Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

“Các con đừng sợ hãy tiến bước trên đường đời!” - bởi phanxicovn

Filled under:

“Các con đừng sợ hãy tiến bước trên đường đời! Trong vui vẻ và hy vọng!”, Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ Ý vùng Lorette khi họ hành hương về Rôma, ngài đã ở nguyên ngày chúa nhật 17-9 với họ.
Ngày 19 thán 9-2017, báo Osservatore Romano loan tin, Đức Phanxicô đã tiếp các thành viên tham dự ngày hội thứ 20 của tổ chức “Giovaninsieme” (Cùng với người trẻ): một nhóm khoảng 550 thanh thiếu niên nam nữ được các sư huynh Marches hướng dẫn đến Vatican. Đức Phanxicô gần như ở suốt ngày với các bạn trẻ: ngài từ Nhà Thánh Mácta đi bộ qua Hội trường Phaolô VI lúc 9h30 sáng, ngài nói chuyện với các bạn trẻ cho đến giờ kinh Truyền Tin.
Sau đó khoảng 3 giờ chiều, ngài đến gặp họ lại cho tới 16h30. Báo Osservatore Romano nói đây là một “cuộc gặp gỡ không chính thức trong tình gia đình” : “Tất cả diễn ra trong đơn sơ, tự nhiên”.
Lễ “Giovaninsieme” là lễ được tổ chức hàng năm khi bắt đầu năm phụng vụ của vùng Lorette, miền trung nước Ý. Các sư huynh Marches và các nữ tu Dòng Phanxicô Alcantara cùng hợp tác để tổ chức ở Nhà tĩnh tâm “Đất của những chuyện tốt lành” các sinh hoạt cho các em tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên nam nữ,  cho các gia đình, cho những người ly dị và cho các ông bà nội ngoại. Năm nay, nhân sắp có Thượng hội đồng các giám mục dành cho người trẻ, họ được gặp Đức Phanxicô.
Ngày lễ “Giovaninsieme“ bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 ở Lorette với bài giáo lý đề tài là Phúc Âm Chúa Sống Lại, với cuộc hành hương ở Nhà Mẹ Maria và thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Fabio Dal Cin dâng. Chúa nhật, từ 4h30 sáng họ đã lên đường để đến Vatican lúc 8h30 sáng. Họ được ăn sáng ở phòng ăn của Hội trường Phaolô VI và Đức Phanxicô đến lúc 9h30 sáng.
Đức Phanxicô được bề trên tỉnh Ferdinando Campana Dòng các sư huynh Marches đón, ngài hỏi: “Nhưng các em đã được ăn sáng chưa?” Sau đó ngài nghe các em hát và xem các em trình diễn văn nghệ.
Qua một video, các em kể cho Đức Phanxicô nghe cuộc hành hương Axixi của các em gần đây, các em đi từ Lorette đến Axixi, các em tặng ngài bốn món quà của  cuộc hành hương sốt sắng này: một chiếc gậy hành hương đặc biệt có các nút thắt. Linh mục Alessandro trong nhóm giải thích, “mỗi nút thắt là một khuôn mặt, một lời cầu nguyện đã được tín hữu giao phó cho các lữ hành”. Sau đó hai em trẻ mang đến một lọ đựng đất của các làng bị động đất năm ngoái và tượng Đức Mẹ Lorette là tượng hành hương trong các vùng này. Món quà cuối cùng là thánh giá do Roberta Giulini thực hiện theo cây thập giá danh tiếng Portioncule (Axixi).
Sau khi hát bài cầu xin Chúa Thánh Thần là phần nghe Lời Chúa, với thánh vịnh 121, tiếp theo là đoạn Phúc Âm Thánh Luca về hai người lữ hành Ê-mau. Tập trung trên đoạn Phúc Âm này, Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ, thỉnh thoảng ngài chen vào câu hỏi: “Các con muốn thành người lớn hay muốn vẫn là em bé?” Ngài mời gọi các em hãy là nhân vật chính của đời mình, hãy nắm lấy cuộc sống của mình trong tay.
Trong giờ Kinh Truyền Tin, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Phanxicô đã chào nhóm này.
Sau đó, vào buổi xế trưa, Đức Phanxicô lại gặp các em thêm hơn một giờ. Các thành viên trình bày dự án mục vụ, Đức Phanxicô vui đùa với mọi người, bầu khí thật vui vẻ. Kế tiếp là phần trao đổi hỏi-đáp với các em. Các em đặt các câu hỏi về đời sống, đức tin, ơn gọi, tình yêu và gia đình với ngài. Khi từ giã các em, Đức Phanxicô kêu gọi các em: “Các con đừng sợ, hãy tiến bước trên đường đời! Trong vui vẻ và hy vọng!”
Marta An Nguyễn dịch


Đức Phanxicô khuyến khích các bạn trẻ nắm lấy cuộc sống trong tay


Báo Osservatore Romano cho biết, ngày 17 tháng 9-2017, Đức Phanxicô đã gặp một nhóm thanh thiếu niên Ý vùng Marches, buổi gặp này không ở trong lịch làm việc chính thức của ngài. Nhân Thượng Hội đồng về người trẻ và ơn gọi sẽ tổ chức vào tháng 10 năm 2018, Đức Phanxicô khuyến khích các thanh thiếu niên nắm lấy cuộc sống của mình trong tay.
Được các cha Dòng Capuxinô và các nữ tu Dòng Phanxicô hướng dẫn, ngày 17 tháng 9, 550 thanh thiếu niên họp ở Đại Thính Đường Phaolô VI. Trong bối cảnh của Thượng Hội đồng 2018, Đức Giáo hoàng khuyến khích các thanh thiếu niên tham dự ngày kỷ niệm 20 năm đại hội trẻ ‘Giovaninsieme’ nắm lấy vận mạng của mình trong tay.
Ngài gặp các em vào buổi sáng, cầu nguyện và nói với các em về hai người lữ hành Ê-mau. Ngài mời gọi các em hãy là nhân vật chính của đời mình. Trong giờ Kinh Truyền Tin, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Phanxicô đã chào nhóm này. Sau đó, vào buổi xế trưa, Đức Phanxicô lại gặp các em thêm hơn một giờ, ngài trao đổi hỏi-đáp với các em. Các em đặt các câu hỏi về đời sống, đức tin, ơn gọi, tình yêu và gia đình với ngài. Khi từ giã các em, Đức Phanxicô đã kêu gọi các em: “Các con đừng sợ, hãy tiến bước trên đường đời! Trong hy vọng và với niềm vui!”
Marta An Nguyễn dịch

Tôn giáo đích thực là gì?

Ronald Rolheiser, 17-09-2006
Đâu là tinh túy của một tôn giáo đích thực? Rốt cùng, cái gì làm nên cương vị tông đồ đích thực? Ngày nay, có nhiều căng thẳng trong và giữa các nhà thờ về vấn đề này.
Đối với một số người, tôn giáo là tất cả những gì nói đến bản sắc, ranh giới, giáo điều, luân lý, phụng vụ, đề mục. Lúc đó mối bận tâm là trắc nghiệm khả năng trung thành với truyền thống.
Đối với một số khác, tôn giáo có nghĩa là công chính và quan tâm đến người nghèo. Lúc đó mối bận tâm luôn luôn là xem trong mỗi cấu trúc và hành động trên người nghèo có đúng với cảm nhận riêng của mình không.
Cuối cùng, với một số người, tôn giáo mang ý nghĩa hướng nội, bình an tâm hồn, hài hòa với quả đất và với người khác, tha thứ, có tâm hồn cao thượng, có quan hệ mật thiết với Thiên Chúa.
Ai sẽ đúng? Trong một cách nào đó, tất cả đều đúng.
Khi nhìn vào sự phát triển của đạo Do Thái, đạo đã mang Đức Giêsu đến cho  chúng ta, chúng ta thấy các hiểu biết của họ về tôn giáo phát triển qua ba giai đoạn: sách Đệ Nhị Luật, sách Ngôn Sứ, và sách Khôn Ngoan.
Sách Đệ Nhị Luật: Khi dân Do Thái lần đầu tiên thành lập một cộng đồng tôn giáo, các hành động thực tiễn (và khắc khoải về tôn giáo của họ) liên quan nhiều đến việc thiết lập một bản sắc duy nhất, có những giới hạn riêng, gắn bó với một bộ luật luân lý duy nhất, và tuân giữ rất nghiêm ngặt các lề luật. Điều này chính xác là để phân biệt rõ ràng ai ở trong ai ở ngoài, ai theo và ai không theo, ai có lòng thành và ai không có.
Sách Ngôn Sứ: Nhưng quan điểm đó rốt cuộc bị thử thách. Sau một thời gian, khi các ngôn sứ xuất hiện, họ nhìn vào cộng đồng tôn giáo và nhân danh tôn giáo chân chính họ đòi hỏi một trọng tâm khác. Một cách ngắn gọn, họ bắt đầu nói: “Thiên Chúa quan tâm đến người nghèo nhiều hơn việc tuân giữ đạo!” Theo họ, tôn giáo đích thực là quan tâm đến người nghèo. Họ đã chuyển điều này thành lời suy niệm: Phẩm cách niềm tin của chúng ta sẽ được phán xét dựa trên phẩm cách công chính của chúng ta đối với người nghèo ở quả đất này, người bị tổn thương nhất trong xã hội. Không ai có thể vào nước trời mà không có thơ giới thiệu của người nghèo. 
Sách Khôn Ngoan: Nhưng Thánh Kinh Do Thái không chỉ kết thúc với các ngôn sứ, cuối cùng có một cái gì đó khác đã được phát triển. Một nhóm lãnh đạo và giảng dạy tôn giáo khác xuất hiện, họ không những không coi nhẹ các giới hạn riêng, đạo lý hay quan tâm đến người nghèo mà họ còn nhấn mạnh một điểm khác, đó là, lòng trắc ẩn, sự cần thiết phải có một tâm hồn cao cả, đầy lòng quảng đại, có khả năng ôm lấy các khác biệt. Tôn giáo đích thực khi đó trở thành lòng trắc ẩn, cảm thông, tâm hồn quảng đại.
Đức Giêsu đứng về bên nào? Người phê chuẩn hết.
Một mặt, Đức Giêsu làm rõ ràng các chuyện này, bản sắc, giáo huấn, luân lý, phụng vụ không phải là các chủ đề thương thảo có thể hay không thể làm thành một phần nào đó của tôn giáo. Người cảnh báo, một cách rõ ràng và mạnh mẽ, không được phóng túng về các điều răn, lề luật, lễ nghi cộng đoàn, truyền thống.
Nhưng, cũng như các ngôn sứ Do Thái vĩ đại, Đức Giêsu, cũng rõ ràng, ở một điểm, tôn giáo là cách chúng ta quan tâm đến người nghèo. Đơn giản và đơn thuần như vậy. Có lẽ không một đoạn Kinh Thánh nào làm chúng ta sợ hơn là giáo huấn của Đức Giêsu về phán xét cuối cùng trong chương 28, Phúc Âm thánh Mát-thêu. Đức Giêsu nói, vào ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ phán xét dựa trên việc: Chúng ta có quan tâm đến người nghèo hay không? Có cho kẻ đói ăn, khát uống, rách rưới ăn mặc không? Chúng ta nên để ý một chuyện, Chúa không hỏi một trắc nghiệm nào về chính thống, không một công thức tín điều, không câu hỏi giáo lý, thậm chí cũng không có các câu hỏi về đạo đức riêng tư, chỉ một câu hỏi là cách chúng ta đối xử với người nghèo.
Nhưng giáo huấn của Đức Giêsu còn đi xa hơn, đi xa hơn là đòi hỏi lo cho người nghèo. Người nói với chúng ta, “Hãy xót thương như Cha các con trên trời xót thương các con .” Đối với Chúa Giêsu, tôn giáo đích thực, ở một điểm, là theo tầm mức cao cả và phẩm cách quả tim chúng ta, rộng rãi hay chật hẹp, ngọt dịu hay chua cay, thứ tha hay giận dữ, khả năng noi theo tình yêu Thiên Chúa để yêu thương tất cả một cách bình đẳng và nồng ấm, với người xấu cũng như người tốt. Thách đố cuối cùng của Đức Giêsu là làm sao để mỗi người trong chúng ta có một trái tim, như trái tim người cha nhân hậu ôm lấy cả yếu đuối của đứa con hoang đàng và cả giận giữ của người con cả. Trái tim Thiên Chúa không phải là một khu phố chật hẹp, cũng không phải thiên đàng, và để vào được nước trời, chúng ta cần có một trái tim không phải là một trái tim chật hẹp.
Có lẽ tầm nhìn này có thể giúp chúng ta phân loại một vài căng thẳng trong cuộc sống hôm nay, chẳng hạn, các nhóm khác nhau đòi hỏi nhấn mạnh đỉểm này điểm kia xem như đó là tâm điểm của tôn giáo. Các ranh giới, bản sắc, luân lý, phụng vụ, lề luật đều quan trọng, cũng như, dứt khoát, quan tâm đến người nghèo là quan trọng.
Tuy nhiên, sau hết, tất cả điều này phải được hình thành trong một trái tim có khả năng tỏa tình yêu thương của Thiên Chúa, cảm thông, thứ tha, dịu dàng, nồng ấm, yêu thương không phân biệt. Nếu không sẽ đương nhiên và dễ dàng đi đến chua cay, căm thù, bạo lực – tất cả lại được làm nhân danh Thiên Chúa và tôn giáo đích thực.
J.B. Thái Hòa dịch 

Lễ độ: Một đức tính quan trọng cho mọi lứa tuổi!


Lễ độ là bánh xe quay của xã hội, lễ độ không bao giờ là chuyện lội thời. Giữa cá nhân với nhau, lễ độ giúp kết mối dây liên lạc, làm dịu căng thẳng, làm con người sống hòa bình với nhau. Ở mọi lứa tuổi, lễ độ là dấu hiệu của một sự tôn trọng tối cần cho đời sống. Tại sao lễ độ lại quan trọng như thế?
Xin chào, xin chào tạm biệt, xin lỗi, xin vui lòng, cám ơn ... Một cách chung chung, lễ độ là gom lại các quy tắc, luật lệ xã giao để mọi người sống hài hòa với nhau trong xã hội. Lễ độ cũng là cách tỏ ra biết đối xử, biết trình bày, biết lịch sự, biết giao thiệp với nhau. Dạy cho trẻ con lễ độ từ khi còn rất nhỏ là dạy cách ứng xử văn minh. Phong cách lễ độ cũng có thể khác nhau theo văn minh, văn hóa của từng gia đình, từng nơi. Trong những năm 1980, lễ độ bị để qua một bên vì thế hệ trẻ đòi tự do, họ không chịu tuân theo kỷ luật, bây giờ lễ độ là điểm trọng tâm để mọi người sống chung hòa bình với nhau.
Lễ độ cũng là trọng tâm các giá trị kitô giáo. Nó đồng nghĩa với tôn trọng, khiêm tốn và ở một chừng mực nào đó là bằng chứng của sự bình đẳng giữa con người với nhau. Đó là các giá trị thiết yếu để yêu thương, đối xử tốt lành hay có khả năng thực hiện được các hành động tốt mỗi ngày. Trong đời sống thường, từ trẻ con đến người lớn, chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của lễ độ trong giao tiếp.
Lễ độ, để có một đời sống xã hội phát triển
Trong gia đình, trong môi trường nghề nghiệp, giữa bạn bè với nhau, lễ độ là chuẩn mực giao tế giữa người này người kia. Đó là một cách để cư xử. Khi “chào buổi sáng” với người bán hàng, khi nói lời “cám ơn” với con mình, khi nói “xin vui lòng” với cọng sự viên là chúng ta đặt cho đời sống xã hội có một tầm quan trọng. Lễ độ làm cho nhóm lớn lên, để nhóm khỏi bị sống ngoài lề.
Ngoài việc có được một tương quan tốt, lễ độ cũng là lịch sự và thấu cảm. Nó làm cho người kia trở nên nhã nhặn, tôn trọng người khác. Trong một cuộc thảo luận hay khi có mâu thuẫn, lễ độ cải thiện khả năng thuyết phục, làm giảm các căng thẳng và khuyến khích hai bên có được hòa khí. 
Nơi trẻ con, lễ độ là bài học tôn trọng đầu tiên
Dạy cho con mình các quy tắc giữ lễ độ là xây dựng con người của nó và giúp trẻ con tiến triển trong xã hội. Ngay cả những em bé nhỏ nhất cũng phải hiểu và áp dụng một vài nguyên tắc tôn trọng. Các nguyên tắc này cũng là cách để dạy trẻ con ngay từ nhỏ, tôn trọng người khác như mình cũng muốn được tôn trọng như vậy. Đó là những điểm chuẩn để phát triển sự thông cảm và nhắc cho trẻ con hiểu, những người tuy khác nhau nhưng họ cũng bình đẳng ngang nhau.
Để giúp cho trẻ con hiểu thế nào là lễ độ, trước mặt trẻ con, cha mẹ cũng phải tôn trọng các nguyên tắc này. Làm gương là chính.
Lễ độ là giá trị kitô giáo thiết yếu
Chung quanh lễ độ là cả một số lượng lớn các giá trị kitô giáo. Bắt đầu là tha thứ, dù là người tha thứ hay người xin được tha thứ. Mong muốn chính của tha thứ là để tránh xung đột, là loại đi các tấn công như Kinh Lạy Cha giảng dạy. Tha thứ cũng là lời Đức Phanxicô xin trong buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 5 năm 2015, ngài kêu gọi các tín hữu, nhất là các cặp vợ chồng, phải thường xuyên dùng ba cụm từ chính của phép lễ độ là “xin vui lòng”, “cám ơn” và “xin lỗi”. Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải luôn làm dịu xuống các căng thẳng: “Trong đời sống gia đình, vợ chồng thường hay gây gỗ ... chén đĩa có thể bay, nhưng tôi khuyên anh chị em: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa”.
Một lời khuyên phải áp dụng mỗi ngày!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch