Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13: 16-20)
Sau khi đã rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông rằng: “Thầy bào thật cho các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ; kẻ được sai đi không trọng hơn Đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó và thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ thầy đã chọn. Nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến. Để một khi sự việc xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai đến là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
SUY NIỆM 1
Tin Mừng hôm nay là lời trần tình của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Nói về chính Ngài, về sứ vụ của Ngài, một trong những trăn trở của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Các ông theo Thầy, nhưng lại chưa gặp được chính Thầy trong mối tương quan thầy – trò. Nghe Thầy nói, thấy việc Thầy làm nhưng các ông không cảm nhận kinh nghiệm của những điều đã được chứng kiến, nên các ông cứ bước đi trong sự mù mờ. Trong khi đó, Chúa Giêsu cho thấy mục đích của việc chọn các ông. Chúa Giêsu không chọn các ông chỉ để kết bạn hay vì mối tương quan cá nhân, nhưng vì sứ vụ duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Sứ vụ mà Chúa Giêsu đang thực hiện minh chứng Ngài được Chúa Cha uỷ thác, đồng thời làm sáng tỏ chân tính của Người Con Duy Nhất của Chúa Cha: “Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến việc chấp nhận sứ vụ cứu độ thế giới như là một báu vật ẩn chứa thử thách chứ không như một món quà đơn thuần. Ngài giúp các môn đệ nhận rõ vai trò của mình. Các ông chọn lựa và thi hành sứ vụ mà trong đó, các ông là những cánh tay nối dài ơn cứu độ của Ngài đến với nhân loại.
Chiêm ngắm Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu đã trao gởi như là căn tính của mỗi Kitô hữu. Chúng ta không chỉ là người quản lý khôn ngoan, trung tín mà còn là người thừa kế của Chúa Giêsu với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ, cùng với tình yêu. Chỉ trong tình yêu với Chúa Giêsu, mối tương quan của chúng ta với Ngài và với anh chị em mới bền chặt. Nếu Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, thì chẳng có đường nào khác để đến với Thiên Chúa ngoài Chúa Giêsu. Hiểu chính xác là chúng ta cần một thị thực do Chúa Giêsu cấp để vào trong vương quốc sự sống của Ngài. Làm theo thứ tự, theo cách Chúa Giêsu dạy: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”, để có thể không lạc hướng, không trật đường ray, nhất là không trở thành “kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta”.
Xin cho mầu nhiệm Phục sinh tiếp tục làm chủ suy nghĩ, hành vi và lời nói của chúng ta, để nhào nặn chúng ta nên ánh sáng phục sinh cho Chúa Giêsu giữa cuộc đời. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Thực hành và mối phúc (c. 16-17)
Sau khi rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 3-5) và giải thích ý nghĩa (c. 12-15), Đức Giê-su nói:
Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!
(c. 16-17)
Nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu ngay rằng, để hưởng mối phúc, chúng ta được mời gọi, trong mọi sự, sống tương quan với Người theo khuôn mẫu chủ và tớ, hay khuôn mẫu người sai đi và người được sai đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nối kết lời nói này của Đức Giê-su với hành động rửa chân Ngài vừa thực hiện và với lời giải thích, chúng ta sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn. Thật vậy, ngay sau khi rửa chân cho các Tông Đồ, Người nói:
Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.
Như thế, đây mới là việc thực hành mang lại mối phúc mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta: trong các mối tương quan gia đình, xã hội và Giáo Hội, sự khác biệt “người trên kẻ dưới” là không thể tránh được, nhưng chúng ta được mời gọi “rửa chân cho nhau”, và nhất là người trên “rửa chân” cho kẻ dưới, chủ nhân “rửa chân” cho tôi tớ, người sai đi “rửa chân” cho người được sai đi, như chính Thầy Đức Giê-su, vốn là Đức Chúa của chúng ta, đã “rửa chân” cho từng người chúng ta.
- Mầu nhiệm Thập Giá (c. 18-19)
Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su còn đi xa hơn hành vi rửa chân, hay đúng hơn hành vi rửa chân đã loan báo mầu nhiệm Thập Giá rồi, khi Ngài nói: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”.
Quả vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan về việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ được đánh dấu rõ nét từ đầu đến cuối bởi hành vi phản bội:
- “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
- “Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11): Giuđa được nhìn như là tác nhân.
- “Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giu-đa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.
Đức Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho từng người chúng ta; nhưng có người lại “giơ gót đạp Ngài”. Cả hành vi này, Ngài cũng đón nhận trong bình an và bao dung, ngang qua cái chết trên Thập Giá (x. Mt 26, 50). Đó chỉ có thể là sự khôn ngoan và sức mạnh thần linh, mời gọi chúng ta nhận ra Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu:
Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
Xin cho sức mạnh và sự khôn ngoan của Thập Giá chinh phục con tim của chúng ta.
- Hiệp thông trọn vẹn (c. 20)
Trong đời sống xã hội, cũng như trong đời sống đức tin và ơn gọi, sự phân cấp là không thể không có, Đức Giê-su không phá bỏ, nhưng thay đổi những tương quan này ở chiều sâu. Chẳng hạn, Ngài nói, chúng ta chỉ có một Cha và một Thầy, còn chúng ta đều là anh chị em của nhau. Thực vậy, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Ki-tô phục sinh làm cho chúng ta trở nên Con của Cha, giống như Ngài là Con của Cha, trở nên “anh chị em” của Ngài và “anh chị em” của nhau, vì tất cả chúng ta đều có cùng một Cha. Điều này có nghĩa là, cho dù chúng ta xưng hô như thế nào, tương quan ruột thịt như thế nào, chúng ta đều được mời gọi sống tình “huynh đệ” dưới mắt Chúa Cha và theo gương Đức Giê-su.
Như thế, tuy có sự khác biệt, chúng ta được mời gọi sống không phân biệt, vì tình yêu dâng hiến Đức Ki-tô dành cho từng người chúng ta; như thánh Phaolô nói: trong Đức Ki-tô, không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, đàn ông hay phụ nữ, tự do hay nô lệ. Nghĩa là, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông “huynh đệ” để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, như chính Ngài muốn hiệp thông trọn vẹn với chúng ta:
Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
Lời này của Đức Giêsu diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn giữa môn đệ, Thầy và Cha. Sự hiệp thông này là kết quả của “mầu nhiệm” rửa chân, và nhất là của nhiệm tích Thánh Thể. Đó là chính là mối phúc mà Đức Ki-tô muốn ban tặng nhưng không cho chúng ta:
Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc