Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 12/09/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6: 12-19)

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và anh ông là Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Bartôlomêô và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđô đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

Suy niệm 1

Ơn gọi Kitô hữu là một mầu nhiệm trải dài trong mọi biến cố của con người. Kể từ khi chúng ta thuộc về Chúa qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã được dạy cho biết sống trung thành với Đấng là Chúa của niềm tin và tình yêu tuyệt đối. Nếu ơn gọi Kitô hữu huyền nhiệm thế, thì ơn gọi dâng hiến, nhất là ơn gọi làm linh mục còn mầu nhiệm hơn gấp nhiều lần. Riêng việc từ bỏ tất cả để dõi theo Đấng mà người ta chỉ có thể gặp qua niềm tin, qua Lời Người thì đã cho thấy có gì đó không hợp với lẽ tự nhiên rồi… Nhưng thực tế, người ta chỉ trung thành với Chúa khi từ bỏ mọi sự quyến luyến đời này để chỉ hướng theo sự quyến rũ của Người mà thôi.

Chúa Giêsu duy chỉ kêu gọi 12 tông đồ, nhưng môn đệ thì nhiều vô kể. Chúng ta hôm nay cũng được gọi là môn đệ vì theo Người, học với Lời của Người, trong môi trường huấn luyện đào tạo của Người. Cứ bước theo từng bước mà Chúa Giêsu đi qua, thì người môn đệ học cho biết yêu là thế nào!

Mỗi chúng ta dù ở trong vai trò nào, hay cấp bậc nào đều có chung một cùng đích là nên hoàn thiện. Do đó, không nên lấy một tiêu chuẩn chung nào cho việc này, không xét trên bình diện thể lý, mà là tinh thần, yêu nhiều thì cho nhiều, hy sinh nhiều, mà càng nỗ lực cho đi bao nhiều, người ta sinh nhiều hoa trái bấy nhiêu. Hay nói khác đi, chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất cho điều này là: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người đã sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Yêu giống như Giêsu chết cho người mình yêu, chết đi để cho người khác được sống. Đó là sự khác biệt cho tình yêu vô vị lợi và tình yêu chiếm hữu.

Bài học theo Chúa Giêsu là hãy biết Chúa yêu ta, và ta yêu Chúa; biết Chúa yêu anh chị em ta và ta yêu anh chị em, đó là cách để biết rằng, chúng ta thuộc về Chúa và chúng ta thực hiện ý Ngài. Chúng ta làm cho mình lớn lên, trưởng thành và đạt đến tầm mức như Chúa muốn là vô cùng thiết yếu để chúng ta ở với Ngài và Ngài ở với chúng ta. Hay nói cách khác là nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2

« Người chọn lấy mười hai ông »(Lc 6, 12-19)
Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi ; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.
  1. Đức Giê-su lên núi
“Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện”. Bởi vì, trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:
Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài.(Tv 15)
Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con.(Tv 18)
Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.
Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.

  1. Đức Giêsu chọn các tông đồ
Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha.
« Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15).
Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi « là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.

  1. Đức Giêsu và các tông đồ xuống núi
Các tông đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện: “Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi người”.
Các tông đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô. Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J