Nhân dịp kính mừng sinh nhật Đức Mẹ, ngày 8-9, chúng ta hãy nghe các thánh xác định về Đức Mẹ, hãy vững lòng tin tưởng và chân thành yêu mến Đức Mẹ, đơn giản là siêng năng cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi hằng ngày!
1. “Tôn sùng Mẹ là dấu linh hồn có ơn thánh, hay ít nhất cũng sắp được ơn thánh” (Thánh Germanô).
2. “Mẹ hộ phù, chúng con khỏi chết; Mẹ cầu bầu, chúng con được sống” (Thánh Laurentiô Justinianô).
3. “Người nào được Mẹ cầu nguyện cho một lần thôi, cũng không thể bị chúc dữ đời đời” (Thánh Anselmô).
4. “Tội nhân ơi, chính vì bạn bất xứng nhận ơn Chúa mà Chúa đã ban mọi ơn cho Mẹ, để bạn đến nhận lấy từ tay Mẹ. Mẹ là xe tốc hành về trời” (Thánh Bênađô).
5. “Nếu Chúa ra lý đoán phạt tôi, nếu người đuổi tôi cút xéo khỏi bệ chân thánh Người, tôi sẽ đến sấp mình dưới chân Maria Mẹ Người, cứ nằm lì ở đó cho đến khi được tha thứ. Vì người Mẹ lân tuất này không thể và không bao giờ lãnh đạm trước những thống khổ của nhân loại, cũng không thể từ chối những kẻ khốn nạn đến xin Mẹ cứu giúp” (Thánh Bonaventura).
Đức Gioan Phaolô II Và Đức Mẹ
Đối với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Mẹ là thánh bổn mạng chính của thiên niên kỷ mới. Trong tư cách Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ trổi vượt là hình ảnh tuyệt vời của mùa vọng: là ngôi sao mai báo hiệu sự xuất hiện của Mặt Trời Công Chính. Giống vành trăng vào hừng đông một ngày mới, ngài hoàn toàn tắm trong vinh quang của mặt trời sắp tới sau ngài. Vẻ đẹp của ngài phản chiếu vẻ đẹp Mặt Trời Công Chính.
Trong gần hai ngàn năm học hỏi và chiêm niệm, Giáo Hội chỉ dần dần mới khám phá ra các vinh quang của Đức Mẹ. Các dòng căn bản trong Thánh Mẫu Học Công Giáo (nền thần học về Đức Mẹ) đến nay đã không còn là đề tài tranh biện nữa, vì đã được lồng trong Thánh Kinh, phụng vụ, kinh nguyện, thi ca, âm nhạc và nghệ thuật cũng như trong rất nhiều trước tác của các thánh, của các thần học gia và cả trong giáo huấn của các vị giáo hoàng và công đồng, như chúng vốn được lồng. Đức Mẹ chiếm vững địa vị cao cả nhất trong số các thánh, được tượng thai và sinh hạ mà không vướng tội nguyên tổ và không hề vuớng bất cứ thứ tội bản thân nào trong bất cứ thời điểm nào của cuộc đời ngài.
Là đấng đầy ơn phúc, Đức Mẹ là mẫu gương về đức tin, đức cậy, đức mến Chúa và lòng đại lượng quan tâm tới người khác. Sau khi mang thai đồng trinh Con Một Thiên Chúa trong lòng, Đức Mẹ mãi mãi đồng trinh suốt đời. Sau cuộc sống dương thế, ngài được đưa cả hồn lẫn xác về thiên đàng, nơi ngài tiếp tục thi hành chức phận làm mẹ thiêng liêng và cầu bầu mọi nhu cầu cho con cái ngài còn trên dương gian. Toàn bộ giáo huấn ấy, từng được bao nhiêu thế kỷ liên tiếp xây dựng, nay đã vĩnh viễn thuộc về gia tài Giáo Hội và khó còn có thể bị thách thức bên trong truyền thống Công Giáo nữa. Khỏi cần nói cũng thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận gia tài này không một lời nghi vấn.
Cái hiểu của Đức Gioan Phaolô II về Đức Mẹ
Karrol Wojtyla, tức Đức Gioan Phaolô II, vốn là người con đầy sùng kính của Đức Mẹ từ lúc thiếu thời, lúc ngài còn tôn kính Đức Mẹ tại các đền thánh ở khu vực Wadowice, nơi sinh quán. Thời Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan, trong tư cách người hướng dẫn lần hạt trong “chuỗi mân côi sống”, ngài đã tham gia việc cầu xin Đức Mẹ cho hòa bình và giải phóng. Ngài cũng từng nghiên cứu các trước tác của Thánh Louis Grignion de Montfort (1673-1716). Và chính từ vị Thánh này, ngài đã chọn khẩu hiệu “Totus tuus” (Con hoàn toàn là của Mẹ). Nhưng người ta sẽ lầm lẫn lớn nếu họ nghĩ rằng sự gắn bó của vị giáo hoàng này đối với Đức Mẹ chỉ là chuyện tình cảm ướt át. Thực ra, ngài cực lực bác bỏ ý niệm cho rằng giáo huấn về Đức Mẹ chỉ là một bổ túc có tính tôn sùng cho một hệ thống tín lý vốn dĩ hoàn bị không cần có Đức Mẹ. Ngược lại, ngài cho rằng Đức Mẹ chiếm một vị trí không thể thiếu trong toàn bộ kế hoạch cứu rỗi. Đức Giáo Hoàng viết rằng: “Mầu nhiệm Đức Mẹ là một chân lý mạc khải tự đặt để cho trí hiểu các tín hữu và buộc những ai trong Giáo Hội có nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy phải tìm cho ra một phương pháp suy tư có phương pháp, cũng nghiêm minh như phương pháp hiện đang được mọi ngành thần học khác sử dụng”.
Trong tư cách một giám mục tại Công Đồng Vatican II, Đức Cha Wojtyla đã nhiều lần lên tiếng phát biểu về Đức Mẹ. Ngài ủng hộ việc lồng Thánh Mẫu Học vào Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, nhưng khẩn khoản xin đặt chủ đề này ở một chỗ khác trong bản văn, nghĩa là, thay vì là chương sau cùng, sẽ tiếp ngay sau chương 1 nói về Mầu Nhiệm Giáo Hội. Tháng Chín năm 1964, trong một bản lên tiếng, ngài cho rằng Đức Mẹ, trong tư cách là mẹ, sau khi đã bồi đắp thân mình thể lý của Chúa Kitô, đã tiếp tục vai trò bồi đắp đó đối với nhiệm thể của Chúa. Vì là mẹ Chúa Kitô và mẹ các Kitô hữu, Đức Mẹ phải được xem sét ở ngay phần đầu của tài liệu, chứ không nên đẩy chủ đề về Đức Mẹ xuống gần hàng một phụ chương ở cuối tài liệu.
Tuy nhiên, vì các “lý do thực tiễn”, ủy ban thần học thấy rằng vào giai đoạn ấy nên giữ phần nói về Đức Mẹ ở cuối hiến chế, một quyết định không may đã khiến một số nhà bình luận cho rằng Vatican II đã hạ thấp địa vị của Đức Mẹ. Ủy ban này cũng bác bỏ một số đề nghị nhằm chính thức tuyên bố Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội cũng như đề nghị lấy tước hiệu đó làm tựa đề cho chương về Đức Mẹ.
Nhưng trong Hiến Chế Tính Lý về Giáo Hội ấy, Công Đồng quả có tuyên bố rằng “Được Chúa Thánh Thần dạy bảo, Giáo Hội Công Giáo luôn tôn vinh Đức Mẹ bằng tình âu yếm con thảo như người mẹ yêu thương nhất” (số 53). Và Đức Tổng Giám Mục Wojtyla hết sức hân hoan, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vào cuối khoá ba, tức ngày 21 tháng Mười Một năm 1964, đã minh nhiên công bố Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội.
Thông điệp của Đức Gioan Phaoloô II
Thánh mẫu học của Đức Gioan Phaolô II được cô đọng trong thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Mater) năm 1987. Ngoài ra, nó còn được trình bày rải rác trong một loạt hơn 70 bài giáo lý nhân những buổi triều kiến hàng tuần vào hôm thứ Tư, nói về Đức Mẹ, trong các năm 1995 và 1997. Nói chung, giáo huấn của ngài có thể liệt vào hàng mục vụ hơn là chuyên môn hay có tính thần học suy lý. Đức giáo hoàng quan tâm nhiều hơn tới việc thông truyền đức tin của Giáo Hội và tới việc cổ vũ lòng đạo đức chân chính hơn là đưa ra các họ lý mới. Tuy nhiên, người ta rất hay gặp những thuật ngữ và những lời tuyên bố phản ảnh được cái nhìn thông sáng có tính bản thân của chính ngài.
Thiển nghĩ hạn từ chủ chốt thống nhất hóa nền Thánh mẫu học của Đức Gioan Phaolô II là hạn từ làm mẹ. Đức Mẹ là mẹ Đấng Cứu Chuộc, mẹ ơn thánh Chúa, mẹ Giáo Hội. Công đồng Êphêsô trong thế kỷ thứ 5 đã thiết lập ra tín điều nền tảng cho Thánh mẫu học, tức tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mà tiếng Hy Lạp gọi là theotokos (nghĩa đen: "Đấng-mang-Thiên Chúa"). Trong thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (các số 30-32), Đức Gioan Phaolô II mời ta chú ý tới giá trị đại kết của tín điều này: vì trên thực tế, nó được mọi Kitô hữu nhìn nhận và đã làm phát sinh ra nhiều ca khúc tuyệt diệu, nhất là trong nền phụng vụ Byzantine, một nền phụng vụ đã gợi hứng cho lời chào mừng trong ca khúc nổi tiếng của Anh Giáo tựa là "Ye Watchers and Ye Holy Ones" với những câu như: "O higher than the cherubim,/More glorious than the seraphim,/Lead their praises,Alleluia!/Thou bearer of th' eternal Word,/Most gracious, magnify the Lord, Alleluia!" (ôi cao hơn thiên thần kêrubim,/vinh hơn thiên thần xêraphim,/Hãy hướng dẫn lời tán dương của các ngài, Alleluia!/Mẹ mang Ngôi Lời vĩnh cửu,/Hỡi Đấng đầy ơn, hãy tán dương Chúa, Alleluia!).
Vốn rất quan tâm tới chủ đề cứu chuộc, Đức Gioan Phaolô II thường hay mời gọi ta chú ý tới việc can dự của Đức Mẹ vào sứ mệnh cứu rỗi của Con Trai mình, bắt đầu với biến cố Truyền Tin, lúc Đức Mẹ thỏa thuận kế hoạch Nhập Thể và tiếp nhận ơn thánh làm mẹ Thiên Chúa. Là người mẹ đồng trinh, Đức Mẹ đã chịu thai nhờ niềm tin và đức vâng lời đối với Lời thần thánh đã nói với ngài từ trên cao (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 13).
Giống sứ mệnh cứu chuộc của chính Chúa Kitô, vai trò của Đức Mẹ trong lịch sử cứu rỗi không được miễn trừ khỏi sầu bi khổ não. Trong nhiều bản văn, Đức Gioan Phaolô II nhắc ta nhớ lúc dâng hài nhi Giêsu vào Đền Thờ, Simêong đã tiên đoán rằng linh hồn Đức Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâu thâu qua. Lời tiên đoán ấy đã nên trọn trên đỉnh Canvariô, nơi nỗi cùng đau (compassion) của Đức Mẹ phản chiếu trọn vẹn nỗi đau của Con mình, những nỗi đau vang trội liên hồi trong trái tim Đức Mẹ.Theo đức Gioan Phaolô II, sau khi Chúa Giêsu qua đời, chức phận làm mẹ của Đức Mẹ đảm nhiệm một hình thức khác. Khi nói với Môn Đệ Yêu Dấu “Này là mẹ con”, Chúa Giêsu đã đặt các tông đồ dưới sự chăm sóc từ mẫu của Đức Mẹ (Ga 19:25-27). Trong những ngày tiếp sau biến cố Thăng Thiên, ta thấy Đức Mẹ cầu nguyện bên cạnh các tông đồ và tin tưởng chờ đợi Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội, Đấng từng bao phủ ngài lúc Truyền Tin.
Cho nên, có một tương hợp mầu nhiệm trong các liên hệ mẫu tử của Đức Mẹ với Chúa Giêsu và với Giáo Hội. Qua việc không ngừng cầu bầu, Đức Mẹ dùng tình yêu hiền mẫu cộng tác vào việc hạ sinh thiêng liêng và triển nở của con cái Giáo Hội của mình (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 44). Ở một chỗ khác, Đức Gioan Phaolô II viết rằng: “Chọn ngài làm Mẹ toàn thể nhân loại …, Cha trên trời muốn mạc khải chiều kích hiền mẫu của lòng trìu mến và chăm sóc thần thánh của mình đối với con người mọi thời đại”.
Chuẩn bị cho Năm Thánh
Trong tông thư “Ngàn Năm Thứ Ba Sắp Tới”, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra một số gợi ý mang lại nhiều hệ luận đối với các thực hành và lòng sùng kính đối với Đức Mẹ. Đức Giáo Hoàng liên kết ba năm cuối cùng của ngàn năm thứ hai với Ba Ngôi Thiên Chúa và ba nhân đức đối thần. Ngài tuyên bố rằng: năm 1997 là năm tập trung vào đức tin, đặc biệt qui về Chúa Giêsu Kitô như Thiên Chúa Ngôi Con. Năm 1998 sẽ là năm để nhấn mạnh tới Chúa Thánh Thần và nhân đức cậy. Và năm 1999 được công bố là thời gian quay về với Chúa Cha và đặc biệt nhắc tới nhân đức bác ái.
Theo Đức Gioan Phaolô II, mỗi một năm trong ba năm này đều có chiều kích Đức Mẹ cả. Ngài là mẹ đồng trinh của Chúa Con, bạn vô nhiễm của Chúa Thánh Thần và là ái nữ yêu qúy nhất của Chúa Cha. Đức Mẹ cũng gương mẫu trong đức tin, đức cậy và đức mến. Bởi thế, trong năm 1997, ta được thúc đẩy chiêm ngắm hành trình đức tin của Đức Mẹ trong tương quan với Con nhập thể của ngài. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ dùng đức tin đáp trả sứ điệp của thiên thần cho biết ngài đã được chọn để trở thành mẹ Đấng Cứu Chuộc. Khi nói lên lời xin vâng (“hãy làm cho tôi như điều ngài nói” Luca 1:38), Đức Mẹ đã bước vào lịch sử cứu rỗi của thế giới qua việc ngài vâng phục đức tin (xem thông điệp Chúa và Đấng Ban Sự Sống [Dominum et Vivificantem] năm 1986). Trong biến cố Thăm Viếng, Đức Mẹ được Thánh Êlisabét ca tụng bằng những lời này: “Phúc cho em là người đã tin rằng điều Chúa phán với em sẽ nên trọn” (Luca 1:45).
Đức tin của Đức Mẹ bị thử thách nặng nề trong chuyến chạy trốn sang Ai Cập, trong chuyến mất Chúa Giêsu trong Đền Thờ, trong biến cố Chúa Giêsu bị ruồng bỏ tại Nadarét, và nhất là trong biến cố Chúa chịu đóng đinh trên Gongôtha, việc được Đức Gioan Phaolô II mô tả “có lẽ là một tỏ bày (kenosis) đức tin sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại” (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 18). Nhưng càng suy niệm ý nghĩa những điều đã được nói cho ngài, đức tin của Đức Mẹ càng không ngừng lớn hơn lên. Theo kiểu nói của Thánh Irênê, việc Đức Mẹ suy phục đức tin là một hành động đã tháo gỡ được cái nút thắt do việc bất tuân của Evà gây ra, nhờ thế, con người có thể chỗi dậy một lần nữa để hiệp thông với Thiên Chúa. Đức tin của Đức Mẹ được vĩnh cửu hóa trong Giáo Hội cùng nhịp với việc Giáo Hội tiến bước trên hành trình đức tin của mình.
Nhờ suy niệm về đức tin của Đức Mẹ vào Chúa Kitô trong năm 1997, các Kitô hữu có đủ thiên hướng để suy niệm về Chúa Thánh Thần và đức cậy, hai chủ đề được đưa ra cho năm 1998. Vốn là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, đức tin của Đức Mẹ đã giúp ngài thụ thai Con Trai của mình nhờ quyền lực của cùng một Chúa Thánh Thần ấy. Đức tin của Đức Mẹ nở hoa thành một đức cậy sốt sắng và không lay chuyển. Như Ápraham từng hy vọng một cách vô hy vọng rằng mình sẽ trở thành cha đẻ của nhiều dân tộc (Rm 4:18), Đức Mẹ cũng bất chấp mọi hoàn cảnh để tin tưởng rằng Chúa sẽ đặt Con Trai mình lên ngai Đavít, nơi Người sẽ ngự trị trong vinh quang không bao giờ tắt (Lc 1:32-33).
Đức cậy của toàn bộ dân Israel xưa đã đạt tới đỉnh cao nơi Đức Mẹ, đấng, qua kinh Ngợi Khen, đã ca tụng lòng trung thành của Thiên Chúa đối với các lời hứa Người đã cam kết với Ápraham và miêu duệ ông đến muôn đời (Lc 1:55). Như thế, Đức Mẹ là mẫu mực ngời sáng cho tất cả những ai biết phó thác vào lời Chúa hứa. Đức Gioan Phaolô II nói rằng: hình ảnh Đức Trinh Nữ cầu nguyện với các tông đồ tại Phòng Tiệc Ly có thể trở thành dấu chỉ của hy vọng cậy trông cho tất cả những ai nài xin Chúa Thánh Thần thâm hậu hóa sự kết hợp của họ với Thiên Chúa.
Sau cùng, như một ái nữ được sủng ái nhất của Chúa Cha, Đức Mẹ có thể được coi như mô thức tối cao của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, vốn là chủ đề cho năm 1999. Vì tình âu yếm đối với người chị họ Êlisabét của mình, Đức Mẹ đã vội vã tới vùng đồi núi để giúp đỡ bà và chia sẻ với bà tin vui Truyền Tin. Trong Kinh Ngợi Khen, Đức Mẹ nói lên niềm vui trong Chúa cứu độ của ngài, đấng đã đoái nhìn phận hèn thấp bé của ngài và đã làm những điều cao cả vì ngài.
Trong cùng ca khúc ấy, Đức Mẹ còn nói lên tình liên đới với người nghèo qúy yêu của Giavê, do đó, đã dự phóng trước chính sách ưu tiên chọn người nghèo của Giáo Hội. Tại Cana, ngài biểu lộ lòng bác ái đầy tích cực của mình bằng cách giúp chủ tiệc thoát cảnh bối rối thiếu rượu, và do đó đã đưa tới phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu qua đó, Người tỏ ra quyền lực thiên sai của mình trên thiên nhiên. Tình yêu của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa được nên trọn vẹn ở trên trời, nơi ngài tiếp tục âu yếm cầu bầu cho con cái ngài còn trên dương gian. Việc cầu bầu này ngài sẽ tiếp tục làm cho đến lúc mọi sự đều quy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa trở nên tất cả trong tất cả.
Giáo Hội bước theo con đường do Đức Mẹ đánh dấu sẵn đó. Giống như Đức Mẹ, Giáo Hội tin bằng cách trung thành tiếp nhận lời Chúa. Giáo Hội duy trì đức tin bằng cách giữ và suy ngắm trong lòng tất cả mọi điều Thiên Chúa phán với mình. Được Chúa Thánh Thần nâng đỡ giữa muôn vàn ưu phiền và khó khăn của thế gian, Giáo Hội không ngừng nhìn về phía trước trong niềm cậy trông vào lời hứa vinh quang trong tương lai. Bắt chước Đức Mẹ, người con gái xinh đẹp của Xion, Giáo Hội liên tục ca tụng lòng từ bi của Chúa Cha và mô phỏng tình yêu của Người đối với mọi người đàn ông và đàn bà thuộc mọi dân tộc, cả người công chính lẫn người bất chính. Lời cầu nguyện của Giáo Hội cho các nhu cầu của toàn thế giới hòa lẫn với những lời cầu xin của Đức Mẹ trước tòa Thiên Chúa. Ngoài việc là mẫu gương cho toàn ghể Giáo Hội, Đức Mẹ còn đặc biệt là mẫu gương cho phụ nữ. Các ơn gọi tương phản nhau của đức đồng trinh và chức phận làm mẹ đều gặp nhau và cùng hiện hữu nơi Đức Mẹ (xem tông thư Mulieris Dignitatem [Phẩm Giá Phụ Nữ] năm 1988 của Đức Gioan Paholô II). Người độc thân, người kết hôn và góa bụa tất cả đều có thể nhìn lên Đức Mẹ để được gợi hứng. Nơi Đức Mẹ, người phụ nữ có thể tìm được một mẫu gương “của những tình cảm cao thượng nhất mà trái tim con người có thể có được: trọn khối tình yêu tự hiến; sức mạnh có thể chịu đựng được những đau đớn lớn lao nhất; lòng trung thành không giới hạn và lòng tận tụy làm việc không biết mỏi mệt; khả năng phối hợp trực giác nhạy bén vói ngôn từ hỗ trợ và khích lệ” (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 46).
Ý Nghĩa Năm Thánh
Thánh mâu học của Đức Gioan Phaolô II đan kết chặt chẽ với nền thần học của ngài về thời gian. Đức Mẹ sở dĩ nhận được sự viên mãn của ơn thánh vì sự viên mãn của thời gian đã đến (Gl 4:4). Đức Gioan Phaolô II nói rằng: sự viên mãn này “đánh dấu thời điểm lúc vĩnh hằng đi vào thời gian, thì chính thời gian cũng được cứu chuộc”.
Các năm thánh không phải chỉ là các hoài niệm có tính xúc cảm về quá khứ. Chúng được đan kết vào cấu trúc lịch sử của cứu rỗi. Chúa Kitô khởi đầu thừa tác vụ công khai của Người bằng cách công bố năm thánh đã tới, năm hồng ân của Chúa đã được tiên tri Isaia tiên báo (Lc 4:16-30).
Chúng ta tiếp tục sống trong thời đại cứu chuộc ấy, trong mùa năm thánh của ân sủng và giải phóng. Cũng như Thánh Kinh đã nên trọn thế nào trong việc những người tụ tập tại hội đường Nadarét để nghe Chúa Giêsu thế nào, thì nó cũng nên trọn khi được chúng ta nghe thấy như vậy, chỉ cần chúng ta biết lắng nghe. Mọi cử hành năm thánh của Giáo Hội đều nhắc nhớ và phục hoạt ngày tới của thời gian viên mãn.
Năm thánh 2000 nhắc ta nhớ các diệu kỳ của Đức Mẹ trong khi cử hành mừng Con của ngài. Người Con ấy không đi vào trần gian mà không có Đức Mẹ, người mẹ diễm phúc của Người, đấng theotokos . Trong hành trình đức tin, đức cậy và đức mến của mình, Đức Mẹ khai mở đường đi cho Giáo Hội bước theo. Ngài tiếp tục đi trước dân Chúa (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, các số 6, 25, 28), luôn tới giúp đỡ những ai muốn chỗi dậy từ những tội lỗi và khốn khổ của mình.
Giống như Đức Mẹ là “sao mai” (stella matutina) trước khi Chúa Kitô xuất hiện thế nào, thì ngài vẫn là “sao biển” (stella maris) như thế đối với những kẻ đang còn lữ thứ trên trần gian như chúng ta. Đức Mẹ hướng dẫn ta qua hành trình tối tăm hướng về thời điểm lúc đức tin biến thành khung cảnh vĩnh hằng trong đó ta được thấy Chúa Cứu Chuộc mặt đối mặt.
Viết theo nội dung bài diễn văn của Đức Hồng Y Avery Dulles, S.J., giáo sư Đại Học Fordham, đọc tại đại học này ngày 19 tháng 11 năm 1997