Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6: 44-51)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha Ta là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo”. Ai nghe lời giáo huấn của Chúa Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra. Đấng ấy đã thấy Cha. Ta bảo thật các ngươi : Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn Manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống dời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
SUY NIỆM 1
Khởi đi từ phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Người tiếp tục mời gọi: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”.
Bí tích Thánh Thể, một sáng kiến vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Đó là tặng phẩm siêu phàm được chuẩn bị lâu và chu đáo trong Cựu ước: qua bánh và rượu của Thượng tế Menkisêđê mang tế trời (x. St 14, 18), bánh lễ đầu mùa (x. Lv 23, 17), bánh nuôi sống Elia đủ sức đi 40 ngày đến núi Horeb (3V 19, 5-8) và manna trong suốt 40 năm sa mạc để cứu sống dân. Tất cả những hình ảnh ấy của Cựu ước, báo trước bí tích Thánh Thể hôm nay.
Bí tích Thánh Thể là bí tích hiệp thông. Chúa Kitô mời gọi chúng ta siêng năng lãnh bí tích Thánh Thể để hiệp thông thường xuyên và trọn vẹn với Người.
Đồng thời, trong khi hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta sẽ thuộc trọn về Người, được Người chiếm hữu, nên giống Người, sống như Người, thành con người của Người. Trong Chúa Kitô, ta cùng chịu đóng đinh vào thập giá, cùng chịu mai táng trong mồ, cùng được trỗi dậy để loan báo và thông truyền sự sống mới của chính Người (x. Gl 5, 24).
Sống trong Chúa, hiệp thông hoàn toàn với Chúa, ta cũng sẽ nối kết mật thiết với anh chị em đồng loại. Vì thế, sau khi rước Thánh Thể Chúa, ta phải sống tình liên đới bằng tâm tình bác ái, yêu thương với anh chị em của mình. Vậy ta cần ghi nhớ:
- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người cũng đòi ta ban lương thực nuôi thân xác cho người thiếu thốn.
- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Người cũng đòi ta tự hiến mình cho anh chị em xung quanh.
- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, Ngươi cũng đòi ta chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiện thân để nêu cao tinh thần phục vụ.
- Chúa Giêsu không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Ngài không chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người đòi ta phải tận tụy trong từng nghĩa cử yêu thương và cho đi chính bản thân ta.
Bởi vậy thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12, 1).
Lạy Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, Bánh đích thực! Xin thương xót chúng con. Xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con. Xin cho chúng con luôn giữ mình thanh sạch để hiệp thông với Chúa trong Thánh Thể của Chúa và dạy chúng con gắn bó, yêu thương để sống hiệp thông với anh em đồng loại của chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Chúa Cha lôi kéo (c. 44)
a. Lời xầm xì
Câu trả lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”, khởi đi từ lời “xầm xì” của Người Do Thái (c. 41-43). Thật vậy, chính khi Đức Giê-su nói: “Chính tôi là bánh trường sinh… Tôi tự trời mà xuống” (c. 34 và 38), những người nghe Người liền xầm xì phản đối:
Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”
(c. 42)
Vấn nạn có thể được coi như những lời lẩm bẩm, giống như Dân Chúa trong sa mạc đã lẩm bẩm, vì Đức Giê-su nói với họ: “các ông đừng có xầm xì với nhau” (c. 43). Chúng ta đừng quên, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi sau khi nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” Trong mức độ nào đó, lời “lẩm bẩm” này còn nghiêm trọng hơn những vấn nạn của người Do Thái, vì phản ứng như thế là từ chối đối thoại. Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự. Và có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta.
Thật vậy, đây cũng chính là lời “xầm xì” của người thời đại chúng ta, và cũng chính chúng ta nữa, ít nhất là ngấm ngầm. Ngày nay, qua các phương pháp nghiên cứu sử học, người ta biết nhiều hơn và khách quan hơn về Đức Giêsu Nazareth, như là một nhân vật lịch sử, về tôn giáo của dân tộc Ngài, về bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị thời đại của Ngài. Người ta thán phục về nhân cách độc nhất vô nhị của Ngài. Có người cho Ngài là một nhà cải cách về tôn giáo, người khác về luân lý, người khác về xã hội, người khác cho Ngài là người duy lý, duy nhân bản,… Tuy nhiên, người ta không thể chấp nhận niềm tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”. Khó khăn trong việc tin Đức Giê-su Nazareth, con của ông Giuse và bà Maria, là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”, cũng chính là khó khăn khi chúng ta tin nơi Thiên Chúa, khởi từ thiên nhiên, lịch sử và những biến cố mà chúng ta đã trải qua.
Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa và nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa ». Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm thiết thân, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô. Chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.
b. Cách Chúa Cha lôi kéo
Và để giúp người nghe tin nơi Người, Đức Giê-su nói: “Thôi đừng có xầm xì với nhau. Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 43-46). Như thế, người ta không thể tin vào Đức Giê-su nếu không tin vào Thiên Chúa; và sau này Chúa nói: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy (Ga 16, 6). Bởi vì, Chúa Cha và Chúa con là một: “Không ai đã thấy được Chúa Cha, nếu không phải là Đấng đến từ Thiên Chúa. Ngài đã thấy Chúa Cha.”
Phải chẳng đó là ngõ bí, vì ruốt cuộc người ta phải tin Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa dẫn đưa, mới để có thể đến với Đức Giê-su? Đó là bởi vì chỉ Đấng Hoàn Hảo mới có thể dẫn chúng ta đến với Đấng Hoàn Hảo mà thôi. Điều tiên quyết, để tin Đức Giê-su, là chúng ta phải có lòng ước ao Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào lại không thể không ước ao Thiên Chúa được, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Tuy nhiên, lòng ước ao này có thể bị phủ lấp, bị che đậy (chứ không bị mất đi) bởi “những sự khác” thuộc về đời này.
Đức Giê-su tín thác vào “công trình của Chúa Cha”; trong cả ba lần trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đều nhắc tới Chúa Cha (c. 37.44-45.57). Trong trường hợp thứ hai, chúng ta cần dừng lại thật lâu: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44), “Ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (c. 45; 65).
Chúa Cha lôi kéo như thế nào, đó là “công trình của Người”; chúng ta có thể nhìn lại đời mình, từ lúc được hình thành trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13) cho đến bây giờ, để nhận ra cách thức chúng ta đã đến được với Đức Giê su với tư cách là Ki-tô hữu, hay là môn đệ của Ngài trong đời dâng hiến, khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ rất kinh ngạc. Và hiển nhiên là Chúa Cha có thể lôi kéo người ta một cách ngoại thường; nhưng theo Đức Giê su, Ngài cũng lôi kéo mọi người một cách rất tự nhiên và phổ quát:
Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.
(c. 45)
2. Chúa Cha giáo huấn (c. 45-46)
Hết mọi người đều được Thiên Chúa dạy dỗ; và người ta chỉ cần mở tai ra để lắng nghe giáo huấn của Thiên Chúa, là có thể đến được với Đức Giê su. Nhưng giáo huấn của Thiên Chúa được ban cho con người ở đâu và như thế nào?
Trước hết, giáo huấn của Thiên Chúa nằm ngay trong bản tính của con người, bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; và hình ảnh này được biểu lộ ngang qua bản tính hướng về sự thiện, tình yêu không cùng và sự sống viên mãn. Đó chính lòng ước ao Thiên Chúa, Nguồn Sự Thiện, Tình Yêu và Sự Sống, dù con người ý thức hay không ý thức.
Giáo huấn của Chúa Cha, có thể nói, còn được “ghi âm” ở trong sáng tạo (x. Tv 8; 19; 104; 139), được ghi âm trong ơn huệ sự sống và trong ơn huệ lương thực (x. St 1, 29). Trong thư gởi giáo đoàn Roma, thánh Phao-lo đặc biệt nhấn mạnh đến cách giáo huấn này của Chúa Cha, đến độ người ta không thể tự bào chữa được: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo” (Rm 1, 20-21)
Ngoài ra, giáo huấn của Chúa Cha cũng được “ghi âm” trong lịch sử, bởi vì lịch sử của Israel, lịch sử của nhân loại và lịch sử của từng người chúng ta đều là lịch sử thánh. “Thánh” ở đây, không phải là không tì vết, nhưng ngược lại, là đầy tì vết và những thăng trầm, nhưng vẫn được Thiên Chúa “bao bọc cả sau lẫn trước” (Tv 139, 5) và dẫn dắt. Như ông Giuse nói với các anh: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 20).
* * *
Chính khi chúng ta nhạy bén với giáo huấn của Chúa Cha, chúng ta sẽ được chính Chúa Cha lôi kéo đến với Đức Giê-su, và nhận ra rằng Ngài là “Giáo Huấn Trọn Vẹn” của Thiên Chúa Cha, và Ngài đến để làm cho trọn vẹn ơn huệ sự sống mà Thiên Chúa có ý định trao ban từ thủa đời đời và con người hằng khát khao, đó là Bánh Hằng Sống.
Bánh Hằng Sống mà Đức Giê su hứa ban cho chúng ta khởi sự với ơn huệ bánh ăn hằng ngày của chúng ta, hướng tới sự sống thần linh mạnh hơn sự chết, bởi lòng ước ao, bằng cách đi ngang qua Bánh Thánh Thể. Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua Thập Giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh: bánh được nghiền nát để trở thành sự sống cho con người.
Và sự sống mới không chỉ có ở đời sau, nhưng đã bắt đầu phát sinh và lan tỏa ngay hôm nay. Các bài đọc 1, trích sách Công Vụ Tông Đồ, kể lại cho chúng ta sự sống mới do Đức Kitô phục sinh thông truyền đã lớn mạnh và sinh hoa trái như thế nào nơi các tông đồ và cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Và cũng phải như thế trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, trong đời sống và tâm hồn của chúng ta hôm nay.
- “Tôi là bánh trường sinh” (c. 47-51)
Chúng hãy chú ý đến các động từ: “tin” (c. 47), “ăn” (c. 51). Đó là những hành vi tương đương và soi sáng cho nhau, bởi vì có cùng hiệu quả là sự sống đời đời. Con người ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Đó là vấn đề trái cây sự sống trong vườn Eden: ông bà Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình trở nên thần linh vừa bất tử vừa biết hết mọi sự. Bất tử trên đời này là một điều thú vị và ai cũng khao khát; nhưng xét cho cùng cuộc đời này, cuộc sống này có đáng cho chúng ta sống mãi không?
Để sống đời đời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, một thức ăn hay một thức uống. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ăn uống” máu thịt của bản thân Ngài, mà bản thân Ngài, giống như chúng ta, là một ngôi vị sống động, chứ không phải là món ăn. Như thế, bánh hay của ăn trường sinh, không phải là một vật thể ăn được, có phép nhiệm mầu biến đổi con người thành bất tử, nhưng là ngôi vị Đức Giêsu mà chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “không còn là tôi sống, nhưng Đức Ki-tô sống trong tôi”. Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân hay người bạn thiết đãi. Ngang của ăn và của uống mà người kia chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; khi ăn và uống, chúng ta được mời gọi “ăn uống” một của ăn khác, là tình thương, tình bạn và tình yêu của người kia.
Thiên Chúa ban lệnh cấm trong vườn Eden, để nói với con người rằng thiên tính không phải là một sự vật để ham muốn, để chiếm lấy và ăn ngấu nghiến, nhưng là một ngôi vị, là chính Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi đặt hết niềm tin và đi vào tương quan thiết thân. Qua hành vi “ăn”và “uống” Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời, để Ngài trở thành xương thịt, thành sự sống cho chúng ta. Chúa ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trao ban tất cả những gì mình có và mình là cho chúng ta, Chúa ước ao trở nên một với chúng ta. Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày: được chúng ta đón nhận như ân huệ, được ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta.
* * *
Đức Kitô ước ao như thế và Ngài thực hiện ước ao của mình một cách thực sự nơi bí tích Thánh Thể, diễn tả sự hiến mình trên Thập Giá. Ước gì Đức Kitô, bánh Trường Sinh, làm thỏa mãn mọi cơn “đói khát” của chúng ta; ước gì khi cảm nếm được Ngài, chúng ta không còn “thèm ăn, thèm uống” bất cứ điều gì nữa trên đời này.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc