TẾ NHỊ là khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử.
Có những điều người ta thể hiện rất khôn nhưng không khéo nên dễ gây đụng chạm, đổ vỡ. Có những điều người ta rất thông thạo nhưng không tinh tế sẽ làm mất hòa khí và gây ra mặc cảm cho người khác. Có những điều cần phải nói lý lẽ nhưng nếu không nhã nhặn sẽ biến thành việc tranh chấp, hơn thua.
Tế nhị là trang sức làm đẹp nhân cách con người, phát xuất từ tấm lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Sự hiền hậu làm cho người ta trở nên dễ thương và đức khôn ngoan giúp người ta biết cẩn trọng trong mọi sự. Sự dễ thương làm cho mình được mọi người đón nhận, và sự cẩn trọng giúp ta tránh được những tai hại và bất lợi cho mình cũng như cho người khác. Như vậy tế nhị biểu hiện một tâm hồn sâu sắc và tinh tế, gây nên sự tín nhiệm và luôn được mọi người quí chuộng. Thiếu tế nhị chứng tỏ một tâm hồn sơ sài, qua loa và thô thiển, khó lòng mà triển nở một nhân cách tốt đẹp từ một tâm hồn như thế.
Thật ra cũng khó mà tế nhị đối với những người có lối sống vô tình và bất chấp. Chúng ta chỉ dễ dàng tế nhị đối với những ai mà mình quí trọng. Tuy nhiên, sự tế nhị mà còn bị điều kiện hóa thì không còn khách quan và chân thực, vì nó gây ra sự phân biệt đối xử, đi ngược lại tinh thần Phúc âm : “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”(Mt 5, 46-47). Chúa Giêsu nói lên điều này cho thấy rằng sự nhận biết Chúa phải nâng cao phẩm cách người môn đệ, nhưng thực ra bản chất của cuộc sống làm người đã tiềm ẩn một định hướng cho sự vươn cao tỏa rộng của nhân cách (Kn 1, 26), mà sự tế nhị là một trong những nhân cách cao quí đó. Dù những người khác như thế nào đi nữa thì sự tế nhị trong tâm hồn ta mời gọi sự tế nhị trong tâm hồn họ, và khi mình lên cao được một chút thì người khác cũng bắt đầu trở mình. Thật sự, mình không có khả năng để thay đổi người khác, nhưng có khả năng thay đổi chính mình nhờ sức mạnh của đời sống tâm linh. Khi mình được biến đổi thì gây ảnh hưởng xúc tác đến sự biến đổi của người khác. Cái gì tốt lành thì phát sinh sự tốt lành. Cho dù cuộc sống đầy dẫy những hỗn độn, vàng thau lẫn lộn, nhưng rồi cái gì đẹp thì người ta vẫn nhận ra cách nào đó. Điều quan trọng không phải là để người khác nhận ra, nhưng bản chất của những hành vi cao đẹp tự nó nâng cao phẩm cách và hoàn hảo hóa cuộc sống con người trong sự hổ tương và liên đới.
TẾ NHỊ trong lời nói
Người ta dễ sai lỗi nhất trong lời nói. Thường thì “đa ngôn đa quá”. Danh gia Delarme khuyên rằng “Hãy suy nghĩ những điều bạn nói, nhưng đừng nói tất cả những điều bạn nghĩ”. Lời nói tế nhị luôn biết nhường bước, dành lại một khoản trống cho tâm tư người nghe.
“Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, không cần phải gặp mặt, chỉ cần nghe lời nói đã hiểu được con người. Đứng trước một sự việc có nhiều cách nói. Cách nói tùy thuộc vào giọng điệu và ngôn ngữ mà mình sử dụng. Giọng điệu và ngôn ngữ lại tùy thuộc vào tấm lòng và sự khôn ngoan. Với tấm lòng hiền hậu thì sự tế nhị trong lời nói có một giọng điệu nhẹ nhàng. Với sự khôn ngoan thì sự tế nhị giúp người ta biết chọn lựa những ngôn ngữ chuẩn mực. Tất cả những điều này kết hợp trong một sự hài hòa cho người ta nhận thức được cái gì cần nói, điều gì không nên nói, chưa nên nói, hoặc nói như thế nào để người khác có thể chấp nhận. Biết rằng sự thật là như thế, nhưng thiếu tế nhị trong lời nói thì sự thật sẽ bị phủ nhận dễ dàng. Dĩ nhiên có những trường hợp phải nói thẳng như Chúa Giêsu đã từng làm đối với những người lòng chai dạ đá (Mc 15, 7; 23, 13-29). Có khi phải nói như thế, nhưng đừng quên rằng Chúa Giêsu có điểm rất khác biệt với chúng ta, Ngài nắm bắt chân lý một cách tường tận về phương cách và nội dung về điều mà Ngài muốn nói, đồng thời Ngài thấu suốt tâm can người đối diện và qua đó Ngài muốn mạc khải một cách phổ quát điều gì đó với tính cách là Thầy dạy chân lý, còn chúng ta thì không, hoặc chỉ một phần thôi. Vì thế, ngoài những trường hợp khác thường thì sự tế nhị mời gọi ta biết trân trọng và khiêm tốn trước mọi người, “coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Người khác chỉ có thể đón nhận lời nói của chúng ta sau khi đón nhận chính con người của chúng ta trong một tâm thế như thế.
Để thấy rõ điều trên, chúng ta nhìn thoáng lại câu chuyện đàm thoại giữa Chúa Giêsu và thiếu phụ Samari. Ngài mở đầu câu chuyện bằng cách xin nước uống một cách tế nhị và khiêm tốn, dù biết rằng đời sống bà này lôi thôi, chẳng tốt đẹp gì. Đứng trước Chúa Giêsu, người thiếu phụ đã có sẵn thành kiến và ác cảm về người Do Thái nên đã trả lời một cách khiếm nhã. Chúa Giêsu vẫn nhẹ nhàng và khéo léo hướng câu chuyện từ nước uống vật chất đến nước hằng sống, chứ không đả động gì đến mầm mống tranh chấp giữa hai dân tộc mà bà vừa bực bội nói ra. Và cứ từ từ như thế, qua cách nói của Chúa Giêsu, bà nhận ra chân lý của cuộc sống và đón nhận con người Ngài như một ngôn sứ. Nếu không có sự tế nhị và khéo léo ôn tồn, nếu chỉ bằng những lý luận hiểu biết bên ngoài, chắc rằng Chúa Giêsu đã không chinh phục được lòng tin của bà ta. Nói năng một cách tế nhị không phải để mong chinh phục người khác theo ý mình, nhưng trước tiên là để tôn trọng một con người và sau đó là để cho sự thật và những gì cao đẹp được lên tiếng trong mỗi người chúng ta.
TẾ NHỊ trong thái độ
Thái độ cũng là một cách nói, có khi còn mạnh mẽ và nặng nề hơn cả lời nói. Mọi lời nói cũng chỉ là qui tụ về thái độ. Người ta nhận ra ý nghĩa chân thật của một thái độ nhiều khi rõ hơn là những gì chúng ta nói. Qua thái độ tế nhị, người ta hiểu vấn đề một cách ý nhị và thâm trầm hơn, người ta thấy mình được tôn trọng, yêu thương để phát huy nhân phẩm hơn. Chúng ta học được điều này nơi Chúa Giêsu, một thái độ hết sức tế nhị : khi đối diện với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 2-11), Ngài đã hạ mắt nhìn xuống để chị không phải ngượng; Chúa cúi xuống để chị được ngước lên; Chúa yên lặng để phẩm giá làm người của chị được lên tiếng; và Chúa lên tiếng để đám đông nhận ra con người của họ nơi con người của chị .
Đối với Chúa, thái độ trước tiên không phải là xét đến vấn đề tội lỗi, nhưng là vấn đề nhân phẩm phải được bảo vệ và phục hồi. Thái độ tế nhị như vậy là mở ra cho mình và người khác một cơ hội lớn lên trong đời sống tinh thần. Mọi thái độ khinh khi và làm nhục người khác đều là bất nhân, cho dù họ có hư hèn và bệ rạc đến đâu đi nữa. Giá trị đời sống của một con người không thể đánh giá qua một vài hành vi bất chính của họ. Nếu không, chính thái độ thiếu tế nhị của chúng ta mới là bất chính.
TẾ NHỊ trong việc làm
Sự tế nhị đòi hỏi ta hành động một cách vô kỷ, vô công, vô danh, vô lợi. Sự ham hố công danh lợi lộc khiến người ta hành động bất chấp, chẳng còn gì là tế nhị. Giúp đỡ người này mà muốn tỏ ra cho người khác biết (Mt 6, 3) ; cố gắng làm những việc tốt nhưng lại tỏ vẻ mình đạo đức (Mt 6, 2-6); nổ lực thực hiện những điều hay nhưng lại tỏ lộ mình tài giỏi (Lc 18, 9)… Tất cả những cái “tỏ ra”, “tỏ vẻ”, “tỏ lộ” sự cao quí của mình trong việc làm đều không chân chính và đánh mất ý nhị của tâm hồn. Tế nhị là một hành vi cao đẹp luôn đòi hỏi sự kín đáo, âm thầm, không có hậu ý, chỉ vì muốn tốt đẹp cho người khác mà thôi.
Trong tình yêu thương người ta lại càng tỏ ra tế nhị hơn để tránh gây phiền hà và nghĩ ngợi cho những người xung quanh mình. Có những cái được phép làm hoặc có quyền làm nhưng không nên làm; có những điều phải làm nhưng chưa cần làm. Trước mọi hành vi phải đo lường được hoàn cảnh, tâm trạng và phản ứng của người anh em mình, bởi vì có những điều hợp lý nhưng không hợp tình và hợp cảnh.
Như vậy, tế nhị là sự hiểu biết và đồng cảm của con tim trước khi lời nói, thái độ và hành động lên tiếng trong sự khéo léo, tinh tế và nhã nhặn.
Lạy Chúa, Chúa đã sống một cuộc đời thật đẹp về mọi phương diện, và mời gọi con biết nhìn ngắm để sống cuộc đời mình. Thật ra ai cũng ham chuộng cái đẹp, nhất là cái đẹp của nhân cách, nhưng rồi những cái thô thiển bên ngoài làm mất đi cái đẹp bên trong của tâm hồn, làm cho cuộc sống trở nên tầm thường, thấp kém. Sống tế nhị với những người nói năng và hành động bất chấp quả là khó khăn. Nhưng con tin rằng, Chúa đang sống và đang làm triển nở trong con như thế nào thì Chúa cũng đang sống và đang hoạt động trong tâm hồn người khác như vậy. Mỗi người cần có thời gian, cần có biến cố để ơn thánh tác động dần dần. Bản thân con cũng vậy thôi. Điều đó mời gọi con có một sự hiểu biết và cảm thông sâu rộng với người khác, nhẫn nại với họ cũng như Chúa và người khác cũng đã từng nhẫn nại với con. Trong tâm tình như thế con sẽ đón nhận mọi lời nói và thái độ một cách bình thản hơn, đồng thời vẫn phát triển được nét thanh cao trong nhân cách của mình.
Lm.Thái Nguyên.
YẾU ĐUỐI
Nguyễn Tầm Thường, sj.
Ai cũng muốn tránh yếu đuối. Ngoài đời sống xã hội, yếu đuối là những tà áo khác nhau mà người ta phải khoác. Có thể là nghèo túng, có thể là cô thân, cô thế, có thể là thiêu khả năng… Nhiều khi vì yếu đuối mà bị khinh rẻ, vì yếu đuối mà bị thiệt thòi. Yếu đuối trong ý nghĩa thiêng liêng là sa ngã vì cám dỗ. Dù yếu đuối dưới phương diện nào đi nữa thì yếu đuối cũng vẫn là những cánh áo không ai muốn mặc. Đáng buồn. Bởi đó, trốn chạy được bao nhiêu thì trốn. Giấu đi những yếu đuối được phần nào hay phần đó.
Vậy mà Phaolô lại bảo: “Nếu cần phải vinh vang thì tôi chỉ vinh vang về sự yếu đuối của tôi thôi” (2Cor 11:30).
Tôi có thể giấu được phần nào yếu đuối, không để lộ cho kẻ khác biết, nhưng tôi không trốn chạy được yếu đuối. Trên đường đi cuộc đời, chỗ nào cũng có yếu đuối. Yếu đuối gặp trong lúc đi đường. Có khi đường đi dẫn đến yếu đuối.
Tôi có thể tránh được phần nào chứ không tránh hết được yếu đuối. Nỗ lực tránh lầm lỗi là tiếng gọi phải theo. Nhưng bất mãn vì không tránh hết được là tự kiêu.
Yếu đuối là một phần bản tính, tìm sự trọn hảo không bao giờ vấp ngã là tìm sự thất vọng. “Này trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi khi mới là thai nhi trong bụng mẹ” (Tv 51:7). Yếu đuối tự trong bản chất của mình rồi, làm sao tôi có thể huỷ bỏ được nó. Chính vậy, không nhìn nhận mình có yếu đuối sẽ rơi vào vực sâu thất vọng, mất niềm cậy trông. Khi đó, tôi là kẻ không nhìn nhận chính mình. Trong ý nghĩa ấy, điều kiện đầu tiên để tìm sự thánh thiện là biết mình yếu đuối, và nhận mình yếu đuối.
Yếu Đuối Trên Đường Theo Chúa
Tội lỗi là kết quả của yếu đuối. Sự chết là tiền công của tội lỗi (Rom 6:23). Bởi đó, yếu đuối, tội lỗi và sự chết đi với nhau. Như lời thánh vịnh, từ thai nhi trong lòng mẹ tôi đã vương tội rồi, vậy làm sao tôi có thể tự cứu mình thoát khỏi vấp ngã vì yếu lòng.
Yếu đuối làm ta lâm vào lầm lỗi, sa ngã, mất giá trị. Nhưng trên đường đi, yếu đuối cũng có thể là điểm hẹn gặp Đức Kitô. “Con Người đến để tìm cứu những gì đã hư đi.” (Lc 19:10). Nhiều lần Đức Kitô vào dùng cơm trong nhà những kẻ tội lỗi. Trong yếu đuối, quyền năng của Chúa cũng được thể hiện. Chúa không cần sự yếu đuối như điều kiện để tôi gặp Chúa. Không phải để Chúa thể hiện quyền năng thì Ngài cần tôi phải yếu đuối. Nhưng là trong yếu đuối ấy, những gì đổ vỡ Ngài có thể chữa lành.
Thấy tình thương của Chúa trong yếu đuối thì yếu đuối sẽ biến đổi. Mất mát do yếu đuối gây nên là một đau khổ, nhưng cảm nghiệm được Chúa yêu thương là hạnh phúc cho mất mát. Yếu đuối gây khổ đau vì mình đánh mất chính mình. Nhưng cũng trong yếu đuối mà Chúa nâng đỡ thì tôi lại gặp được tôi. Có quăng đi của yếu đuối thì có nhặt lại của ơn sủng. Yếu đuối trên đường theo Chúa là yếu đuối hy vọng.
Bất hạnh lớn nhất của yếu đuối là yếu đuối không có Chúa, chứ không phải là tôi không thể tránh được yếu đuối. Trong yếu đuối, tôi vẫn có thể yêu cuộc đời. “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là kẻ đau ốm” (Mt 9:12).
Yếu Đuối Để Biết Người
Biết mình yếu đuối có khi chỉ đưa đến thất vọng. Biết yếu đuối của mình có khi chỉ là sống trong mặc cảm. Nó là thế giới bất mãn buồn chán. Yếu đuối là những vết đen của cuộc sống, nên có khi càng nhìn, càng thấy cuộc sống tối. Không muốn nhìn mình yếu đuối, mình vẫn yếu đuối. Tại sao Thầy Thượng Phẩm là đại diện cho loài người giao tiếp với Thiên Chúa để dâng lễ đền tội mà không thoát khỏi yếu đuối tư bề?
“ Chính Ngài cũng lâm phải yếu đuối tư bề để Ngài biết thương xót những kẻ u mê lầm lạc. Và vì yếu đuối, thì Ngài cũng phải dâng lễ đền tội cho mình như Ngài dâng lễ cho dân” (Heb 5:2-3).
Như thế, có thể tránh được yếu đuối không phải bằng cách trốn yếu đuối mà là đối diện.
Yếu đuối mà có Chúa cùng đi thì yếu đuối thành trông cậy. Biết mình yếu đuối mà cậy trông Chúa thì Chúa sẽ đi với tôi trong những phút yếu đuối.
Chính vì yếu đuối nên khi chưa yếu đuối tôi hay quên rằng tôi là người dễ sa ngã. Trong ánh sáng của cầu nguyện, yếu đuối sẽ nhắc nhở tôi về những giây phút tôi nghĩ mình không dễ sa ngã đó. Nhờ yếu đuối nhắc nhở, tôi xót thương những kẻ yếu đuối như tôi. Yếu đuối trong thái độ như vậy sẽ đưa đến hợp nhất.
Ghen tương xẩy đến là vì ai cũng giấu đi sự yếu đuối của mình và đến với nhau bằng sức mạnh. Không nhìn thấy đau khổ đằng sau nụ cười, vì thế mới có ghen tương. Bởi đó, một trái tim bén nhậy với những yếu đuối ẩn náu của tha nhân sẽ cho hồn mình thanh thản, đồng cảm. Đồng cảm là khởi đầu của mọi sự hiệp nhất. Không còn ghen tức nếu tất cả được yếu đuối nhắc nhở và rồi đến với nhau bằng sự yếu đuối. “Để khỏi sinh lòng kiêu căng về những ơn lạ ấy, Chúa đã đặt một cái dằm trong da thịt tôi, khác nào để một thủ hạ của Satan tát vả tôi, để tôi mất tự kiêu tự đắc” (2Cor 12:7).
Nếu vì yếu đuối của mình mà cho nhau hiệp nhất thì trong yếu đuối ấy tôi gieo trồng sức mạnh.
Yếu Đuối của Phaolô
Phaolô thự thú:
Ba lần tôi xin Chúa cất tôi khỏi cái dằm khổ cực ấy. Song Chúa phán bảo tôi rằng: “Ơn của Thầy đủ để hộ giúp con. Vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong sự yếu đuối” Bởi vậy, tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi (2Cor 12:8-9).
Phaolô bảo rằng nếu phải khoe khoang thì Ngài khoe khoang về những yếu đuối:
“Năm lần tôi bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín roi, ba lần bị đánh đòn, một bị ném đá, ba lần bị đắm tầu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi trong biển. Tôi còn hơn họ bởi hành trình thường xuyên, gặp bao nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, chốn hoang vu, ngoài biển cả, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn lao đao vất vả, bởi thường phải thức đêm, bởi đói khát, bởi nhịn ăn lắm bận, bởi chịu rét mướt trần truồng” (2Cor 11:21-30).
Lạy Chúa, đó là yếu đuối của Phaolô. Có khi con cũng nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người mình tin tưởng, bị lao đao vất vả, phải thao thức bởi nghèo đói, bởi lo âu, bởi túng thiếu. Mà sao những yếu đuối ấy chỉ là những tiếng thở dài ngán ngẩm cuộc đời.
Suy niệm về sự yếu đuối, con thấy có nhiều thứ yếu đuối khác nhau. Yếu đuối dại dột là không nhận mình yếu đuối. Yếu đuối thiệt thòi ơn thánh là không dám chấp nhận yếu đuối như Chúa. Chúa yếu đuối mới để người ta đánh đón. Chúa yếu đuối mới bị đóng đinh. Làm sao con có được một mất mát hết sức lớn lao. Phaolô đã không chịu để mất sự yếu đuối ấy: “Lại nữa, tôi vui thoả trong các nỗi yếu đuối, trong lăng nhục, trong quẫn bách, trong bắt bớ và cùng khốn vì Đức Kitô. Bởi khi tôi yếu đuối lại chính là lúc tôi dũng mạnh” (2Cor 12:10)
Lạy Chúa, khi bị lăng nhục, bị hà hiếp mà lại là lúc dũng mạnh, thì khi mình lăng nhục kẻ khác, làm cho kẻ khác phải yếu đuối, chắc chắn không phải là lúc có dũng mạnh trong trái tim mình.