Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 04/09/2019

Filled under:

CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH THƯƠNG (Lc 4, 38 - 44)

“Ông là Con Thiên Chúa”. Đây là lời tuyên xưng của ma quỷ khi bị Đức Giêsu trục xuất khỏi những người mà chúng làm hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà truyền cho chúng phải câm miệng.
Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Đức Giêsu biết rất rõ trong tâm thức thực dụng của các môn đệ và những người Dothái thời bấy giờ là mong muốn và hy vọng về một Đấng Messia theo kiểu trần tục. Họ khát mong Đấng đó phải là người: giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của đế quốc Lamã, đem lại tự do, cơm no áo ấm và vinh quang cho đất nước...
Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu không phải đến để giải phóng theo ý hướng của họ, mà là đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, chữa lành bệnh tật và đem lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự là được ở với Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu đã cấm ma quỷ nói về Ngài, vì bây giờ không phải là lúc thuận tiện để mọi người hiểu được cốt lõi sứ mạng nơi Đức Giêsu.
Thật vậy, con đường cứu độ của Đức Giêsu là con đường của vâng lời, hy sinh, phục vụ, tự hủy và chịu chết, chứ không phải là con đường nhung lụa, vũ trang, quyền lực, thống lãnh... theo kiểu nhà binh.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy sống và chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó trong vai trò và bổn phận của mình cách trung thành. Luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé họng, để bênh đỡ họ, vì chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người như thế. Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng của người Kitô hữu. Mặt khác, đây cũng là thước đo lòng yêu mến Chúa của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần yêu thương như Chúa khi xưa, hầu nhiều người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa khi chúng con biết yêu thương nhau. Amen.
Ngọc Biển SSP



Suy niệm 2

Chúa Giê-su không đến để loại bỏ đau khổ, nhưng đến để biến đổi đau khổ thành công phúc. 

Bài Tin Mừng ngày hôm nay cho thấy quyền năng của Chúa Giê-su khi Người cứu chữa con người khỏi bệnh tật và xua trừ ma quỉ. Trước tiên, Chúa Giê-su chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Phê-rô, sau đó là Người chữa các bệnh tật và xua trừ ma quỉ cho dân chúng. Trong hoạt động của Chúa Giê-su, chúng ta thấy: "Ngài đi tới đâu, thì Ngài thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10, 38). Chúa Giê-su chữa lành kẻ bệnh tật, an ủi người sầu khổ, cho kẻ đói ăn, chữa lành kẻ câm điếc, mù lòa, phong cùi, quỉ ám và nhiều tật bệnh. Vài lần Người cho kẻ chết sống lại. Những hành động này cho thấy Chúa Giê-su có quyền năng chữa lành đau khổ của con người và chiến thắng quyền lực sự dữ. 

Tuy nhiên, Chúa Giê-su không đến để hủy bỏ đau khổ và sự chết ở thế gian, bởi vì đau khổ và sự chết nằm trong bản tính vốn yếu đuối mỏng dòn của con người. Hơn nữa, đau khổ và sự chết là hậu quả tất yếu của tội lỗi do con người gây ra cho nhau. Chúa Giê-su không đến để loại bỏ, nhưng Nguời đến để biến đổi đau khổ thành công phúc, giúp con người vươn lên trong “tiến trình” đạt đến sự trọn hảo tối hậu. Người không hủy bỏ đau khổ nhưng Người an ủi kẻ đau khổ (x. Mt 5, 5). Người không hủy bỏ nước mắt, nhưng Người lau nước mắt cho người đau khổ (x. Lc 7, 13; 8, 52). Chúa Giê-su đến để mang lại cho đau khổ một giá trị và một ý nghĩa mới. Đó là nhờ đón nhận đau khổ trong niềm tin và tình yêu, con người mới xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang là sự sống muôn đời. 

Điều này được thánh Phao-lô minh họa qua hình ảnh người phụ nữ sinh con. Khi sinh con, ý nghĩa sự đau khổ không nằm ở cái đau đớn của thể xác, nhưng nằm ở niềm vui vì một sự sống mới chào đời (x. Rm 8, 18,22). Cũng vậy, ý nghĩa của những đau khổ chúng ta chịu ở trần gian này không nằm ở chỗ đau đớn thể xác và tinh thần, nhưng nằm ở niềm vui, ở niềm hy vọng hồng phúc trong sự sống vĩnh cửu, vì qua đó chúng ta thể hiện được tình yêu của mình đối với Chúa. Đây là điều mà các Tông đồ chỉ có thể cảm nhận được sau khi Chúa phục sinh. Dù các Tông đồ bị bắt bớ, tù đầy, tra tấn, giết hại, nhưng các Tông đồ vẫn vui vì được chịu khổ cho Chúa, được chịu khổ cho người mình yêu. Trong tình yêu, đau khổ cũng trở thành hạnh phúc là vậy! 

Lạy Chúa Giê-su, mỗi người chúng con ai cũng có những nỗi đau khổ riêng, chúng con xin kết hiệp những nỗi đau khổ đó với hy tế thập giá của Chúa, nhờ đó, những đau khổ hằng ngày của chúng con sẽ trở thành công phúc cho những người thân của chúng con và cho chính chúng con trong cuộc sống muôn đời. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường