Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 18/09/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 7: 1-10)

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ, một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do Thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, tôi có những người lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi, bảo người khác lại, thì nó lại, và bảo đầy tớ tôi làm cái này thì nó làm". Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Suy niệm 1
“Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Đó là lời của một người ngoại giáo thưa với Chúa Giêsu. Lời này chúng ta vẫn lặp lại hằng ngày trước khi lên rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.

Không ai bị ép buộc phải yêu quý nô lệ của mình. Nhưng viên đại đội trưởng đã yêu quý người nô lệ đang đau bệnh gần chết. Đặt vào hoàn cảnh xã hội bấy giờ: nô lệ là hạng người bị khinh bỉ, là một thành phần bị tách lìa khỏi xã hội, nhất là đối với giới làm chủ. Thế nhưng ở đây, viên đại đội trưởng này đã có lòng yêu mến khác thường. Điều này chứng tỏ tuy là lương dân, nhưng ông đã sống tinh thần Kitô giáo, đó là tinh thần của Hiến chương nước Trời: “Phúc thay ai có lòng yêu thương người”.

Hành vi của viên đại đội trưởng khi cho người đến thỉnh cầu Chúa Giêsu đã nói lên rằng:

* Tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng này không bị tập tục con người chi phối và cản trở. Bởi luật không cho phép người Do Thái tiếp xúc với lương dân.

* Tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng đối với nô lệ của mình được thể hiện cách cụ thể và thiết thực bằng cách ông đã sai mấy kỳ mục của người Do Thái đến xin Đức Giêsu cứu sống người nô lệ của ông.

* Tình thương và lòng bác ái của ông ở đây biểu lộ tính cách vị tha, vì chỉ muốn cho người nô lệ của mình được cứu sống; tính cách vô vị lợi: không tìm mối lợi cho mình, nhưng sẵn sàng quên mình.

Như vậy tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng này rất gần với tinh thần Kitô giáo, phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu là yêu tha nhân như chính mình.

Và với lời cầu xin: “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”, diễn tả tính cách của lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa và lời cầu xin này có hiệu nghiệm.

Lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng được thể hiện ở chỗ chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Chúa Kitô, là tin vào Chúa hơn là tin vào ơn ban, hoặc những việc Chúa làm.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương mọi người, và xin cho chúng con cũng biết thể hiện một niềm tin mạnh mẽ, một tình mến thiết tha khi đến với Chúa và đến với anh chị em của chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
1. Lời ông đại đội trưởng và phụng vụ Thánh Thể
Đức Giêsu đang trên đường đến nhà ông đại đội trưởng, khi không còn bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Ngài: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.” (c. 6) Như chúng ta đều nhận ra, lời này được Giáo Hội đưa vào trong phụng vụ Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
So sánh hai lời nói này, chúng ta nhận ra có một vài khác biệt: viên đại đội trưởng nói cho người đầy tớ mà ông yêu quí, còn chúng ta, chúng ta nói cho chính mình; lời của viên đại đội trưởng liên quan đến chữa lành thể xác, còn lời nguyện của chúng ta trong Thánh Lễ liên quan đến chữa lành tâm hồn; Đức Giêsu đã không vào nhà viên đại đội trường, nhưng trong Thánh Lễ, Đức Giêsu vào luôn trong “nhà chúng ta”, nghĩa là vào trong nội tâm và vào trong cuộc đời của chúng ta.
2. Lời Người và Lời Chúa
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, có một điểm chung là lòng tin, lòng tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Lòng tin vào sức mạnh của Lời Đức Giêsu của viên đại đội trưởng thật đơn sơ, nhưng thật vững chắc và rất hợp lí. Bởi vì, ông khởi đi từ kinh nghiệm của chính mình: lời của ông cũng có sức mạnh:
Tôi bảo người này: « Đi! », là nó đi; bảo người kia: « Đến! », là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: « Làm cái này! » là nó làm. (c. 8)
Chúng ta thường đối lập lời nói với việc làm, và trong tương quan này, lời nói thường bị hạ thấp. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chứng kiến sức mạnh của lời nói: lời nói không những không kém hơn hành động, nhưng còn tạo ra hành động. Để diễn tả tương quan và để tạo ra hiệu quả, lời nói cũng như hành động đều có những mức độ sức mạnh khác nhau. Trong trường hợp của viên đại đội trưởng, chúng ta thấy lời của ông có sức mạnh làm cho chuyển động, làm cho thực hiện và sinh hoa kết quả.
Trong tương quan với nhau, và nhất là trong cộng đoàn, chúng ta đều có kinh nghiệm này: không chỉ lời của bề trên có sức mạnh, mà lời của mọi người đều có sức mạnh: sức mạnh tạo ra sự sống và làm cho sự sống lớn lên, sức mạnh an ủi và chữa lành tâm hồn khi nói những lời đón nhận, cảm thông và tha thứ, sức mạnh tạo ra sự hiệp nhất; và sức mạnh của lời nói cũng có thể làm thui chột sự sống và có thể giết chết. Sách Huấn ca nói: « Có nhiều người ngã gục vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? » (Hc 28, 18). Như thế, lời con người có sức mạnh làm cho sự sống lớn lên, hay giết chết sự sống. Và nếu lời người có sức mạnh ghê gớm như thế, Lời Chúa còn có sức mạnh lớn hơn biết bao : Lời Chúa là Lời hằng sống và ban sự sống; như chính Đức Chúa nói trong sách Isaia:
Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời,
không trở về với trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.
Thì lời ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng ta,
sẽ không trở về với ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của ta,
chưa chu toàn sứ mạng ta giao phó (Is 55, 10-11)
Và nơi Đức Giê-su, Đức Chúa không chỉ ban lời, nhưng ban chính Ngôi Lời của Người: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 1-2). Ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt Qua, Ngôi Lời đã thực hiện trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha, đã chu toàn hoàn hảo sứ mạng Chúa Cha trao phó, vì thế, tất yếu sinh hoa kết quả dư tràn, là sự sống mới cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.
3. Lời giao ước
Chúng ta đọc lời tuyên khấn trước mặt Thiên Chúa (và cũng tương tư như vậy, với lời giao ước hôn nhân), với sự hiện diện của cộng đoàn, thế là suốt đời sống theo lời đó. Chúa cũng cam kết với chúng ta và cam kết trước chúng ta, và Ngài sẽ trung tín đến cùng; đơn giản là vì Lời của Ngài và Ngôi vị của Ngài là một.
Xin cho chúng ta cảm nghiệm và xác tín Lời Chúa là lời ban sự sống và tái tạo sự sống: sự sống của từng người chúng ta và sự sống của cộng đoàn. Bởi vì, chúng ta sống không chỉ bằng việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất và thể lí, nhưng còn sống bẳng tương quan nữa : tương quan tình yêu, hiệp nhất, bao dung, đón nhận, tha thứ, cảm thông… Không có những tương quan này, chúng ta không thể sống được, hay sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc, nghĩa là sự chết sẽ hiện diện ngay trong lòng sự sống. Lời Chúa không tạo ra sự vật, nhưng tạo ra những « tương quan sự sống » giữa chúng ta.
* * *
Xin cho lời nói chúng ta trao cho nhau mỗi ngày, cũng là lời tạo ra « tương quan sự sống » theo khuôn mẫu của Lời Chúa, thay vì tạo ra « tương quan sự chết ». Xin cho Lời Chúa cư ngụ trong lời của chúng ta. Lời Chúa cũng là chân lí, vì một khi Ngài nói là “đúng” mãi mãi. Xin cho lời của chúng ta nói với nhau và nói với Chúa, cũng là sự sống và là chân lí. Bởi vì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc