Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 19/05/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15:12-17)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đẵ yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là : các con hãy yêu mến nhau”.

SUY NIỆM 1
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Sau khi đã chỉ dạy cho các môn đệ con đường mến Chúa yêu người là tuân giữ các điều răn của Chúa, Đức Giêsu đã áp dụng vào luật yêu người: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Tình yêu của Đức Giêsu đối với loài người được biểu lộ qua cái chết của Người, và đó là nền tảng cho tình yêu giữa các môn đệ, các Kitô hữu với nhau. Và trước khi chịu chết, Phục Sinh và về trời, Đức Giêsu đã trăn chối cho các môn đệ chính lệnh truyền về tình yêu thương: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương nhau, vì Người muốn chúng ta yêu mến Chúa để được sống trong tình yêu của Chúa. Yêu thương nhau bằng cách phục vụ, tha thứ và bác ái với nhau.

Chúa truyền lệnh cho chúng yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta. Vì thế mỗi ngày chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu Chúa đối với chúng ta để bắt chước mà yêu thương nhau.

Chúa yêu chúng ta qua mầu nhiệm Nhập Thể. Yêu ai thì muốn đến gần người mình yêu, muốn sống hòa đồng, sống hiệp nhất.

Chúa yêu chúng ta qua mầu nhiệm Cứu Chuộc. Yêu ai thì hy sinh cho người mình yêu, quảng đại và quên mình.

Chúa yêu chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Yêu ai thì trở nên sức sống, động lực cho người mình yêu, biết phục vụ, biết trao ban.

Sống đức tin trong niềm vui phục sinh là cơ hội để chúng ta nhìn lại, củng cố cho tình yêu của mình đối với Chúa và đối với anh chị em. Như Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống trên thập giá để bày tỏ lòng yêu mến Cha và yêu mến con người như thế nào, thì trong đời sống cộng đoàn, chúng ta nên có một vài cử chỉ, việc làm nào đó thật sự hy sinh vì lợi ích của anh chị em, của cộng đoàn.

Lạy Chúa, lệnh truyền của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau”, luôn thôi thúc chúng con nhìn lại tình yêu thương của chúng con, xin cho chúng con luôn biết chu toàn luật yêu thương của Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay là phần cuối của lời tâm sự dài, trong đó Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho để nói về tương quan thiết thân của Người với các môn đệ. Nhưng từ phần này, Đức Giê-su không nhắc đến cây nho nữa, đơn giản là vì những gì Ngài nói ra đây vượt qua vô hạn hình ảnh “người trồng nho, cây nho và cành nho”.
Thật vậy, trong phần này, Đức Giêsu tiếp tục vừa đẩy đi xa vừa mở rộng tương quan giữa Chúa Cha, Thầy Giê-su và người môn đệ, tương quan giữa các môn đệ với nhau và tương quan giữa các môn đệ và những người khác. Ở đây, Chúng được mời gọi nhận ra chuyển động luôn luôn lan rộng của tình yêu.
Tuy nhiên trong phần này, dù Người không còn nhắc đến hình ảnh cây nho và cành nho, nhưng lại nói đến hình ảnh « hoa trái » (c. 16), làm chúng ta liên tưởng đến những gì Người đã nói về người trồng nho, cành nho, trái nho và rượu nho (c. 1-8).

  1. Yêu thương như Thầy yêu thương (c. 12)
Trong phần này, Đức Giê-su nói đặc biệt đến tình thương (c. 12 và 17) và mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, “yêu thương nhau” chính là hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho”, nghĩa là chính Đức Giê-su, mong đợi.
Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”; và Người nói tiếp: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”. Để hiểu lời mời gọi này của Đức Giê-su, chúng ta hãy trở lại hình ảnh cây nho: chỉ có một Người trồng nho thôi, và chỉ có một cây nho thôi; nhưng cành thì có nhiều: cành to cành bé, cành ngắn cành dài, cành ở trên cao, cành ở dưới thấp, cành già cành trẻ, cành đẹp cành xấu, cành trắng cành đen, cành mượt mà cành sần sùi, cành ít trái cành nhiều trái, cành sung mãn cành èo uột, cành xanh mướt cành đang khô héo… Nhiều và khác nhau, nhưng tất cả trở nên một, nếu gắn liền với thân nho, như Đức Giê-su mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy”.
Xin Chúa khơi lại và làm bùng lên lửa yêu mến Chúa đã từng đốt cháy lòng chúng ta trong hành trình đi theo Chúa trong đời sống ơn gọi, gia đình hay dâng hiến, để chúng ta có thể nên một với nhau nhờ tình thương hôm nay và mãi mãi.

  1. Tình yêu hi sinh mạng sống (c. 13-15)
Khuôn mẫu của tình yêu chúng ta dành cho nhau, chính là tình yêu của Đức Giê-su dành cho loài người và cho từng người chúng ta, đó là tình yêu hi sinh mạng sống.
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy.
Đó là “tình yêu đến cùng” mà chúng ta được mời gọi đón nhận, hiểu biết và cảm nếm, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, “Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta”, trong cuộc Thương Khó, và đó cũng là “tình yêu tự hiến” mà chúng ta tưởng niệm và tái hiện lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong ngày sống.
Ngoài ra, Đức Giêsu còn mở ra một chiều kích nữa của tương quan giữa Ngài và các môn đệ, đó là tương quan bạn hữu. Đức Giêsu chia sẻ cho bạn hữu của Ngài tất cả: niềm vui, hiểu biết và chính mạng sống. Ngài trao ban tất cả những gì mình có và tất cả những gì mình là cho các bạn hữu của Ngài; Ngài chia sẻ trọn vẹn hữu thể của Ngài cho các bạn hữu. Đức Giê-su là Thầy và là Chúa đã tự hạ mình để trở thành bạn hữu của chúng ta, chính là để chúng ta cũng ước ao từ trong tim làm cho mình trở thành bạn hữu của nhau, trở thành chị em của nhau, trở thành người thân “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của nhau, thay vì làm cho mình trở thành “đối thủ” hay “thù địch” của nhau.

  1. Hoa trái yêu thương (16-17)
Khi Đức Giê-su dùng hình ảnh “cây nho” để nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, Người đặc biệt nhấn mạnh đến hoa trái; thật vậy, lời của Đức Giê-su trong phần này nói về hoa trái và hướng về hoa trái từ đầu đến cuối (c. 2. 4. 5 và 8). Chính vì thế, trong phần cuối của bài Tin Mừng, Người dùng lại hình ảnh “hoa trái”:
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.
Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho. Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống đức tin và đời sống dâng hiến của chúng ta, Đức Giê-su sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một.

*  *  *
Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Và hoa trái mà Người trồng nho và “Cây Nho”, nghĩa là chính Đức Giê-su, mong đợi, chính là tình yêu:
Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc