Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

5 Phút Lời Chúa ngày 4/5/2017

Filled under:

KHÁT VỌNG SỐNG MÃI
“Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Người ngày xưa cũng như người ngày nay đều có chung một khát vọng là được sống mãi. Nhưng rồi tất cả mọi người phải chào thua trước cái chết. Chúa Giê-su khơi dậy trong chúng ta niềm tin và hy vọng được sống muôn đời khi Ngài hứa ban cho chúng ta Bánh Hằng Sống là chính Thân Mình Ngài, khi Ngài nói: “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.” Sự sống thường tồn ấy được trao ban qua hy tế thập giá và được cử hành mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể. Sự sống đời đời đã dành sẵn cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta tin và đến đến tiếp rước Ngài trong bí tích Thánh Thể như chính Ngài đã nói: “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).
Mời Bạn: Đức Giê-su trao ban Bánh Hằng Sống cho ta bằng một cuộc hiến tế, thì chúng ta nên một trọn vẹn với Người cũng bằng cuộc hiến tế chính bản thân mình. Việc nên một với Đức Giê-su qua việc ăn Bánh Hằng Sống mời gọi ta liên kết những hy sinh hằng ngày với hy tế của Chúa. Kiểu nói “rước Chúa và trở nên một với Chúa” dễ làm cho chúng ta nghĩ tới việc nên một trong vinh quang phục sinh, mà ít nghĩ nên một trong hiến tế. Cả hai khía cạnh hiến tế và phục sinh luôn luôn đi đôi với nhau. Có hiến dâng thân mình làm hy lễ mới có sự sống phục sinh đời đời.
Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng khát vọng sống đời đời bằng việc khát khao được rước Mình Thánh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Bánh Hằng Sống. Xin cho chúng con mỗi khi rước Mình Thánh Chúa, biết liên kết hy tế đời mình với hy lễ thập giá của Chúa.


Thánh Peregrine
(1265 -- 1345)
Thánh Peregrine sinh ở Forli, nước Ý, và là quan thầy của những người bị đau khổ vì bệnh ung thư, bệnh AIDS (SIDA) và các căn bệnh trầm trọng khác.

Lúc bấy giờ thành phố Forli dưới quyền cai quản của Ðức Giáo Hoàng và được coi là một phần của Quốc Gia Vatican. Peregrine sinh trong một gia đình có chân trong một đảng phái tích cực chống đối đức giáo hoàng. Vì Forli là nơi phát sinh đảng này nên thành phố ấy đang bị giáo hội cấm chế. Ðiều này có nghĩa không được cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích ở đây. Thánh Philip Benizi, Bề Trên Dòng Tôi Tớ Ðức Maria được sai đến Forli để kêu gọi thành phố hòa giải và bãi bỏ hình phạt. Ông Peregrine lúc bấy giờ rất hăng say chính trị nên đã chất vấn Cha Philip trong khi ngài rao giảng, và ngay cả hành hung Cha Philip.

Giây phút tấn công Cha Philip dường như đã thay đổi con người Peregrine thật mãnh liệt. Ông bắt đầu chuyển đổi nhiệt huyết của mình vào các công việc tốt lành và ngay cả gia nhập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ ở Siena, lúc ấy đã 30 tuổi.

Sau đó Peregrine trở về Forli. Truyền thống nói rằng ngài không phải là một linh mục, nhưng chỉ là một thầy trợ sĩ, đảm nhận công việc tông đồ cho dân chúng ở Forli. Ngài đặc biệt tận tụy chăm sóc người đau yếu, người nghèo và những người sống bên lề xã hội. Một trong những hãm mình đặc biệt của ngài là chỉ đứng bất cứ ở đâu nếu không cần thiết phải ngồi. Ðiều đó đưa đến bệnh giãn tĩnh mạch ở chân và biến chứng thành một vết thương có mủ, thật đau nhức và được chẩn đoán là ung thư. Vết thương ngày càng lan rộng, xông mùi hôi thối và không thể chữa trị được. Sau cùng các bác sĩ quyết định phải cắt chân của ngài.

Vào lúc 60 tuổi, ngài phải đối diện với một thập giá mới và khó khăn hơn. Truyền thống kể rằng vào đêm trước khi giải phẫu, Peregrine cầu nguyện rất lâu trước thập giá Ðức Giêsu, xin Chúa chữa lành nếu đó là thánh ý Chúa. Khi ngủ thiếp đi, Peregrine thấy Ðức Giêsu rời khỏi thập giá và chạm đến chân của ngài. Khi tỉnh dậy, vết thương đã lành lặn và không phải giải phẫu nữa.

Peregrine sống thêm 20 năm nữa, và từ trần ngày 1 tháng Năm 1345, hưởng thọ 80 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1726. Người dân Forli chọn ngài làm Thánh Quan Thầy cho thành phố.


Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.
Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.
Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: "Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồmg chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi".
Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: "Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu.... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".
Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: "Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".
Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người....
Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.
Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người.... Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ...
Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải....