Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15:26-16,4a)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với ác môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ, Đấng mà Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con. Người là Thần Chân Lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Chúa Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.
SUY NIỆM 1
“Đấng phù trợ” là dịch từ chữ Hy Lạp Parakletos, chỉ một nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều: đối với người bị cáo thì người này bớt sợ và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời sao cho khéo léo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với quan tòa thì sự hiện diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.
Thánh Kinh cũng dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt qua khỏi khung cảnh toà án, áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời.
Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian như những con chiên giữa bầy sói dữ. Thế gian cũng sẽ thù ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh để:
- Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.
- An ủi họ trong những lúc thua thiệt buồn chán.
- Che chở họ trong những khi nguy hiểm.
- Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.
- Dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.
- Đích thân bênh vực họ.
Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai Parakletos một cách hữu hiệu thế nào đối với các tông đồ khi các ngài sống và hoạt động giữa thế gian.
Bài Tin Mừng này nhắc cho chúng ta nhớ đến một Đấng Parakletos mà chúng ta vẫn hằng có sát bên cạnh mình, thế mà chúng ta thường quên, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta quên Ngài đến nỗi nhiều khi chúng ta đọc hay hát kinh Chúa Thánh Thần mà vẫn không nghĩ tới Ngài. Và bởi vì quên Ngài, không nghĩ tới Ngài nên chúng ta thường bị rơi vào tình trạnh cô đơn, buồn chán, lo âu, sợ sệt, ngã lòng…
Lạy Chúa, chúng còn quên mất sự hiện diện vĩ đại của Chúa Thánh Thần. Chúng con xin lỗi Chúa. Xin cho chúng con luôn biết xin ơn Chúa Thánh Thần mỗi khi thức dậy và nhất là trong từng chọn lựa của cuộc sống. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Bách hại
Để làm chứng cho Đức Giê-su, không thể không có “bách hại”. Trong bối cảnh của bữa tiệc ly, Đức Giê-su nói về những bách hại đến từ con người, như chính Ngài sẽ trải qua ngay sau những lời tâm sự này, khi để cho mình bị bắt (x. Ga 18, 1-11):
Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.
(Ga 16, 1-3)
Hành động giết người hoàn toàn không phù hợp với Thiên Chúa đích thật, bởi vì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa, Cha của Người, là tình yêu và sự sống và chỉ là tình yêu và sự sống mà thôi. Chính vì thế, tất cả những ai giết người hay làm phương hại đến sự sống, đều không “biết” Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù họ làm thế nhân Danh Chúa; như trong cuộc Thương Khó, người ta nhân danh Thiên Chúa hằng sống để lên án tử Con Thiên Chúa (x. Mt 26, 57-66).
Nhưng chúng ta còn được mời gọi hiểu những bách hại theo nghĩa rộng, đó là những năng động đi ngược lại với Tin Mừng của Đức Ki-tô.
- Đó là những năng động đến từ môi trường sống của chúng ta: làm giàu, hưởng thụ, tiêu thụ, khoái lạc theo kiểu thú tính, sức mạnh, tôn vinh bản thân, thành tích bề ngoài…
- Và sâu xa hơn, đó là những năng động đến từ Sự Dữ và có mặt ngay trong tâm hồn chúng ta: quên ơn huệ Thiên Chúa ban, nghi nghờ Thiên Chúa, ham nuốn, ghen tị, bạo lực…
- Làm chứng
Không ai trong chúng ta không gặp những thử thách, khó khăn như thế, thậm chí phải chiến đấu, và không nhất thiết là những bách hại đến từ bên ngoài, khi sống như những chứng nhân của Đức Ki-tô. Nhưng lời của Đức Giê-su thật an ủi chúng ta, bởi vì Đấng Bảo Trợ, nghĩa là Thánh Thần, được Ngài sai đến, cũng làm chứng về Đức Ki-tô:
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.
(15, 26)
Như thế, một đàng lời chứng của chúng ta về Đức Ki-tô là lời chứng có nguồn gốc thần linh, bất chấp chúng ta là ai. Và đàng khác, chúng ta không làm chứng một mình, vì có Thánh Thần làm chứng cùng với chúng ta, trong chúng ta và thêm sức cho chúng ta.
- “Thầy đã nói”
Hơn nữa, Đức Giê-su đã báo trước về những bách hại và những khó khăn rồi; thực vậy, trong một đoạn văn ngắn, Ngài nói tới ba lần về sự kiện “Thầy đã nói”:
- “Thầy đã nói với anh em các điều ấy” (16, 1).
- “Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy… anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi” (c. 4a).
“Đức Giê-su đã nói”, chính là để chúng ta xác tín rằng dù điều gì xẩy ra vẫn không nằm ngoài kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vẫn không thể ngăn cản được Tình Yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Giê-su không chỉ nói, nhưng còn trải qua đến tận cùng:
- Ngài trải qua đến tận cùng trong sự bách hại, khi Ngài chịu chết trên Thập Giá.
- Và Ngài không chỉ trải qua đến cùng, nhưng còn “vượt qua” để đi vào sự sống mới không cùng. Đó là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Thiên Chúa Sự Sống và Tình Yêu, mạnh hơn Sự Chết và Sự Dữ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc