TIN VÀ YÊU MẾN CHÚA
“Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” (Ga 16,27)
Suy niệm: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chúa Giê-su là hiện thân của Chúa Cha, là Con Một được Chúa Cha sai đến trần gian, là con đường đưa dẫn ta đến với trái tim của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giê-su, niềm vui của ta được trọn vẹn, sự hiểu biết về Thiên Chúa được đầy đủ. Hai tâm tình các môn đệ cần phải có với Chúa Giê-su là tin và yêu. Tin Ngài từ Thiên Chúa mà đến và yêu mến Ngài thì các môn đệ mới có thể tin và yêu mến Chúa Cha được. Với hai tâm tình tin và yêu mến ấy, Ngài dạy họ mạnh dạn nhân danh Ngài để cầu xin với Chúa Cha. Chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời họ, vì họ là môn đệ của Ngài, là những người đang hiệp thông, đồng hình đồng dạng với Ngài. Để rồi qua trung gian của Ngài, họ đi vào tương quan thân thiết với gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mời Bạn: Nhiều người lý luận tôi tin Thiên Chúa, nhưng chưa thể yêu Ngài, vì Ngài xa cách tôi quá. Nhưng nếu tôi tin Ngài đã cho tôi sự sống, ơn cứu độ, và chính Con Một Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống vì yêu tôi, tôi sẽ cảm thấy yêu Ngài dễ dàng hơn. Bạn tin Chúa, nhưng đã yêu Ngài chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi tiếp tục suy gẫm lời này của Chúa Giê-su: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) và xin ơn hiểu lời Chúa để thêm lòng tin yêu Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, để con có thể tin Chúa mạnh hơn mỗi ngày. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
Thánh Augustine ở Canterbury
(c. 605?)
Vào năm 596, một nhóm đan sĩ 30 người khởi hành từ Rôma đi truyền giáo cho người Anglo-Saxon ở Anh. Dẫn đầu là Augustine, bề trên đan viện Thánh Anrê ở Rôma. Nhưng khi đến Gaul (Pháp) họ nghe những câu chuyện dã man về người Anglo-Saxon cũng như sự nguy hiểm của các luồng nước ở eo biển, họ quay trở về Rôma và gặp vị giáo hoàng đã sai họ đi -- Thánh Grêgôriô Cả -- và đức giáo hoàng cho biết sự lo sợ của họ thì vô căn cứ.
Một lần nữa Augustine lại ra đi, và lần này cả nhóm đã vượt qua eo biển và cập bến đất Kent thuộc về Vua Ethelbert, là người ngoại giáo kết hôn với một Kitô Hữu, bà Bertha, công chúa nước Pháp. Vua Ethelbert tiếp đón họ nồng hậu, thiết lập cho họ nơi cư trú ở Canterbury và trong năm ấy, vào Chúa Nhật Hiện Xuống năm 597, chính nhà vua đã được rửa tội.
Sau khi được tấn phong làm giám mục ở Pháp, Ðức Augustine trở lại Canterbury, là nơi ngài thiết lập giáo phận và khởi công xây dựng vương cung thánh đường. Khi số tín hữu ngày càng gia tăng, các giáo phận khác được ngài mở thêm ở Luân Ðôn và Rochester.
Cuộc đời Ðức Augustine cũng gặp nhiều thất bại. Những cố gắng hòa giải giữa Kitô Hữu Anglo-Saxon và Kitô Hữu Briton bản xứ đã kết thúc trong thất bại đau buồn. Ðức Augustine cũng không thuyết phục được người Briton từ bỏ một số phong tục khác biệt với Rôma và quên đi những cay đắng để giúp ngài phúc âm hóa người Anglo-Saxon, là kẻ xâm lăng đã dồn người Briton về miền tây.
Sau những thất bại, Ðức Augustine đã khôn ngoan hơn để ý đến các nguyên tắc truyền giáo -- đối với thời bấy giờ thật sáng suốt mà Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đề nghị: Hãy thanh tẩy thay vì tàn phá các đền thờ và các phong tục ngoại giáo; hãy du nhập các nghi thức và ngày lễ của người ngoại giáo vào ngày lễ Kitô Giáo; duy trì các truyền thống địa phương càng nhiều càng tốt.
Sau tám năm đến Anh, sự thành công của Ðức Augustine tuy hạn hẹp nhưng sau này đã đem lại kết quả tốt đẹp là cả nước Anh đã tòng giáo. Quả thật, Thánh Augustine đáng được gọi là "Tông Ðồ của Anh Quốc".
Lời Trích
Trong một lá thư gửi cho Thánh Augustine, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả viết: "Ai muốn trèo ngọn núi cao thì phải đi từng bước, chứ đừng có nhảy."
Thế Giới Trong Tăm Tối
Một cuốn phim mang tựa đề: "Thế giới trong tăm tối" diễn tả câu chuyện một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức cuộc khai quật khoa học ở Giêrusalem. Ngọn đồi Calvariô được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò, khám phá kỹ lưỡng, vì theo Phúc Ăm thánh Gioan, xác của Chúa Giesu được chôn cất trong một phần mộ gần nơi ngài bị xử án tử hình thập tự.
Sau bao công khó đào xới, khám sát, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố: "Tôi đã tìm được xác ông Giêsu" và ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ với nhiều phóng viên và nhiếp ảnh viên, dể trình bày thành quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào xới, khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mắt mọi người một xác đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra tay chân của xác này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu, có cả những dấu chứng tỏ thân xác này bị nhuộm máu qua những tấm khăn quấn liệm xác.
Cuốn phim quay cảnh mọi người im lặng theo dõi lời thuyết trình của nhà khảo cổ, tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng: "Ðây là một sự thật hiển nhiên: ông ta đã bị đóng đinh, chết và được xác táng". Và nhà khảo cổ tiếp lời: "Vâng, đúng thế, chết và được an táng, nhưng... làm gì có chuyện phục sinh. Xác ông ta vẫn còn nằm đây".
Tiếp đến cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giêsu của nhà khảo cổ này: không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa, một vị linh mục tắt ngọn đèn chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nguyện đường, chuông các nhà thờ im tiếng, các nữ tu cởi khăn trùm đầu, thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống, đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt. Bóng tối chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc bằng cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận: "Tôi đã đánh lừa thế giới, chính tôi đã làm xác giả của ông Giêsu và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi tôi khởi sự đào bới tìm xác Ngài".
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến mộ thánh ở Giêrusalem như chúng ta chứng kiến hằng năm trong tuần thánh. Những ngọn nến được thắp lên và những tín hữu đã mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng, đi khắp nơi để soi sáng những con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin: Chúa Giêsu đã Phục Sinh, tình yêu mạnh hơn hận thù, sự sống mạnh hơn cái chết.
Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài, nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn thể nhân loại cũng như ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống, đến lòng tin và niềm hy vọng của chúng tạ
Chúng ta hãy chung lời cầu nguyện cho nhau và với nhau để mỗi người trong chúng ta được cùng chết, cùng an táng với Chúa Giêsu cho con người cũ ích kỷ và tội lỗi của chúng ta. Chết thật sự để chúng ta cùng sống lại với Chúa Giêsu trong một con người hoàn toàn mới, con người Phục Sinh.