NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
“Cành nho không thể sinh trái nếu không ở lại với thân nho.” (Ga 15,4)
Suy niệm: Với sự tiến bộ của y học ngày nay, người ta có thể nối lại một cánh tay hay một cẳng chân lỡ bị đứt lìa. Nhiều nạn nhân nhờ đó khỏi bị mất tay, chân một cách oan uổng. Nhưng ai cũng rõ, phải làm việc này nhanh hết sức, vì một chi thể đứt rời không thể sống được lâu ngoài cơ thể. Ta dễ hiểu hàm ý của Đức Giê-su qua hình tượng cành và thân nho: cành nho, nếu lìa khỏi thân nho, không thể sống, nói chi đến chuyện sinh hoa trái! Nhưng Ngài không có ý nói chuyện thực vật học. Ở đây Người đang trình bày Tin Mừng; và điều Người muốn xác quyết là: “Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” Một trong những phương thế để ở lại trong Chúa Ki-tô là “Giê-su hoá” đời mình như thánh Phao-lô đề nghị: “Không phải là tôi sống mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.”
Mời Bạn: Mỗi khi nhìn một cây nho, hay bất cứ cây gì khác, bạn tập liên tưởng rằng Chúa Giê-su là cây và bạn là cành. Bạn cần gắn liền với Chúa Giê-su như cành cần dính liền với thân cây, để thực sự sống và để thực sự nên hữu ích.
Chia sẻ: Trong nhịp sống quay cuồng hôm nay, ta phải làm sao để không bị nuốt chửng trong những miệt mài săn đuổi các giá trị phàm tục và tạm bợ? Phải làm sao để không những biết dành cho Chúa Giê-su một chỗ trong cuộc sống mình mà hơn thế nữa để nhận Người là chính trung tâm của đời mình, là giá trị nền tảng của mọi giá trị khác?
Sống Lời Chúa: “Giê-su hóa” đời mình bằng cách thường nghĩ đến Người, nói về Người, tìm gặp Người, nói với Người, nghe Người nói, ngắm Người làm…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho, còn con là cành, xin cho con biết luôn gắn kết với Chúa. Amen.
(1540 - 1592) |
Trong cuộc đời Thánh Paschal, đế quốc Tây Ban Nha cực kỳ có thế lực ở Tân Thế Giới, mặc dù sau đó không lâu, Pháp và Anh đã làm suy giảm thế lực này. Thế kỷ 16 thường được gọi là Thời Ðại Vàng Son của Giáo Hội Tây Ban Nha, vì đã phát sinh các vị thánh như Y-Nhã ở Loyola, Phanxicô Xaviê, Têrêsa ở Avila, Gioan Thánh Giá, Phêrô ở Alcantara, Phanxicô Sôlanô và Salvator ở Horta.
Thánh Paschal sinh ở Aragon, Tây Ban Nha trong một gia đình nghèo nhưng đạo đức. Trong khoảng thời gian từ bảy đến 24 tuổi, ngài làm nghề chăn cừu và bắt đầu một cuộc sống rất hãm mình. Ngài luôn luôn cầu nguyện, ngay cả khi làm việc và nhất là khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu lúc dâng Mình Thánh trong Thánh Lễ.
Năm 1564, Paschal gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn và tận tụy hiến thân cho cuộc đời ăn năn đền tội. Mặc dù ngài được khuyến khích học làm linh mục, nhưng ngài chọn làm thầy trợ sĩ. Trong những quãng thời gian khác nhau, thầy đảm trách các công việc giữ cửa, nấu ăn, làm vườn và chính yếu là đi khất thực.
Thầy Paschal rất thận trọng tuân giữ lời khấn khó nghèo. Thầy không bao giờ phí phạm thức ăn hay bất cứ gì được sử dụng trong nhà dòng. Khi là người giữ cửa và tiếp đón các người nghèo đến xin giúp đỡ, thầy nổi tiếng là độ lượng. Ðôi khi, các tu sĩ trong dòng phải ngăn cản sự phóng khoáng của thầy!
Một đặc tính của Thầy Paschal là sùng kính Thánh Thể. Ngoài những thời giờ bận rộn vì nhiệm vụ, bất cứ khi nào có cơ hội, thầy thường dành để cầu nguyện trước Thánh Thể. Cuộc đời thầy đầy dẫy những phép lạ chữa lành mà dân chúng được lãnh nhận qua sự cầu nguyện của thầy. Tuy là thầy trợ sĩ nhưng lúc bấy giờ rất nhiều người tìm đến thầy để xin cố vấn.
Ngay cả cái chết của thầy cũng được ghi dấu bằng một biến cố bất thường. Người ta kể rằng thầy trút hơi thở cuối cùng khi linh mục nâng Mình Thánh lên cao trong Lễ Hiện Xuống.
Thầy Paschal được phong thánh năm 1690, và năm 1897, ngài được đặt làm quan thầy của các tổ chức cũng như nghị hội về Thánh Thể.
Lời Bàn
Việc cầu nguyện trước Thánh Thể chiếm nhiều thời giờ và năng lực của Thánh Phanxicô. Hầu hết các lá thư của thánh nhân đều thúc giục sự sùng kính Thánh Thể. Thánh Paschal cũng noi gương đó. Một giờ cầu nguyện trước Thánh Thể có thể dạy bảo chúng ta rất nhiều điều. Một số người Công Giáo đạo đức ngày nay thấy rằng công việc của họ được phong phú hóa là nhờ những giây phút dành để cầu nguyện và chiêm niệm trước Thánh Thể.
Lời Trích
"Hãy suy nghĩ kỹ về điều này: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thật đúng khi bạn tìm kiếm Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự, bởi vì Thiên Chúa cao cả sẽ ban cho bạn những gì bạn cầu xin. Ðiều này cũng giúp bạn sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và kính mến Người cách tuyệt hảo hơn" (Thánh Paschal).
Ði Một Ðoạn Ðường Với Chúa
Người Ấn Ðộ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ chỉ mong sao cho ước nguyện của mình thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với anh: "Con có thể đi với Ta một quãng đường không?". Người thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: "Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta một ít nước không?".
Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước để mang về cho Chúa.... Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước... Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn nghĩ đến việc mang nước về cho Chúạ
Anh nấn ná đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám vào được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.
Giữa lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: "Này con, con có mang nước về cho Ta không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ".
Một người cha nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động nhất về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng". Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi. Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình... Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến với Chúa, nhưng kỳ thực chính Ngài đang ở với chúng tạ