Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Đời sống hằng ngày như là bí tích - bởi phanxicovn

Filled under:

Đối với người Ki-tô hữu, điều tối hậu trong cuộc sống là mọi sự trong thế gian này đều thiêng liêng, đặc biệt về mặt thể lý, chúng là chất liệu tiềm tàng cho các bí tích. Đức tin của chúng ta thể hiện vinh quang Thiên Chúa, mỗi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, xác thân chúng ta là đền thờ của Thần Khí, thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày đều mang tính bí tích, qua lao động, qua đời sống gối chăn chúng ta dự phần vào công cuộc tạo dựng với Thiên Chúa.
Đây là đức tin đặc biệt, nó khác với hầu hết các tôn giáo khác, chủ đích các tôn giáo khác là làm cho tín hữu thoát khỏi xác thân và trần gian. Nhưng trong Ki-tô giáo “Ngôi Lời nhập thể”, Thiên Chúa nhập thể và vì thế mọi sự có tính thể lý đều tiềm tàng bí tích tính. Điều cần chú ý trong Kinh Thánh, ở dòng độc đáo nói về việc Thiên Chúa nhập thể không phải đơn giản chỉ nói Thiên Chúa trở thành một con người bằng xương bằng thịt. Nó còn nói hơn thế: “Thiên Chúa trở thành xác thịt”, mang tính thể lý và trần gian. Vì vậy một cách tiềm tàng, mọi sự thuộc về thể lý đều là bí tích.
Tuy nhiên chúng ta lại đấu tranh chống lại chuyện này. Đời sống hằng ngày chúng ta thường bị sao nhãng, nhỏ nhen, tập trung vào những chuyện gần như không có tính cách thiêng liêng, nơi mà ý tưởng mọi sự là bí tích thì chúng lại xuất hiện dưới dạng như một thèm muốn hơn là có tính thần học. Không phải lúc nào thế gian cũng thể hiện vinh quang Thiên Chúa, đôi khi những việc chúng ta làm với thân xác mình khiến chúng ta tự hỏi liệu mình đã thật sự là đền thờ của Thần Khí, cách ăn uống thiếu ý nghĩa của chúng ta không nói lên được tính cách bí tích, ngôn ngữ chúng ta nói về việc làm, tính dục, và đời sống chung chung hiếm khi nói lên được sự kiện chúng ta là người đồng sáng tạo với Thiên Chúa.
Tại sao? Tại sao chúng ta không thường xuyên thức tỉnh hơn với sự kiện chúng ta đang hiện diện trên mặt đất thiêng liêng và tại sao những hoạt động hằng ngày của chúng ta lại trở nên nặng nề với bí tích như vậy?
Có nhiều lý do, nhưng hầu hết đều bắt nguồn từ sự kiện  chúng ta là con người, rằng cuộc đời kéo dài, và giữ vững các biểu tượng, ngôn ngữ, lý tưởng cao quý trong tình trạng nhếch nhác đời sống hằng ngày thì thật là khó. Ăn uống, làm việc, đời sống gối chăn đáng lý là những việc làm nên mang tính thiêng liêng, nhưng thường thường chúng ta làm những việc này chỉ để duy trì sự sống hơn là đang lãnh nhận các bí tích và “getting by” chỉ là một biểu tượng cao quý cũng giống như chúng ta họp nhau ngày cuối tuần. Tôi rất thông cảm chuyện này. Từng ngày, từng giờ, sống với bí tích trong từng sinh hoạt thường ngày của cuộc sống là một chuyện không dễ dàng chút nào.
Nhưng có một lý do khác giải thích tại sao chúng ta đánh mất nhiều ý nghĩa của bí tích trong đời sống hằng ngày, đó là vì chúng ta ít cầu nguyện và các sinh hoạt thiếu tính cách tập tục. Chúng ta ít ứng dụng cầu nguyện và tập tục để nối kết các hoạt động của chúng ta – ăn uống, làm việc, giao du, ân ái, sáng tạo – với nguồn gốc thiêng liêng của chúng. Chẳng hạn:
Người da đỏ vùng Osage, họ có một tập tục khi em bé chào đời, trước khi đứa bé bú giọt sữa mẹ đầu tiên, có một nhân vật thiêng liêng, người “nói chuyện với thần linh” được đưa vào phòng. Vị này sẽ kể cho em bé câu chuyện tạo dựng trời đất và các loài động vật trên cạn. Nghe câu chuyện xong em bé mới được cho bú. Ít lâu sau, khi em bé đến tuổi uống nước, cũng nhân vật này được mời đến để kể câu chuyện về tạo dựng và nguồn gốc thiêng liêng của nước. Nghe câu chuyện xong, em bé mới được uống nước. Sau đó, khi em bé ăn được thức ăn cứng, nhân vật “hay nói chuyện với thần linh” được mời đến một lần nữa và lần này, kể cho em nghe câu chuyện về nguồn gốc của ngũ cốc và các loại thực phẩm khác. Chủ đích của việc dạy dỗ này là giúp cho em bé nhận biết ăn không chỉ là một hành động có tính cách thể lý, mà còn là một hành động mang tính thiêng liêng.
Bố mẹ tôi và thế hệ của bố mẹ cũng thực hành điều này theo cách của họ: Đồng ruộng, nơi làm việc, phòng ngủ đều được làm phép, họ cầu nguyện trước và sau mỗi bữa ăn, và có khi họ còn ngỏ lời cầu hôn trong nhà thờ. Đó là cách họ kể câu chuyện về nguồn gốc của nước trước khi uống nước.
Ngày nay, có vẻ như chúng ta đã mất đi cách kể chuyện thần thoại của người da đỏ Osage và cách mộ đạo của thế hệ bố mẹ tôi. Chúng ta sống, ăn uống, làm việc, và ân ái không gắn liền với những biểu tượng cao quý này nữa. Đại thể, chúng ta không còn nối kết thực phẩm với nguồn gốc thiêng liêng của nó, không còn xem việc làm của chúng ta như hành động dự phần vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, không còn làm phép phòng làm việc, phòng họp, và lần lữa mãi với ý nghĩ làm phép phòng ngủ, nơi chốn của đời sống gối chăn.
Chúng ta càng ngày càng nghèo đi vì những điều như thế, không chỉ về mặt tín ngưỡng, mà còn về mặt nhân bản. Khi hoạt động hằng ngày không còn mang tính bí tích, chúng sẽ sớm trở nên hời hợt và một cách thiếu ý thức chúng ta bù đắp cho sự nghèo nàn đó bằng cách gia tăng lượng.
Tôi không chắc liệu chúng ta có nên theo tất cả chuyện này không - theo tập tục huyền thoại hay theo lòng mộ đạo của thế hệ cũ - nhưng nếu chúng ta không thấy việc cầu nguyện hay các tập tục nối kết hành vi ăn uống, làm việc, gối chăn của chúng ta với nguồn gốc thiêng liêng của chúng, thì khi đó cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chẳng có gì đặc biệt, cuộc sống hằng ngày vẫn chỉ là cuộc sống nhếch nhác như con ốc sên ì ạch đi trên mặt đất.
J.B. Thái Hòa dịch

Thinh lặng của cuộc sống

bởi phanxicovn
Thầy Eckhard từng nói rằng, không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng.
Như thế nó thử thách chúng ta ở nhiều mức độ: Ngôn ngữ nào chúng ta sẽ nói trên thiên đàng? Chúng ta không biết được, nhưng nếu theo Kinh Thánh, thiên đàng sẽ là nơi chúng ta biết và được biết một cách trọn vẹn, yêu và được yêu một cách trọn vẹn, hiểu và được hiểu một cách trọn vẹn, thì tôi ngờ rằng lời nói sẽ dư. Chúng ta sẽ nói ngôn ngữ của thinh lặng.
Vì thế, ngay bây giờ, khôn ngoan là phải bắt đầu học ngôn ngữ của thinh lặng, không phải chỉ để cho sau này, sau khi chúng ta chết, nhưng đặc biệt là ngay ở đời này, chúng ta bắt đầu kết nối bản thân mình với các gốc rễ đậm sâu nhất.
Triết gia Raimon Panikkar, trong một cuốn sách gần đây, cuốn Trải Nghiệm Thiên Chúa, đã phân biệt những gì ông gọi là “thinh lặng của cuộc sống” và “một cuộc sống thinh lặng”. Chúng không giống nhau. Lời của ông không phải lúc nào cũng dễ nắm bắt, vừa rất sâu sắc vừa đáng suy ngẫm, vì thế tôi xin trích nguyên văn:
Thinh lặng của cuộc sống không nhất thiết giống một cuộc sống thinh lặng như đời sống thinh lặng của các ẩn sĩ trong hoang mạc. Giữ cuộc sống thinh lặng là điều quan trọng để thấy rõ mục tiêu, vạch kế hoạch hành động, phát triển các mối quan hệ của chúng ta, nhưng nó khác với thinh lặng của cuộc sống. Thinh lặng của cuộc sống là nghệ thuật tạo lập thinh lặng cho các sinh hoạt của cuộc sống, chúng không phải là bản thân cuộc sống theo kiểu phải đạt cho được kinh nghiệm đích thực của chính cuộc sống. 
Chúng ta thường hay đồng hóa đời sống với các sinh hoạt của nó. Chúng ta đồng hóa mình với các cảm xúc, ước muốn, ý định, với tất cả những gì chúng ta làm và chúng ta có. Chúng ta công cụ hóa đời sống của mình mà quên chính nó là cùng đích. Lao mình vào các sinh hoạt của đời sống, chúng ta mất khả năng lắng nghe, và chúng ta tự làm cho bản thân mình xa cách gốc rễ thật của mình: thinh lặng và Thiên Chúa.
Thinh lặng hiển hiện ngay tại giây phút này khi chúng ta đặt bản thân mình vào chính cội nguồn đích thực của sự sống .”
  1. Panikkar tiếp tục gợi ý rằng, nổ lực để đạt thinh lặng của cuộc sống không được làm nó xa cách tầm quan trọng của các sinh hoạt hằng ngày – ăn uống, làm việc, tiếp xúc, tiêu khiển lành mạnh. Tuy nhiên phải có những khoảng thời gian dành riêng cho một cuộc sống thinh lặng lành mạnh, khi xác thân, quả tim, tâm trí chúng ta lặng yên đủ để, cách này cách khác, chúng ta có thể cảm nhận được những gì ở bên kia các sinh hoạt hằng ngày chúng ta, và đó chính là ngọn nguồn của chúng, chính cuộc sống và Thiên Chúa.
Làm sao chúng ta đạt được? Đó chính là những gì mà mọi nền tảng thiêng liêng chân thực đang cố gắng dạy chúng ta. Dù các cách thức gợi ý có khác nhau nhưng có một số điểm mà mọi nền tảng thiêng liêng chân thực đều nhất trí:
Trước hết, tất cả các con đường truyền thống lớn đều nói rằng, đường đi thì đơn giản, nhưng không dễ!
Tiếp đó, trong mỗi cách của mình, họ nói với chúng ta những gì Đức Giê-su đã nói với chúng ta, đó là, con đường dẫn chúng ta đến với chiều sâu đích thực, với trải nghiệm Thiên Chúa, không phụ thuộc vào bất cứ một cách thức cầu nguyện đặc biệt nào cả, nhưng dựa vào “tâm hồn trong sạch” (Mt 5, 8), đó là, dựa vào một một đức tính đạo đức, một tính vị tha nào đó để đưa chúng ta đi xa khỏi bạo quyền và tính sùng bái của cái tôi.
Và làm sao thực hiện được?
Mỗi nền tảng thiêng liêng đều có con đường riêng của mình, nhưng, một lần nữa, họ đều nhất trí với nhau về một số yếu tố không nhân nhượng:
Bất cứ hành trình nào dẫn chúng ta về phía Thiên Chúa cũng đều đòi hỏi, trong một chừng mực nào đó, một hình thức tu tập lành mạnh, thực hành chay tịnh, tôi luyện chân chính và một trật tự kỷ luật trên vô số các ước muốn và các cảm xúc ám ảnh tác động vào chúng ta. Chúng ta phải đập tan những gì mà các bậc thầy thiêng liêng gọi là “bạo quyền của cái tôi” và Panikkar gọi là “sùng bái cái tôi”. Chúng ta không thể chạm đến được ngọn nguồn sâu kín của cuộc sống nếu các sinh hoạt của cuộc sống quá bị chi phối và ám ảnh để chúng ta không bao giờ thấy được bản sắc và ý nghĩa của một cái gì đó ở bên ngoài chúng. Đó là lý do tối hậu ẩn sau các đời sống tu tập và chay tịnh chân chính, chúng ta buông bỏ những chuyện, dù chúng tốt, để đến được ngọn nguồn sâu hơn, đó là chính cuộc sống và Thiên Chúa.
Và việc tu tập này, nhờ đó mà chúng ta đến với thinh lặng của cuộc sống, thì nó cũng sẽ đòi hỏi trong một chừng mực nào đó, một đời sống thinh lặng, một kỷ luật tự nguyện cố gắng (không phải để ngừng suy nghĩ và ngừng cảm nhận vì nó khả thể) nhưng là để bản thân chúng ta chạm đến tư tưởng và cảm nhận ngay tại nguồn gốc của chúng. Một bản văn Ấn giáo nói rằng chúng ta tìm thấy Thượng Đế trong “lương thực”, trong tất cả những gì thấy được, nghe được, và hiểu được, nhưng bản văn còn viết thêm ngay chúng ta chỉ trải nghiệm các sinh hoạt của mình như trải nghiệm Thiên Chúa nếu chúng ta dành ra nhiều thì giờ, tự nguyện gác lại các sinh hoạt này và giữ thinh lặng để có thể thấy được những gì đằng sau chúng.
Các thực hành suy ngẫm và chiêm nghiệm, dù khác nhau về cách thức, nhưng mục đích chính vẫn là giữ “cuộc sống thinh lặng” một chút để ngồi lại một ít thời gian trong “thinh lặng của cuộc sống .”
Không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng. Đó là ngôn ngữ chúng ta cần thực hành.
J.B. Thái Hòa dịch