Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Filled under:

Một hướng dẫn thực hành cho những người thấy ngại ngùng trở lại với các bí tích.

Đi xưng tội trở lại sau 5, 10, 15, 30 năm, có thể là một chuyện cực kỳ khó làm. Chúng ta biết mình nên đi, nhưng có phần nào đó trong chúng ta vẫn chần chừ, thậm chí là e sợ việc trở lại với bí tích. Ngoài cảm giác xấu hổ, có lẽ đơn giản là chúng ta quên mất cách xưng tội thế nào.
Với những người còn ngại ngần đón nhận lòng thương xót Chúa, tôi xin đưa ra một hướng dẫn với các bước cụ thể để xưng tội trở lại.
Bước một: Xét mình.
Đây là phần cần thiết nhất của xưng tội. Trước khi xưng thú tội của mình, bạn phải biết các tội của mình. Khi đi xưng tội, người ta nói với linh mục các tội mình đã phạm kể từ lần xưng tội trước. Nếu lần xưng tội trước đã cách đây 20 năm, thì có lẽ là khó thật. Điều cần làm là kể với linh mục mọi tội trọng mà mình nhớ được.
Chúng ta thường ghi nhớ những tội “nặng” này, nhưng nếu khó quá, có thể tìm một bản xét mình để thuận tiện hơn. Khi xưng với linh mục, hãy nói ra tội đó và số lần đã phạm, hoặc ít nhất là ước chừng.
Khi nghĩ về các tội này, hãy nhớ rằng vị linh mục đã từng nghe đủ thứ tội rồi. Bạn không khiến cha thấy ngạc nhiên hay sốc đâu.
Và hãy nghĩ đi xưng tội như là đi gặp bác sĩ. Nếu không nói cho bác sĩ biết bạn bị đau ở đâu, làm sao bác sĩ trị được cho bạn. Tương tự như thế, nếu không nói cho linh mục nghe về tội của mình, thì cha không thể ban phép xá giải và giúp chữa lành vết thương linh hồn này được.
Bước 2: Tìm thời gian biểu giải tội của nhà thờ trong vùng, hoặc hẹn gặp linh mục.
Nếu đã lâu không đến với Chúa, tốt nhất bạn nên hẹn gặp riêng với linh mục giáo xứ. Nhưng nếu bạn không quen biết linh mục nào thì cũng khó. Thay vào đó, hãy tìm giáo xứ gần nhất, và tìm hiểu giờ giải tội.
Một chuyện quan trọng nữa, là hãy đến sớm, và cố gắng đứng đầu hàng chờ trước tòa giải tội nhé.
Bước 3: Vào tòa giải tội và bắt đầu xưng tội.
Nếu chưa xưng tội trong nhiều năm, hẳn bạn không biết là nhiều giáo xứ đã không còn dùng các tòa giải tội theo kiểu cũ, mà thay vào đó là các phòng Hòa giải. Trong một căn phòng, bạn vẫn được xưng tội ẩn danh sau một tấm màn, nhưng bạn sẽ ngồi thay vì quỳ. Bạn cũng có thể chọn cách xưng tội mặt đối mặt, đây là một chọn lựa tốt cho những ai quen biết vị linh mục và thường xuyên xưng tội với cha đó, bởi như thế cha có thể cho những lời khuyên thiêng liêng cụ thể hơn. Ở tòa giải tội, mọi người thường chờ theo hàng, và người này ra thì người kia mới vào.
Linh mục thường mở đầu, mời bạn xưng thú tội của mình. Amen .” Rồi bạn bắt đầu xưng tội. Tốt nhất, nên cho linh mục biết, “Thưa cha, con đã xưng tội cách đây ....năm rồi. Con đã phạm những tội này ... .”
Rồi bạn bắt đầu kể các tội của mình. Một cách để bạn dễ dàng nhớ ra đầy đủ các tội của mình là hãy viết ra một mảnh giấy, đem theo mình.
Bước 4: Lắng nghe lời khuyên nhủ của linh mục, và nói lời ăn năn.
Linh mục sẽ nói những lời khích lệ bạn trên con đường đức tin. Rồi cha sẽ cho bạn một “việc đền tội” cụ thể, có thể là 10 kinh Lạy Cha, hay một việc gì đó có liên quan đến tội của bạn. Sau đó, cha sẽ mời bạn đọc một lời cầu nguyện thể hiện lòng sám hối ăn năn. Ở Việt Nam, chúng ta thường dùng kinh Ăn năn tội. Bạn có thể in sẵn ra để đọc.
Bước 5: Thả mình trong lòng thương xót Chúa, và đọc kinh đền tội (nếu có việc đền tội khác ngoài đọc kinh, thì bạn nhớ làm sau khi ra khỏi nhà thờ).
Ở lại trong nhà thờ một lát, tạ ơn Chúa! Chúa vừa xóa sạch tội của bạn! Chúc tụng Chúa và để bình an của Chúa đi vào lòng mình. Cam kết với Chúa, và khi rời nhà thờ, bạn bắt đầu một chương mới trong đời.
Chúa luôn có đó mỗi khi chúng vấp ngã. Hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, và để ơn Chúa đi vào mọi khía cạnh đời mình. Và bạn nhớ lên kế hoạch xưng tội lại nhé.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Hòa giải không phải là chính đáng hóa những tình trạng bất công


Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ ở Catama, Villavicencio, một thành phố công nghiệp lớn và là trung tâm thương mại quan trọng của Colombia. Có thể nói, hôm nay là ngày quan trọng nhất trong chuyến tông du Colombia lần này. Đây là ngày đặc biệt dành riêng cho hòa giải, với trung tâm là các nạn nhân của bạo lực cũng như những người gây ra bạo lực đã thừa nhận tội ác của mình.
Đức Giáo hoàng đáp xuống sân bay quân sự ở Villavicencio trễ hơn nửa tiếng. Trên chiếc xe nhỏ, Đức Giáo hoàng đi qua con đường với vô số người đang chờ đón, cố gắng tìm cách đến gần ngài. Đức Giáo hoàng hạ cửa sổ, vẫy tay chào hỏi và chúc lành cho mọi người.
Đầu thánh lễ, Đức Phanxicô tôn phong một giám mục và linh mục của Colombia lên bậc chân phước, đây là hai vị tử đạo trong cơn binh biến bạo lực đã hằn dấu lên quê hương này trong hơn 70 năm. Giám mục  Jesús Emilio Jaramillo Monsalve của Arauca, một mục tử tận tâm với các vấn đề xã hội đã bị tra tấn và bị giết vào năm 1989, do phiến quân ELN, họ không chấp nhận việc cha cộng tác với chính phủ trong những khởi xướng dành cho người nghèo. Và cha Pedro Maria Ramirez Ramos bị giết vào năm 1948, bởi một phiến quân vì tin rằng cha là người ủng hộ phía bảo thủ.

Trong bài giảng, Đức Phanxicô nhắc lại những người phụ nữ được nhắc đến trong phả hệ của Chúa Giêsu, “dù cho không một ai được xếp vào hàng vĩ đại trong Cựu Ước, nhưng chính họ, những người trong phả hệ của Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết là có dòng máu dân ngoại trong người Chúa Giêsu, và cho chúng ta biết câu chuyện của những mảnh đời bị khinh miệt. Trong những cộng đồng vẫn còn nặng tính gia trưởng và trọng nam, thật tốt khi thấy được rằng Kinh thánh mở đầu bằng cách nêu bật những người phụ nữ có ảnh hưởng và làm nên lịch sử.
Người dân Colombia là dân Chúa, và chúng ta cũng có thể viết nên những phả hệ đầy những câu chuyện, đầy yêu thương và ánh sáng, và cũng có những bất đồng, xúc phạm, thậm chí là cả cái chết .... Trong số anh chị em, biết bao nhiêu người có thể kể lại cảnh lưu đày và khốn khổ! Biết bao nhiêu phụ nữ đã âm thầm chịu đựng một mình, và biết bao nhiêu người cố gắng gạt đi những oán giận khinh ghét, với hy vọng đem lại công bằng và sự trìu mến!
Làm cách nào để đón nhận được ánh sáng? Những con đường hòa giải đích thực là gì? Như Đức Mẹ, là bằng cách nói “vâng” với toàn thể lịch sử, chứ không phải chỉ một phần lịch sử. Như thánh Giuse, bằng cách bỏ qua những đam mê và tự kiêu của mình. Như Chúa Giêsu Kitô, bằng cách nắm lấy lịch sử. Đấy chính là anh chị em, là người dân Colombia, khi anh chị em tìm thấy chân tính của mình. Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi sự này, nếu chúng ta “xin vâng” với sự thật, với sự thiện, với hòa giải, nếu chúng ta lấp đầy lịch sử tội lỗi, bạo lực và loại trừ của mình bằng ánh sáng Tin mừng.
Hòa giải không phải là một từ mơ hồ, bởi nếu nó là thế thì nó chỉ đem lại sự cằn cỗi và xa cách. Hòa giải nghĩa là mở ra cánh cửa cho tất cả mọi người đã trải qua thực tế thương tâm của cuộc xung đột. Khi các nạn nhân vượt qua được cám dỗ muốn báo thù, thì họ trở nên những người đáng tin cậy cho tiến trình xây dựng hòa bình. Điều chúng ta cần là có ai đó can đảm đi bước đầu tiên, không chờ đợi. Chúng ta cần một người tốt mang trong lòng hy vọng! Và mỗi người chúng ta có thể là con người đó!
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lờ đi hay che đậy những sự khác biệt hay xung khắc. Không có nghĩa là chính đáng hóa những bất công của thể chế và cá nhân. Cội nguồn của hòa giải không thể chỉ là thuận tiện hóa những tình trạng bất công. Thay vào đó, như thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Hòa giải là cuộc gặp gỡ huynh đệ, những người vượt qua cám dỗ của cái tôi và gạt bỏ những cố gắng ngụy biện công lý .”
Chúng ta cũng đã từng trút hung bạo muốn chiếm giữ và đè nén của chúng ta lên tự nhiên. Nhưng như những năm qua, đất nước anh chị có một bài hát: “Cây cối đang khóc, chúng chứng kiến quá nhiều năm bạo lực. Biển đổi màu nâu, hòa trộn giữa đất và máu .” Chúng ta cần phải “xin vâng” với hòa giải, và có lẽ cần cả lời “vâng” của chúng ta với tự nhiên.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch