Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16: 29-33)
Khi ấy, các môn đệ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ và đã đến giờ rồi, các con sẽ tản mác mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.
SUY NIỆM 1
Các môn đệ tin nhận Đức Giêsu, tin vào những điều Người hứa, và những gì Người đã hứa với các ông trong tương lai giờ đang hiện diện. Như vậy các ngài xác tín niềm tin của người Kitô hữu trong mọi thời đại. Các ngài tuyên nhận Chúa Giêsu như Đấng được Thiên Chúa sai đến và là Đấng mặc khải của Thiên Chúa, Người là Đấng biết tất cả. Nhờ đó Người chia sẻ với những người thuộc về Người điều Người biết về Chúa Cha, cũng như việc Người thấu biết về con người. Người thấu biết những vấn nạn của con người trước khi con người đặt ra vấn nạn đó. Và Người đã trả lời những câu hỏi chưa đước đặt ra đó qua việc Người hoạt động trong chúng ta, đó chính là Người tỏ ra cho chúng ta biết Người bởi Thiên Chúa mà đến. Đức tin trước tiên chính là thiết lập mối tương giao giữa chúng ta và Chúa Giêsu.
Mối tương giao của chúng ta với Chúa Giêsu qua đức tin luôn là một sự dấn thân liên tục. Đức tin không chỉ dừng lại một lần tuyên xưng duy nhất, nhưng lời tuyên tín luôn được tái xác tín liên tục trong suốt đời sống. Sự xác tín và mối đe dọa của sự sa ngã luôn nằm kề bên nhau. Người ta không "có" đức tin một lần cho tất cả như là một tư hữu chắc chắn. Đức tin luôn phải được thử thách. Các môn đệ đã tuyên tín, nhưng các ông đã bỏ trốn, để lại một mình Chúa Giêsu khi giờ Người đến. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ở một mình, Chúa Cha luôn kề cạnh bên Người. Như vậy có thể khẳng quyết rằng: ơn cứu độ được thực hiện không lệ thuộc vào đức tin của các môn đệ, nhưng căn cứ vào sư duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa con.
Một lần nữa Chúa Giêsu nói về sự an bình. Chúa trao ban an bình cho những người tin giữa một thế giới đang sống bất an. Sự bình an đó chỉ có được trong mối dây liên kết với Người. Công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu thiết lập an bình và bảo đảm cho sự an bình đó. "Trong thế giới anh em phải chịu gian nan khốn khó, nhưng hãy can đãm lên: Ta đã thắng thế gian". Thế gian và sự khốn khó tương phản với đức tin và an bình của Đức Kitô. Sự chiến thắng của Đức Kitô đối với thế gian chính là sự chiến thắng đối với thế giới bị sự chết thống trị. Sự phục sinh của Đức Kitô hủy diệt sự chết. Đức tin đưa chúng ta vào dự phần sự chiến thắng nầy.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn xác tín niềm tin của chúng con mỗi ngày trong cuộc sống. Có như vậy chúng con mới nhận được sư an bình đích thật, một sự an bình bởi sự chiến thắng những cám dỗ, chiến thắng những đam mê thế trần. Xin cho chúng con luôn canh tân đức tin để không bỏ Chúa trước những hấp lực hào nhoáng, những đe dọa của thế lực trần gian. Vì chỉ có Chúa là sự sống đích thật của chúng con.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Trong lời tâm sự với các môn đệ, khi dùng bữa ăn cuối cùng, theo lời kể của thánh Gioan, Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại:
Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.
(Ga 13, 1; 16, 28)
Đây là hành trình riêng của Đức Giê-su, nhưng lại có liên quan đến các môn đệ, và ngang qua các môn đệ, liên quan đến toàn nhân loại và từng người chúng ta hôm nay. Và không chỉ liên quan, nhưng còn dành cho các môn đệ. Bởi vì, hành trình của Đức Giê-su là hành trình diễn tả tình yêu đến cùng của Ngài, và qua Ngài, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, dành cho các môn đệ; vì thế, hành trình này sẽ mang lại cho các môn đệ đức tin, ơn bình an và sự can đảm.
- Đức tin
Trước đó Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, Cha của Ngài ngang qua các dụ ngôn: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34). Nhưng đã đến giờ, Ngài “nói rõ” về Chúa Chúa: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.” Bởi vì Ngài từ Cha mà đến: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1, 18)
Nếu chúng ta hiểu lịch sử cứu độ là lịch sử qua đó Thiên Chúa bảy tỏ khuôn mặt đích thật của Người, khuôn mặt mà ma quỉ đã làm cho con người hiểu lệch lạc (x. St 3), thì lời này của Đức Giê-su là điểm tới, là điểm hoàn tất của lịch sử cứu độ: “Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Như Ngài sẽ nói trên Thập Giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 28-39).
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Cha, không còn qua những dụ ngôn nữa, hay nói rộng hơn, qua những dấu chỉ nữa, nhưng là qua chính ngôi vị của Đức Giê-su, qua chính Lời của Đức Giê-su. Xin cho chúng ta cảm nếm chính Thiên Chúa, khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Giê-su, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua.
Mặc khải của Đức Giê-su về Thiên Chúa Cha đã khơi dậy đức tin nơi các môn đệ: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự… Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến”. Ngoài ra, các môn đệ tin, còn là vì Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng ngôi vị, và nhất là bằng tình yêu đến cùng của Ngài, được tỏ bày trong mầu nhiệm Vượt Qua.
- Bình an
Tình yêu đến cùng được Đức Giê-su diễn tả cách trọn vẹn trong cuộc Thương Khó; và trong giai đoạn này, Ngài sẽ bị các môn đệ của mình bỏ rơi, nhưng Ngài nói: “Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy”. Điều này mang lại cho các môn đệ sự bình an. Bởi vì, Chúa Cha không chỉ là điểm đến, nhưng còn luôn luôn hiện diện với Đức Giê-su. Ơn bình an còn đến từ niềm xác tín rằng, nếu Chúa Cha luôn ở với Đức Giê-su trong thử thách, thì Người cũng luôn ở với các môn đệ trong khốn khó và trong sự yếu đuối và giới hạn. Bởi vì, như Đức Giê-su nói: “Chúa Cha yêu mến anh em” (c. 27)
Các môn đệ cũng được mời gọi đi theo Đức Giê-su bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là sống đời mình như một cuộc vượt qua, nhờ, với và trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô phục sinh. Như sách Tông Đồ Công Vụ kể lại cho chúng ta, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô như được tái hiện lại trong hành trình sống và loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô của các môn đệ, các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ của mọi thời, các môn đệ hôm nay, là chính chúng ta.
Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su không chỉ mang lại bình an, nhưng cả niềm vui nữa. Vì Đức Giê-su đã nói: “nỗi buồn của anh sẽ trở thành niềm vui”. Lời của Đức Giê-su không chỉ nói tới niềm vui sau thử thách, nhất là thử thách tận cùng là sự chết, nhưng niềm vui ngay trong thử thách hôm nay. Vì cuộc Vượt Qua của Người mang lại niềm hi vọng, và vì thế mang lại ý nghĩa cho cuộc thương khó của người môn đệ. Và nhất là cuộc thương khó của người môn đệ làm cho mình trở nên giống Đức Ki-tô, nên một Đức Ki-tô. Trong tình yêu, thật là niềm vui lớn lao, khi được trở nên giống nhau, nên một với nhau.
- Can đảm
Các môn đệ được mời gọi “can đảm lên”, vì Đức Giê-su đi về cùng Cha, không bằng con đường thăng thiên trực tiếp, nhưng bằng cách vượt qua và chiến thắng sự chết gây ra bởi thế gian, nghĩa là bởi sự dữ và những gì thuộc về. Đức Giê-su đã nói : « Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy… Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha ». Như thế, con đường Thầy đi qua và cùng đích Thầy hướng đến đều hội tụ nơi ngôi vị của Đức Giê-su.
Nhưng tất cả vấn đề là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường « điên rồ và sỉ nhục ». Nhưng, đối với Thiên Chúa, đó lại là con đường của « sự thật và sự sống », là con đường của « sức mạnh và khôn ngoan », là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Đó là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong Thiên Chúa Cha, đang được Chúa Cha yêu mến, khi đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. Các môn đệ sẽ gặp nhiều gian nan khốn khó. Nhưng Đức Ki-tô đã thắng thế gian, thắng sự dữ và sự chết; và Ngài chia sẻ chiến thắng của Ngài cho chúng ta, để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc