Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14: 27-31a)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với ác con rằng: Thầy đi rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây, Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.
SUY NIỆM 1
Những lời này Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong hoàn cảnh Ngài sắp ra đi chịu nạn chịu chết. Và Người biết mình sắp bị giới lãnh đạo Do Thái bắt nộp, bị môn đệ Giuđa phản bội và giờ Chúa Cha tôn vinh đã cận kề. Còn các môn đệ thì lo lắng sợ hãi vì không biết phải đi con đường nào giữa trăm ngàn ngã rẽ, không biết tin cậy vào đâu trước những thế lực xấu sa đang bủa vây, làm cho các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi còn tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu hiểu được tâm trạng đó, Người đã trăn trối lại cho các môn đệ những lời tâm huyết sau cùng. Và Người cũng hứa ban bình an và niềm vui của Người cho các ông: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Như thế, thứ bình an này hẳn là đặc biệt. Nó không giống thứ “Bình an mà thế gian ban tặng”. Nó dựa trên nền tảng của lòng yêu mến đối với Chúa, và niềm tin tưởng rằng Chúa đi rồi cũng sẽ trở lại. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa.
Với một thế giới tục hoá và giải thiêng, bên ngoài có vẻ như an bình và tự tin, nhưng thực ra bên trong đang đầy lo âu và sợ hãi, chẳng biết bám víu vào ai và vào đâu, sự bình an “của Thầy” cần phải được loan báo và “kể lại”. Bình an đích thực không đồng nghĩa với tình trạng không có khó khăn, gian khổ, sợ hãi, lo âu, thập giá, v.v. mà đúng hơn là tâm trạng của những con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuyệt đối tin tưởng, phó thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, Đấng mà họ tin là hằng yêu thương họ, và là Đấng toàn năng và toàn tri: đó chính là sự Bình An của Đức Giêsu-Kitô. Trong an bình và trong lo âu, trong hạnh phúc và trong khổ đau, mỗi một con người, mỗi một cuộc đời Kitô hữu sẽ phải là một câu chuyện kể về tình yêu và những kỳ công của Thiên Chúa Tình Yêu.
Chúa Giêsu đã động viên các môn đệ và khẳng định rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ai đi theo con đường của Chúa chắn chắn sẽ tới đích. Ai tin vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Ngược lại ai cậy dựa vào vào sức riêng mình và sự bảo đảm của vật chất trần gian sẽ phải gánh chịu nỗi bất an ê chề. Tránh gây ra xung đột, va chạm. Tìm cách giải hóa và hòa giải các mầm mống có thể gây bất an. Nhất là tránh tội lỗi là thứ gây nên mọi xáo chộn và làm mất bình an. Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn luôn an bình thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự bình an đích thực trong tâm hồn. Ðể cuộc sống của chúng con không bị chao đảo, xao xuyến trước những thử thách khó khăn. Xin cho gia đình, khu xóm, giáo xứ của chúng con cũng được sống trong sự bình an của Chúa. Chúng con biết hòa hợp yêu thương nhau, biết tha thứ, bỏ qua những khuyết điểm của nhau và biết tích cực xây đắp một cuộc sống an hòa, đoàn kết, yêu thương giữa cộng đoàn của chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Anh em đừng xao xuyến”
Trong bữa tiệc li, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình (x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập Giá. Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (x. Ga 18).
Chính vì thế, các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13, 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su tự nguyện đón nhận tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (Ga 13, 2 và 27).
- Bình an và niềm vui
Tuy nhiên, đó lại là con đường làm cho “mọi sự được hoàn tất”. Mọi sự là toàn bộ Kinh Thánh kể lại lịch sử cứu độ, hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra thân phận, số phận con người, tội và sự dữ. Đó chính là tâm tình của Đức Giê-su, khi Ngài nói trên Thập Giá : « Ta khát » : Ngài khát mong cho lời Kinh Thánh được hoàn tất (Ga 19, 28 ; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của từng người chúng ta được hoàn tất.
Vì thế, con đường Thập Giá, gây ra bởi tội lỗi, sữ dữ và Satan, lại là con đường diễn tả :
- Cách Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài “đến cùng”; tình yêu đến cùng là tình yêu trao ban chính mình, được diễn tả qua hình bánh và rượu, qua hành vi rửa chân cho “từng người”; và hành vi trao ban này sẽ được hoàn tất nơi Thập Giá, như tấm bánh phải “nát tan” để trở thành sự sống cho con người (x. Ga 13, 1).
- “Giờ” của Ngài, giờ Ngài đi về cùng Chúa Cha, để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ của Ngài. Hành trình Người đi “dọn chỗ” cho các môn đệ, các môn đệ đang diện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, như Người đã nói: “Nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (c. 2); và Người nhắc lại ở đây, và đồng thời mời gọi các môn đệ vui mừng, khởi đi từ tình yêu nhưng không: “Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (c. 28)
- Và cách thức Người chọn để được tôn vinh, như người nói: “Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32).
Vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta hôm nay, vượt qua sự xao xuyến bằng lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào Người, dù cuộc đời thăng trầm, thử thách, đau khổ và lỗi lầm như thế nào, và cùng đi trên con đường của Người, như Người mời gọi thánh Phê-rô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga 13, 36).
- “Thầy yêu mến Chúa Cha”
Chính trong bầu khí của bữa tiệc li mà Đức Giê-su đã muốn sống trước “biến cố” sẽ đến và muốn diễn tả hết mọi ý nghĩa của biến cố này, dưới ánh sáng của kế hoạch yêu thương, được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha.
Thưc vậy, là hành động của Sự Dữ, nhưng lại là đường đi về với Cội Nguồn là Thiên Chúa Cha, và là cách thức diễn tả tình yêu đến cùng và tuyệt đỉnh; như thế “tất cả đều trong một”. Ngài như muốn dẫn các môn đệ, ngay lúc này, đi vào mọi chiều kích khôn dò của Mầu Nhiệm, để cho họ:
- Tin tưởng: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
- Bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
- Và vui mừng: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”
Xin Đức Ki-tô Phục Sinh giúp chúng ta, nhờ Thánh Thánh của Người, khám ra ý nghĩa của những biến cố trong cuộc đời chúng ta, nhất là những là những biến cố “bi đát”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để chúng ta biết tín thác vào “tình thương muôn ngàn đời của Thiên Chúa Cha” (x. Tv 136), và nhờ đó, ngay hôm nay, chúng ta sống trong tâm tình tín thác và như thế, đã được hưởng bình an và niềm vui của Người rồi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc