Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG NGÀY 19/9/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 7, 36-50

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn.
Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm.
Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".
"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít". Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

SUY NIỆM 1

Tinh Thần Khoan Nhượng
Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về tinh thần khoan nhượng đích thực. Chúa Giêsu là hiện thân của tinh thần ấy. Trong những quan hệ xã hội của Ngài, Ngài vốn dành ưu tiên cho người nghèo, những người tội lỗi, những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài tìm đến với họ và nhất là ngồi đồng bàn để ăn uống với họ, nhưng Chúa Giêsu không khơi dậy cuộc đấu tranh giai cấp. Ngài không bao giờ đi với người nghèo để kêu gọi chống lại những người giàu có. Ngài đến với những người nghèo và những kẻ tội lỗi nhưng không loại trừ những người giàu có và những người đạo đức thánh thiện. Ngài chia sẻ cơm bánh với những người tội lỗi nhưng cũng không ngại ngồi đồng bàn với những người công chính. Người biệt phái Simon được Tin Mừng hôm nay nhắc tên là một người giàu có và đạo đức, ông có thể là đại biểu cho những người giàu có và thánh thiện mà Chúa Giêsu không hề muốn loại trừ ra khỏi những quan hệ xã hội của Ngài. Chúa Giêsu kết thân với những người nghèo khổ và tội lỗi nhưng không xa cách những người giàu có và đạo đức.
Cuộc gặp gỡ được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của thái độ khoan nhượng của Chúa Giêsu. Chính trong một bữa tiệc được một người giàu có và đạo đức khoản đãi mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ một người đàn bà tội lỗi nổi tiếng trong thành phố, Ngài luôn có thái độ khoan nhượng đối với mọi người.
Sự khoan nhượng là thái độ cần thiết cho mọi người bởi vì xã hội nào cũng gồm những thành phần khác biệt nhau bởi vì nhân loại gồm những con người khác biệt mà họ cần đối xử với nhau bằng thái độ khoan nhượng. Hai chìa khóa để mở cánh cửa của khoan nhượng là sự chấp nhận và cảm thông. Chấp nhận thường đi trước sự cảm thông. Chấp nhận sự khác biệt nơi người khác để dễ dàng cảm thông với họ hơn, nhưng dĩ nhiên khoan nhượng không hề đồng nghĩa với đồng lõa. Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông và tha thứ với những người tội lỗi nhưng Ngài không bao giờ nhân nhượng trước tội lỗi; Ngài khoan dung tha thứ bao nhiêu với tội nhân thì lại càng cương quyết bấy nhiêu với tội lỗi. Chính vì thế mà sự tha thứ của Ngài luôn đi kèm với mệnh lệnh: "Con hãy đi về và đừng phạm tội nữa". Với người biệt phái tên là Simon, Ngài đã kêu gọi với thái độ khoan nhượng khi để cho người đàn bà tội lỗi đến thể hiện lòng sám hối của mình bằng việc xức dầu thơm cho Ngài. Với người đàn bà tội lỗi, Ngài cho cảm nhận được ơn tha thứ. Ngài kêu gọi chúng ta: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Lời ấy bảo đảm cho chúng ta ơn tha thứ và sự bình an của Ngài, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy sống khoan nhượng và tha thứ đối với mọi người.
Ước gì chúng ta luôn cảm nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ của Chúa để cũng biết sống cảm thông và tha thứ với mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm 2
Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cho chúng ta việc Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà ông Si-mon, một người Pha-ri-sêu. Đang khi dùng bữa thì một người phụ nữ đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm đến sát chân Đức Giê-su, rồi gục đầu xuống chân Đức Giê-su mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu, người đã mời Đức Giê-su dùng bữa với mình sửng sốt và khó chịu. Ông sửng sốt và khó chịu là vì: một người đàn bà mà cả thành ai cũng biết rõ là người tội lỗi lại dám đến gần một người công chính, rồi làm những cử chỉ không thể nào chấp nhận được. Điều làm cho ông ta còn sửng sốt hơn nữa là vì: Đức Giê-su đang được biết đến như là một ngôn sứ mà lại để một người đàn bà tội lỗi đụng chạm tới mình. Đây là điều cấm kỵ và lề luật không cho phép. 

Trước sự sửng sốt và khó chịu của người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su kể một dụ ngôn: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai”. Rồi Chúa Giê-su hỏi ông: "Ai trong hai người đó mến chủ nợ hơn?". Ông trả lời: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn". Chúa Giê-su cho biết: Ông đã xét đúng về câu chuyện theo hình thức: Kẻ được tha nhiều hơn, thì yêu mến nhiều hơn. Nhưng về mặt con người (người phụ nữ và Chúa Giê-su) ông lại xét sai. Thật vậy, tất cả các cử chỉ và việc làm của người phụ nữ nói lên lòng biết ơn của chị đối với Chúa Giê-su. Như vậy, trước khi đến bữa tiệc, chị đã được tha tội. Hôm nay, chị đến với Chúa Giê-su không có một mục đích nào khác ngoài mục đích bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu với Người. Đức Giê-su đã khẳng định điều này khi Người nói: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị yêu mến nhiều”

Bí quyết để phát sinh tình yêu và làm cho chúng ta trở nên đáng yêu đó là tha thứ. Mặc dù bí quyết này rất gần gũi, cụ thể và có thể áp dụng cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng được. 

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết tha thứ và đón nhận sự tha thứ nơi anh chị em xung quanh chúng con, để môi trường sống của chúng con thật sự trở nên một môi trường tràn ngập tình yêu và lòng biết ơn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường