Người Kitô hữu ở trong trần gian để tuyên xưng Chúa Giêsu, nhưng mắt luôn hướng về Trời cao để liên kết mật thiết với Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Chân đứng trên mặt đất và mắt hướng về Trời cao
Có ba điểm để tham chiếu về hành trình người Kitô. Thứ nhất là ký ức. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ rằng, Người sẽ đến Galilê trước các ông. Galilê là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Để trở thành Kitô hữu, mỗi người cũng có ký ức có kỷ niệm về lần đầu tiên ấy, lần đầu tiên gặp gỡ Chúa. Trong ký ức, không chỉ có lần đầu tiên, mà cuộc gặp gỡ vẫn tiếp diễn nhiều lần sau đó.
Điểm tham chiếu thứ hai là cầu nguyện. Khi Chúa lên trời, Chúa xa cách chúng ta về thể lý, nhưng Người luôn gân gũi chúng ta và luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Người tỏ cho chúng ta thấy Chúa Cha, Người cũng cho chúng ta thấy cái giá Người phải trả để cứu độ chúng ta. Thế nên, chúng ta cần nguyện xin ân sủng để chiêm ngưỡng Thiên Đàng, để trong cầu nguyện, chúng ta thấy Chúa đang lắng nghe chúng ta và ở cùng chúng ta.
Điều thứ ba là thế giới. Trong bài Tin Mừng ngày Lễ Chúa Lên Trời, trước khi Chúa rời xa các môn đệ, Chúa nói: Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Hãy đi: nơi chốn của người Kitô hữu là khắp thế gian để loan báo Lời Chúa, để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu độ, rằng Chúa đã đến để ban ơn cho chúng ta, và để đưa chúng ta về với Chúa Cha.
Ký ức, cầu nguyện và sứ mạng
Tương ứng với ba nơi chốn: Galilê, Thiên Đàng và thế giới, là ba điều quan trọng: ký ức, cầu nguyện và sứ mạng. Một Kitô hữu phải tiến bước trong ba chiều kích ấy.
Xin ơn về ký ức: đó là đừng quên giây phút tôi được chọn, đừng quên giây phút tôi gặp gỡ Chúa. Tiếp đến là cầu nguyện, là mắt hướng về Trời, vì ở nơi đó Chúa đang chuyển cầu cho chúng ta. Thứ ba là ra đi thực thi sứ mạng. Chúng ta phải ra đi để sống và làm chứng cho Tin Mừng và làm cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu. Nếu không thực thi những điều Chúa nói, thì chúng ta sống đâu khác gì người ngoại đạo.
Đời sống người Kitô tràn đầy niềm vui
Nếu chúng ta sống trong ký ức, cầu nguyện và thực thi sứ mạng, cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp và tràn đầy niềm vui. Đây là câu cuối mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: ngày đó các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được, ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa. Không ai có thể lấy mất niềm vui của chúng ta, vì chúng ta khắc ghi cuộc gặp gỡ với Chúa, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng Chúa Giêsu ở trên Thiên Đàng đang chuyển cầu cho chúng ta, và trong cầu nguyện, tôi can đảm nói rằng: tôi có thể ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, để bằng chính cuộc sống của tôi mà làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và vẫn đang sống.
Ký ức, cầu nguyện, sứ mạng. Nguyện xin Chúa ban ân sủng để chúng ta hiểu được những điều ấy trong đời sống người Kitô, để đời sống chúng ta tươi vui, tràn ngập niềm vui, và không ai có thể lấy mất khỏi chúng ta niềm vui ấy.
Vượt lên lối sống an toàn để ra đi loan báo niềm vui của Chúa Giêsu
Nhiều người bị bách hại vì dám lên tiếng chống lại thế gian. Còn thần dữ thì luôn muốn một Giáo Hội không có rủi ro, một Giáo Hội an toàn êm ấm. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương sáng ngời của Đức Cha Oscar Romero Tổng Giám Mục San Salvador. Ngài bị chế độ bắn chết vì Ngài dám lên tiếng tố cáo bạo lực và bảo vệ người nghèo.
Nhiều người bị bách hại khi dám nói sự thật
Điều này được lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ: có khi dân Chúa bình yên hoặc không bị đe dọa nhưng lại đầy tinh thần thế gian và thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân, và các ngài thường bị bách hại. Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, Phaolô và Sila nói sự thật và các ông bị bách hại, bị đánh nhừ tử, bị tống giam.
Tôi nhớ tại rất nhiều nơi, có nhiều người, rất nhiều người nam nữ, những người rất tốt, họ bị đuổi đi, họ bị bắt bớ. Chúng ta hãy nghĩ đến Chân Phước Romero? Điều gì xảy ra khi ta nói sự thật? Trong số những người bị bắt bớ ấy trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người ngay cả tại Châu Âu. Tại sao? Bởi vì thần dữ luôn thích một giáo hội yên ắng không chút rủi ro, một giáo hội giống kiểu doanh nghiệp với đầy sự thoải mái ấm êm.
Thần dữ xuất phát từ túi tham, nhưng niềm vui đến từ Thiên Chúa
Chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ kể về câu chuyện thánh Phaolô trừ quỷ cho người đầy tớ gái. Trước đó, cô này bị quỷ nhập và hành nghề bói toán. Chính nghề của cô đem lại nhiều nguồn lợi cho các người chủ của cô. Nhưng sau khi cô được trừ quỷ, các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi tiêu tan, nên đành túm lấy ông Phaolô và Sila mà đi tố cáo. Thế đó, thần dữ luôn xuất phát từ túi tham. Và khi Giáo Hội trở thành một tổ chức yên phận yên thân êm ấm, thì hãy nhìn mà xem những chuyện kinh doanh buôn bán diễn ra.
Khi nói sự thật, Phaolô và Sila bị ngược đãi, nhưng các ông luôn có niềm vui của Chúa. Khi các ông bị giam trong ngục, Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát các ông. Nửa đêm thấy mọi cửa đều mở toang, nghĩ là các tù nhân đã trốn thoát, viên cai ngục định tự tử, nhưng Phaolô trấn an ông: chúng tôi vẫn còn đây mà. Sau đó viên cai ngục và tất cả mọi người trong nhà của ông đều nhận phép rửa với lòng tràn ngập mừng vui. Đó là hành trình hoán cải hằng ngày của chúng ta: chuyển từ đời sống trần tục an nhàn, sang đời sống tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Chuyển từ một thứ tôn giáo kiểu trục lợi, sang con đường đức tin tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa.
Các vị tử đạo trong Giáo Hội
Đây là phép lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện. Chúng ta hãy đọc chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ để thấy những gì Chúa đã làm với các vị tử đạo của Người. Chính khi ấy mà Hội Thánh tiếp tục tiến về phía trước. Một giáo hội mà vắng bóng các vị tử đạo, là giáo hội không đáng tin. Giáo hội ấy, kiểu giáo hội không có các vị tử đạo, là một giáo hội sợ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, sợ xua trừ ma quỷ, và giáo hội ấy không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.
Trong cầu nguyện, chúng ta hãy nài xin ân sủng và tạ ơn Chúa vì Người đã đổi mới chúng ta. Chúng ta cũng nài xin ơn sủng để Người gìn giữ sự đổi mới ấy. Tất cả chúng ta hãy nguyện xin ơn này: đó là ơn đổi mới, để biến đổi từ lối sống chỉ biết đi tìm sự yên ấm, sang đời sống công bố niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.