Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

5 Phút Lời Chúa Ngày 14/5/2017

Filled under:


HÃY TIN VÀO CHÚA
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14,1)
Suy niệm: Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su trấn an các môn đệ “đừng xao xuyến!” Thế nhưng chính Ngài lại xao xuyến, xao xuyến đến cực độ. Tin Mừng cho biết Ngài xao xuyến khi thông báo “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21); lúc cầu nguyện trong Vườn Dầu, đối diện với con đường khổ nạn và cái chết trên thập giá, Ngài xao xuyến đến độ hãi hùng (Mc 14,33), thậm chí máu cùng với mồ hôi đổ ra (Lc 22,44). Chúa khuyên các môn đệ đừng xao xuyến vì Ngài đã gánh lấy những xao xuyến đó và cho các môn đệ bí quyết để “đừng xao xuyến!”; đó là: “Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy!” Những vấn nạn của cuộc sống, nếu chỉ đi tìm lời giải đáp ở những sự đời này, người ta sẽ lâm vào chỗ bế tắc! Thế nhưng, “tin vào Chúa và tin vào Thầy,” không phải các chướng ngại được cất đi, nhưng chúng được biến đổi trở thành phương thế đạt tới ơn cứu độ đời đời. 
Mời Bạn: Sống giữa cuộc đời đầy bất trắc, khó khăn này, ai mà không “xao xuyến”! Xao xuyến vì cơm áo gạo tiền, vì công danh sự nghiệp, vì bổn phận trách nhiệm, vì hiện tại và tương lai, vì… và vì… Chúa kêu mời chúng ta “hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Chúa Ki-tô đã sống lại và chúng ta cũng được sống lại với Đức Ki-tô, vì thế “hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
Sống Lời Chúa: Hôm nay và từ nay, gia đình tôi quyết trung thành đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa bao thử thách của cuộc đời, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.


Thánh Matthias 
Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Giuđa. Với tất cả những bàng hoàng chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân Ðược Chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?

Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu -- từ lúc Người chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Người dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.

Có hai vị hội đủ điều kiện -- Matthias và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Người thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào nhóm Mười Một.

Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.

Lời Bàn
Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào?

Hương Vị Của Khói

Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:
Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...
Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì. Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.
Nhưng không may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".
Người ăn xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nàọ
Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".
Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nàọ
Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là người....". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...
Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lạị