, Đức Giê-su nhân danh sự công chính của lề luật. Tuy nhiên, cuộc Thương Khó lại là con đường Đức Giê-su đến cùng Chúa Cha. Điều này cho thấy, Satan là bất chính, và Đức Giê-su là Đấng Vô Tội và Công Chính, và toàn bộ lời nói và hành động của Người là sự thật.
- Và sai lầm về xét xử: trong cuộc Thương Khó, chính khi Satan xét xử Đức Giê-su, thì Satan lại bị xét xử: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cor 15, 55)
* * *
Như thế, trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức Ki-tô lên trời và mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi đặt mình trong niềm vui của Con Thiên Chúa và của Thiên Chúa, khi sai Thánh Thần đến với chúng ta ; và xin cho chúng ta nhận ra và cảm nếm, niềm vui của Thiên Chúa Ba Ngôi là niềm vui của chính chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc