Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1:39-56)
Khi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." Bấy giờ bà Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa ha bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời." Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
SUY NIỆM 1
Trình thuật Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta sống lại sự kiện Đức Maria đi thăm viếng người chị họ là bà Elizabeth. Sau khi được sứ thần Chúa loan báo Mẹ được diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Thế và người chị họ mang thai ở tuổi già, Đức Maria đã vội vã lên đường để đi thăm và ở lại giúp đỡ bà Elizabeth. Mẹ đi để mang tin vui đến cho tha nhân, Mẹ hiện diện để chia sẻ và giúp đỡ khi anh chị em cần đến.
Điều đáng nói ở đây là cuộc viếng thăm của Mẹ đã thật sự mang lại niềm vinh dự, vui mừng và bình an tràn đầy cho gia đình bà Elizabeth, ngay cả hài nhi Gioan cũng nhảy lên vui mừng trong cung lòng bà. Rõ ràng Đức Maria không chỉ đến để chia sẻ niềm vui, niềm vinh dự mà Chúa dành cho Mẹ, nhưng Mẹ còn mang chính Chúa đến với tha nhân. Đó chính là khoảnh khắc Thiên Chúa viếng thăm, chúc phúc cho con người và nỗi vui mừng của người nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa mới là nguồn vui đích thực, nguồn bình an vĩnh cửu và là sự sống muôn đời.
Quả thật, được gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện là ước mơ, là cùng đích tối hậu của cuộc đời chúng ta. Một khi được gặp Chúa, chúng ta nhất định sẽ hân hoan, vui mừng, ca hát, cảm tạ và biến đổi. Điều quan trọng là chúng ta có khao khát được gặp Chúa, nhạy bén nhận ra những ân huệ Chúa ban trong cuộc đời, và tinh tế nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa nơi những anh chị em chung quanh mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trân quý những ân huệ Chúa ban cho mình và cho tha nhân. Xin ở lại với chúng con và ban ơn biến đổi để chúng con trở nên những khí cụ mang niềm vui, bình an và sự cảm thông, chia sẻ đến cho anh chị em mình.Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Trình thuật Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta sống lại sự kiện Đức Maria đi thăm viếng người chị họ là bà Elizabeth. Sau khi được sứ thần Chúa loan báo Mẹ được diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Thế và người chị họ mang thai ở tuổi già, Đức Maria đã vội vã lên đường để đi thăm và ở lại giúp đỡ bà Elizabeth. Mẹ đi để mang tin vui đến cho tha nhân, Mẹ hiện diện để chia sẻ và giúp đỡ khi anh chị em cần đến.
Điều đáng nói ở đây là cuộc viếng thăm của Mẹ đã thật sự mang lại niềm vinh dự, vui mừng và bình an tràn đầy cho gia đình bà Elizabeth, ngay cả hài nhi Gioan cũng nhảy lên vui mừng trong cung lòng bà. Rõ ràng Đức Maria không chỉ đến để chia sẻ niềm vui, niềm vinh dự mà Chúa dành cho Mẹ, nhưng Mẹ còn mang chính Chúa đến với tha nhân. Đó chính là khoảnh khắc Thiên Chúa viếng thăm, chúc phúc cho con người và nỗi vui mừng của người nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa mới là nguồn vui đích thực, nguồn bình an vĩnh cửu và là sự sống muôn đời.
Quả thật, được gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện là ước mơ, là cùng đích tối hậu của cuộc đời chúng ta. Một khi được gặp Chúa, chúng ta nhất định sẽ hân hoan, vui mừng, ca hát, cảm tạ và biến đổi. Điều quan trọng là chúng ta có khao khát được gặp Chúa, nhạy bén nhận ra những ân huệ Chúa ban trong cuộc đời, và tinh tế nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa nơi những anh chị em chung quanh mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trân quý những ân huệ Chúa ban cho mình và cho tha nhân. Xin ở lại với chúng con và ban ơn biến đổi để chúng con trở nên những khí cụ mang niềm vui, bình an và sự cảm thông, chia sẻ đến cho anh chị em mình.Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Ơn gọi trở nên một, như Thiên Cha Ba Ngôi là một
Trong lời nguyện của Người, được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, Đức Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một, nghĩa là được hiệp nhất; và khuôn mẫu của sự hiệp nhất, chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế, chính trong mức độ chúng ta trở nên một, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (c. 11b)
- Và bài trong Tin Mừng ngày mai, lòng ước ao của Đức Giê-su cho các môn đệ được trở nên một càng lan rộng và mạnh mẽ hơn: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta”; “phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”; và “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một.”
- Loài người được Thiên Chúa dựng nên là một
Tuy nhiên ơn gọi trở nên một không phải ở bên ngoài, ở xa xôi hay ở trên cao đối với con người, bởi vì loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là được dựng nên là một như Thiên Chúa là một. Thực vậy:
“Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại” (St 1, 21); “Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại”(c. 24); và “Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (c. 25).
Qua những câu chúng ta vừa trích dẫn, toàn thể loài vật, trên trời, dưới đất và trong biển cả đều được tạo dựng theo những “loại” khác nhau. Lời Chúa lập đi lập lại sự đa phức về loài của thế giới loài vật (7 lần), chính là để làm cho chúng ta nhận ra sự ưu việt của con người, và sự ưu việt của con người chính là ơn huệ hiệp nhất: con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là con người được dựng nên không giống như thế giới loài vật, gồm vô số các loài khác nhau, nhưng được Thiên Chúa dựng nên là một, là hiệp nhất, giống như Thiên Chúa Ba Ngôi là một, là hiệp nhất. Như thế, con người có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa mà các loài khác không có; và ở một mức độ nào đó, đó là tương quan cha-con: “Adam con Thiên Chúa” (Lc 3, 38). Thiên Chúa là một; loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cũng là một; thay vì là “đa” như loài vật.
Nhưng “là một” cũng là ơn gọi của con người. Một ơn gọi khó thực hiện biết bao, bởi vì chúng ta đã để cho Ác Thần, cho Thú Tính chi phối và thống trị; và hậu quả tất yếu sẽ là phân tán, chia rẽ và loại trừ lẫn nhau. Chính vì thế Đức Giêsu đã cầu nguyện: “xin cho chúng nên một, như chúng ta là một”. Chúng ta có một khuôn mẫu hoàn hảo, để sống căn tính của mình, đó là Ðức Giêsu-Kitô.
- “Chính nhờ Người, với Người và trong Người”
Nghe lời nguyện của Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha, chúng ta nhận ra rằng, Đức Giê-su làm tất cả mọi sự, trao ban tất cả mọi sự, tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì Ngài là, tất cả những gì Ngài nhận được từ Thiên Chúa Cha, chính là để cho các môn đệ trở nên một. Điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể tự mình trở nên một được, nhưng chỉ có thể để cho Chúa làm cho chúng ta nên một mà thôi. Nghĩa là:
- Để cho Đức Giê-su giữ gìn chúng ta trong Danh của Chúa Cha.
- Để cho Ngài canh giữ chúng ta khỏi Ác thần.
- Để cho Ngài truyền đạt cho chúng ta Lời Thiên Chúa; và Lời Thiên Chúa là Sự Thật có sức mạnh thánh hiến chúng ta.
Và Đức Giê-su còn làm hơn thế nữa: “Con xin thánh hiến chính mình con”. Trong bầu khí của bữa tiệc ly, Ngài thánh hiến chính mình, có nghĩa là Ngài yêu mến những người thuộc về Ngài đến cùng: “Anh em hãy rửa chân cho nhau như thầy rửa chân cho anh em”; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”; và “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”
Trong những ngày chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy mở lòng ra, dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự đến, để Ngài làm cho thành sự ước ao của Thiên Chúa, và cũng là ước ao cháy bỏng của Đức Ki-tô, đó là:
Chúng ta được trở nên một, như Thiên Chúa là một.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc