Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/09/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 9: 43b-45)

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả những việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Suy niệm 1

 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.

Chúa Giêsu biết rõ cuộc thương khó của Người là một huyền nhiệm! Quả thật, đối với các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu tiên báo rằng Người sẽ chịu đau khổ và chịu chết, họ hoang mang và rất khó chấp nhận. Đó không phải là điều họ mong muốn và kỳ vọng. Họ trông chờ một Đấng Messia vinh thắng, Đấng không bao giờ thất bại và có thể giải thoát họ khỏi sự áp bức của đế quốc La Mã. Thế nhưng, Chúa Giêsu, Đấng giải thoát đích thực, đã có một con đường khác: con đường thương khó, hy sinh cả mạng sống mình và rồi phục sinh. Chính bằng con đường đó mà Người đã giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã không giấu diếm các môn đệ về con đường cứu độ huyền nhiệm của Người. Trái lại, Chúa Giêsu còn chuẩn bị cho các ông và mong muốn họ đón nhận với lòng tự do và yêu mến chân thành. Có như thế, các môn đệ mới vững tin và kiên trung bước theo Thầy của mình đến cùng.

Tin Mừng ngày hôm nay một lần nữa giúp chúng ta khám phá tình yêu bao la của Thiên Chúa nơi chương trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, cũng mang lại niềm hy vọng cho chúng ta, nhất là khi phải đối diện với khó khăn, đau khổ của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, nếu như cuộc đời chúng con không thể tránh khỏi những thử thách, gian truân, thì xin cho Lời Chúa trở nên nguồn sức mạnh và hy vọng, để chúng con có thể trung thành và can đảm bước theo Chúa đến cùng. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại: “mọi người bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su đã làm”. Thật vậy, Ngài vừa chữa lành một bé trai bị quỉ ám, mà các môn đệ bất lực (x. Lc 9, 37-43a); trước đó, còn có biến cố Đức Giê-su biến hình sáng rực trên núi (x. Lc 9, 28-36). Mọi người, trong đó có các môn đệ, đang bỡ ngỡ, nghĩa là kinh ngạc thán phục.
Những gì xảy ra giữa các môn đệ sau đó, nghĩa là khi các ông tranh luận với nhau ai trong các ông là người lớn nhất (bài Tin Mừng của thứ hai tuần tới: Lc 9, 46-50), làm cho cho chúng ta hiểu rằng, đó là sự bỡ ngỡ với hi vọng là mình sẽ được vinh quang, được làm lớn, khi đi theo Đức Giê-su!
*  *  *
Chính lúc đó, Đức Giê-su đột ngột nói về viễn tượng tương lai rất gần: “Con người sắp bị nộp vào tay người đời”! Đó là lời loan báo về cuộc Thương Khó. Nhưng lần loan báo này không giống như những lần loan báo khác, vì lời loan báo này vừa bế tắc và vừa trái ngược. Bế tắc, vì không có phần loan báo mầu nhiệm Phục Sinh như lần loan báo thứ nhất (bài Tin Mừng hôm qua, thứ sáu: Lc 9, 22); trái ngược, vì Đức Giê-su quyền năng như thế, nhưng tại sao lại sắp bị nộp vào tay người ta được?
Ngoài ra, trước khi loan báo cuộc Thương Khó, Đức Giê-su muốn các môn đệ lưu ý cách đặc biệt: “Phần anh em, hãy lắng nghe cho kĩ những lời sau đây: Con Người…” Điều này có nghĩa là, câu nói có vẻ bề ngoài vừa bế tắc và vừa trái ngược của Đức Giê-su, nhưng lại có tầm quan trọng quyết định đối với sứ mạng của Người, đối với ơn tha thứ và ơn giải thoát con người khỏi Sự Dữ, đối với kế hoạch thông truyền sự sống và sự sống viễn mãn của Thiên Chúa cho con người, đối với lịch sử cứu độ, đối lịch sử loài người, và đối với từng người chúng ta.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Đối với loài người, là sỉ nhục và điên rồ, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, lại là khôn ngoan và sức mạnh, như thánh Phao-lô đã nghiệm ra:
Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1Cr 1, 22-24)
*  *  *
Về phần các môn đệ, như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng: “Các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”. Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ, bởi lẽ, chính chúng ta, vốn đã được học biết về Đức Giê-su, về mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài hơn các môn đệ rất nhiều, nhưng thực ra, trong sâu thẳm của lòng và của trí chúng ta, chính chúng ta cũng chẳng hiểu cùng tận tại sao Đức Giê-su lại để mình rơi vào tình cảnh như thế, tại sao Chúa lại phải đi con đường Thương Khó.
Nhưng có một điều chúng ta không nên bắt chước các môn đệ, đó là sợ không dám hỏi Đức Giê-su. Chúng ta được mời gọi đi vào tương quan đích thân với Đức Giê-su trong cầu nguyện, giải bày những ưu tư của chúng ta cho Ngài về hành trình vác Thập Giá của Ngài, và về hành trình vác Thập Giá của chính chúng ta, và nhất là lắng nghe Ngài giải thích trong các Tin Mừng và trong tất cả Sách Thánh. Chính lời của Người sẽ làm cho con tim chúng ta bừng cháy (x. Lc 24, 11-35 và 44), khi giúp  chúng ta hiểu được và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được tỏ bày nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc